Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

KÝ ỨC CHÓI LỌI 88

(ĐC sưu tầm trên NET)
 

Tuổi trẻ Sài Gòn tranh đấu: Sài gòn những năm 1960
 
Đại uý Phan Lạc Tuyên; Trung tá Nguyễn Cao Kỳ và hai cuộc binh biến (Tuổi trẻ tranh đấu P3)

Một thời tuổi trẻ học đường Sài Gòn - Gia Định 1954 - 1975: Vì sao phải "xuống đường", "vô cứ"?

“Tuổi trẻ học đường thời chống Mỹ” là những người sinh ra từ đầu những năm 1940 đến đầu những năm 1950 và trưởng thành ở nửa sau những năm 1960. Trong khoảng 20 năm để họ lớn lên, học tập và chuẩn bị những hành trang cần thiết để bước vào đời, đất nước đã trải qua nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, như Cách mạng tháng 8/1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đưa đến việc ra đời Hiệp định Geneve và nhiều biến cố chính trị, quân sự quan trọng khác. Nhưng đặc điểm thời đại lớn nhất, chi phối rất nhiều đến đời sống, sự hình thành tính cách và số phận của họ là tình trạng đất nước có chiến tranh và lãnh thổ thì bị chia hai từ Vỹ tuyến 17. Sống và học tập ở Sài Gòn là sống ngay đầu não chỉ đạo cỗ máy chiến tranh của nước Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nên ít nhất từ một bên tham chiến, họ đã xác quyết được bản chất của chiến tranh là gì? Nhạy cảm với thời cuộc và giầu nhiệt huyết là hai phẩm chất thường trực ở thanh niên nói chung và thanh niên học sinh sinh viên nói riêng, vì vậy những hành động chính trị xã hội mà sử sách đã ghi nhận rất nhiều từ thế hệ này sẽ là một cơ sở lịch sử quan trọng giúp nhận diện bản chất của các nhân vật, sự kiện và vấn đề lịch sử có liên quan khác; trong đó có một vấn đề mấu chốt: định rõ giá trị và ý nghĩa của sự kiện 30/4/1975.
HSSV Sài Gòn biểu tình chống Mỹ ngụy với ảnh Bác Hồ.



Dẫn nhập
Lịch sử đã chứng minh: tự do và hòa bình chỉ được đem lại cho nhân loại tiến bộ sau những tranh đấu quyết liệt với các lực lượng phản tiến bộ. Vậy nên Balzac, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tấn trò đời”, từng đúc kết: “Sự tự do về chính trị, sự hòa bình của một quốc gia và chính cả khoa học là những món quà mà Định mệnh đánh thuế nặng nề bằng máu!”. Việt Nam sau hiệp định Geneve, nền độc lập chỉ được tái lập ở miền Bắc, mọi khả năng và phương thức phi bạo lực để thống nhất đất nước đều bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngăn trở. “Định mệnh” buộc chúng ta phải tiếp tục cầm súng đứng lên, “muốn chống Mỹ - Diệm, ngoài con đường cách mạng nhân dân miền Nam không có con đường nào khác” (Lê Duẩn, 1956). Kể từ đó, trải qua 21 năm chiến tranh ác liệt, “Định mệnh” mới trả lại cho Việt Nam một niềm vui trọn vẹn, bằng đại thắng mùa Xuân 1975. Thời gian trôi và 40 năm sau nhìn lại, sự thật lịch sử đó dường như đang bị một bộ phận người Việt Nam hôm nay quên lãng, hoặc vì nhiều lý do mà cố tình làm sai lạc, méo mó. Chẳng hạn từ tháng 12 năm 2012 đến tháng 11/2014 ở Hoa Kỳ, nhật báo Người Việt và Nxb Người Việt Books đã lần lượt cho xuất bản sách “Bên thắng cuộc” của Huy Đức và “Đèn cù” của Trần Đĩnh; trong đó hai tác giả thuộc những thời kỳ làm báo khác nhau lại có chung một số luận điểm, đơn cử: 1/ Họ coi chiến tranh Việt Nam 1954 – 1975 là một cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn, vạ trong tường vách”, do một số nhà lãnh đạo có tư tưởng bạo lực trong Đảng Lao động Việt Nam tiến hành theo “sự chỉ đạo” của Liên Xô và Trung Quốc; 2/ Họ cố vạch ra những lằn ranh giữa ý Đảng với lòng dân, giữa tình cảm Bắc - Nam khi cho rằng ngày 30/4/1975 là ngày người miền Bắc thắng, còn đồng bào miền Nam là những người thua cuộc… Nhìn chung, giữa nhiều ý đồ chính trị, thì một mục tiêu quan trọng mà các sách dạng này hướng tới là nhằm đánh tráo ý nghĩa và giá trị đích thực của sự nghiệp giải phóng miền Nam. Cùng với sự phát triển của mạng Internet, những quan điểm phiến diện như thế rất dễ tiếp cận tới mọi giới, nhất là giới trẻ, tạo ra tâm lý hoài nghi chính sử. Bằng việc lý giải những nguyên nhân dẫn đến hành động chính trị - xã hội của một thời tuổi trẻ Sài Gòn 1954 - 1975, bài viết này sẽ góp một cơ sở nhận thức lịch sử khách quan, giúp phê phán lại những quan điểm sai lệch kể trên.

Thời cắp sách luôn là những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người: hồn nhiên, tràn đầy sức sống và nhiều mơ ước. Nhưng trong hồi ức của một cựu sinh viên Văn Khoa thì thế hệ thanh niên lớn lên cùng ông ở Sài Gòn, đã bị mai một những tính cách đặc trưng ấy khi đến với học đường: “Sài Gòn những năm giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970 tuổi trẻ lớn lên và tự già đi trong chiến tranh. Những “lưu bút ngày xanh” đành gấp lại; những mơ mộng hoa bướm tự nó thành lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười dường như ít đi, kém trong trẻo hồn nhiên; khuôn mặt, dáng vẻ tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc không thể vô tư nhởn nhơ được nữa. Những điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên; những ly cà phê đắng được nhấp vào và quán cà phê trở thành nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm.” (Lương Tài Sỹ, 2014). Tư lự, trầm lắng, sớm quen với khói thuốc và vị đắng của những ly cà phê: vì sao lại có nhiều ấn tượng bất thường đến vậy ở một thế hệ học đường Thành phố? Những ai quan tâm chắc sẽ dễ đồng thuận với nhau rằng nguyên nhân cốt yếu là do họ đã sinh ra và lớn lên trong một xã hội đang có chiến tranh. Nhưng chiến tranh tác động như thế nào đến thế hệ đó? Để như một hình thức truy nguyên, lý giải về một ấn tượng rất điển hình khác nữa, liên quan đến cách họ bày tỏ thái độ và hành động trước thời cuộc, thì lại là một câu hỏi khó và bị chi phối bởi những góc nhìn. Ở đây, chúng tôi tiếp cận vấn đề qua cái nhìn cụ thể, vào những trang sách, giờ lên lớp, trong phạm vi gia đình, trên những diễn biến chính trị - xã hội xung quanh trường học… thuộc các phạm trù điều kiện giáo dục, môi trường văn hóa, đời sống kinh tế - xã hội của tuổi trẻ học đường Sài Gòn – Gia Định giai đoạn 1954 – 1975.
 

 
"Ra đến Đà Nẵng họ chạy tuốt vô căn cứ Mỹ để trốn" (P2. Tuổi trẻ tranh đấu)
 
Ơ, thằng này Việt Cộng ...(Tuổi trẻ tranh đấu. P5)
Sài Gòn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

Từ đấu tranh chính trị đến phát động chiến tranh nhân dân
Hiệp định Genève về Đông Dương ký kết (tháng 7/1954) lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Việt Nam, Campuchia và Lào.
Nhưng ngay tức khắc, đế quốc Mỹ ra sức phá hoại việc thi hành hiệp định Genève.
