Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

HƯƠNG VỊ QUÊ HƯƠNG 57

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Đẩy côn bắt cá lóc đồng làm món '' anh hùng nằm trên khối lửa '' nhậu cực kỳ đã
Bắt cá là một trong những thú vui dân dã của người dân miền Tây. Dù bất kể mùa mưa hay mùa khô, họ vẫn có những kiểu bắt cá nhiều đến mức "mỏi tay" để mưu sinh cũng như tận hưởng niềm vui cuộc sống. Nông Dân Miền Tây mời mọi người tận hưởng niềm vui khi bắt được cá  
 

Thú vị những đám cưới vùng sông nước miền Tây

Mùa xuân được nhiều người xem là mùa của những đôi lứa đến với nhau bằng những ngày cưới rộn ràng. Với người dân miền Tây Nam Bộ, đám cưới ở vùng sông nước này vừa rộn ràng vừa thú vị.
Hình ảnh dễ thấy nhất trong đám cưới ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ là nhiều gia đình thức từ rất sớm để chuẩn bị mâm lễ rồi đi rước dâu bằng những chiếc vỏ lãi khi trời còn tối mịt. Vỏ lãi là một loại xuồng ghe nhỏ có gắn máy để chạy ở phía sau. Đây là một trong những phương tiện chính được dùng đi lại trên sông của người dân ở vùng miền Tây Nam Bộ.
Chúng tôi đến dự đám cưới tại nhà ông Chánh, một người quen ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Vì gia đình ông Chánh đã coi ngày giờ trước nên việc đi rước dâu cũng phải đúng giờ giấc, thủ tục. Khi gà còn chưa gáy sáng, những người được chọn đi rước dâu đã thức dậy chuẩn bị. Ai cũng ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, để “lấy le với nhà gái” – như lời đùa của chú rể.

Rước dâu bằng vỏ lãi
Rước dâu bằng vỏ lãi
Đúng 4 giờ sáng, cả đoàn người bắt đầu xuống vỏ lãi đã đậu sẵn ở phía dưới sông trước nhà. Đoàn người thì đông mà vỏ lãi thì nhỏ nên sau khi sắp xếp cho những người lớn tuổi ngồi trước, vì chật chỗ nên bọn trẻ chen chúc ngồi tạm, có người ngồi cả trên đầu mũi vỏ lãi.
Gia đình ông Chánh rước dâu ở tận Cà Mau nên tuyến đường đi khá dài. Trên đường đi, người thì mỏi vì ngồi chật, người bị nước tạt ướt hết cả áo quần, nhưng ai cũng vui tươi. Chúng tôi còn được nghe những người lớn tuổi kể mấy chuyện rước dâu thuở ngày xưa còn “cực khổ” hơn nhiều.
Ông Sáu San – người được chủ nhà mời làm đại diện họ nhà trai – kể, hồi đó làm gì có xuống máy như bây giờ nên những người cỡ tuổi ông cưới vợ ở xa, cả đoàn người đi rước dâu bằng xuồng chèo, hết 2 – 3 ngày mới tới nhà gái. Đoàn rước dâu phải đem theo cả cơm ăn, nước uống cứ như đi làm đồng.
Đi rước dâu bằng vỏ lãi, khổ nhất là lúc máy dầu bỗng dưng dở chứng tắt giữa chừng. Máy hỏng giữa chừng, nhà gái còn xa, ông Chánh và anh con trai lo ngay ngáy. Những người khác nỗ lực dùng tay làm mái chèo để giữ cho chiếc vỏ lãi không bị trôi. Nhiều người trong đoàn cho biết, việc cái máy dầu tắt ngúm luôn không chịu chạy nữa là chuyện vẫn hay xảy ra. Lúc đó chỉ còn cách nhờ một chiếc vỏ lãi nào đó đi ngang qua trợ giúp kéo đi hoặc cả đoàn chia nhau mà bơi.

Đám cưới đi qua cầu khỉ
“Xả láng, sáng về sớm”
Ở miền Tây, khi cô dâu, chú rể làm lễ bên trong nhà thì ở bên ngoài, những người đi rước dâu bên nhà trai được họ nhà gái tiếp đãi hết mình. Già tiếp già, trẻ tiếp trẻ, quen có, lạ có làm cho không khí bên ngoài rạp hết sức sôi nổi. Việc tiếp đãi không thể thiếu những ly rượu mừng nên giữa hai bên liên tục mời nhau dù bụng ai cũng đói meo. Người ta thường nói vui, đi rước dâu ở vùng miền Tây thì phải chọn ai có “máu mặt” về tửu lượng mới cho đi. Khi đoàn rước dâu ra về, họ nhà gái còn tặng vài chai rượu kèm đĩa mồi để đoàn rước dâu nhậu trên đường về.
Miền sông nước nhiều xuồng ghe qua lại nên chuyện tạt nước vào nhau là khó tránh khỏi. Có những đám rước dâu, cô dâu ướt cả người vì bị nước tạt vào hay có những chú rễ chịu trận mưa nước để bảo vệ vợ. Có những chú rể uống “quá sung” nên ngủ luôn trên đường rước dâu về.
Chuyện vỏ lãi rước dâu bị chìm vì quá tải cũng xảy ra không ít.
Sau khi vỏ lãi cập bến nhà trai, chú rể phải cẩn thận từng bước một để đưa cô dâu lên bờ, bởi vỏ lãi thường rất trơn kèm thêm sóng nước nên rất dễ bị ngã. Bên nhà trai lúc này “trả đủa” nhà gái bằng cách tiếp rượu hết mình. Người nhà gái phải ngủ lại nhà trai do không về nổi vì quá chén cũng thường xảy ra.
Sau buổi lễ nhận dâu, hành trình rước dâu của một đám cưới ở vùng sông nước miền Tây kết thúc và sau đó là hai họ vui chơi, chúc mừng nhau trong cái tình, cái nghĩa rất đậm đà.
Giờ đây miền Tây sông nước đã nhiều đường đan, đường bê tông, xe cộ lớn nhỏ chạy băng băng. Những đám cưới rước dâu bằng vỏ lãi ít dần. Rước dâu bằng vỏ lãi, xuồng ghe tuy vất vả nhưng là một nét văn hóa đặc sắc không thể quên ở vùng sông nước miền Tây.
Huỳnh Hải (Dân trí)

Cổng cưới lá dừa - Một nét đẹp của miền Tây sông nước

Nếu có dịp về quê và tham gia một đám cưới dân dã, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những điều bình dị nhưng lại đầy nghệ thuật của vùng đất lắm vị mặn và phù sa này. Cổng cưới lá dừa - một nét đẹp văn hóa của vùng miền Tây sông nước Việt Nam, vẫn tồn tại qua ngần ấy thập kỷ. Nó luôn giữ riêng cho mình một nét đẹp, một sự bình dị, dân dã khó thay thế được.


Quay trở về khoảng thời gian trước, những chiếc cổng cưới làm bằng lá dừa là vật không thể thiếu trong mỗi dịp đám cưới tại vùng miền Tây sông nước Việt Nam. Đó như là một nét đẹp văn hóa, một biểu tượng đặc trưng của vùng một quê sông nước nơi đây.


Ngày trước đám cưới ở quê vui lắm, mọi thứ đều được làm tại nhà không cần phải thuê mướn thứ gì từ bàn ghế chén dĩa cho đến mấy thứ vật liệu trang trí và cả nhân công để làm. Vào những ngày cách đám cưới một hai hôm, tất cả bà con họ hàng chòm xóm xung quanh đều tề tựu về nhà có tiệc để phụ giúp. Đàn bà con gái thì phụ chuyện lặt vặt bếp núc trong nhà, còn cánh đàn ông sẽ lo chuyện mổ heo làm vịt hay mượn bàn mượn ghế.


Cổng cưới cho đám cưới miền Tây

Với đám trẻ con ngày xưa, việc thích thú nhất vào mỗi dịp đám cưới là được lăng xăng chạy theo các chú, các anh để phụ giúp việc trang trí cổng cưới. Cái này thì kén người lắm, phải là người thật khéo tay mới làm được. Có một thứ vật liệu không thể thiếu đó là cây đủng đỉnh, cây đủng đỉnh thì ở quê rất dễ tìm, còn cây chuối đâu chỉ dùng để ăn mà thân của nó cũng góp phần tạo nên nhiều điểm nhấn cho mặt tiền cổng cưới.


Ngoài cổng cưới bằng cây chuối ra thì cổng cưới lá dừa rất được người dân nơi đây ưa dùng, để làm nên chiếc cổng cưới lá dừa thì không khó lắm nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ trong từng giai đoạn. Đầu tiên, người ta sẽ phải đi chặt những đoạn thân tre hoặc những cây cau có dáng tốt và thẳng để làm trụ chống hai bên của cổng. Tiếp đến, những tàu lá dừa tươi tốt và đẹp mắt sẽ được chặt xuống, với những tàu lá dừa non bởi vì màu sắc vàng óng của nó nên người ta sẽ dùng để tết thành những bông hoa hồng hay uốn cong để thành hình trái tim hoặc được cắt tỉa lạ mắt để biến thành chiếc rèm buông thả xuống hai bên cổng, còn với những tàu lá dừa xanh sẽ được tết thành những bím dài ép dọc sát tàu lá, người dân ở đây thường dùng nó để trang trí phần chân cổng cũng như che đi phần thân cau. Để tăng điểm nhấn cho chiếc cổng cưới, người ta sẽ còn treo thêm hai quả cầu giấy đỏ vào hai bên tấm biển Vu Quy hoặc Tân Hôn tùy thuộc vào nơi làm cổng là ở nhà trai hay nhà gái, hoặc sử dụng những buồng hoa dừa hay hoa cau để đính trước mặt tiền cổng. Thấy đủ thứ công đoạn và phải làm tỉ mỉ công phu tưởng sẽ mất nhiều thời gian, nhưng chỉ cần đông người phụ giúp thì trong chốc lát mọi thứ đã được bày trí thật bắt mắt theo đúng chất cây nhà lá vườn.


Tiếng cười giòn giã của những đứa trẻ con hòa lẫn cùng tiếng nói đùa kể chuyện sự đời của những người anh, người chú khi cùng nhau quây quần trang trí chiếc cổng, từ lâu đã trở thành hình ảnh quá đỗi thân thương tại nơi đây.Ngày nay, tuy những chiếc cổng cưới bằng lá dừa dần đã bị thay thế bằng chiếc cổng hoa giả vì tính tiện lợi cũng như nhanh gọn của nó. Nhưng đâu đó ở một số nơi tại vùng sông nước miền Tây này, người dân vẫn không thể nào quên được chiếc cổng cưới lá dừa,một nét đẹp văn hóa gắn liền với đời sống con người thắm đượm tình làng nghĩa xóm này.


Theo: Thiên Thanh


Đám cưới vui như thế này thì chỉ có miền tây vùng sông nước
Món ăn tiệc cưới Nam Bộ xưa và nay
Ngày nay, mỗi khi dự tiệc cưới ở Sài Gòn hay nói rộng ra là cả vùng Nam Bộ, ta dễ nhận thấy có sự giống nhau về các món ăn gần như là một công thức với các món tuần tự được dọn lên bàn tiệc, chỉ cần thấy vài món đầu tiên là thực khách có thể đoán được bốn năm món còn lại là những gì.
các nhà hàng sang trọng, món thứ nhất chắc chắn sẽ là một chén súp vi cá (thường là giả vi cá cho có vẻ) hay súp măng tây cua. Còn các tiệc bình thường cũng phải có một loại súp khai vị như thế, tuy chất liệu có thể thấp hơn một chút: vi cá, bào ngư, cua biển được thay bằng lòng trứng gà, măng tre xắt nhuyễn, đôi khi có cả trứng cút. Đã gọi là súp tất nhiên phải loãng, nhưng không loãng như súp của người phương Tây, súp ta luôn pha thêm bột năng, bột bắp sền sệt. Bởi vậy nhìn trong chén súp ta thấy như có những áng mây hòa quyện trên bầu trời, hay rồng - phượng giao nhau (một chút ý tưởng lãng mạn). Đó là lý do để người chế biến thức ăn gọi súp khai vị là món Phong vân hội tụ hoặc Loan phượng hòa mình. Mục đích là chúc mừng cho tân lang tân giai nhân.
Món kế tiếp nhất thiết phải là món ăn khô (không có nước) và thường được gọi là bốn món ăn chơi. Tuy bốn món nhưng không dọn ở bốn đĩa khác nhau, mà bốn món dọn chung một đĩa. Ngày xưa khi còn xính dùng chữ Hán thì món này có tên là tứ bửu (bốn thứ ngon), gồm: gà rút xương sắt lát, chả giò tôm cua, càng cua bách hoa, một món thịt nguội (sau này có khi các đầu bếp giản tiện hóa bằng một món duy nhất trong số bốn món kể trên). Ăn chơi, tức dạng khai vị nghĩa là đi cùng với chén súp, món tứ bửu được dọn trong lúc chờ các món chính của bữa tiệc cưới. Món chính ngày nay thường là gà quay, heo sữa quay hay cá chẽm, cá lóc hấp, cá tai tượng chiên xù hoặc trưng theo nhiều kiểu cách khác nhau. Nhưng khoảng hơn nửa thế kỷ về trước, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long , món chính thịnh hành nhất trong tiệc cưới có cái tên gọi Hán Việt khá cầu kỳ Giang Nam dã hạc và được coi là một món ăn quý, với cách chế biến hoàn toàn theo phong cách người Việt phương Nam. Bây giờ món này hầu như không còn hiện diện trên bàn tiệc, nhất là tiệc cưới, tuy nhiên đó là một món ăn khá độc đáo, thiết nghĩ nên được phục hồi.
Cái tên Giang Nam dã hạc - Nghĩa là con chim hạc đậu trên cánh đồng Giang Nam (tỉnh ở phía Nam song Dương Tử của Trung Quốc, nơi có đồng ruộng phì nhiêu giống miền Tây Nam Bộ của nước ta) – còn được ông cha ta gọi là Kim kê bát bửu hay Phượng Hoàng bát trân (nghĩa là con gà vàng hay con phượng hoàng với tám món quý). Nội cái tên nghe đã thấy “hoành tráng”, mà hoành tráng thật, trên chiếc đĩa bàn là một con gà mái tơ được quay vàng, dưới bụng gà là hàng tá những thức ăn đi kèm (bát bửu hay bát trân – tám món ngon, quý): trứng, tôm càng, cua biển, óc heo, ruột gan heo, chim sẻ lạp xưởng, thịt khô, nấm măng tre; rồi trên lớp măng là một lớp gồm tám quả trứng (có thể hơn, tùy theo số thực khách trong mỗi bàn tiệc) gọi là trứng non, được làm bằng hợp chất gồm thịt sấy khô băm nhuyễn, lạp xưởng xắt hạt lựu, thịt cua biển xé nhỏ, củ hành, nấm rơm hoặc nấm mèo, thêm gia vị vừa ăn rồi vo viên thành hình quả trứng gà nhỏ, được quấn chung quanh một đoạn ruột heo làm sạch, xong đem chiên vàng. Rồi lại một lớp măng, một lớp trứng nữa nhưng lần này là trứng già, được làm bằng tôm càng băm nhuyễn trộn với củ năng xắt nhỏ và bột mỳ, vo viên và cũng quấn ruột heo, đem chiên giòn. Lại một lớp măng, một lớp trứng nữa, nhưng lần này là trứng lộn, làm bằng gan heo bằm nhỏ trộn cùng đậu đen, mè, tương hột, nước cốt dừa, lá chanh hoặc lá rau răm và óc heo, cũng vo viên và cũng cuốn ruột heo rồi đem chiên vàng. Đã có trứng lộn ắt phải có trứng nở con. Lớp trứng trên cùng chính là trứng nở, hay trứng khẻ mỏ mà để tạo thứ trứng này người ta lấy vỏ trứng đã rưa sạch, mở một cái lỗ vừa đủ cho vào một con chim sẻ hay chim dồng dộc đã chiên vàng. Trứng khẻ mỏ cũng ăn kèm với măng tre.
Tóm lại, con gà rôti bên trên được đặt theo tư thế xòe cánh trùm hết số trứng bên dưới, giống như đang ấp trứng. Điều này vừa ngụ ý đã có đám cưới ắt sẽ sinh con, mà số trứng nhiều như vậy là biểu trưng cho hạnh phúc sum vầy và sung túc. Một lời chúc phúc quá tốt đẹp!
Khi ăn, con gà (đã được chặt ra từng miếng nhỏ và ghim dính lại với nhau bằng tăm) được gắp từng miếng cho đến hết; tiếp theo là từng món trứng, mỗi người một qủa. Do được ăn kèm với măng tre luộc nên không ngán. Sau cùng là món cơm chiên, Kim kê bát bửu đúng nghĩa là món ăn chính cho bữa tiệc vì gồm luôn cơm trong đó, thay vì món cơm chiên hay lẩu đi kèm mì như sau này. Dọn cùng lúc với món kim kê thường là một món có nước, hoặc là cù lao (sau này gọi là lẩu) hoặc giò heo hầm củ cải mặn hay hầm ngũ quả (năm loại quả, củ: táo tàu, hạt sen, củ năng, bạch quả, hạt kê hoặc một quả gì khác thay thế).
Kết thúc bữa tiệc cưới là món tráng miệng, cũng giống như ngày nay, gồm bánh ngọt hoặc trái cây.
Đặc biệt, có những điều kiêng kị trong thực đơn tiệc cưới của người Nam bộ ngày xưa, mà bất cứ ai dù giàu sang dù bần hàn đều phải nhớ tránh: các món canh chua, canh đắng và món mắm. Dù miền Nam là nơi sản sinh ra các loại mắm cá đồng với những thứ chế biến từ mắm tuyệt ngon như mắm ruột, mắm kho và rau (ngày nay là lẩu mắm), nhưng không bao giờ mắm có trong thực đơn tiệc cưới. Lý do đơn giản: ngày cưới người ta kỵ những thứ gì gợi lên đắng cay, chua chát và hôi hám (mắm dù ngon nhưng vẫn là món nặng mùi). Tương tự, cá lóc nướng trui dù là một trong những đặc sản chỉ miền Nam mới có, nhưng cũng không bao giờ có mặt trong bữa tiệc, cưới hỏi, trong khi cá hấp thì có. Người ta kiêng bởi hình ảnh con cá nướng trui tượng trưng cho sự cháy xém đen đủi.
Ngày xưa, nhà giàu cỡ nào thì trong tiệc cưới – thường nấu tại nhà – cũng phải có những món kể trên, chủ nhân muốn biểu tỏ sự giàu sang, sung túc của mình thì trên những món đắt tiền khác. Ngày nay, tiệc cưới đa phần đặt ở nhà hàng, các món ăn có nhiều thay đổi, tuy nhiên về trình tự dọn ăn thì chẳng khác xưa là mấy.
Nguồn: website báo Du lịch

Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp

30/08/2017   Lắm Nguyễn   Shop
Mỗi vùng miền trên đất nước ta đều có những đặc trưng riêng, đặc biệt trong việc tổ chức và trang trí đám cưới sẽ cho ta thấy rõ sự khác biệt này. Đối với miền Tây, là miền quê hương sông nước, nổi tiếng với cây trái quanh năm vô cùng phong phú, do đó người dân nơi đây đã tận dụng những thứ sẵn có cũng có thể làm nên một đám cưới vừa đậm chất truyền thống, vừa giản dị gần gũi nhưng trang trọng, dễ thương. Dù ở đâu thì đám cưới luôn được xem là một đám tiệc quan trọng, do đó, ngoài việc chuẩn bị những món ăn ngon, những trang phục đẹp thì công đoạn trang trí rạp và cổng hoa cũng rất được để tâm. Các bạn có thể đoán được cổng hoa trong một đám cưới miền Tây làm bằng gì rồi phải không nào? Đó chính là những tàu lá dừa, một loại cây hết sức gần gũi và được trồng phổ biến ở miền Tây. Đơn thuần chỉ là những tàu lá dừa đơn sơ, người dân đã có thể sáng tạo ra nhiều mẫu cổng hoa cưới sắc sảo và hoành tráng, cũng đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của nơi đây. Sau đây, mời tất cả các bạn gần xa cùng chiêm ngưỡng những mẫu cổng hoa cưới đẹp tại miền Tây sông nước.
Nhiều mẫu cổng kết hình đôi long phụng nghệ thuật, trong vô cùng đẹp mắt. Từ những tàu lá dừa đơn sơ, có thể thấy được sự sáng tạo vô cùng phong phú của người miền Tây.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Không chỉ sử dụng những tàu lá dừa, mà cả buồng dừa, từng trái dừa cũng được tận dụng để trang trí hết sức tinh xảo.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Cổng hoa được gắn thêm nhiều loại cây trái khác như khóm, thanh long, bưởi,…và hoa để tăng thêm màu sắc cho đẹp mắt.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Có thể thấy, cổng hoa cưới được làm từ lá dừa hết sức gần gũi, chân quê. Đây là nét đặc trưng trong một đám cưới truyền thống ở miền Tây.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Ngoài kiểu kết hình long phụng cầu kì, những cổng cưới còn được sáng tạo theo sở thích riêng, mang nhiều hình dáng đẹp, độc và lạ mắt.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Ở miền Tây còn có một loại cây rất hay dùng trong trang trí đám cưới gọi là cây đủng đỉnh, được sử dụng kết hợp với lá dừa tạo nên những cổng cưới mang tính nghệ thuật.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Các bạn có thể lựa chọn những mẫu sẵn có, cũng có thể tự sáng tạo cho mình một cổng hoa cưới mang sắc thái riêng với những tàu lá dừa.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những chiếc lá dừa được dan thành hình những chú cá và trái tim hết sức dân dã, gần gũi.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Sử dụng lá dừa trong trang trí cổng cưới chẳng những giúp tiết kiệm chi phí mà còn tạo nên vẻ đẹp hết sức mộc mạt, màu xanh của lá giúp tạo cảm giác tươi mát, sản khoái.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Bên cạnh lá dừa, thân chuối và cây cau cũng được sử dụng để góp vui trong ngày trọng đại.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Chỉ với những chiếc lá dừa, đã có thể tạo ra chiếc cổng cưới đặc biệt, trông rất đẹp mắt.
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Những mẫu cổng hoa cưới bằng lá dừa miền tây đẹp 2017
Trên đây là những mẫu cổng cưới mang nét đặc trưng của miền quê sông nước, các bạn hãy chọn hoặc sáng tạo cho mình mẫu cổng cưới thật vừa ý để có một đám cưới thật hoàn hảo nhé!
Xem thêm:
Nguồn: Tổng hợp

Xem tiếp...

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 234

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Choáng váng chiến dịch 9 phút thần tốc của tình báo Liên Xô làm thay đổi thế trận một cách khó tin  
Thần tốc chính xác khiến kẻ địch bất ngờ đó là những gì mà tình báo Liên Xô khiến đối thủ không kịp trở tay.

Chiến dịch 9 phút: Chiến dịch không tưởng của tình báo Liên Xô

Để có được nước Nga như ngày hôm nay, không thể thiếu được chiến công thầm lặng và không kém phần quan trọng của lực lượng tình báo nước này.
Ngày 5/11 hàng năm ở Nga được chọn là Ngày Tình Báo của nước này, trong ngày này những câu chuyện huyền thoại về tình báo lại được viết lên trên khắp các mặt báo, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng ở Nga. Có thể khẳng định một điều, tình báo Nga ngày nay và tình báo Liên Xô trước kia là hai lực lượng tình báo tài ba bậc nhất thế giới.
Chiến dịch 9 phút
Vào ngày 20 tháng 8 năm 1968, các đơn vị đặc biệt của Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) của Quân đội Liên Xô đã tiến hành một chiến dịch 9 phút để chiếm giữ sân bay Ruzyne ở Prague (Tiếp Khắc).
Chiến dịch tình báo này cho phép quân đội của khối liên minh quân sự Warsaw thiết lập được cầu không vận để đổ quân vào Tiệp Khắc, chấm dứt các cuộc cải cách mùa xuân Prague - một cuộc cách mạng đòi tự do hóa chính trị ở Tiệp Khắc, kéo dài từ ngày 5 tháng 1 đến ngày 21 tháng 8 năm 1968.
Chiến dịch diễn ra đúng trong 9 phút và cái tên “Chiến dịch 9 phút” đã đi vào lịch sử ngành tình báo quân đội Liên Xô và Nga. Bằng cách cải trang với máy bay dân sự, các lực lượng GRU đã tiếp cận, đổ bộ và chiếm các vị trí quan trọng nhất trong sân bay Ruzyne chỉ trong 9 phút. Các mục tiêu bao gồm đường băng, tháp không lưu, trạm biến áp, lối ra vào và kho chứa nhiên liệu.
Cùng lúc, lực lượng đặc nhiệm của Liên Xô (được triển khai nằm vùng tại Prague từ trước) đã chiếm được toàn bộ các vị trị có vai trò chiến lược ở Prague như đài phát thanh, tháp truyền hình, các đường dây và các trạm viễn thông và thông tin liên lạc,… chỉ trong một đêm.
Chiến dịch 9 phút: Chiến dịch không tưởng của tình báo Liên Xô - Ảnh 1
Tình báo Nga đã giúp quân đội nước này xuất hiện trên mọi ngõ ngách ở Prague chỉ sau đúng 1 đêm. Nguồn ảnh: Encyc.
Chiến dịch diễn ra tốt đẹp đúng theo kế hoạch và chỉ sau một đêm, người dân Prague đều sững sờ khi thấy toàn bộ Tiệp Khắc đã tràn đầy các lực lượng vũ trang tới từ Liên Xô, Ba Lan Đông Đức và Hungary. Sự xuất hiện kịp thời và đúng lúc của các lực lượng quân sự với vũ trang đầy đủ này đã giúp Tiệp Khắc tránh khỏi được một cuộc đảo chính và hơn hết, đã cho cả thế giới thấy được khả năng phản ứng của Quân đội Liên Xô nói riêng và quân đội của khối Warsaw nói chung khi chỉ sau một đêm, trên khắp đất nước Tiệp Khắc “không nơi đâu không có người Liên Xô”.
Chiến dịch lấy cắp tên lửa Mỹ ở Afghanistan
Vào ngày 5 tháng 1 năm 1987, một nhóm binh lính Liên Xô thuộc Lực Lượng Đặc Biệt Đặc Biệt 186 dưới sự chỉ huy của Tướng Yevgeny Sergeev bắt đầu "một cuộc săn thú" trên hai trực thăng vận tải Mi-8 tại Afghanistan.
Mục tiêu của họ là cố gắng thu giữ Stinger, loại tên lửa đất đối không vác vai do Mỹ sản xuất đã được sử dụng rộng rãi bởi các chiến binh Hồi giáo Mujahideen trong cuộc chiến tranh Liên Xô-Afghanistan 1979-1989. Với sự xuất hiện của loại tên lửa này, các phi công Liên Xô có thể bị bắn hạ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Bằng chứng là chỉ trong một thời gian ngắn, 3 trực thăng Mi-24 của Quân đội Liên Xô đã bị tấn công một cách bất ngờ ở những khu vực được Liên Xô “xem là an toàn”.
Chiến dịch 9 phút: Chiến dịch không tưởng của tình báo Liên Xô - Ảnh 2
Tên lửa Mỹ viện trợ cho phiến quân Afghanistan. Nguồn ảnh: Linked.
Kèm theo việc thu giữ được loại vũ khí phòng không cực kỳ hiện đại và độc nhất của Mỹ này, việc Liên Xô nắm được trong tay các hệ thống tên lửa Stinger cũng chứng minh được rằng Mỹ và phương Tây là những kẻ đứng sau, hỗ trợ cho các chiến binh Hồi giáo Mujahideen đang hoạt động ở Afghanistan.
Cuộc tập kích diễn ra hết sức bất ngờ, toàn bộ 16 phần tử cực đoan đang trên đường áp tải các tổ hợp tên lửa Stinger đều bị tiêu diệt, toàn bộ số tên lửa đều được thu giữ cùng với các tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Ả Rập do Mỹ biên soạn cho các phần tử thánh chiến. Những bằng chứng không thể chối cãi này đã chứng minh được sự liên hệ giữa CIA của Mỹ và các lực lượng thánh chiến tại Afghanistan và sự thực là Mỹ không hề phủ nhận mối liên hệ này sau khi được nhìn thấy những bằng chứng hết sức thuyết phục mà Liên Xô trưng ra ở Liên Hiệp Quốc.
Các hoạt động ngày nay
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hiển nhiên là các hoạt động tình báo của Nga sẽ không còn nhiều và táo bạo như trước nữa nhưng điều đó cũng không có nghĩa là phía Nga xem nhẹ việc hoạt động tình báo ở nước ngoài cũng như ở trong nước.
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ việc một
đường dây tình báo của Nga bao gồm 10 điệp viên đã bị Mỹ lật tẩy hồi năm 2010, cả 10 điệp viên trong đường dây này đều bị Mỹ bắt giữ ngay sau đó và một phi vụ trao đổi lớn nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh đã được Washington và Moscow tổ chức để đổi 10 tình báo Nga lấy 4 tình báo Mỹ bị Nga bắt giữ trước đó.
Chiến dịch 9 phút: Chiến dịch không tưởng của tình báo Liên Xô - Ảnh 3
Anna Chapman, nhân vật nổi tiếng nhất trong phi vụ 1 đường dây tình báo Nga ở Mỹ bị bại lộ do có kẻ phản bội. Hiện cô đang sinh sống ở Nga và dường như không còn tham gia các hoạt động tình báo mà chuyển sang làm... người mẫu ảnh. Ảnh: Washingtontimes.
Vụ trao đổi này đã chứng minh rằng các đường dây tình báo của Nga ở nước ngoài hiện vẫn hoạt động hiệu quả và chứng tỏ khả năng tổ chức của Nga là cực kỳ tốt vì dù có kẻ phản bội trong tổ chức song 10 tình báo viên và một đường dây là tất cả những gì Nga mất, tất cả các mạng lưới tình báo còn lại của Nga ở Mỹ cũng như ở châu Âu (chắc chắn là có rất nhiều đường dây như vậy) vẫn được đảm bảo an toàn, không hề có dấu hiệu bị lộ.
Ngoài ra, tình báo Nga hiện tại còn tăng cường chiêu mộ các nhân viên người bản địa hoạt động cho Nga ở nước ngoài, những nhân viên tình báo này sẽ là một mắt xích cực kỳ quan trọng trong bất cứ tình huống nào xảy ra ở nước ngoài mà các lực lượng tình báo của Nga khi được tăng cường đến đây sẽ rơi vào tình huống “lạ nước lạ cái” và không thể hoàn thành nhiệm vụ được nếu không có lực lượng nằm vùng và nhân viên bản địa hỗ trợ.
Nhật Vi