Đế quốc Mỹ đặc biệt chú trọng xây dựng và củng cố Sài Gòn (hiện nay bao trùm cả Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với số dân hơn 3 triệu người) thành thủ đô của cái gọi là "Việt Nam cộng hòa". Về chính trị, Sài Gòn là nơi tập trung bộ máy đầu não của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, trong đó có đại sứ quán Mỹ, các cơ quan cố vấn cao cấp Mỹ, các cơ quan trung ương của cái chính phủ bù nhìn tay sai Mỹ. Về quân sự, Sài Gòn trở thành một căn cứ quân sự khổng lồ với một hệ thống đồn bót dày đặc, một lực lượng quân đội rất lớn (gần 40% tổng số quân địch). Đế quốc Mỹ đã xây dựng quân cảng Sài Gòn, các căn cứ không quân Vũng Tàu, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa thành căn cứ không quân chiến lược loại lớn ở Đông Nam Á. Để bảo vệ Sài Gòn, đế quốc Mỹ xây dựng một vài đai quân sự từ Vũng Tàu, qua Phú Mỹ, Biên Hòa, Xuân Lộc, Tân Uyên, Bình Dương, Bến Cát, Phước Vĩnh, Củ Chi, Đức Hòa, Bến Lức, đến Cần Giuộc, Gò Công. Về kinh tế, Sài Gòn tràn ngập hàng hóa thừa ế của đế quốc Mỹ và của các nước phe Mỹ. Đời sống của nhân dân rất khó khăn. Nạn thất nghiệp thường xuyên đe dọa nhân dân lao động. Về văn hóa, lối sống cao bồi, du đãng và sinh hoạt đồi trụy thối tha của Mỹ và phương Tây tràn vào Sài Gòn. Cùng với nhân dân miền Nam, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lại bắt đầu một giai đoạn đấu tranh mới: giai đoạn đấu tranh chống Mỹ cứu nước.
Mười ngày sau khi Hiệp nghị Genève được ký kết, phong trào hòa bình Sài Gòn, Chợ Lớn ra đời. Đây là một phong trào do một số trí thức yêu nước sáng lập nhằm đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước. Do đó bọn Mỹ - Diệm thẳng tay khủng bố, bắt nhiều người cầm tù. Giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng, một trong những người lãnh đạo phong trào này đã chết trong nhà giam.
Sau phong trào bảo vệ hòa bình ở Sài Gòn một phong trào đã thu hút được hầu hết các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham gia. Đó là phong trào cứu tế, xây cất lại nhà cửa, quyên góp quần áo chăn màn cho bà con sau khi Ngô Đình Diệm, vì xung đột với Bình Xuyên đã đốt sạch hằng mấy vùng liền lưng với nhau giữa Sài Gòn và Chợ Lớn.
Ngày 10 tháng 7 năm 1955, nhân dân Sài Gòn trong đó phần đông là công nhân và lao động đình công, bãi công, bãi chợ họp mít tinh... đòi Mỹ - Diệm phải nhận hiệp thương với miền Bắc để tổ chức tổng tuyển cử, hòa bình thống nhất nước nhà. Mỹ - Diệm thẳng tay đàn áp bắt bớ sát hại nhiều người, trong đó có nữ giáo sư Nguyễn Thị Diệu đang có mang 4 tháng.
Gần đến ngày 20 tháng 7 năm 1956, ngày mà Hiệp nghị Genève đã qui định có cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Nam - Bắc, phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn lại lên mạnh. Đi đầu là phong trào công nhân: 5 ngàn công nhân xe lửa bãi công cả tháng; 5 ngàn rưỡi công nhân của 20 kho, cảng Sài Gòn đình công; công nhân Nhà máy đèn Chợ Quán bãi công 3 ngày liền... Những cuộc đấu tranh đó đã lôi cuốn hàng vạn quần chúng các tầng lớp khác xuống đường tham gia đấu tranh.
Trước khí thế đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, các đô thị khác và vùng nông thôn, bọn Mỹ - Diệm đã dùng mọi hình thức, thủ đoạn đàn áp rất dã man như "quốc sách chống cộng" luật 10-59, nhưng càng áp bức bao nhiêu thì đấu tranh lại càng có điều kiện để chuyển lên mạnh bấy nhiêu.
Năm 1960 với cuộc đồng khởi long trời chuyển đất của nhân dân miền Nam đã bước vào một thời kỳ đấu tranh mới: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.
Năm 1960, ở Sài Gòn có 1.500 cuộc đấu tranh của công nhân dưới nhiều hình thức khác nhau và rất nhiều cuộc đấu tranh của bà con dân nghèo thành thị, trí thức học sinh, tiểu chủ, tư sản dân tộc, văn nghệ sĩ, ký giả v.v...
Ngày 20 tháng 12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời và công bố bản Tuyên ngôn và Chương trình 10 điểm. Toàn thể nhân dân miền Nam vô cùng phấn khởi đón mừng sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng đó. Trong ngày 2-1-1961 nhân dân Sài Gòn và ngoại ô đã bãi chợ, không chạy xe, thuyền, đóng cửa tiệm vài giờ... để họp mít tinh hoan nghênh Mặt trận.

Chống chiến tranh đặc biệt
Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc "chiến tranh đặc biệt" vào giữa năm 1961 cũng không thể ngăn cản được phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn ngày một phát triển. Trên cơ sở lực lượng chính trị, tại các nhà máy, các xóm lao động đã phát triển các đội tự vệ vũ trang.
Năm 1962, có nhiều cuộc đấu tranh đáng chú ý: cuộc đấu tranh của 5 vạn công nhân cao su kéo vào thành phố. Cuộc đình công của một vạn công nhân xích lô, của một ngàn công nhân ô tô buýt và tắc xi; cuộc biểu tình của công nhân hãng dệt Việt - Mỹ "Vi-mi-tếch"; cuộc bãi công kéo dài 17 ngày của công nhân hãng cầu đường Ep-phen; công nhân làm đồ điện Vi-đê-cô bãi công chiếm xưởng... Phong trào học sinh cũng đặc biệt sôi nổi, đã được Chủ tịch Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, quyết định tuyên dương ngày 20-12-1962.
Bên cạnh những cuộc đấu tranh chính trị, xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ trong các khách sạn, câu lạc bộ, trại lính, nhà cố vấn Mỹ... Từ tháng 1 đến tháng 9-1962 ở Sài Gòn có tới 86 vụ "cố vấn" Mỹ bị tiêu diệt. Tháng 9-1963, quan và dân ta thắng lớn trận Ấp Bắc (Mỹ Tho) ngay sau đó nhân dân Sài Gòn, mà ngòi pháo là sinh viên, học sinh đã tổ chức mít tinh, biểu tình hưởng ứng. Đến đây Sài Gòn lại sôi nổi thêm phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo. Cuộc biểu tình của đồng bào Phật giáo trong hai ngày 7 và 8 tháng 5-1963 đã bị Mỹ - Diệm thẳng tay khủng bố. Ngày 21-5-1963, 600 nhà sư biểu tình đi từ chùa Ấn Quang đến chùa Xá Lợi để phản đối Mỹ - Diệm. Ngày 30-6-1963 hàng ngàn sư sãi Sài Gòn bắt đầu tuyệt thực để ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào Phật giáo ở Huế. Hôm sau, các nhà sư Sài Gòn có sự hưởng ứng ủng hộ của học sinh, sinh viên đã kéo đến biểu tình ngồi trước trụ sở quốc hội Ngô Đình Diệm. Ngày 11-6-1963 trước hàng ngàn sư sãi và hàng vạn nhân dân, hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu. Năm ngày sau, ngày hỏa táng cho Hòa thượng, 70 vạn nhân dân Sài Gòn đã xuống đường biểu tình. Cảnh sát của Diệm dùng súng, lựu đạn đàn áp. Quần chúng biểu tình dùng đá, gậy gộc đánh lại kịch liệt.
Tình hình Sài Gòn căng thẳng. Biểu tình luôn luôn diễn ra. Mỹ - Diệm thẳng tay khủng bố bắt 2.000 sư sãi, 4.000 học sinh, sinh viên, giết chết và làm bị thương 200 người. Ngày 7-9-1963 nữ sinh Gia Long dùng guốc, bàn, ghế, lọ mực đánh lại bọn cảnh sát dã chiến.