Chiến dịch ám sát của tình báo Israel báo thù vụ thảm sát Munich

Cơ quan tình báo Mossad tiến hành chiến dịch táo bạo ám sát những người bị cho là tham gia vụ thảm sát Munich năm 1972.

Thủ tướng Israel Golda Meir, người thông qua chiến dịch báo thù. Ảnh: Haaretz.
Đêm 5/9/1972, nhóm vũ trang Tháng 9 Đen của Palestine bắt cóc, sát hại 11 thành viên đội tuyển Olympic Israel tham dự Thế vận hội mùa hè năm 1972 tại Munich, Đức. Không lâu sau, Tel Aviv bắt đầu tiến hành chiến dịch báo thù mang tên 'Mivtza Za'am Ha'el' (Sự phẫn nộ của Chúa trời), nhằm ám sát những cá nhân có liên quan tới vụ thảm sát, theo Global Recon.
Chỉ hai ngày sau vụ thảm sát, Thủ tướng Israel Golda Meir thành lập Ủy ban X, một nhóm nhỏ quan chức chính phủ, nhằm xây dựng kế hoạch báo thù. Thủ tướng Meir và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan đứng đầu ủy ban, trong khi tướng Aharon Yariv và giám đốc cơ quan tình báo Mossad Zvi Zamir đóng vai trò chủ đạo trong điều phối chiến dịch ám sát sau này.
Ủy ban X kết luận rằng Israel phải ám sát những người có liên quan tới vụ thảm sát theo những cách kịch tính nhất, nhằm răn đe những kẻ có ý định khủng bố trong tương lai. Yếu tố quan trọng nhất trong kế hoạch là khả năng chối bỏ mọi cáo buộc, không để lại manh mối nào cho thấy sự liên quan giữa những vụ ám sát với Israel.
Một mục tiêu khác của chiến dịch là nhằm trấn áp tinh thần các nhóm vũ trang Palestine. 'Báo thù chỉ là yếu tố phụ, mục đích chính là khiến những kẻ khủng bố phải khiếp sợ. Chúng tôi muốn đối phương cảm thấy rằng tình báo Israel luôn ở xung quanh. Vì vậy, các điệp viên không bắn chết họ trên phố, điều đó quá dễ dàng', cựu phó giám đốc Mossad David Kimche tiết lộ.
Công việc đầu tiên của tình báo Israel là lập danh sách những kẻ tham gia vụ thảm sát Munich. Mossad hoàn thành nhiệm vụ này nhờ sự giúp đỡ từ điệp viên trong hàng ngũ Tổ chức giải phóng Palestine (PLO), cũng như thông tin từ các cơ quan tình báo châu Âu. Các chuyên gia cho rằng Mossad nhắm vào 20-35 mục tiêu, tất cả đều là thành viên tổ chức Tháng 9 Đen và PLO. Sau khi hoàn thành danh sách, tình báo Israel phải xác định vị trí và ám sát những người này.
Giới phân tích vẫn chưa thống nhất được về tổ chức lực lượng tham gia chiến dịch ám sát. Nhiều khả năng Mossad đã thành lập nhiều nhóm tác chiến khác nhau, đáp ứng yêu cầu của từng nhiệm vụ cụ thể, trong đó sĩ quan tình báo Michael Harari là người thành lập và chỉ đạo các đội ám sát.
Có ít nhất 15 điệp viên được triển khai, chia thành 5 nhóm đặt tên theo bảng chữ cái Hebrew. Mũi nhọn của chiến dịch là nhóm 'Aleph' gồm hai sát thủ chuyên nghiệp, được yểm trợ bởi hai tay súng trong nhóm 'Bet'. Vỏ bọc của cả đội được cung cấp bởi hai thành viên trong nhóm 'Heth', trong khi 'Ayin' là nhóm xương sống với 6-8 điệp viên chuyên bám sát mục tiêu và lập kế hoạch thoát ly cho đội sát thủ. Cuối cùng là 'Qoph', gồm hai chuyên gia thông tin liên lạc.
Hoạt động ám sát
Vụ ám sát đầu tiên diễn ra ngày 16/10/1972, khi Abdel Wael Zwaiter bị bắn 12 phát đạn trong căn hộ tại thủ đô Rome của Italy. Zwaiter là đại diện PLO ở Italy, nhưng Mossad khẳng định ông là một thành viên của Tháng 9 Đen, trong khi PLO cho biết Zwaiter không hề liên quan đến nhóm này và ông luôn quyết liệt phản đối các hành động khủng bố.

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường vụ ám sát Zwaiter. Ảnh: Blogspot.
Mục tiêu thứ hai là tiến sĩ Mahmoud Hamshari, đại diện của PLO tại Pháp. Hai điệp viên Mossad đóng giả làm phóng viên để đột nhập vào nhà của Hamshari, sau đó cài một quả bom dưới bàn điện thoại. Ngày 8/12/1972, họ gọi điện cho Hamshari và quả bom phát nổ khi ông nghe máy. Hamshari không thiệt mạng trong vụ nổ, nhưng tử vong vì vết thương quá nặng sau đó chưa đầy một tháng.
Đêm 24/1/1973, một quả bom cài dưới giường phát nổ, khiến Hussein Al Bashir thiệt mạng trong căn phòng tại Cyprus. Mossad cho rằng Al Bashir là chỉ huy nhóm Tháng 9 Đen ở Cyprus, đồng thời có nhiều liên hệ với cơ quan tình báo Liên Xô KGB. Các sát thủ trở lại Paris vào ngày 6/4/1973 với mục tiêu là giảng viên luật Basil al-Kubaissi, người bị tình nghi cung cấp vũ khí cho nhóm Tháng 9 Đen. Ông cũng bị bắn 12 phát đạn, tương tự Zwaiter trước đó.
Nhiều mục tiêu của Mossad sống tại khu vực được canh phòng cẩn mật ở Lebanon, không thể bị ám sát bởi những phương pháp thông thường. Israel tiến hành chiến dịch 'Suối nguồn Tuổi trẻ' để hoàn thành nhiệm vụ. Đêm 9/4/1973, lính đặc nhiệm Israel, trong đó có cả thủ tướng tương lai Ehud Barak, tiến hành hàng loạt cuộc đột kích táo bạo vào những khu nhà tại Beirut và Sidon.
Trong chiến dịch này, đặc nhiệm Israel đã sát hại nhiều quan chức PLO như Muhammad Youssef al-Najjar, Kamal Adwan và người phát ngôn Kamal Nasser. Rami Adwan, con trai của nạn nhân Kamal Adwan, cho rằng cha mình không hề liên quan tới thảm sát Munich, mà chỉ là người tổ chức hoạt động chống lại việc Israel chiếm đóng khu Bờ Tây. 'Vụ tấn công Munich là cái cớ trời cho để Israel ám sát mọi người', Rami Adwan tuyên bố.
Mossad thực hiện thêm 4 vụ ám sát khác, trước khi chiến dịch bị lộ vì một vụ ám sát nhầm. Tình báo Israel đã nhầm Ali Hassan Salameh, người được cho là lên kế hoạch tiến hành thảm sát Munich, với Ahmed Bouchikhi, một bồi bàn người Morocco ở Na Uy.
Mossad đã liên tục tìm kiếm Salameh trong nhiều năm, dù nhiều thủ lĩnh cấp cao của Tháng 9 Đen khẳng định ông này không hề liên quan tới vụ thảm sát Munich.
Mossad tin rằng họ đã phát hiện Salameh khi người này lẩn trốn ở làng Lillehammer, Na Uy và cử nhóm sát thủ đến đây hạ sát mục tiêu vào ngày 21/7/1973. Tuy nhiên, nhóm sát thủ đã giết nhầm Bouchiki, bồi bàn người Morocco không liên quan tới vụ khủng bố.
Vụ việc bị vỡ lở, nhà chức trách Na Uy bắt được 6 điệp viên Mossad, 5 người trong số này phải ngồi tù và được trả về Israel trong năm 1975. Đội trưởng Harari kịp chạy thoát về Israel cũng những người còn lại, nhưng mạng lưới gián điệp và cơ sở của Mossad ở châu Âu đều bị phanh phui.

Salameh (giữa) khi còn ở Lebanon. Ảnh: Jeffrey Keeten.
Sự phản đối của cộng đồng quốc tế sau vụ ám sát nhầm buộc thủ tướng Golda Meir ngừng chiến dịch báo thù, mạng lưới gián điệp tại châu Âu và danh tiếng của Mossad cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, 5 năm sau, Thủ tướng Israel Menachem Begin cho phép Mossad nối lại chiến dịch Sự phẫn nộ của Chúa trời.
Chiều 22/1/1979, Salameh và 4 vệ sĩ thiệt mạng sau khi điệp viên Israel kích hoạt một quả bom dưới xe của họ. Vụ nổ cũng làm 4 thường dân thiệt mạng và 18 người bị thương.
Loạt vụ ám sát đầu tiên trong giai đoạn tháng 10/1972 tới đầu năm 1973 của tình báo Israel chỉ gây ra sự lo lắng cho giới chức Palestine. Thế giới Arab chỉ thực sự choáng váng khi chiến dịch Suối nguồn Tuổi trẻ được tiến hành ngay tại Lebanon.
Sự táo bạo của đặc nhiệm Israel, cũng như loạt vụ đột kích diễn ra ngay sát nơi ở của lãnh đạo cao cấp như Yasser Arafat và Abu Iyad khiến chính phủ nhiều nước Arab tin rằng Israel có thể tấn công mọi lúc mọi nơi. Một số nước Arab bắt đầu gây áp lực, buộc các nhóm vũ trang Palestine hạn chế tấn công Israel, cũng như đe dọa ngừng ủng hộ Palestine nếu các tay súng sử dụng hộ chiếu giả để đột nhập vào lãnh thổ Israel.
Chiến dịch ám sát cũng tạo ra làn sóng tưởng niệm trên quy mô lớn. Khoảng nửa triệu người đã đổ ra đường phố Beirut trong đám tang các nạn nhân cuộc đột kích ở Lebanon. Gần 6 năm sau, 100.000 người, trong đó có nhà lãnh đạo Arafat, đã tham gia đám tang Salameh tại Beirut.
Theo Tử Quỳnh/Vnexpress


Điệp viên nhảy dù chống Liên Xô - Trang sử đen đầu tiên của CIA

Bài 1: Quá tam ba bận!
Năm 2001, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) công bố hơn 3 triệu trang tài liệu về thời kỳ đầu thành lập của cơ quan này, trong đó có 20 hồ sơ về những tên quốc xã trùm sỏ cần được “che chở” để sử dụng nhằm mục đích chống lại Liên Xô được lập vào tháng 11-1944. Sự “bảo vệ và hợp tác” giữa Mỹ và bọn tội phạm chiến tranh Đức quốc xã thể hiện chặt chẽ nhất qua chương trình thả dù gián điệp vào lãnh thổ Liên Xô từ năm 1951 đến năm 1960.
“Chọn mặt gửi vàng”
 
Tướng Reinhard Gehlen - người được Mỹ bảo trợ vì tinh thần chống cộng
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Liên Xô vẫn là một bí ẩn với Mỹ và Tây Âu khi liên tiếp có những hành động khiến các cơ quan tình báo phương Tây bị choáng váng vì bất ngờ: Năm 1948 Liên Xô phong tỏa Tây Berlin; năm 1949 Liên Xô thử quả bom nguyên tử đầu tiên;…
Nhằm thay đổi tình trạng đó, năm 1951, Allen Dulles lên nắm quyền chỉ huy cơ quan tình báo CIA và bắt đầu đẩy mạnh việc phái điệp viên vào Liên Xô. CIA lúc này vẫn còn quá non trẻ, ngoài tiền và trang bị kỹ thuật, Allen Dulles không có gì trong tay và ông ta tìm đối tác chiến lược cho chương trình do thám Liên Xô ngay trong hàng ngũ những kẻ thù cũ - bọn chỉ huy mật vụ, gián điệp của nước Đức phát xít. Thực ra ông ta đã  chú ý làm điều đó từ năm 1949.
Có hai gương mặt nổi lên đáng kể là Trung tướng Reinhard Gehlen, nguyên Chỉ huy trưởng phòng Phương Đông (FHO) của cơ quan tình báo quân sự Đức quốc xã và Thiếu tướng Walter Shellenberg - sĩ quan SD, nguyên Cục trưởng Cục 6 (Tình báo chính trị) của Tổng cục An ninh quốc xã. Sau khi cân nhắc các yếu tố lợi hại về chính trị - ngoại giao cũng như “vốn liếng” của mỗi bên, Allen Dulles quyết định Gehlen sẽ là nhân vật được “chọn mặt gửi vàng”.
Và thế là trường huấn luyện gián điệp mang tên “Liên minh nhân dân lao động” với mục đích chống Liên bang Xô viết ra đời trên cơ sở các trường tình báo quốc xã trá hình trên đất Tây Ban Nha, nay di dời về Tây Berlin. CIA tài trợ toàn bộ kinh phí hoạt động của trường và nắm quyền chỉ huy, điều động trực tiếp còn cơ quan an ninh Tây Đức của Gehlen chịu trách nhiệm tìm nguồn nhân sự học viên, cán bộ giảng, huấn luyện kỹ thuật nghiệp vụ.
Những sai lầm đầu tiên
Để khai thác được nguồn tin từ những gián điệp phát xít mà FHO còn gài lại trên lãnh thổ Liên Xô bắt buộc phải liên lạc trở lại với chúng. Trên lãnh thổ Liên bang Xô viết rộng lớn, để làm chuyện đó bằng những phương pháp như người hồi hương, di cư trở về cố quốc đúng là chuyện không tưởng, huống gì do cuộc phong tỏa kinh tế đối với khối XHCN, các cuộc xâm nhập qua biên giới đất liền và biển càng khó tổ chức hơn. Thế nên “Liên minh nhân dân lao động” đành chọn phương pháp của thời chiến: cho điệp viên nhảy dù. Tháng 7-1951, việc chuẩn bị cho đợt nhảy dù bắt liên lạc lại với bọn gián điệp phát xít của Gehlen còn gài lại trên lãnh thổ Liên Xô đã hoàn tất.
Ngày 18-8-1951, máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ ở Salonika (Hy Lạp) đưa hai điệp viên đầu tiên vào cuộc. Đó là  F.K. Sarantsev, cựu binh nhất Hồng quân bị Đức bắt làm tù binh năm 1943 và A.I. Osmanov - một tên phản bội từng tham gia đội quân giải phóng Nga. Địa điểm thả dù là Mondova.
Sarantsev đến Kavkaz để bắt liên lạc với cụm gián điệp nằm vùng tại đó và sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Osmanov đến Ural sau đó cũng quay về theo lối Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian thực hiện điệp vụ này là 3 tuần. Cả hai đều được trang bị súng ngắn, điện đài cỡ nhỏ, xe đạp gấp của CHDC Đức sản xuất (có bán tại Liên Xô). Ngoài ra, mỗi người còn mang theo 5.000 rúp, vài bọc tiền vàng và một túi đựng đồng hồ để nếu cần thì đút lót công an.
Sau khi nhảy dù, điện đài của cả hai đều cất tiếng lần đầu tiên nhưng sau đó thì im bặt. Mấy tháng sau, báo chí Liên Xô đưa tin ngắn gọn là cả hai tên đều đã bị xử bắn tại Mondova theo phán quyết của tòa án nhân dân.
Ngày 25-9-1951, một máy bay cất cánh từ sân bay Wisbaden (Tây Đức) để thả điệp viên đi lẻ Ivan Aleksandrovich Filistovich xuống gần làng của hắn là làng Ilya ở Vileika phía Bắc Minsk. Sở dĩ Gehlen chấp nhận cho tên gián điệp này đi lẻ là vì tin vào quá khứ sừng sỏ của hắn.
Từng tham gia SS chống quân Anh - Mỹ rồi trốn sang Tiệp Khắc khi Đức thua trận, lại sang Bỉ và vào học Đại học Tổng hợp Thiên chúa giáo, Filistovich được đánh giá là “chống cộng từ trong tư tưởng” khi tình nguyện hoạt động tình báo chống lại Nga. Y đã được làm lại lý lịch thành thợ mỏ bị Đức cưỡng bách lao động ở các trại tập trung và sau đó sinh sống tại Bỉ. Nhiệm vụ là bắt liên lạc với những điệp viên nằm vùng của Gehlen tại Belorussya, lập lại tổ chức và đi vào hoạt động.
Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Filistovich, CIA không cho hắn sử dụng điện đài mà chọn đường liên lạc công khai qua thư viết cho một người bạn ở Paris có kèm báo cáo viết bằng mực mật. Thư báo cáo của Filistovich liên tiếp gửi về địa chỉ ở Paris, tên gián điệp này cho biết cần ở lại Belorussya một thời gian rồi… lặn mất tăm. Hai năm sau, tên và ảnh của Filistovich xuất hiện không phải trên mặt báo mà là trong một cuốn sách nhỏ xinh xắn của KGB mang tên “Những điệp viên phát xít và phản cách mạng bị vô hiệu hóa” được gửi theo đường bảo đảm đến tận tay Reinhard Gehlen kèm lời chúc mừng sinh nhật.
Ngày 8-10-1951, hai điệp viên nữa được Gehlen cho thả xuống Ukraine nhưng không hiểu phi công xác định vị trí tọa độ kiểu nào mà lại thả nhầm xuống lãnh thổ Romania và bị bắt. Lại một phen dở khóc dở mếu đối với “Liên minh nhân dân lao động”. Ba điệp vụ ngắn hạn kết thúc trong sự lặng im của điệp viên và sự ồn ào của báo chí đã khiến Dulles yêu cầu tạm dừng thả dù để kiểm tra, chỉnh đốn lại...
Bài 2: Điệp khúc “nhảy dù - mất tích”
Các cuộc kiểm tra với học viên và giảng viên vẫn tiếp tục chưa có hồi kết… Và mùa hè năm 1952, các vụ gián điệp thả dù được tiếp tục…
Tiếp tục tiếp đất và… mất tích
Reinhard Gehlen sau năm 1972
Ngày 2-5-1952, 3 điệp viên L.K. Koshelev, A.P. Kurochkin và L.N. Voloshanovsky (vốn là lính Hồng quân đào ngũ) được tung từ Iran xuống Bắc Kavkaz. Chỉ có Kurochkin liên lạc được về trung tâm và cung cấp thông tin. Người Mỹ rất hài lòng nhưng chỉ sau đó một thời gian, báo chí Liên Xô đưa tin ngay sau khi tiếp đất, Kurochkin đã đầu thú và chơi “Trò chơi điện đài” với các ông chủ cũ. Còn 2 điệp viên kia đã bị xử bắn.
Tháng 8-1952, Mỹ thả xuống khu vực Vitebsk và Mogilyov của Bạch Nga một lúc 4 điệp viên là M.P. Artiushevsky, G.A. Kotiusk, T.A. Ostrikov và M.S. Kalnhitsky - tất cả là dân di cư cũ được tuyển mộ trong các trại lao động ở Đức. Cả 4 đội lốt những người bị cưỡng bách về Đức và nay bị  Tây Đức xua đuổi với các giấy tờ và lai lịch giả thích hợp. Nhảy dù xong, Ostrikov đầu thú và khai báo tất cả chi tiết về điệp vụ này. Lưới được tung ra, Kalnisky bị bắn chết vì chống cự. Hai tên còn lại bị xử bắn theo phán quyết của tòa, chỉ có Ostrikov được ân xá.
Trước sự lặp lại điệp khúc điệp viên nhảy dù rồi tự thú, Mỹ yêu cầu Tây Đức phải chọn lọc điệp viên kỹ hơn và bổ sung phần giáo dục chính trị về ý thức chống cộng nặng hơn trong chương trình huấn luyện trước khi bắt đầu nhảy dù lại vào năm sau.
Đêm 25 rạng 26-4-1953, một máy bay quân sự cất cánh từ căn cứ không quân ở Hy Lạp đã tung xuống miền Nam Ukraine  4 điệp viên là A.B. Lakhno, S.I. Gorbunov, A.N. Makov và D.N. Remiga. Cả 4 được tuyển mộ và huấn luyện từ năm 1951.
Lần đầu tiên, bọn gián điệp này được trang bị các phao vô tuyến để dẫn đường cho các máy bay gián điệp khác và hướng dẫn cho các máy bay do thám kế tiếp. Địa điểm thâm nhập, bắt liên lạc với điệp viên của Gehlen là Kiev và Odessa.
Sau khi nhảy dù, cả 4 biến mất dạng. Một tháng sau, báo chí Xô viết đưa tin cả 4 bị bắt tại chỗ tiếp đất và đã bị xử tử. Bao nhiêu công phu tan thành tro bụi đồng thời cũng xác định chắc chắn có điệp viên Liên Xô gài trong “Liên minh nhân dân lao động” vì số lượng người được phép biết nhiệm vụ của nhóm này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Mãi đến năm 1954, Mỹ và Tây Đức mới xác định được điệp viên đó chính là cựu Đại úy Nikita Khorunzhim - vị trưởng khoa Nga của trường tình báo mà Gehlen luôn tin cậy. Sau khi bị bắt và bị kết án 14 năm tù giam, Khorunzhim được trao trả về Liên Xô năm 1959…
Ê chề từ một… thắng lợi
Ngày 29-4-1953, nhóm 4 điệp viên là Konstantin Khmelnisky, Ivan Kydryatsev, Aleksandr Novikov và Nikolai Yakuta với trưởng nhóm là Khmelnitsky, cựu hạ sĩ quân đội Liên Xô, một nhân viên điện đài giỏi, được các thủ lĩnh của “Liên minh nhân dân lao động” và chính các cán bộ của Gehlen đánh giá cao tiếp tục được cho nhảy dù vào Liên Xô.
Sau khi nhảy dù, Khmelnisky đã liên lạc với trung tâm báo tin cả nhóm đã phân tán đúng như kế hoạch, hắn ở Minsk và Moglyov. Novikov tới Smolensk. Hai tên còn lại thì im hơi lặng tiếng. Trong 3 năm Khmelnitsky đã chuyển về một khối lượng thông tin lớn, rằng đã đi khắp Liên Xô, bắt lại nhiều mối liên lạc, tổ chức được nhiều chi hội những người bất mãn với chính quyền Xô viết. Các tin tức tuyệt vời đến mức đích thân Allen Dulles phải đến văn phòng BND để cùng Gehlen mở champagne cho thắng lợi này.
Tháng 2-1957, phòng báo chí Bộ Ngoại giao Liên Xô tổ chức cuộc họp báo đặc biệt. Trước mặt 200 nhà báo nước ngoài, 4 gián điệp bằng xương bằng thịt cùng toàn bộ trang bị gián điệp được trình diện. Tất cả đều ủ rũ, nhợt nhạt do 3 năm nằm nhà đá - trừ Khmelnisky. Anh ta cho biết mình là điệp viên Xô viết, đã tiếp xúc với “Liên minh nhân dân lao động” từ năm 1945 nhằm mục đích “khám phá âm mưu phát xít chống lại tổ quốc Xô viết của chúng ta”.
Khmelnisky đã khai báo tất cả về địa điểm học, giáo trình đào tạo và nhiệm vụ cơ bản mà trường này huấn luyện: Tổ chức khủng bố, đánh cắp các tài liệu quân sự và kinh tế của Liên bang Xô viết, phao tin đồn nhảm, lôi kéo các công dân Xô viết vào tổ chức chống đối, bôi nhọ uy tín nhà nước Xô viết qua việc tổ chức chạy trốn sang phương Tây.
Trong 4 năm chơi trò chơi điện đài, ông đã “giúp Liên Xô đánh lạc hướng hoàn toàn Mỹ trong nhiều vấn đề quan trọng và trên cơ sở các chỉ thị nhận được, cơ quan an ninh Xô viết đã khám phá được nhiều bí mật của bọn âm mưu phát xít”.
Quá bối rối, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Adenauer đã phải ra lệnh cho Gehlen chấm dứt các chiến dịch nhảy dù chống Liên Xô để khỏi chuốc những rắc rối quốc tế với siêu cường này. Dù Gehlen có lén lút giúp Mỹ thả dù thêm 3 toán gián điệp nữa nhưng cả 3 toán đều bị bắt và xét xử.
Tất cả những điều đó khiến cho người Mỹ vốn thực dụng nản lòng và không mặn mà với phương thức sử dụng lưới gián điệp mà FHO đã cài lại Liên Xô trong chiến tranh nữa. Giới chức tình báo Mỹ cho rằng lưới này đã bị phản gián Xô viết khống chế, đồng thời điệp viên Xô viết đã thâm nhập các cơ quan tình báo phương Tây, cụ thể là cơ quan của Gehlen ở cấp bậc cao.
Năm 1961, việc người phó của Gehlen là Heinz Felfe - một cựu sĩ quan SD - bị phát giác là điệp viên Xô viết như giọt nước tràn ly chấm dứt hy vọng khai thác lưới gián điệp phát xít FHO trên lãnh thổ Liên Xô. Hơn nữa vào năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik và sau đó đến Mỹ.
Tất cả các quốc gia đều nhận ra ưu thế do thám của vệ tinh gián điệp và với sự bắt đầu của thời đại máy bay do thám U-2, hoạt động trinh thám đường không đã có tiến bộ lớn. Trò nhảy dù gián điệp ồn ào đầu chiến tranh lạnh đã được tất cả những người tham gia thực hiện khai tử trong im lặng. Đồng thời, đối với công luận thế giới, bằng chứng tội ác về sự hợp tác giữa Mỹ và bọn phát xít Đức cũng mau chóng bị lãng quên.
Lâm Hà (SGGP 12G)