Ngày 1-11-1963, Mỹ tổ chức cho tay sai làm cuộc đảo chính, giết anh em Diệm - Nhu và đưa Dương Văn Minh rồi đến Nguyễn Khánh lên nắm chính quyền ở Sài Gòn. Ngày hôm sau, gần một triệu đồng bào Sài Gòn - Gia Định tổ chức thành 20 đoàn biểu tình đi qua các phố với khẩu hiệu "Đánh đổ chế độ độc tài phát xít", "Phải thực hiện tự do dân chủ!", "Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam"... Đế quốc Mỹ ra lệnh đàn áp. Nhưng lính ngụy không tuân lệnh. Đoàn biểu tình tiến vào trụ sở "quốc hội", bộ công dân vụ, nha thông tin ngụy phá các bót cảnh sát Lê Văn Ken, quận 2, Chương Dương, Ký Con; xé báo phản động, lùng bắt ác ôn... Lực lượng cách mạng phát triển mạnh. Các đội biệt động, tự vệ vũ trang hình thành ngày càng nhiều. Ngay tại Sài Gòn, bên cạnh những cuộc đấu tranh chính trị, đã xuất hiện ngày càng nhiều những cuộc đấu tranh vũ trang. Hai hình thức đấu tranh chính trị và vũ trang xen kẽ nhau, nương tựa vào nhau và thúc đẩy nhau phát triển.
Năm 1964 năm Mỹ bắt đầu ném bom, bắn phá miền Bắc, Sài Gòn có một số cuộc đấu tranh và trận đánh làm nức lòng quần chúng cả nước.
Trận nổ bom ở sân bóng rổ trong khu vực Tân Sơn Nhất (9-2-1964), trận tập kích rạp chớp bóng Kinh Đô giành riêng cho Mỹ (16-2-1964) làm chết và bị thương 150 tên Mỹ.
Ngày 2-5-1964, đánh chìm hàng không mẫu hạm Ca-đơ trọng tải 15.000 tấn tại bến Sài Gòn diệt 55 Mỹ và 19 máy bay.
Từ 15 đến 22-5 liên tục có những cuộc biểu tình với khẩu hiệu "Đả đảo Mỹ - Khánh", "Đế quốc Mỹ cút đi!... Ngay sau đó có cuộc đập nát tượng Ken-nơ-đy tại Quảng trường Hòa Bình (7-6-1964).
Ảnh hưởng của trận đánh mìn nhà ăn đường Nguyễn Minh Chiếu (1-8) gần sân bay Tân Sơn Nhất diệt 10 Mỹ chưa dứt thì lại tiếp luôn trận đánh sập tầng gác thứ 5 khách sạn Ca-ra-ven, làm chết và bị thương gần 100 Mỹ (25-8). Cũng trong ngày này 10 vạn học sinh, sinh viên và đồng bào Sài Gòn xuống đường biểu tình đòi lật đổ Nguyễn Khánh và đòi tống cổ đế quốc Mỹ.
Ngày 31-8, một quả lựu đạn nổ ở ngã tư Đồng Khánh - Chu Văn Tiếp làm 8 Mỹ chết.
Trước phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang của Sài Gòn lên mạnh, Nguyễn Khánh tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" và đưa ra sắc luật 18-64 cấm biểu tình, đình công, hội họp; bóp nhẹt báo chí hạn chế hoạt động nghiệp đoàn. Ngay tức khắc 20 vạn công nhân các ngành dệt, vận tải, điện nước, xăng dầu, xích lô, tắc xi, xe buýt, cảng... xuống đường tỏ thái độ phản đối Nguyễn Khánh (21-9). 6 vạn công nhân cao su tuyên bố sẽ tiến về Sài Gòn ủng hộ yêu sách của anh em cùng giai cấp mình. Nguyễn Khánh buộc phải cho đại diện ra tiếp đoàn đại biểu công nhân, hứa tôn trọng quyền tự do hội họp, hứa thu nhận lại những công nhân của hãng Vi-mi-tếch bị sa thải,...
Ngày 7-10-1964, đặc công đánh 3 tàu chở xăng của Mỹ ở sông Nhà Bè thiêu hủy 70 vạn lít. Ngày 18-11 đánh mìn câu lạc bộ hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất diệt 77 Mỹ.
Trong tháng 11-1964, thanh niên học sinh liên tục đấu tranh. Mỹ - Ngụy bắn chết em Lê Văn Ngọc (25-11-1964). Ba ngày sau, 2 vạn học sinh xuống đường phản đối. Mỹ - ngụy khủng bố bắn chết chị Loan, nữ sinh trường Gia Long.
Chấm hết năm 1964 là trận đánh khách sạn Bơ-rin-cơ kỳ diệu, một tòa nhà 6 tầng ngay trung tâm thành phố, diệt 155 sĩ quan Mỹ, trong đó có 2 đại tá, 9 trung tá, 5 thiếu tá, phá hủy 24 xe quân sự.
Cũng trong năm 1964 một sự kiện làm xúc động lòng người, và mãi mãi còn in đậm nét trong lòng người dân Sài Gòn là sự hy sinh cao cả của người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Anh Trỗi là một thanh niên quê ở Quảng Nam, vào Sài Gòn trước đó vài năm để sinh sống. Vì không chịu được cảnh sống ngột ngạt giữa một thành phố mà người công nhân điện không có điện dùng, người thợ nề không có nhà ở, còn lũ giặc cướp Mỹ thì phè phỡn, nghênh ngang hống hách, anh Trỗi đã gia nhập hàng ngũ cách mạng và nhận nhiệm vụ trừng trị tên "hung thần chiến tranh" Mắc-na-ma-ra khi hắn đến Sài Gòn. Nhưng nhiệm vụ chưa thành thì anh Trỗi bị bắt và ngày 15-10, đúng 9 giờ 59 phút, chúng đã sát hại anh tại Khám Chí Hòa. Cả Sài Gòn đều sôi sục phẫn nộ.
9 phút cuối cùng của anh Trỗi cũng là 9 phút anh tiến công quyết liệt kẻ đã gây ra tộc ác đối với đồng bào ta. Anh nói: "Còn giặc Mỹ là không ai có hạnh phúc được". Bọn ác ôn xô đến bịt mắt, nhưng anh đã giựt phăng miếng vải đen, phóng tầm mắt ra xa như muốn ôm trọn cả thành phố, nơi đây đồng bào, anh chị em, đồng chí và người vợ yêu thương của anh đang sống và chiến đấu.
Tiếng nói cuối cùng của anh cũng là lời nhắn nhủ đồng bào và người thân:
"Hãy nhớ lấy lời tôi:"
"Đả đảo đế quốc Mỹ!"
"Việt Nam muôn năm!"
"Hồ Chí Minh muôn năm!"
Và, Nguyễn Văn Trỗi đã hiên ngang đi vào lịch sử!
Sau đó đúng ngày cúng anh, theo tập quán dân tộc, đồng bào Sài Gòn đã dựng lên 4 đài kỷ niệm Nguyễn Văn Trỗi ở ngay 4 góc nhà lao Chí Hòa. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên đỉnh cao các đài ấy.
Chống chiến tranh cục bộ
Năm 1965 đánh dấu một chuyển biến mới: "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ đã bị phá sản hoàn toàn; ngụy quân, ngụy quyền đang đứng trước sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi. Để cứu nguy, đế quốc Mỹ, một mặt điên cuồng tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc; mặt khác, chuyển từ "chiến tranh đặc biệt" sang một hình thức khác "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Nhưng càng vào nhiều thì chúng càng chết nhiều. Trên đà chiến thắng, nhân dân Sài Gòn - Gia Định tiếp tục giáng vào đầu quân Mỹ - ngụy những đòn đích đáng. Chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ và rộng khắp chung quanh thành phố và ngay cả nội thành. Nhiều cơ quan chỉ huy và căn cứ quan trọng của Mỹ - ngụy liên tiếp bị quân và dân Sài Gòn - Gia Định đánh phá, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề như Sở chỉ huy phái đoàn MAAG, sứ quán Mỹ, sân bay Tân Sơn Nhất, khách sạn Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn, tổng nha cảnh sát ngụy. Khách sạn Mê-tơ-rô-pôn, đồn lính gác cầu Tân Thuận và các đồn cảnh sát quận 6 và quận 7, cơ quan tình báo quân sự của lục quân Mỹ, v.v...
Với những thành tích xuất sắc nói trên, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam "tuyên dương công trạng" (25-12-1965) và tặng thưởng 3 huân chương quân công giải phóng hạng nhì, 5 huân chương quân công hạng ba, 4 huân chương chiến công giải phóng hạng nhất, 8 huân chương chiến công giải phóng hạng nhì.