“Biết đứng dậy khi bữa tiệc chưa tàn”

10:58 | 17/03/2016
|
Người Nga có câu ngạn ngữ “Biết đứng dậy khi bữa tiệc chưa tàn” và Tổng thống Putin đã biết vận dụng đúng câu ngạn ngữ đó khi quyết định rút lực lượng chính quân đội Nga khỏi Syria vào lúc này.
biet dung day khi bua tiec chua tan
Tổng thống Putin luôn có những quyết định bất ngờ khiến Mỹ và phương Tây bối rối không biết phải "tiếp chiêu" như thế nào 
“Đặc sản” của Putin
Tổng thống Putin hôm 14-3 đã làm cả thế giới bất ngờ khi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bắt đầu rút dần các binh sĩ thuộc lực lượng không quân Nga ra khỏi lãnh thổ Syria từ ngày 15-3, vì nhiệm vụ của họ tại đây đã hoàn thành. Bỗng chốc, những dự đoán, cảnh báo trước đó của phương Tây về cái gọi là “sự sa lầy” của Nga khi can thiệp quân sự vào Syria tự nhiên trở nên ngớ ngẩn đến cùng cực. Nhưng cũng chính lúc này,những đồn đoán, dèm pha nhắm vào nước Nga và cá nhân Tổng thống Putin lại được dịp nổi lên.
Người ta đồn rằng, Nga buộc phải tìm cách rút quân khỏi Syria chẳng qua vì đã ở đường cùng. Họ cho rằng Moskva không chịu nổi phí tổn của cuộc chiến này nữa.
Báo New York Daily News đưa tin ước tính mỗi ngày quân đội Nga “đốt” hết 4 triệu USD ở Syria. Trong khi đó, lệnh cấm vận của phương Tây suốt gần 2 năm trời, cộng thêm việc giá dầu rớt thảm hại suốt thời gian dài qua khiến một đất nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga đã khó khăn lại càng thêm điêu đứng.
Trước mắt, Nga còn phải chịu đựng lệnh cấm vận của Mỹ thêm 1 năm, đến 6/3/2017 và lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đến cuối tháng 7 năm nay. Trong khi đó, triển vọng phục hồi giá dầu toàn cầu càng ngày càng trở nên tăm tối. Ả-rập Xê-út - “ông vua” của thế giới dầu mỏ - kẻ đang đứng ở chiến tuyến bên kia trong cuộc chiến Syria và là đồng minh của Mỹ đã lắc đầu dứt khoát với yêu cầu tha thiết giảm sản lượng từ Nga. Không những vậy, Riyadh còn tỏ rõ quyết tâm “chơi đến cùng” trong cuộc chiến “dìm” giá dầu và đẩy các đối thủ như Nga và Iran vào cảnh cơ hàn khi yêu cầu vay gói “siêu” nợ từ 6 - 8 tỉ USD hồi tuần trước. Trong tình hình này, việc rút quân khỏi Syria sẽ giúp Nga tiết kiệm tiền đáng kể, để dồn sức chống đỡ với những khó khăn kinh tế trong nước.
Người ta cũng đồn rằng, Tổng thống Putin vốn đã hi vọng việc Nga tham chiến ở Syria sẽ lôi kéo sự chú ý của phương Tây và Mỹ khỏi Ukraina, cũng như có thể ra giá với Washington và phương Tây trên hồ sơ này, nhưng tình hình Ukraina ngày càng bị “đóng băng”, còn lệnh cấm vận thì vẫn tiếp diễn, nên ông Putin quyết định phải rút về ngay lập tức, vì Nga không có khả năng chia lửa cho hai mặt trận.
Nhưng dù đồn đoán kiểu gì, người ta cũng phải công nhận rằng ông Putin đã luôn khiến Mỹ và phương Tây bối rối, choáng váng bởi những quyết định bất ngờ và táo bạo của mình. Đây có lẽ là thứ “đặc sản” mà phương Tây đã “ăn” của ông Putin bao năm qua mà vẫn không biết thực chất nó được chế biến lúc nào, chế biến ra sao, khi nào thì bày lên bàn tiệc và phải “ăn” nó kiểu gì. Nhanh nhạy và dầy dặn kinh nghiệm như tình báo Mỹ CIA còn như bị dán băng dính vào mắt và phải chật vật đọc ý đồ của ông Putin.
Còn nhớ, cách đây hơn 5 tháng, khi rời kỳ họp 70 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trở về, ngay hôm sau, Quốc hội Nga đã phê chuẩn cho phép Tổng thống Putin được can thiệp quân sự ở Syria theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chỉ vài tiếng đồng hồ sau, không quân Nga đã xuất kích dội bão lửa lên khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các phe nhóm phiến quân cực đoan khác ở Syria.
Putin đã làm cho phương Tây quá ngỡ ngàng bởi sự thần tốc và hiệu quả chóng vánh của chiến dịch. Chỉ một tuần không kích mà hiệu quả của Nga bằng một năm không kích của liên quân 60 nước do Mỹ dẫn đầu! Và lúc này dư luận quốc tế không khỏi thắc mắc: Tại sao một nước Nga “bị cách ly, nghèo đói sắp kiệt quệ tới nơi” (như cách phương Tây mô tả) mà lại chống khủng bố hiệu quả đến vậy, trong khi phương Tây có cả một liên minh rầm rộ mà càng đánh thì IS càng bành trướng lãnh thổ ở Iraq và Syria?
Chưa hết, trong khi các nhà quân sự phương Tây còn tưởng tai mình bị điếc hay mắt mờ nhìn nhầm các trang báo thì tốp máy bay Su-34 của Nga đã bay từ Syria về căn cứ quân sự tại Nga ngày 15-3 chỉ sau tuyên bố rút quân của ông Putin 24 tiếng! Cơn bối rối của người Mỹ có lẽ phải sau chuyến đi Moskva và thỉnh giáo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tuần này của Ngoại trưởng John Kerry mới nguôi ngoai được.
Thời điểm hoàn hảo
Và bất chấp những dèm pha, đồn đoán, phải thừa nhận rằng ông Putin đã chọn một thời điểm hoàn hảo cho việc rút quân. Nga đã thắng trong canh bạc này một cách vẻ vang, bởi rút quân trong thời gian ngưng bắn vì đó là hình ảnh chiến thắng, còn rút quân trong khi giao tranh là thua bỏ chạy. Hơn nữa, Moskva đã đạt được quá nhiều mục tiêu và lợi ích trong cuộc can thiệp quân sự vào Syria.
Đầu tiên - và quan trọng nhất, là chiến dịch can thiệp quân sự thần tốc của Nga vào Syria đã làm thay đổi cục diện căn bản chiến trường Syria. Khi quân đội Nga bắt đầu triển khai tới Syria vào ngày 30-9 năm ngoái, chính quyền của ông Assad đang tơi bời bởi các đợt tấn công của hàng loạt lực lượng nổi dậy khác nhau được Mỹ chống lưng mạnh mẽ và đang ở đứng bên bờ vực của sự sụp đổ bất cứ lúc nào.
Chỉ 5 tháng sau đó, được hậu thuẫn bởi chiến dịch không kích mạnh mẽ của Nga, quân đội Syria đã chiếm lại được những phần lãnh thổ quan trọng ở cả hai miền Nam và Bắc, mang lại thế thượng phong quân sự rõ ràng cho ông Assad và khiến cho các lực lượng nổi dậy “ôn hòa” dưới con mắt của Washington, cũng như IS phải hứng chịu những tổn thất nặng nề. Phe nổi dậy bị đẩy vào thế: hoặc là chịu khó ngồi vào bàn đàm phán, hoặc là liên kết với thánh chiến khủng bố và cùng chết chung với chúng.
Moskva cũng đã gần như đạt được một mục tiêu quan trọng là khiến phương Tây phải lựa chọn: hoặc là sự khủng khiếp của IS hoặc là sự tồn tại của chế độ Assad. Moskva gần đây đã buộc Washington phải “tắt” điệp khúc “Assad phải ra đi”, với việc Ngoại trưởng John Kerry khẳng định rằng “Hoa Kỳ và các đối tác của chúng tôi không tìm kiếm cái gọi là thay đổi chế độ” và rằng “không có sự khác biệt giữa chúng tôi về những gì có thể hoặc không thể được thực hiện ngay lập tức về Assad”.
Trên mặt trận ngoại giao, sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria thực sự đã chấm dứt mọi nỗ lực phớt lờ và cô lập nước Nga của phương Tây. Washington buộc phải thừa nhận Moskva đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai của Syria ngay từ khi đặt bút ký vào bản ghi nhớ tránh đụng độ giữa các máy bay hai nước trên bầu trời Syria khi tiến hành không kích vào tháng 10 - 2015. Còn giờ đây, Nga và Mỹ là những nhà bảo lãnh chung của thỏa thuận ngừng bắn ở Syria và thậm chí cả ở Ukraina, hai nước cũng đang có dấu hiệu khởi động lại các nỗ lực ngoại giao đàm phán.
biet dung day khi bua tiec chua tan
Nga đã "rời bàn tiệc" trong thế thắng
Nga cũng đã thành công trong việc kéo “Iraq về gần Iran” cũng như thúc đẩy sự liên kết giữa Iran - Hezbollah - Dân quân Shia (Iraq) - Dân quân Houthi (Yemen) và đây sẽ là lực lượng cực kỳ quan trọng mà Nga sẽ hậu thuẫn trong ván bài địa chính trị Trung Đông.
Trên bình diện quốc tế, Nga cũng gióng một hồi chuông báo động về chính sách “dùng khủng bố để can thiệp vào nội bộ nước khác” và “dạy” cho Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ một bài học về “thế nào là cường quốc, là nước lớn”.
Việc rút quân còn cho thấy, Nga muốn các đối tác ở vùng Vịnh và cả thế giới hiểu rằng: Nga tôn trọng và không bao giờ phản bội các cam kết của mình. Nga là một quốc gia đến và hoàn thành nghĩa vụ bằng một giải pháp hòa bình thì đi mà không ai cản được. Nga cũng không can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của nước khác. Nga rút quân để cho tiến trình hòa hợp, hòa giải là câu chuyện của người trong cuộc. Từ nay trở đi hòa bình ở Trung Đông nếu tồi tệ hơn thì Mỹ và phương Tây phải cố mà chịu trận.
Dĩ nhiên, cũng có ý kiến cho rằng động thái rút quân của Nga khỏi Syria chỉ có ý nghĩa tinh thần, biểu tượng còn thực tế Nga vẫn duy trì hiện diện quân sự tại căn cứ hải quân ở cảng Tartus và căn cứ không quân ở sân bay Hmeymim, vẫn để lại hệ thống cố vấn trong quân đội Syria, để lại một số đơn vị tấn công, các kho chứa quân cụ và vũ khí, đặc biệt là giàn hoả tiển tối tân S-400 do lính Nga điều khiển vẫn duy trì để kiểm soát bầu trời Syria… Tuy nhiên, với sự “mềm dẻo” này, nước Nga đang chứng tỏ họ cứng rắn nhưng cũng luôn sẵn lòng mở cánh cửa hợp tác, chia sẻ với các đối thủ, đối tác...
Như vậy, sau nhiều năm vắng bóng trong các cuộc viễn chinh, người Nga đã có sự trở lại ngoạn mục ở Syria. Đến thần tốc một cách đường đường chính chính, rút quân bất ngờ trong thế thắng, ông Putin qua đó ngầm tuyên bố với thế giới rằng “hai thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn có khả năng duy trì ảnh hưởng của mình kể cả ở những nơi cách xa hàng nghìn km” và họ có thể xử lý tốt như thế nào trong một cuộc chiến đa diện không chỉ trên mặt trận quân sự.
Người Nga đã rời “bàn tiệc” một cách chủ động vẻ vang, bỏ lại một nước Mỹ “chưng hửng” bối rối chẳng biết bao giờ mới chấm dứt chiến dịch chống khủng bố...
John Kerry sang Nga học nghệ thuật chiến tranh của ông Putin
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông sẽ tới Moskva vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc nước Mỹ nên làm gì cho tiến hòa bình tại Syria.
6 thước phim cực sốc về chiến dịch của Nga ở Syria
Ngày 15/3, lực lượng không quân Nga đã rút khỏi Syria sau gần 6 tháng không kích quân khủng bố. Sau đây là 6 thước phim quay cảnh máy bay Nga tấn công các cơ sở của IS do đài RT của Nga bình chọn.
Hiểu hết chiến dịch quân sự của Nga tại Syria trong 1 phút
Khởi sự cách đây 6 tháng, chiến dịch không kích của Nga chống IS đã đem lại những kết quả khả quan. Hôm 14/3, Tổng thống Putin thông báo rút quân sau khi đã đạt được mục đích.
Putin khiến phương Tây “há hốc mồm” tại Syria
Lệnh ngừng bắn tại Syria ngày 27/2 và cuộc bầu cử lập pháp tại Syria vào tháng 4/2016 là hai bước đi của Nga và chính quyền Damas nhằm buộc Mỹ và tất cả các nước đồng minh chấp nhận thất bại tại Syria.

4 vụ mất tích tàu ngầm bí ẩn nhất lịch sử quân sự

Chỉ trong năm 1986 có tới 4 chiếc tàu ngầm khổng lồ của 4 quốc gia khác nhau mất tích một cách bí ẩn. Liệu thảm kịch chấn động lịch sử này có liên quan tới một loạt "bóng ma" trên đại dương cách đó 8 năm?
Trước khi tìm hiểu những thảm kịch khủng khiếp này, hãy xem những bí ẩn khó lường dưới đại dương mà người ta phát hiện từ trước khi các vụ mất tích xảy ra vài năm.