Trên cơ sở những thành tích lớn lao đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã quyết định tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng nhất cho quân và dân Sài Gòn - Gia Định.
Cùng với những chiến công vang dội của nhân dân miền Nam anh hùng, nhân dân Sài Gòn - Gia Định liên tiếp lập được những thành tích xuất sắc, góp phần đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966, 1966 - 1967) của đế quốc Mỹ.
Trong hai năm 1966 - 1967, nhiều cơ quan chỉ huy và căn cứ quan trọng của Mỹ, ngụy tiếp tục bị đánh phá dữ dội và bị tổn thất nặng nề. Nhiều tên sĩ quan Mỹ bị trừng trị, trong đó có cả cấp tướng và rất nhiều cấp tá, cấp úy. Nổi bật là những trận đánh vào trụ sở bộ tổng tham mưu ngụy (tháng 2-1966), tòa nhà 6 tầng Vích-tô-ri-a, nơi ở của bọn sĩ quan cao cấp Mỹ (tháng 4-1966), đánh chìm hàng chục tàu vận tải có cả loại trọng tải 10.000, 12.000 tấn và tàu vớt mìn trên sông Lòng Tàu (tháng 6 và 8-1966, tháng 1, 2 và 4-1967), đốt cháy một kho quân sự lớn của quân Mỹ ở Nhà Bè (tháng 9-1966), đánh đồn Phú Lâm (tháng 10-1966), phá sập chiếc cầu dài 100 mét cách Sài Gòn 7km (tháng 10-1966), đánh cuộc diễu binh trong ngày "Quốc Khánh Cộng hòa" (1-11-1966) bắn súng lớn vào sân bay Tân Sơn Nhất (tháng 12-1966, tháng 4-1967), tiến công sở chỉ huy chiến tranh tâm lý của lục quân Mỹ (tháng 12-1966), sở chỉ huy tiểu đoàn Mỹ (thuộc lữ đoàn 199) ở tại Long Thới cách Sài Gòn 6km về phía Nam (tháng 5-1967), phá hủy trung tâm thông tin quân sự Mỹ (26-10-1967).
Song song với phong trào đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong những năm này cũng phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào công nhân, phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh và phong trào trí thức đòi hòa bình, đòi quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Bọn Mỹ, ngụy mở rộng chiến tranh, hạ giá đồng bạc gây khó khăn cho đời sống của công nhân và lao động, đa đưa đến những cuộc đấu tranh của công nhân đòi đế quốc Mỹ cút đi, đòi lật đổ ngụy quyền bán nước Thiệu Kỳ nổ ra liên tục. Nhiều cuộc đấu tranh lớn đã nổ ra trong các xí nghiệp thuộc các ngành chiến lược của địch như hãng thầu quân sự RMK - BRJ, các hãng dầu Sen, Can-tếch, Eét-xô và bến cảng Sài Gòn. Riêng cuộc đấu tranh của công nhân hãng thầu quân sự RMK - BRJ kéo dài đến 4 tháng (5-9-1966). Trong cuộc biểu tình của công nhân cảng Sài Gòn tháng 12-1966, quần chúng đã trang bị dao, gậy gộc chiếm bến tàu, kịch liệt chống lại bọn cảnh sát đến đàn áp.
Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh cũng tiến lên mạnh mẽ. Các cuộc hội thảo của học sinh, sinh viên vạch mặt bọn phát xít, bóp nghẹt dân chủ của Mỹ, Thiệu, Kỳ liên tiếp diễn ra. Cuộc đấu tranh chống bắt lính trong giáo sư và sinh viên, tố cáo chính sách bắt lính tăng cường chiến tranh của Mỹ, Thiệu, Kỳ của sinh viên trường Đại học Nông Lâm Súc và Kỹ thuật Phú Thọ đã lôi cuốn được nhiều giáo sư và chuyên viên cao cấp của Mỹ, ngụy tham gia.
Nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ rầm rộ có từ hàng ngàn đến hàng chục vạn người gồm công nhân, lao động, thanh niên, sinh viên, học sinh và các tầng lớp khác đã nổ ra rất quyết liệt như những cuộc biểu tình 10.000 người đòi hành hình bọn Thiệu, Kỳ, Có (31-3-1966); 15.000 người diễu hành đi suốt đêm 2 rạng 3-4-1966 thét vang những khẩu hiệu "đả đảo Mỹ", "Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam" và bao vây đài phát thanh Sài Gòn; 100.000 người bao vây "dinh thủ tướng" của Nguyễn Cao Kỳ với khẩu hiệu "Lật đổ ngụy quyền Thiệu, Kỳ" (8-4-1966): 300.000 người kéo đi khắp các đường phố lớn đòi lật đổ bọn Thiệu, Kỳ bán nước (14-4-1966) và cuộc xuống đường của 4 vạn công nhân lao động ngày 1-5-1966 đòi chấm dứt chiến tranh, đòi hạ giá sinh hoạt, đòi Mỹ cút đi. Đặc biệt là cuộc đấu tranh chống trò hề bầu cử gian lận của bọn Mỹ - Thiệu - Kỳ ngày 3-9-1967 của nhân dân Sài Gòn - Gia Định. Nhiều cuộc mít tinh lớn tố cáo mánh khóe gian lận của bọn Thiệu, Kỳ và tẩy chay cuộc bầu cử gian lận đó.
Những cuộc đấu tranh của các nhà báo đòi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt. Những tổ chức như "lực lượng bảo vệ tinh thần thanh thiếu niên", "hội bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm phụ nữ", "lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc", "Ủy ban xây dựng kinh tế tự chủ" lần lượt được thành lập và tiến hành đấu tranh chống bọn Thiệu, Kỳ.
Phong trào đấu tranh trên đây đã có tiếng vang lớn và đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong quần chúng, được các tầng lớp nhân dân Sài Gòn nhiệt liệt ủng hộ. Đây là một phong trào đậm nét dân tộc, dân chủ, kích thích tinh thần yêu nước chống xâm lược Mỹ của nhân dân ta ở miền Nam.
Các cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã được đông đảo anh em binh sĩ đồng tình và ủng hộ. Chính hãng thông tin Mỹ UPI đã than phiền "binh sĩ Việt Nam (ngụy) đã cung cấp các phương tiện truyền tin, phóng thanh cho các cuộc biểu tình". Số binh sĩ bỏ ngũ ngày càng nhiều.
Bọn Mỹ, Thiệu, Kỳ hết sức hoang mang, lo sợ trước phong trào đấu tranh ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt của nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định. Chúng điên cuồng khủng bố, dùng những biện pháp hết sức trắng trợn, dã man: thẳng tay đàn áp và bắt bớ quần chúng biểu tình, ra "lệnh khẩn cấp chống biểu tình và mít tinh" trên đường phố, dựng thêm nhiều hàng rào dây thép gai, dựng cả "pháp trường cắt" ngay giữa chợ Bến Thành, rải quân đội, cảnh sát khắp đường phố và đe dọa sẽ dốc toàn lực ra đối phó mạnh hơn nữa.
Nhưng, bất chấp khủng bố và đe dọa, nhân dân Sài Gòn vẫn tiếp tục đấu tranh chống Mỹ, ngụy ngày càng quyết liệt. Các cuộc đấu tranh toàn diện và mạnh mẽ trong những năm này đã thực sự chuẩn bị một bước nhảy vọt kỳ diệu cho phong trào Sài Gòn - Gia Định trong Tết Mậu Thân (1968).
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đưa chiến tranh vào đô thị của nhân dân miền Nam anh hùng trong Tết Mậu Thân là một đòn trời giáng đánh vào đầu Mỹ, ngụy khiến cho chúng thất điên bát đảo, không phương chống đỡ, bị tổn thất cực kỳ nghiêm trọng.
Riêng ở Sài Gòn - Gia Định bão lửa dữ dội vào đầu Mỹ, ngụy hai đợt: đợt 1 từ đêm 30 rạng 31-1 đến giữa tháng 2; đợt 2 từ đêm 4 rạng ngày 5-5 đến 31-5. Trong cả hai đợt, Quân giải phóng đã cùng với các lực lượng vũ trang của nhân dân và những người yêu nước trong quân đội ngụy quyền Sài Gòn nổi dậy dồn dập tiến công nhiều cơ quan đầu não và căn cứ quan trọng của bè lũ Mỹ, ngụy ngay giữa thành phố Sài Gòn - Gia Định cùng với nghĩa binh yêu nước đánh phá sứ quán Mỹ, bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy đài phát thanh Sài Gòn, trại huấn luyện Quang Trung, "dinh độc lập", tổng nha cảnh sát, bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, bộ chỉ huy hải quân và nhiều căn cứ khác, tiến công tiêu diệt các trân địa pháo, các bãi để xe tăng ở Trại Phù Đổng, Cổ Loa và nhiều kho xăng dầu, đạn dược, trong đó có những kho lớn như Long Bình, Hạnh Thông Tây. Nhiều giặc Mỹ, binh lính và cảnh sát ngụy kể cả lính dù, lính thủy đánh bộ bị diệt và bị bắt. Nhiều cơ quan và căn cứ của địch bị đánh đi đánh lại nhiều lần, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất bị đánh hàng chục lần trong hai đợt và riêng trong đợt 1 đã bị quân giải phóng chiếm khu vực phía Bắc và phía Tây. Cũng trong đợt 1, bộ tổng tham mưu ngụy bị Quân giải phóng chiếm hoàn toàn.
Nhân dân nhiều nơi trong thành phố đã xuống đường phối hợp với Quân giải phóng và các lực lượng du kích đánh phá các đồn bốt, quét bộ máy ngụy quyền, bắt trừng trị bọn phản cách mạng ác ôn, kêu gọi binh sĩ ngụy mang súng trở về với nhân dân, làm chủ nhiều khu vực trong thành phố (quận 5, 6, 7, 8 và phần lớn quận 3, 4) và nhanh chóng mở rộng lực lượng. Ở những nơi nhân dân làm chủ, hàng ngàn thanh niên Sài Gòn đã nô nức cầm súng đứng vào hàng ngũ các lực lượng vũ trang cách mạng chiến đấu chống địch; hàng trăm đơn vị dân quân du kích và các đoàn thể chính trị, cách mạng đã nhanh chóng thành lập và sôi nổi hoạt động, nhiều nơi đã lập tòa án nhân dân xử tội bọn ác ôn ngoan cố. Trước khí thế đồng khởi mãnh liệt của nhân dân, nhiều binh sĩ ngụy đã vác súng tham gia hàng ngũ cách mạng, nhiều đơn vị quân ngụy đã giao súng cho nhân dân và cùng nhân dân đi đánh chiếm các đồn bót.
Tất cả các đường giao thông vận tải chạy về Sài Gòn đều bị băm nát, cắt đứt kể cả đường số 4, đường số 1, đường số 15 liên lạc giữa bọn Mỹ, ngụy ở Sài Gòn với các địa phương bị tê liệt.
Bị thua một vố đau nhưng Mỹ, ngụy vẫn rất ngoan cố, liều mạng đến cùng. Chúng cố gắng tập trung lực lượng chống lại một cách điên cuồng, dùng cả xe tăng, đại bác, máy bay bắn và thả bom bừa bãi xuống nhiều nơi trong thành phố, phá hủy nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân, giết và làm bị thương nhiều người kể cả những người già cả, phụ nữ, trẻ em.
Các chiến sĩ cách mạng kiên cường của Sài Gòn - Gia Định vừa chiến đấu quyết liệt với địch, vừa tận tình giúp đỡ đồng bào thành phố, cứu chữa những người bị thương, dập tắt các đám cháy do bom đạn Mỹ và Thiệu, Kỳ gây ra, hướng dẫn đồng bào đào hầm hố, công sự, tổ chức đội ngũ chiến đấu để bảo vệ khu phố. Đồng bào thành phố đã hết lòng ủng hộ các chiến sĩ vũ trang cách mạng. Đông đảo thanh niên, học sinh, sinh viên cả nam lẫn nữ đã ra tận chiến hào tiếp tế lương thực cho các chiến sĩ và tiếp tay với quân cách mạng lùng diệt bọn tay sai ác ôn ngoan cố.
Việc ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình giữa thành phố Sài Gòn rực lửa là thêm một đòn đau cho Mỹ, ngụy.
Qua hai đợt của Liên minh tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã loại khỏi vòng chiến đấu 47.000 tên địch (có gần 20.500 tên Mỹ và chư hầu), tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 21 tiểu đoàn, 97 đại đội Mỹ, ngụy và chư hầu, bắn rơi và phá hủy gần 500 máy bay các loại, phá hủy 1.480 xe quân sự (có gần 630 xe tăng và xe bọc thép), 45 kho bom đạn, xăng dầu, đánh chìm và bắn cháy hàng chục tàu (có nhiều tàu trọng tải 10.000 đến 13.000 tấn), đánh sập 29 cầu, tiêu diệt, bức rút, bức hàng 150 đồn bót.
Với những chiến thắng hết sức to lớn đó, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã vinh dự được Uủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tuyên dương công trạng và tặng thưởng 2 huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng nhất và hai huân chương Quân công giải phóng hạng hai.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân nhân dân Sài Gòn - Gia Định lại trải qua nhiều đợt giành giật ác liệt với quân thù. Ở vùng nông thôn ven thành phố về phía Đông Bắc, phía Tây Nam, đồng bào đã chịu đựng hàng chục trận ném bom tọa độ của máy bay B. 52 và hàng trăm cuộc rải chất độ hóa học đã hủy diệt hầu hết các vườn hoa quả nổi tiếng của miền Nam như chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài, cam, chuối... Mỹ ngụy còn rải thảm bom bi, mìn nổ chậm hòng ngăn cản việc đi lại của du kích. Nhưng Sài Gòn vẫn vững chãi lớn lên.
Tháng 6-1969, một sự kiện lịch sử quan trọng đã làm nức lòng nhân dân miền Nam, đó là việc thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tiếp theo đó, Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Gia Định được thành lập là một trong những đơn vị chính quyền được hình thành sớm nhất ở miền Nam.
Đu tranh chống Việt Nam hóa chiến tranh
Sau chủ trương "Phi Mỹ hóa chiến tranh" của Johnson (từ giữa năm 1968), ngày 7 tháng 4 năm 1968, Nixon (Tổng thống Mỹ tiếp sau Johnson) chính thức tuyên bố bắt đầu Việt Nam hóa chiến tranh theo kế hoạch 3 giai đoạn, trong đó quyết đâm của giai đoạn 3 là hoàn thành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, củng cố thành quả đã đạt được, đối phương suy yếu và chiến tranh tàn lụi dần.. Báo cáo trước ủy ban quân lực thượng nghị viện Mỹ, Melvin Laird, bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố: "Chính sách Việt Nam hóa có nghĩa vừa kết thúc vừa mở đầu... kết thúc sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam, mở đầu một chính sách mới của chúng ta về việc họ phải tự lực, tự dựa vào bản thân họ...".
Từ tháng 10 năm 1968 đến tháng 1 năm 1969, địch "bình định cấp tốc", tháng 1 năm 1969 bắt đầu bình định "xây dựng".
Từ tháng 1 năm 1969 (trước cả tuyên bố của Nixon) đến tháng 2 năm 1972 là thời kỳ mà 3 vấn đề trung tâm được triển khai thực hiện.
Trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, ngoài 3 tuyến phòng thủ (tập trung 47% quân chiến đấu Mỹ, 37% quân chủ lực ngụy so với toàn Miền), đã hình thành từ giữa năm 1968, ở nội thành Sài Gòn, địch tổ chức 9 quận thành 11 đặc khu, bổ nhiệm sĩ quan cấp trung tá là đặc khu trưởng, tăng cường cho mỗi đặc khu một đại đội đặc vụ (công an đặc biệt), hai đại đội cảnh sát dã chiến và từ 1 đến 2 đại đội tuần cảnh. Để kiểm soát chặt chẽ nội thành hơn, các phường, khóm lại được chia nhỏ, nâng số phường từ 56 lên 72, số khóm từ 861 lên 1100. Địch lại bắt đầu đổi thẻ căn cước, người tập kết, gia đình theo Việt cộng, chỉ cần có một người tố cáo là có thể bắt ngay không cần chứng cứ.
Sau các sắc lệnh tổng động viên, địch quân sự hóa học đường, quân sự hóa phường, liên gia, công tư sở, công tư chức, ra sắc lệnh cấm hội họp, biểu tình, đình công. Thực hiện tuyên bố: "Bắn bỏ ngay tức khắc bất cứ ai đòi hỏi hòa bình".