Bí ẩn dưới lòng đại dương

Tháng 1/1960, Hải quân Argentina phát hiện 2 phương tiện khổng lồ được cho là tàu ngầm với hình dáng và trạng thái kỳ lạ ở dưới đáy vịnh Encerrada, thuộc thành phố Ushuaia, Argentina.
Vật thể được cho là tầu ngầm này di chuyển với vận tốc gấp 3 lần tốc độ của các tàu ngầm tối tân nhất thế giới khiến nhiều nước hoang mang.
Vật thể lạ được cho là tàu ngầm
Vật thể lạ được cho là tàu ngầm 
Sau khi được xác nhận là những vật thể lạ đó không thuộc trách nhiệm của bất cứ quốc gia nào, trong đó có Mỹ và Liên Xô, hải quân các nước đã dải hàng tấn bom trong 10 ngày liên tiếp lên địa điểm của 2 "vật thể" neo đậu.
2 "tàu ngầm" không đáp trả lại cuộc tấn công đó mà "bỏ chạy" với tốc độ nhanh khủng khiếp khiến các nhà quân sự "choáng váng", rồi biến mất bí ẩn trong lòng biển Đại Tây Dương.
Một tháng sau, tại vùng biển Caribe, Hải quân Mỹ lại phát hiện một "vật thể lạ" khác di chuyển với vận tốc không tưởng là 370km/giờ.
Vật thể này chưa được giải thích rõ ràng thì Hải quân Mỹ tiếp tục "đụng độ" vật thể khác di chuyển dưới lòng nước sâu với vận tốc là 300km/giờ tại vùng biển gần "tam giác quỷ" Bermuda vào năm 1963. Điều đáng sợ là nó có thể ngoi lên và lặn xuống độ sâu 6.000m mà chỉ mất có vài phút.
Sau đó, các vật thể lạ này còn được phát hiện tại nhiều vùng biển khác nhau trên thế giới như Địa Trung Hải, Brazil, New Zealand... Chúng di chuyển với tốc độ gấp 3 lần tốc độ tàu ngầm tối tân nhất thế giới mà không gây tiếng động hay luồng bọt khí nào khiến cho giới quân sự trên toàn thế giới hoang mang, ngỡ ngàng. Họ gọi chúng là "những bóng ma của đại dương".
Những "bóng ma" này có liên quan gì tới những vụ mất tích liên tiếp của 4 tàu ngầm quân sự tối tân của Mỹ, Pháp, Israel và Liên Xô không?

Bốn vụ mất tích tàu ngầm chấn động năm 1968

1. Tàu ngầm Scorpion – Hải quân Mỹ

Ngày 22/5/1968, tàu ngầm Scorpion "niềm tự hào của Hải quân Mỹ" sau khi tuần tra ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương đã đột ngột mất tích bí ẩn cùng với 99 người có mặt trên tàu Scorpion, trong đó có các lực lượng Hải quân Mỹ và nhóm các chuyên gia Liên Xô. Trước khi biến mất, con tàu được trang bị 2 quả ngư lôi chống ngầm Mark 45 và 1 lò phản ứng hạt nhân.
Ngay sau đó, Mỹ ráo riết triển khai các chiến dịch tìm kiếm "niềm tự hào" của mình nhưng không có kết quả.
Ngày 5/6, sau gần 2 tuần nỗ lực tìm kiếm, Hải quân Mỹ buộc phải đưa ra thông báo, tàu USS Scorpion (SSN-589) mất tích. Nguyên nhân mất tích cho đến nay chưa được làm sáng tỏ.
Tháng 10 cùng năm, người ta tìm thấy mảnh vỡ của con tàu ngầm xấu số ở dưới đáy biển Đại Tây Dương ở độ sâu 3.000m, cách quần đảo Azores (thuộc Bồ Đào Nha) 740km về phía tây nam. Đây là một trong những thảm kịch đẫm máu nhất trong lịch sử quân sự Mỹ.
Tàu ngầm Scorpion, niềm tự hào của Hải quân Mỹ
Tàu ngầm Scorpion, niềm tự hào của Hải quân Mỹ. (Ảnh: Wikipedia.)
Nhiều ý kiến cho rằng, vụ nổ quả ngư lôi trên tàu đã khiến toàn bộ Scorpion và 99 người trên tàu chịu chung số phận.
Tuy nhiên, giả thuyết không có bằng chứng xác thực. Do đó, tàu ngầm Scorpion trở thành một trong những bí ẩn chưa có lời giải trong lịch sử quân sự Mỹ.

2. Tàu ngầm Minerve (S647) - Hải quân Pháp

Hạ thủy vào tháng 5/1958, sau 10 năm hoạt động, tàu ngầm lớp Daphné có tên Minerve (S647) của Pháp là một trong 4 tàu ngầm bị mất tích cùng trong năm 1968.
Tàu ngầm Minerve (S647).
Tàu ngầm Minerve (S647).
Khoảng 8 giờ sáng ngày 27/1/1968, khi đang đi tuần tại vùng biển cách căn cứ Toulon 46km, tàu ngầm Minerve đột ngột mất tích khó hiểu.
Theo lịch trình, Minerve sẽ trở về căn cứ sau 1 giờ đồng hồ đi tuần, nhưng người ta đã không bao giờ nghe thấy tín hiệu của nó. Tất cả 52 người trên tàu, trong đó có 6 chuyên gia quân sự đã mất tích bí ẩn cùng con tàu ở độ sâu ước tính từ 1.000 đến 2.000m.
Hải quân Pháp lập tức điều động tàu sân bay Clemenceau và tàu SP-350 Denise, dưới sự chỉ huy của chuyên gia Jacques Cousteau, để tìm kiếm tàu ngầm Minerve nhưng không có kết quả.
2/2/1968, Hải quân Pháp dừng mọi công tác tìm kiếm và tuyên bố con tàu mất tích. Trên thực tế, Hải quân Pháp vẫn tiếp tục chiến dịch tìm kiếm Minerve vào năm 1969, nhưng cho đến nay, tung tích về con tàu vẫn là điều bí ẩn.
Cũng như sự mất tích tàu ngầm Scorpion của Mỹ, nhiều giả thuyết về nguyên nhân đã được đưa ra trong đó, người ta thiên về thời tiết xấu.

3. Tàu ngầm INS Dakar - Hải quân Israel

INS Dakar là tàu ngầm lớp T-class của Hải quân Hoàng gia Anh. Năm 1965, Israel đã mua lại và cho lặn thử nghiệm tại vùng biển Scotland.
Ngày 9/1/1968, sau quá trình chạy lặn thử nghiệm, INS Dakar xuất cảng Scotland để trở về Israel. Tuy nhiên, nó đã mất tích bí ẩn trên đường trở về cùng với 69 người trong tàu.
Sau hơn 30 năm ráo riết tìm kiếm, truy lùng, không một mảnh vỡ hay dấu vết của con tàu được tìm thấy cho đến năm 1999.
Vùng biển (màu đỏ) tìm thấy xác tàu INS Dakar
Vùng biển (màu đỏ) tìm thấy xác tàu INS Dakar. (Ảnh: Google Map.)
Người ta tìm thấy nó nằm tại đáy biển ở giữa đảo quốc Cyprus (phía đông Địa Trung Hải) và Crete. Tuy nhiên, xác tàu thì tìm thấy nhưng nguyên nhân khiến nó bị chìm thì đến nay, chưa một chuyên gia nào giải mã nổi.

4. Tàu ngầm K-129 - Hải quân Liên Xô

K-129 (1960) là chiếc tàu ngầm chạy bằng diezel được trang bị hiện đại, được Hải quân Liên Xô đưa vào sử dụng năm1960.
Tàu ngầm K-129 của Liên Xô.
Tàu ngầm K-129 của Liên Xô.
Sau khi hoàn thành 2 cuộc tuần tra biển kéo dài 70 ngày, con tàu với 98 thủy thủ, được trang bị 3 tên lửa đạn đạo hạt nhân hiện đại nhất tiếp tục được giao nhiệm vụ tuần tra thứ 3 bắt đầu từ ngày 24/2/1968.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1968, không một tín hiệu liên lạc nào của con tàu được truyền về. Hải quân Liên Xô phát lệnh báo động và mở cuộc tìm kiếm trên diện rộng.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều đi vào ngõ cụt khi không một mảnh vỡ nào của con tàu được tìm thấy. Cũng giống như "số phận" của 3 tàu ngầm kể trên, tàu ngầm của Liên Xô cũng mất tích bí ẩn.
Dù cho có được tìm thấy thì nguyên nhân khiến chúng bị đánh chìm đến nay vẫn chưa có lời giải chính xác.
Có nhiều báo cáo rằng, trước khi mất tích hay chìm sâu dưới lòng biển, người ta nhìn thấy những "bóng ma đại dương" lượn quanh 4 chiếc tàu ngầm rồi nhanh chóng biến mất.
Báo cáo này cũng không giúp ích được gì nhiều vì ngay cả "danh tính" của những "vật thể lạ" người ta cũng không thể xác định, nên "số phận" của những tàu ngầm tối tân đó cũng bị chôn vùi dưới lòng đại dương bí ẩn.
Thứ Năm, 18/08/2016 14:37

Xem tiếp...

HÉT LÊN ĐI, ƠI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU! 37

(ĐC sưu tầm trên NET)
  
Chấn Động: Cảnh Sát Giao Thông làm sai luật còn rút súng dọa người dân

Vụ CA phường Lý Thái Tổ nói không cần học luật, CA Quận bao che?

PV đã có cuộc trao đổi với công an quận Hoàn Kiếm để làm rõ sự việc giữa S. với CA phường Lý Thái Tổ. Tuy nhiên, câu trả lời của CA quận Hoàn Kiếm dường như chưa thỏa đáng...
Vừa qua, trên mạng xã hội facebook lan truyền một clip ghi lại cuộc tranh luận giữa những người dân với công an viên phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với người đăng clip là chị Nguyễn Thanh Q. (SN 1988). Được biết clip được chị Q. quay lại khi làm việc với công an phường Lý Thái Tổ về việc cháu trai của chị là em Vũ Hoàng S. (1998) bị công an đưa lên trụ sở phường mà không có nguyên nhân.
Vụ CA phường Lý Thái Tổ nói không cần học luật, CA Quận bao che? - Ảnh 1
Công an viên Phạm Nhật Anh. Ảnh cắt từ clip
Kể lại sự việc, chị Q. cho biết: “Sự việc xảy ra vào lúc 22h ngày 28/6, khi công an phường đi làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, ngay chỗ S. và bố cháu bán trà đá thì xảy ra cự cãi giữa một người công an tên Phạm Nhật Anh. Sau đó thấy công an phường định tịch thu chồng ghế nhựa của quán mình, cháu S. giằng lại và có đẩy anh Nhật Anh ra. Người dân xung quanh và gia đình thấy vậy vội đẩy cháu S. vào nhà.
Sau đó, có khoảng 4 đến 5 người công an xông vào nhà cháu để bắt cháu S. lên phường và giữ trong hơn 24h.
Trong clip ghi lại, chị Q. cho biết, khi trao đổi với người công an tên Phạm Nhật Anh, hỏi về vấn đề tại sao lại bắt người mà không có giấy tờ gì, có biết luật đó không thì anh này cho hay “tôi học công an, không học luật”.
Những clip mà chị Q. đăng tải đã khiến rất nhiều người bức xúc trước cách hành xử và thái độ mà người công an này thể hiện.
Trao đổi với công an phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, đại diện công an phường đã xác nhận sự việc nhưng lại cho rằng, tính chất không giống với những gì chị Q. đăng tải.
Trao đổi với PV báo Điện tử Người Đưa Tin, Thiếu tá Lê Duy An, đội phó đội điều tra tổng hợp, công an quận Hoàn Kiếm giải thích: "Về việc tại sao bắt người mà không có lệnh, thì trong trường hợp này, S. đã có hành động đẩy, huých công an khi đang làm nhiệm vụ nên có dấu hiệu chống lại người thi hành công vụ. Trong trường hợp này được cho là bắt quả tang. Vì vậy không cần lệnh bắt giữ. Bất cứ người dân nào trong trường hợp bị bắt quả tang thì đều có thể bị bắt được."
Có một chi tiết trong clip mà chị Q. đăng tải có nói rằng người công an tên Phạm Nhật Anh nói rõ với chị Q. là "tôi học công an, không học luật", Thiếu tá Lê Duy An cho rằng, không hề nghe thấy lời của người công an này nói như vậy trong clip, chỉ là lời nói gián tiếp của chị Q. nên không thể khẳng định bất cứ điều gì về sự việc này.
Vụ CA phường Lý Thái Tổ nói không cần học luật, CA Quận bao che? - Ảnh 2
Chiếc Ipad đang hiển thị nội dung trò chơi đang chơi giở
Còn về hình ảnh chiếc Ipad đang hiển thị nội dung trò chơi game trên bàn làm việc, được một người mặc đồng phục tự quản cầm đi khi thấy chị Q. quay lại được. Nhiều người khi xem clip cho rằng trong giờ làm việc mà công an chơi điện tử là không đúng.
Thế nhưng, Thiếu tá Lê Duy An lại bao biện: "Không hề thấy dấu hiệu hoặc hành động của anh Phạm Nhật Anh chơi game trong giờ. Chiếc ipad này được ông tự quản cầm chứ không phải là anh Phạm Nhật Anh. Chi tiết này rất khó giải đáp vì hoàn toàn không thấy rằng anh Nhật Anh chơi điện tử nên tôi không thể trả lời được. Sự việc chúng tôi đang xác minh, điều tra."
Bên cạnh đó, công an quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, sẽ làm rõ việc chị Q. trình báo mất tài sản là chiếc vòng cổ trong tối ngày 28/6, khi xảy ra sự việc giữa cháu S. và công an phường Lý Thái Tổ.
Liệu những câu trả lời của đại diện Công an quận Hoàn Kiếm đã thỏa đáng với sự trông chờ của người dân. Có hay không sự bao che, ngụy biện của công an quận Hoàn Kiếm với những hành động và cách hành xử của cấp dưới của mình? Câu trả lời xin dành cho độc giả.
PV báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục cung cấp thông tin.
Nhóm PV

Cán bộ nhận án kỷ luật vì bị 'nhét tiền vào cặp mà không biết'

4 cán bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh bị kỷ luật vì quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị "nhét tiền vào cặp mà không biết"; mời doanh nghiệp đến phòng khách sạn "làm việc". 