Lực lượng nhân dân tự vệ được đặc biệt coi trọng phát triển không chỉ để đôn quân, bắt lính mà còn để mỗi người dân thành một người lính địch. Chúng thành lập ở mỗi phường một ban và ở mỗi khóm một tiểu ban quân sự.
Nhân dân tự vệ được trang bị súng, phải làm nhiệm vụ canh gác, lùng sục, gây không khí căng thẳng triền miên ở trong dân chúng. Chỉ riêng quận 7 đến cuối năm 1969, địch đã tổ chức trên 6000 nhân dân tự vệ thuộc lứa tuổi từ 14 đến 50, trang bị 2433 súng. Công an, cảnh sát, nhân dân tự vệ... kết hợp liên tục lùng sục, vây ráp trong nội thành gây cho ta rất nhiều khó khăn. Tại Sài Gòn năm 1969 có trên 7000 cuộc hành quân cảnh sát và có đêm như đêm 20 tháng 1 năm 1969 trên 9.700 người bị khám xét, bị bắt giam. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đảng viên, cán bộ bị bắt. Các căn cứ Rạch Bà Tàng, Hố Bần, Bến Đá, Cầu Sập, Phú Định, Hàng Thái, Chánh Hưng, Rạch Ông, Rạch Cát... bị đánh phá chà đi xát lại liên miên. Đời sống nhân dân lao động điêu đứng, đi lại, làm ăn khó khăn. Trong lúc đó phim ảnh, sách báo Mỹ, văn hóa đồi trụy, dâm dật, tràn ngập đang đầu độc tầng lớp thanh niên, học sinh, gieo rắc tâm lý hưởng thụ, sống gấp, không cần biết lý tưởng, không cần biết tương lai.
Ở ngoại thành, quân Mỹ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ lá chắn, đẩy lùi chủ lực ta ra xa hơn, đại bộ phận quân ngụy làm nhiệm vụ càn quét với mật độ lớn hơn các năm trước nhằm triệt phá các nhóm căn cứ, các bàn đạp, làm bật gốc các lực lượng ta ra khỏi ven đô.
Tiếp sau phong trào chống lệnh động viên, quân sự hóa học đường, đòi hòa bình, tháng 4 năm 1969, đội vũ trang tuyên truyền học sinh đột nhập trường Huỳnh Khương Ninh kêu gọi học sinh vùng lên lật đổ Thiệu, Kỳ, gia nhập các lực lượng vũ trang cách mạng.
Vào dịp lễ Phật Đản năm 1969, "Ủy ban thanh niên học sinh, sinh viên tranh thủ dân chủ và hòa bình" được thành lập, phối hợp cùng các giới khác lên án Mỹ ngụy tiến hành chiến tranh hủy diệt, đòi vãn hồi hòa bình.
Nguyễn Văn Thiệu cấm tổ chức lễ Quốc tế Lao động ngày 1 tháng 5 năm 1969, nhưng hơn 500 đại biểu của 118 nghiệp đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn bất tuân lệnh, cứ tổ chức ngày hội lớn của giai cấp công nhân, vạch mặt Thiệu và tay sai, đòi tự do nghiệp đoàn, đòi hòa bình, lập lại quan hệ bình thường Nam - Bắc.
Tháng 5 năm 1969, Đại hội đại biểu các lực lượng thành phố bầu ra Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố do giáo sư Nguyễn Văn Chì làm chủ tịch.
Sau đợt tiến công tháng 5 trên chiến trường, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam họp trong các ngày 6, 7, 8 tháng 6 năm 1969 quyết định thành lập chế độ cộng hòa, bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời. Hội đồng cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm Chủ tịch và luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Uủy ban Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam làm Phó Chủ tịch. Đại hội ra đời hiệu triệu quân và dân miền Nam tăng cường đoàn kết, ra sức chiến đấu đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Vào lúc này ở Sài Gòn, Gia Định xuất hiện hai phong trào mới: phong trào các nghiệp đoàn nông dân, tá điền và phong trào lực lượng quốc gia tiến bộ. Các nghiệp đoàn nông dân và tá điền ở các tỉnh lân cận Sài Gòn, từ trước năm 1968 đã đấu tranh chống dự luật của Hạ nghị viện ngụy về nông dân, nay lại kéo về thành phố tiến hành đại hội.
Lực lượng quốc gia tiến bộ do luật sư Trần Ngọc Liễng làm chủ tịch, với nội dung đấu tranh từ cứu giúp nạn nhân chiến cuộc, tiến lên đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh: tờ nội san Hòa Giải của lực lượng không chỉ phát hành nội bộ mà còn phát hành công khai, đòi hòa bình, lên án chiến tranh.
Tháng 7 năm 1969, công nhân ngành xe buýt đấu tranh chống chủ trương của Mỹ - ngụy, giải tán việc công quản xe buýt để cho tư nhân tham gia đấu thầu, thực chất là chúng âm mưu sa thải những công nhân tích cực đấu tranh, chuyển việc quản lý xe buýt cho những tên tay chân của ngụy quyền, ngụy quyền để dễ bề nắm giữ, thao túng. Toàn thể công nhân xe buýt kiên quyết giữ vững vị trí, dũng cảm chống lại lực lượng cảnh sát dã chiến ngụy đến đàn áp, kiên trì giữ vững yêu sách đòi chính quyền phải hủy bỏ chính sách đấu thầu xe buýt. Cuộc đấu tranh kéo dài trong nhiều tháng, được đại biểu của 118 nghiệp đoàn ra tuyên bố ủng hộ. Công nhân các ngành dầu hỏa, bến cảng, hóa phẩm, các hãng ESSO, Silico, Mic, xưởng Caric, bệnh viện Đồn Đất, các hãng pin Quang Minh, Con Ó, cơ quan USAID... đồng tình hưởng ứng. Một số đồng bào ở các chợ mang cơm gạo, bánh mì, thực phẩm đến tiếp tế cho công nhân xe buýt.
Các lực lượng vũ trang nội thành đẩy mạnh hoạt động trừ gian, trừng trị nhiều tên tay sai quan trọng như Lê Minh Trứ, tổng trưởng văn hóa giáo dục và thanh niên (ngày 6 tháng 1 năm 1969), Lê Diệu Luận, phó chủ tịch nhân dân tự vệ khóm 24 phường Chợ Quán, Trưởng văn phòng đặc vụ Đài Loan (ngày 6 tháng 4 năm 1969) Văn Diễn Quang, nghị viện đô thành (ngày 19 tháng 6 năm 1969), Hà Thành Tín phụ trách Phân cục cảnh sát quận 6 (tháng 7 năm 1969)... Biệt động đã tấn công Phân cục cảnh sát ngụy trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, Phân cục cảnh sát quận 5.
Các xe quân sự Mỹ liên tục bị tấn công, chúng buộc phải tổ chức yểm trợ các cuộc di chuyển quân sự trong thành phố. Một lực lượng đáng kể binh lính địch bị trói chân vào công việc canh gác ở đường phố.
Nhân dân Củ Chi có câu "giết một thằng bình định bằng giết ba thằng Mỹ", bọn tâm lý chiến được xếp vào hàng đầu trong số này. Du kích Tân Thạnh Tây, một lần đột nhập ấp chiến lược Tân Quy diệt một đội bình định 7 tên.
Vào khoảng tháng 8 năm 1969, trước tình thế khó khăn, huyện chủ trương cử một trung đội nữ du kích Củ Chi về hoạt động bên trong các ấp chiến lược, vào các tổ du kích mật và bổ sung một số chỉ em cho biệt động thành. Lực lượng này thật sự trở thành lực lượng biệt động tại chỗ, tấn công địch bất kỳ nơi nào: quán nước, nhà ăn, trụ sở... Các khẩu cối 82 ly phân tán cho du kích giấu dưới địa đạo, khi cần lấy lên sử dụng ngay.
Các công trường xã tiếp tục duy trì, phát triển, du kích nghĩ ra nhiều loại mìn gạc, mìn hóa học, "mìn chĩn mắm", mìn nylon... chống được máy dò của địch. Những bãi mìn, trái lớn hình thành, có những bãi dài đến hàng nghìn mét như ở Nhuận Đức, An Nhơn Tây, Thái Mỹ. Bãi ở An Nhơn Tây gài đến 900 trái các loại. Có nhiều người rất thành thạo trong sản xuất vũ khí như: Tô Văn Đực, Phạm Văn Cội, Nguyễn Văn An, Lê Văn Đạm...