Chiều 29/8, ông Lê Quốc Anh, Chánh văn phòng Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa xử lý kỷ luật 4 cán bộ gồm: ông Đoàn Mạnh Tường (Phó chánh văn phòng), Bùi Anh Tuấn (thanh tra viên), Phạm Sơn Hải (thanh tra viên), Đinh Sỹ Hạnh (thanh tra viên). Các ông này vi phạm kỷ luật nghiệp vụ, lập biên bản vi phạm hành chính sai quy định, bị phản ánh về tiêu cực.
Theo biên bản kỷ luật, trung tuần tháng 6/2016, tổ liên ngành do ông Đinh Sỹ Hạnh làm tổ trưởng cùng ông Phạm Sơn Hải và một số cán bộ lấy số liệu bốc xếp hàng hóa lên ôtô tại mỏ khai thác vật liệu ở huyện Hương Sơn. Mỏ này do Công ty cổ phần Đại Long (đóng tại xã Đức Lĩnh, Vũ Quang) quản lý.
can-bo-nhan-an-ky-luat-vi-bi-nhet-tien-vao-cap-ma-khong-biet
Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, nơi các cán bộ bị kỷ luật đang làm việc. Ảnh: Đức Hùng
Tổ liên ngành sau đó lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 19,5 triệu đồng. Lãnh đạo công ty Đại Long trao đổi và đưa cho thanh tra Hải 30 triệu đồng. Ngày 28/7, ông Hải tới trụ sở công ty trả lại số tiền.
Ông Hải sau đó giải trình rằng giám đốc công ty "nhét tiền vào trong cặp lúc nào không biết", nếu biết thì tổ không bao giờ nhận. Ông Hạnh cũng trình bày quá trình làm việc không có chủ trương giảm vi phạm của doanh nghiệp để trục lợi.
Theo Chánh văn phòng Sở Giao thông Vận tải, tại buổi đối thoại giữa Sở và Công ty Đại Long vào ngày 19/8, Giám đốc công ty là ông Nguyễn Đình Linh còn tố cáo thêm dấu hiệu tiêu cực của một số cán bộ Sở vào năm 2015. Theo đó tháng 8/2015, tổ liên ngành do ông Đoàn Mạnh Tường (thời điểm này là Phó chánh thanh tra) làm tổ trưởng cùng thanh tra viên Bùi Anh Tuấn và một số cán bộ thuộc các sở khác đã kiểm tra mỏ đá của công ty Đại Long.
Phát hiện một số sai phạm liên quan chở quá tải trọng, vài ngày sau tổ đã mời ông Linh tới một khách sạn ở thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) để thông báo kết quả và lập biên bản vi phạm hành chính. Theo ông Linh, kết thúc buổi làm việc ông đã để lại 50 triệu đồng tại phòng. Tuy nhiên, thanh tra Tường và Tuấn phản bác không biết và không thấy số tiền trên.
Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh sau đó kết luận việc mời doanh nghiệp lên làm việc tại khách sạn là sai, còn phản ánh để lại 50 triệu là không có thật.
can-bo-nhan-an-ky-luat-vi-bi-nhet-tien-vao-cap-ma-khong-biet-1
Phong bì đựng 30 triệu đồng mà thanh tra Hải trả lại cho Công ty Đại Long sau khi được "nhét vào cặp lúc nào không hay". Ảnh: T.H
Chánh văn phòng Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cho hay, từ các vụ việc trên, sáng 29/8 lãnh đạo Sở quyết định cảnh cáo ông Đoàn Mạnh Tường (Phó chánh văn phòng) và Bùi Anh Tuấn vì vi phạm kỷ luật, tổ chức kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính sai địa điểm, bị phản ánh tiêu cực gây dư luận xấu.
Thanh tra viên Phạm Sơn Hải bị hạ bậc lương vì vi phạm kỷ luật nghiệp vụ, quy định của pháp luật về phòng ngừa tiêu cực, chống tham nhũng. Tổ trưởng Đinh Sỹ Hạnh bị khiển trách vì là người đứng đầu nhưng chưa kiểm soát, quản lý, bao quát hết hành vi thực hiện nhiệm vụ của tổ liên ngành.
"Hiện các cán bộ để xảy ra vi phạm đã nhận thức được vấn đề và chấp hành kỷ luật", ông Quốc Anh nói .
 
Đức Hùng

Hai thanh tra giao thông Cần Thơ nhận gần 3,5 tỷ đồng bảo kê

Muốn xe chạy qua địa bàn TP Cần Thơ không bị kiểm tra, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng "hụi chết" hàng tháng cho các cán bộ thanh tra giao thông.

hai-thanh-tra-giao-thong-can-tho-nhan-gan-3-5-ty-dong-bao-ke
Trưởng đội Thanh tra giao thông số 3 Võ Hoàng Anh bị bắt tại nhà riêng. Ảnh: C.A
Ngày 21/7, đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an TP Cần Thơ - cho biết đã bắt 4 người trong đường dây nhận và đưa hối lộ hàng tháng để bảo kê cho xe tải của hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài Lý Hoàng Minh và Võ Hoàng Anh (Phó và Trưởng Đội 3 - Thanh tra giao thông TP Cần Thơ) bị tạm giam trước đó, cảnh sát đã bắt thêm Đoàn Vũ Duy (Trưởng đội 11) và Nguyễn Văn Cần (29 tuổi, quê Vĩnh Long) - người môi giới nhận, gom tiền chung chi cho thanh tra giao thông.
"Đường dây này hoạt động rất tinh vi, nhiều thủ đoạn nên trinh sát mất rất nhiều thời gian theo dõi, thu thập chứng cứ đầy đủ mới quyết định lập chuyên án bóc gỡ", Giám đốc Công an TP Cần Thơ nói.
Chiều 16/7, trinh sát nắm được lịch thu tiền hàng loạt nhà xe của Phó đội 3 Lý Hoàng Minh liền báo lãnh đạo. Lúc 15h cùng ngày, cán bộ này xuất hiện tại quán cà phê nhận tiền từ chủ nhà máy nước đá. Ông ta sau đó đến lấy tiền của chủ cửa hàng vật liệu xây dựng và vựa cá ở chợ. Hai tiếng sau, Minh đến một con hẻm bên hông Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ nhận tiền của cửa hàng vật liệu xây dựng thì bị bắt quả tang.
Khám xét người cán bộ này, cảnh sát thu 17,5 triệu đồng, 100 USD cùng danh sách thu tiền của các cơ sở có xe chạy qua quận Ninh Kiều.
Khai thác nhanh, cảnh sát phát hiện Nguyễn Văn Cần có vai trò đắc lực trong đường dây này đang qua Cần Thơ thu tiền bảo kê các doanh nghiệp có xe tải vận chuyển hàng hóa nên tiến hành bắt giữ.
"Sau khi móc nối với cán bộ thanh tra giao thông, Cần ra giá với các nhà xe, doanh nghiệp vận tải hàng tháng phải chuyển phí bảo kê vào các tài khoản của mình hoặc đưa tiền tươi trực tiếp, 1-3 triệu đồng cho mỗi đầu xe. Cần sau đó nộp lại cho các cán bộ thanh tra giao thông. Nếu đơn vị nào không chịu chung chi hoặc kì kèo, chậm trễ, thì sẽ không được yên thân", đại tá Trần Thanh Chàng - Trưởng phòng cảnh sát kinh tế - nói.
hai-thanh-tra-giao-thong-can-tho-nhan-gan-3-5-ty-dong-bao-ke-1
Đội trưởng Thanh tra giao thông số 11 Đoàn Vũ Duy nghe lệnh bắt. Ảnh: C.A
Từ chứng cứ thu thập, cảnh sát đã lần lượt bắt Võ Hoàng Anh - Trưởng đội 3 và Đoàn Vũ Duy - Trưởng đội thanh tra giao thông số 11.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, Minh và Anh đã nhận hơn 3,4 tỷ đồng tiền bảo kê. Trong đó, từ năm 2014 đến nay, Cần chuyển vào tài khoản hai thanh tra giao thông này hơn 3 tỷ đồng. Những người bị bắt đã thừa nhận hành vi của mình. Đây được xem là đường dây bảo kê giao thông lớn nhất miền Tây từ trước đến nay bị phát hiện. 
Thống kê sơ bộ, có khoảng 60 nhà xe, doanh nghiệp ở Cần Thơ phải đóng "hụi chết" hàng tháng cho Cần và các cán bộ thanh tra giao thông. "Các xe nơi khác ra vào hoặc đi ngang Cần Thơ cũng bị họ bắt chung chiĐến nỗi nhà xe muốn chạy đúng tải cũng không được vì nếu tính tiền bảo kê thì thua lỗ", đại tá Hạnh nói và cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ số tiền nhận bảo kê của Đội trưởng thanh tra giao thông số 11 và bắt thêm một số người liên quan.
Giám đốc Công an TP Cần Thơ kêu gọi những nhà xe là nạn nhân của nạn bảo kê mạnh dạn phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để triệt xóa tình trạng này. 
Cửu Long
 
Cảnh sát giao thông chặn xe anh thanh niên kiếm ổ bánh mỳ vì Tết cận kề và cái kết có hậu


Bị công an phường mời lên trụ sở làm việc, người dân có quyền từ chối?


Chưa có điều luật quy định cụ thể về vấn đề này, do vậy khi công an phường mời làm việc, người dân nên tùy trường hợp mà có cách hành xử phù hợp.
Bộ luật tố tụng Hình sự hiện chỉ quy định người dân bắt buộc phải làm việc với cơ quan công an khi là người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, người bị tố giác, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…) trong một vụ án đã được khởi tố.
Không có điều luật nào quy định người dân phải chấp hành giấy mời của cơ quan công an vì các lý do không liên quan đến một vụ án đã được khởi tố.

Khi nào người dân nên chấp hành?

Theo luật sư (LS) Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), khi chưa xác định và chưa có bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của công dân, công an không có quyền buộc công dân phải lên phường làm việc.
“Bản chất tờ giấy mời của cơ quan công quyền không tạo nghĩa vụ bắt buộc công dân phải đến”, LS Hà Hải cho biết.
Bi cong an phuong moi len tru so lam viec, nguoi dan co quyen tu choi? hinh anh 1
Luật sư Hà Hải (bên phải). Ảnh: NVCC.
Theo quy định của Hiến pháp, các văn bản luật và dưới luật, công dân có quyền từ chối làm việc trong trường hợp chưa xác định được mình tham gia tố tụng với tư cách gì (bị can, bị cáo, người làm chứng…), chưa được giải thích rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của mình và trong quá trình làm việc xuất hiện các hành vi ép cung, mớm cung hoặc đe dọa của cơ quan công quyền.
Cụ thể hơn, căn cứ điều 10, Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, quy định về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân thì trừ trường hợp phạm tội quả tang, không ai bị bắt nếu không có quyết định tòa án hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát.
“Người dân nên nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, nếu bị cơ quan công an bắt giữ không phù hợp với quy định pháp luật thì họ có quyền phản ứng. Nếu họ không phải là người tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự cụ thể, không phạm tội quả tang thì nếu bị mời, bị triệu tập, họ có quyền từ chối”, LS Hà Hải nói thêm.
Tuy nhiên, theo luật sư Hà Hải, trong trường hợp được mời lên phường làm việc với lý do cụ thể, công dân nên tích cực hợp tác với cơ quan công an để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án.
Đồng tình với ý kiến trên, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng người dân nên tùy tình huống mà có cách hành xử phù hợp.

Từ chối khi được mời miệng, không rõ nội dung

Theo LS Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, công an phường phải làm việc với người dân trong giờ hành chính và có giấy mời ghi rõ nội dung làm việc.
Các trường hợp ngoại lệ bao gồm: Làm việc ngay tại hiện trường với các đối tượng có hành vi phạm tội quả tang hoặc chuẩn bị phạm tội; làm việc với người dân về các vấn đề tạm trú, tạm vắng ngay tại nhà, trong thời điểm kiểm tra.
“Công an nếu muốn mời người dân lên phường làm việc phải có giấy mời nêu rõ lý do. Người dân có thể từ chối làm việc với công an khi được mời qua điện thoại, mời miệng hoặc không nêu rõ nội dung làm việc”, LS Nghiêm khẳng định.
Bàn sâu hơn về khía cạnh này, LS Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng không có điều luật nào bắt buộc người dân phải làm việc với công an tại trụ sở cơ quan phường.
Bi cong an phuong moi len tru so lam viec, nguoi dan co quyen tu choi? hinh anh 2
Luật sư Lê Cao. Ảnh: NVCC
Theo lập luận của LS Lê Cao, nghĩa vụ xác minh thông tin, điều tra vụ án là của cơ quan công an, vì thế họ có thể linh động làm việc với người dân tại nơi cư trú, không nhất thiết phải triệu tập họ lên trụ sở phường.
“Trường hợp công an muốn làm việc tại trụ sở để thuận tiện cho công tác điều tra thì phải có sự trân trọng đối với người dân, không thể tùy tiện cưỡng chế, áp giải người dân đến trụ sở.
Nếu sử dụng biện pháp đưa người dân lên xe để buộc họ về trụ sở cơ quan mà không có sự đồng thuận của họ thì cần xem xét hành vi bắt, giữ người không đúng luật. Trường hợp xâm phạm sự tự do về thân thể, giữ người ngoài giờ hành chính một cách vô cớ là hoàn toàn trái luật, trái Hiến pháp”, LS Lê Cao phân tích.

Cần có luật định cụ thể

Theo LS Hà Hải, cần có điều luật cụ thể quy định chi tiết hơn về việc mời công dân lên trụ sở cơ quan phường làm việc.
Nên đặt ra tiêu chí cho giấy mời, trong trường hợp nào thì cơ quan thẩm quyền có quyền mời, trường hợp nào không. Trường hợp nào người dân có quyền từ chối và từ chối như thế nào. Bên cạnh đó còn cần chế tài hợp lý.
“Người dân chưa biết cách thể hiện quyền của mình cũng như thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc không có văn bản pháp luật khiến họ có tâm lý hoang mang, lo sợ, dẫn đến sự không hợp tác. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho người thi hành công vụ lạm quyền”, LS Hải nói.
Chi Mai

CSGT năn nỉ người vi phạm nhận lại tiền?