Ở Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, lực lượng võ trang tập trung chia nhỏ ra thành từng phân đội cùng du kích bám địa bàn, bám địch, đánh tiêu hao ở các khu vực Bình Trung, Phước Long, Long Trường, Tăng Nhơn Phú, Long Thạnh Mỹ, An Phú Đông, Thạnh Lộc, Quới Xuân, Nhị Bình, Tân Thới Hiệp, Đông Thạnh...
Ở Rừng Sác, đại hội Đảng Đoàn 10 lần thứ ba cuối mùa xuân 1969, diễn ra trong tình thế hết sức căng thẳng: Rừng Sác đang bị bao vây, đội 5 vào sinh ra tử quân cảng Nhà Bè trung bình tấn công hơn chục trận mà chỉ hy sinh 1 chiến sĩ, nhưng sau một trận đánh càn số quân còn một nửa, đánh đi đánh lại chỉ còn 9 tay súng. Các đội khác (cấp đại đội) còn 15, hai ba chục tay súng được coi là sung sức. Các chiến sĩ dùi đường về chiến khu Đ lần lượt hy sinh. Hàng loạt DK75, B40, B41 hết đạn. Lần lượt từ đại đội 2 trên sông Ông Kèo, đến các đơn vị khác bắt đầu ăn cháo rau kềm, có nơi luộc trái sú, vẹt ăn thay cơm. Đảng ủy lúc này gồm các đồng chí Bảy Ước (chính ủy), Cao Thanh Tao và đồng chí Hải lãnh đạo, chỉ huy đơn vị vượt thời kỳ khó khăn nhất.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra: lấy gì đánh, lấy gì ăn, đánh rồi lui về đâu, hay tạm lui hết về đất liền?
Trong tình thế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III của Đoàn 10 nêu rõ: "bất cứ giá nào cũng phải đứng tại Rừng Sác", bằng biện pháp và quyết tâm "Rừng Sác là nhà". Nghị quyết nêu thành khẩu hiệu lịch sử:
Rừng Sác là nhà.
Sông Lòng Tàu là trận địa.
Bến cảng, kho tàng, tàu địch là quyết chiến điểm.
Có lệnh là đi, hoàn cảnh nào cũng đánh thắng, đánh phải thắng.
Nghị quyết xuống các đơn vị kèm theo chỉ thị:
Bắt cá, mò cua.
Tại chỗ tùy cơ ứng biến - Nghe xã luận đài mà đánh...
Chỉ huy Đoàn nhận được những lá thư quyết tử bám trụ từ phía Tây sông Lòng Tàu. Lá thư viết bằng máu của đội 6: "Chúng tôi một tấc không đi, một ly không rời khi chưa có lệnh"; "còn người còn chiến đấu, còn người còn trận địa". Có biết bao tấm gương về những chiến sĩ Rừng Sác chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hơi thở cuối cùng, về trận địa một người chống chọi hàng đại đội giặc. Trên một cù lao không tên, đồng chí Kiệt, một cán bộ đại đội là người còn lại cuối cùng, bị địch bắn gãy lìa một khúc chân, còn bò đi gom súng đạn của đồng đội hy sinh để lại, đánh gãy đợt xung phong tiếp của địch. Lịch sử Đoàn 10 đang trải qua những tháng năm gian khổ nhất gọi là thời kỳ "bắt cá - mò cua - mua gạo - cháo rau kềm". Gần 200 cơ sở quần chúng gắn bó với Đoàn tập trung lo tiếp tế gạo, thực phẩm thuốc men. Cán bộ chiến sĩ đội quân giới của Đoàn vào "chiến dịch"truy tìm bom pháo lép (tính đến năm 1971 lấy được 4275 kg thuốc nổ từ trái bom lép). Đội quân giới của đồng chí Tư Tiên và kỹ sư Mười Thiện đã sáng chế, cải tiến ra nhiều loại mìn trong đó có "bom bay" chế từ DKB đánh được tàu 10.000 tấn, mìn ngòi phèn chua thay mìn hẹn giờ Liên Xô...
Ngày 18 tháng 5 năm 1969, quyết lập công mừng sinh nhật Bác, trong vòng 30 phút trên sông Lòng Tàu, chiến sĩ Đoàn 10 bắn cháy 2 tàu dầu của giặc, một chiếc 7.000 tấn và một chiếc 12.000 tấn.
Thấy hiện tượng hoạt động của đặc công ta tăng lên, ngày 24 tháng 6 năm 1969, địch tổ chức trận càn Mỹ - Ngụy hỗn hợp quy mô lớn do lữ đoàn 199 Mỹ chủ công, lữ trưởng David chỉ huy, đánh vào khu vực sông Ông Kèo, nơi mà chúng đinh ninh có cơ quan chỉ huy của Đoàn 10.
Qua cơ sở quân báo, ta nắm được ý định của địch nên đã bố trí trận địa đánh địch từ Vàm Ông Kèo vào gồm các chốt: B40, B41, DKZ, mìn của đội 1, đội 2, các trận địa bộ binh đại đội 1, đại hội 2.
Chiến sự ác liệt diễn ra từ sáng sớm đến 15 giờ, phía sông Ông Kèo, ta loại đoàn tàu 10 chiếc của Mỹ, nhưng phía sau tiểu đoàn ngụy tràn qua được, gây thiệt hại cho đại đội 2. Ta giết, làm bị thương 200 tên Mỹ - Ngụy, bắn chìm cháy 10 tàu. Đặc biệt tại Vàm sông Ông Kèo, ta bắn rơi chiếc máy bay chỉ huy của tướng David lữ trưởng lữ 199, tên này bị thương.
Cũng tháng 6 năm 1969, đặc công Rừng Sác đã tổ chức vượt lên đất liền, liên tiếp pháo kích Bộ tư lệnh Hải quân ngụy và kho xăng Nhà Bè.
Giữa những ngày chiến tranh ác liệt, đêm 3 tháng 9 năm 1969, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi một tin đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi của dân tộc ta: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Không ai tưởng tượng một sự thật đau buồn như vậy có thể đến, dù đó là điều không thể tránh. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người xây dựng nền Cộng hòa Dân chủ và Mặt trận thống nhất, là Bác Hồ, Người Cha thân yêu của dân tộc. Bác ra đi để lại cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta bản di chúc lịch sử. Người khẳng định: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn".
Sài Gòn - Gia Định đang trong những ngày khó khăn gian khổ nhất. Quân dân Sài Gòn - Gia Định nén đau thương, anh hùng phấn đấu, quyết tâm vượt lên, đạp bằng mọi trở lực, chông gai để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam.
Với lòng tiếc thương vô hạn, nhiều đồng bào thành phố bất chấp sự theo dõi của địch đã tổ chức truy điệu Bác bằng nhiều hình thức công khai hoặc bí mật.
Công nhân xe buýt giành cả ngày và đêm 9 tháng 9 làm lễ truy điệu Hồ Chủ Tịch.
Trên 100 thanh niên, sinh viên thuộc đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn kính cẩn mặc niệm Bác trong tiếng hát trang nghiêm của bài "Hồn tử sĩ".
Tại nhà lao Chí Hòa, anh chị em tù chính trị để tang Bác 7 ngày. Suốt tuần lễ tang, sáng nào 600 anh chị em tù chính trị cũng hát Quốc ca và làm lễ tưởng niệm Người.
Tại Ngã Bảy, anh chị em công nhân và các nghiệp đoàn quanh vùng đó chiếm trụ sở Tổng liên đoàn lao động để tổ chức mít tinh, làm lễ truy điệu Bác.
Tại vùng Hòa Hưng 200 Phật tử, nhân sĩ trí thức, sinh viên học sinh tập trung về chùa Khánh Hưng. Đúng 2 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 1969, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau lễ tang truy điệu Bác Hồ ở quảng trường Ba Đình (Hà Nội), lễ truy điệu tại đây bắt đầu.