Dù chẳng thông báo lỗi nhưng các CSGT đòi phạt ông 1,5 triệu đồng, giam xe 10 ngày. Sau đó, CSGT yêu cầu ông nộp phạt tại chỗ 750.000 đồng thì cho đi.

CSGT Nghệ An kiểm tra giấy tờ chỉ trong 5 giây

Tài xế bước xuống, lóng ngóng chạy ngược về đuôi xe rồi đi vòng đến nơi một CSGT đã đứng đợi. Vị CSGT “rút ruột” một “cái gì đó” ở trong giấy tờ tài xế vừa đưa rồi trả lại ngay.
Ông Huỳnh Văn Ca ở ấp Cái Chim, xã Trần Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau) khoe là được công an trả lại 1 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm giao thông, dư đến 250.000 đồng so với số tiền ông đã đóng phạt.
Theo ông Ca, trưa 12/8, khi đang chạy xe, ông bị các CSGT thuộc Phòng CSGT tỉnh Cà Mau kiểm tra bắn tốc độ tại khu vực quốc lộ 1A qua huyện Cái Nước. Chạy xe 50 phân khối và đang có chuyện gấp nên ông quạu khi công an yêu cầu ông xuất trình giấy phép lái xe.
“Xe 50 phân khối, đâu cần bằng lái? Bộ chú mới làm CSGT vài bữa nay, không biết quy định này hả? Tôi cãi nên CSGT cũng quạu lại, bắt bẻ: 'Tôi hỏi giấy phép lái xe chứ không phải bằng lái…', ông Ca cho biết.
Hình ảnh ông Ca bị bắn tốc độ 50/40 do CSGT cung cấp cho ông khi tổ công tác làm việc ngày 30/8. (Ảnh do ông Ca cung cấp).
Hình ảnh ông Ca bị bắn tốc độ 50/40 do CSGT cung cấp cho ông khi tổ công tác làm việc ngày 30/8. Ảnh do ông Ca cung cấp.
Theo ông Ca, dù chẳng thông báo lỗi nhưng các CSGT đòi phạt ông 1,5 triệu đồng, giam xe 10 ngày. Sau đó, CSGT yêu cầu ông nộp phạt tại chỗ 750.000 đồng thì cho đi.
“Tôi đồng ý đóng số tiền này nhưng đây là số tiền tôi đi vay để mang đến cho con dâu sắp mổ ở bệnh viện nên tôi yêu cầu CSGT giao biên lai đóng tiền để tôi chứng minh với người thân nhưng các CSGT không giao, cũng không lập biên bản. Khi tôi hỏi biên lai đóng tiền vi phạm thì một CSGT hỏi lại tôi: “Ông lấy mấy tờ giấy đó về sắc nước uống hả?”. Vì vội nên sau khi nộp tiền tôi chạy đến bệnh viện”, ông Ca nói.

4 CSGT không thừa nhận săm soi ví tiền người dân

Clip dài gần 20 phút quay lại toàn cảnh CSGT "xem ví tiền" người vi phạm giao thông. Tuy nhiên, trong bản tường trình gửi lãnh đạo PC67, các cảnh sát này không thừa nhận hành vi.
Thấy việc làm của các CSGT khuất tất, sau đó ông Ca đã làm đơn gửi đến Phòng CSGT tỉnh Cà Mau, tố cáo việc CSGT thu tiền phạt mà không giao biên lai.
Sau một thời gian xác minh, ngày 30/8, Phòng CSGT tỉnh Cà Mau đã cử một tổ công tác làm việc với ông Ca. Tổ công tác đưa ra biên bản vi phạm, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên lai thu tiền nộp phạt và kết luận các CSGT đã làm đúng quy định.
CSGT nan ni nguoi vi pham nhan lai tien? hinh anh 1
Theo ông Ca, khi ông nộp tiền không có biên lai nhưng ngày 30-8 lại xuất hiện cái biên lai ghi ngày 12/8; ông không ký vào biên bản vi phạm nhưng trong biên bản này lại có tên ông.
Theo ông Ca, khi ông nộp tiền không có biên lai nhưng ngày 30/8 lại xuất hiện cái biên lai ghi ngày 12/8; ông không ký vào biên bản vi phạm nhưng trong biên bản này lại có tên ông.
Theo ông Ca, từ khi bị công an kiểm tra cho đến thời điểm tổ công tác làm việc với ông, ông không hề ký vào biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng trong hai loại giấy này lại có chữ ký của ông. Điều kỳ lạ nữa là tổ công tác khi làm việc đã đề nghị ông rút đơn tố cáo và trả cho ông 1 triệu đồng.
“Tổ công tác cho tôi biết là tôi chạy quá tốc độ (50/40 km/giờ) và họ yêu cầu tôi phải rút đơn tố cáo bằng cách thảo đơn cho tôi viết lại và đưa lại cho tôi 1 triệu đồng. Tôi chỉ lấy đủ số tiền 750.000 đồng đã đóng phạt thì tổ công tác giải thích là xem như bù tiền lãi mà tôi đã đi vay…”, ông Ca cho hay
Ông Đoàn Thanh Khải, Phó trưởng phòng CSGT tỉnh Cà Mau, Tổ trưởng tổ xác minh tố cáo, người trực tiếp làm việc với ông Ca ngày 30/8 không thừa nhận việc trả 1 triệu đồng cho ông Ca. Khi chúng tôi đưa ra băng ghi âm toàn bộ buổi làm việc của tổ công tác thể hiện có việc trả 1 triệu đồng thì ông Khải vẫn khẳng định “không biết, không có”.

CSGT 'làm luật' xe quá tải trên quốc lộ 9 ở Quảng Trị

Sau khi ra hiệu dừng xe kiểm tra, cảnh sát giao thông “bắt tay” với tài xế và trong tay trái của vị cảnh sát giao thông có một “vật lạ” màu xanh.
Về việc ông Ca tố cáo khi nộp tiền không có biên lai, không có quyết định xử phạt, thế nhưng ngày 30/8, tổ công tác đưa cho ông Ca các giấy tờ này; biên lai thu tiền phạt lại được viết đúng vào ngày ông Ca bị bắn tốc độ (12/8), ông Khải cho biết “có thể do cán bộ xử lý vi phạm ghi nhầm và sơ xuất” và vẫn khẳng định đã xác minh cẩn trọng, rằng CSGT không sai.
Như ông Ca nói thì có quá nhiều điều khuất tất trong vụ này: CSGT làm sai quy trình, không thông báo lỗi cho người vi phạm. Khi thu tiền của người vi phạm không ra biên lai. Ông không ký vào biên bản vi phạm, quyết định xử phạt nhưng theo tài liệu CSGT cung cấp sau đó lại có chữ ký của ông… Nếu chi tiết này là xác thực thì ai đã thay ông Ca ký vào biên bản vi phạm?
Ngày 30/9, khi nhận những thông tin bất thường trên từ chúng tôi, ông Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, nói: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại sự việc để có cách xử lý thích hợp”.
Trích băng ghi âm

Năn nỉ đương sự rút đơn

- Tiếng ông Đoàn Thanh Khải (theo ông Ca): Bây giờ nói với anh vầy: Hôm nay tôi đại diện đơn vị xuống đây có hai việc. Thứ nhất là nghe anh trình bày lại sự việc. Cũng hoan hô tinh thần tố cáo của anh về sai phạm của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đại diện cho đơn vị, em nhận khuyết điểm chỗ cán bộ, chiến sĩ.
Thứ hai là muốn gặp anh để trao đổi, làm biện pháp nào đó, cũng anh em không hà, làm cho nó hài hòa cái. Chỗ đồng đội của em cũng sai, em sẽ hoàn lại số tiền đó cho anh… Anh viết lại cho cái đơn là do sự nhầm lẫn nên có viết đơn yêu cầu… Tôi cũng nói với anh là đồng chí Duy Thanh chắc chắn sẽ bị chuyển đổi chỗ khác.

- Tiếng ông Ca: Cái đó tôi không chắc làm được. Bây giờ các anh thừa nhận sai thì phải trả lại 750.000 đồng hôm đó lấy của tôi. Còn cho thêm bao nhiêu tôi cũng không lấy. Còn viết đơn thì để tôi nghiên cứu lại.

- Tiếng ông Bảy (người xưng là anh của ông Ca): Anh em ai không có lúc sai phạm. Như tao bị sai phạm, người ta tố cáo tao mày có vui không. Tao nói vầy, nếu mày không viết đơn xin rút lại đơn yêu cầu thì đừng nhìn tao là anh nữa.

- Tiếng ông Ca: Dạ, vậy cũng được nhưng phần tiền của tôi thì phải trả lại cho tôi đủ. Còn đơn thì mấy anh soạn đi, đưa cho anh Bảy, tôi về nghiên cứu viết lại.

- Viết luôn, khỏi nghiên cứu kéo dài thời gian.

Tiếng một người khác.

- Tiếng ông Ca: Tôi chỉ lấy 750.000 đồng thôi. Mấy anh đưa tới 1 triệu đồng, tôi không lấy đâu.

- Tiếng ông Khải: Không, cái này không phải là cái gì, là chi phí cho anh bỏ công mấy ngày tới lui ngoài tỉnh đơn từ hổm rày.

- Tiếng một người khác: Coi như số tiền trả lãi vay mấy ngày qua cho anh vậy…
http://plo.vn/xa-hoi/csgt-nan-ni-nguoi-vi-pham-499522.html
Theo Trần Vũ/Pháp Luật TP.HCM
(Zing đặt lại tiêu đề bài viết)

Yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm mới đưa giấy tờ, đúng hay sai?

Khi bị dừng xe, người dân yêu cầu CSGT đưa ra bằng chứng vi phạm mới xuất trình giấy tờ là đúng hay sai?
Yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm mới đưa giấy tờ, đúng hay sai? - Ảnh 1
Người dân có quyền ghi hình CSGT làm nhiệm vụ, đồng thời yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm khi xử phạt.
Sự việc một tài xế không chịu xuất trình các giấy tờ theo quy định khi bị CSGT Quảng Bình dừng xe kiểm tra, đồng thời yêu cầu tổ tuần tra phải cung cấp hình ảnh vi phạm, cung cấp kế hoạch tuần tra; sau đó tài xế này còn quay clip ghi lại hình ảnh quá trình xử lý của CSGT, hiện đang thu hút sự quan tâm trên một số diễn đàn mạng xã hội. Clip này sau khi được chủ nhân chia sẻ cũng đã gây nhiều ý kiến tranh cãi.
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Hoàng Kim Thoa, Giám đốc Công ty luật TNHH MTV QTC (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích:
Theo quy định tại điểm đ khoản 1, điểm d khoản 2 điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong mọi trường hợp người dân đều có quyền yêu cầu người xử phạt chứng minh rằng mình đã có hành vi vi phạm hành chính như sau: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”.
Do đó khi bạn bị dừng xe mà cho rằng việc đưa ra lỗi là không chính xác thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu CSGT chứng minh về lỗi của mình.
Tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ có quy định như sau:
Khi đã ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.
Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó; nếu chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị;
Khi đó việc chứng minh này có thể thông qua các bằng chứng cụ thể như: ảnh chụp, video…Vì thế, CSGT phải áp dụng các biện pháp kĩ thuật như camera, máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ và sử dụng nó làm chứng cứ để lập biên bản để xử phạt vi phạm.
Nếu CSGT không chứng minh được vi phạm thì không có quyền xử phạt bạn trong trường hợp đó. Một số trường hợp nếu không chứng minh được vi phạm mà vẫn cố tình xử phạt thì sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bạn có quyền khiếu nại theo quy định.
Tuy nhiên, việc tài xế không chịu xuất trình giấy tờ khi CSGT yêu cầu là sai. Bởi lẽ, điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định: CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
Nói cách khác, CSGT được quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình giấy tờ, còn khi xử phạt thì người điều khiển phương tiện được quyền yêu cầu CSGT đưa ra bằng chứng chứng minh vi phạm.
Về việc ghi hình CSGT làm nhiệm vụ, đến nay, chưa có văn bản pháp luật mới nào được ban hành để hạn chế hay cấm người dân quay phim, chụp hình CSGT đang làm nhiệm vụ. Bởi vậy, mọi người dân đều được quyền quay phim, chụp hình CSGT đang làm nhiệm vụ.
Theo đó, người dân được quyền ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tiết giao thông nhưng không được yêu cầu CSGT xuất trình lịch công tác, kế hoạch tuần tra.
Chiều 2/5, khi lực lượng CSGT Quảng Bình tiến hành kiểm tra đo tốc độ xe trên đường tuyến QL1, đoạn qua xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy đã phát hiện xe ô tô mang BKS 37A -187.32 chạy tốc độ 114 km/h, vượt ngưỡng cho phép tới 34km/h. Sau đó, các chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ đo tốc độ đã báo cho tổ TTKS đang làm nhiệm vụ ở địa phận xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, đón dừng phương tiện xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, khi tổ TTKS dừng xe, tài xế điều khiển xe ô tô là Vũ Thành Sang (23 tuổi, ở khối 6, P. Cửa Nam, TP. Vinh, Nghệ An) không chịu xuất trình các giấy tờ theo quy định. Tài xế Sang cho rằng mình không vi phạm và yêu cầu tổ tuần tra phải cung cấp hình ảnh vi phạm và kế hoạch tuần tra.
Khi tổ tuần tra yêu cầu tài xế Sang xuất trình các loại giấy tờ theo quy định thì tài xế này không chấp hành và dùng điện thoại quay lại quá trình thực thi nhiệm vụ của CSGT. Chỉ đến khi tổ tuần tra làm thủ tục tạm giữ phương tiện và có công an địa phương tới thì tài xế mới chịu xuất trình giấy tờ.
Tài xế Sang sau đó đã bị lập biên bản xử lý vi phạm về lỗi chạy quá tốc độ cho phép (114/80 km/h).
Văn Huế
Xem tiếp...