Thượng tọa Thích Pháp Lan đọc điếu văn ca ngợi công lao và đức độ Bác Hồ. Nhiều người không cầm được nước mắt. Bốn ngày sau, tổng nha cảnh sát gửi giấy mời thượng tọa Thích Pháp Lan đến thẩm vấn suốt từ 8 giờ đến 5 giờ chiều. Trước lý lẽ sắc bén của thượng tọa và khí thế của phong trào đấu tranh của thành phố, địch buộc phải thả thượng tọa. Trong khi đó, đồng bào ở hẻm 258/5/21A phường Phan Thanh Giản, quận 10 làm lễ truy điệu Bác và nghe đọc tiểu sử bác dưới hình thức một đám giỗ tại nhà chị Biểu. Ở quận 8, chi bộ phường Hưng Phú, sau khi tổ chức canh phòng chu đáo, tập trung đồng bào tại xóm Đầm để truy điệu Bác. Cảnh sát ngụy biết, nhưng không dám xúc phạm đến tình cảm của nhân dân.
Nhiều gia đình trong thành phố đốt nhang trên bàn thờ làm lễ tang Bác, đón nghe các buổi phát thanh về Bác trên đài Hà Nội, Giải phóng. Quân dân ngoại thành làm lễ truy điệu Bác ở nhà, ngoài căn cứ, dưới địa đạo. Có nơi cán bộ làm lễ truy điệu Bác dưới hầm bí mật.
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nguyện biến đau thương thành hành động cách mạng, thực hiện di chúc Bác để lại: "... Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn...".
Thực hiện chủ trương của Thành ủy, các đội biệt động tổ chức lại thành 3 cụm, mỗi cụm có nhiều đội, khẩn trương vừa củng cố vừa xây dựng và hoạt động theo phương châm kết hợp chặt chẽ chính trị với vũ trang, thực hiện "3 mũi giáp công" ở cơ sở.
Trong thời kỳ khó khăn này, tức mồng 3 Tết âm lịch, Đoàn Thị Ánh Tuyết cùng nữ biệt động Sáu Hạnh thực hiện cuộc tấn công Trung tâm Quốc gia báo chí, loại một số cố vấn tình báo Mỹ và 28 tên mật vụ, cán bộ bình định và sĩ quan tình báo Sài Gòn.
Cũng vào những ngày này, ta đánh chất nổ trong Tổng nha cảnh sát ngụy, do một nữ chiến sĩ an ninh thực hiện, nhiều tên chết và bị thương, phần lớn là thẩm viên cảnh sát, làm cháy trên 100 xe gắn máy. Địch huy động đến máy bay lên thẳng để chữa cháy, đem xe GMC đến lấy xác và đưa số bị thương đi cứu chữa. Trận này làm cho địch nghi ngờ lẫn nhau.
Với ý thức đánh địch để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, cuối tháng 1 năm 1970, nữ chiến sĩ Tư Kiên thuộc Lực lượng vũ trang Thành Đoàn, đang bụng mang dạ chửa tự nguyện xin "đi đánh trận nữa để cổ vũ phong trào rồi đi đẻ". Ngày 30 tháng 4 chị đã cùng các chiến sĩ Lê Phi Hùng, Phạm Văn Triệu thực hiện cuộc tiến công táo bạo vào cư xá Thái Lan thuộc sư đoàn Báo Đen ở phường Phan Thanh Giản (nay là công trình bưu điện II ở phường 14 quận 10) gây thiệt hại cho địch không đáng kể nhưng có ảnh hưởng ngay đến khí thế tiến công chính trị của sinh viên đang diễn ra tại khu vực Bàn Cờ. Cũng chính nơi này địch phát hiện chỗ đặt cối 60 li của biệt động Sài Gòn đích thân chỉ huy cuộc lùng sục. Đồng chí Thanh một mình chống chọi một đại đội địch từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng, hy sinh tại trận.
Tại đường Nguyễn Văn Thoại, chị Tám A và nữ đồng chí Ngoạn hy sinh trong trận dùng thuốc nổ đánh nơi tập trung binh lính Đại Hàn.
Theo phương hướng Nghị quyết Bình Giã IV, khẩu hiệu đấu tranh chính trị tập trung lúc này là đòi Mỹ rút hết quân, chống chính quyền phản động Nguyễn Văn Thiệu, đòi thành lập chính quyền tiến bộ, chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình, tận dụng các hình thức công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp của học sinh, sinh viên, của công nhân và lao động, của mọi ngành, mọi giới và các tầng lớp trung gian.
Nội dung và hình thức đề ra nói trên rất sát hợp yêu cầu và tình hình nhân dân Sài Gòn trong tình thế hiện tại.
Học sinh, sinh viên là lực lượng nắm bắt và khơi dậy ngay thành phong trào tiến đến cao trào theo phương hướng khẩu hiệu được phát động, đồng thời tạo được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các ngành các giới, có liên kết các phong trào khác tạo thành sức mạnh tổng hợp của mặt trận chính trị thành phố.
Tháng 6 năm 1970, trong một cuộc biểu tình đòi trả tự do cho tất cả sinh viên, học sinh còn bị giam giữ tại nhà lao Chí Hòa, sinh viên, học sinh xung đột dữ dội với cảnh sát ngụy đến đàn áp, đốt cháy 1 xe, sau đó lại tấn công đốt cháy 1 xe cảnh sát và 1 xe quân cảnh Mỹ, đánh bị thương 2 tên Mỹ đi trên xe, thu cả súng đại liên, dùi cui và mũ sắt.
Phong trào học sinh, sinh viên từ Sài Gòn lan xuống Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Giờ, Châu Đốc, Rạch Giá, ra Đà Lạt, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế... trở thành cao trào học sinh, sinh viên toàn miền Nam đấu tranh chống Mỹ - Thiệu - Kỳ, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, tự do, độc lập và ngay người nước ngoài cũng đấu tranh kêu gọi hòa bình cho Việt Nam.
Cuối tháng 6 năm 1970, sinh viên liên viện đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh, tổ chức đại hội nhằm thống nhất khẩu hiệu và hành động của sinh viên trên toàn miền Nam. Một trong những khẩu hiệu hành động chung đó là: chống huấn luyện quân sự học đường với nội dung: không học, không thi, không đi quân trường.
Kết quả suốt các tháng 7, 8, 9 năm 1970, trong các trường đại học, phong trào chống quân sự học đường phát triển rất mạnh mẽ. Có đến 30.000 sinh viên không đi học quân sự, không thi môn quân sự học đường, 450 sinh viên đang học ở quân trưởng bỏ về. Sinh viên các trường đại học Y, Văn, Vạn Hạnh, Kỹ thuật Phú Thọ, đốt cháy các phòng huấn luyện quân sự học đường.
Đêm 17 tháng 7 năm 1970, học sinh, sinh viên tổ chức đêm văn nghệ "Năm châu đấu tranh cho hòa bình" tại số 240 đường Công Lý, đại diện sinh viên Việt Nam tặng cho phái đoàn sinh viên quốc tế 1 lá cờ có vẽ hình chim bồ câu trắng tượng trưng cho khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Đáp lại, các sinh viên Mỹ rút thẻ quân dịch châm lửa đốt và dẫm nát dưới gót giày để biểu hiện tinh thần phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Tiếp theo, đêm văn nghệ "Năm châu đấu tranh cho hòa bình" là những đêm "Văn nghệ xung kích", những đêm "Đốt lửa căm thù", nhằm "đốt lửa lên để nhận mặt kẻ thù, đốt lửa lên để nung nấu ý chí căm hờn, đốt lửa lên soi sáng niềm tin hy vọng", để cùng nhau sát cánh đấu tranh.
Bài hát "Dậy mà đi" thôi thúc, giục giã lớp lớp người vùng dậy đấu tranh. Từ tháng 5 đến tháng 10 có đến 24 đêm biểu diễn văn nghệ tập trung, 27 buổi văn nghệ xung kích, 49 tổ báo sinh viên, 66 tập san học sinh, và 26 cuộc đi cắm trại. Hàng trăm đội xung kích thanh niên học sinh, sinh viên tỏa về các xí nghiệp, các chợ, các xóm lao động và các vùng nông thôn ngoại thành để nói "cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi nói" để "hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi cùng hát" nhằm tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền sống, đòi hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi lật đổ Thiệu, đòi Mỹ phải rút hết...
Ngày 18/3/1970 Mỹ cho tiến hành cuộc đảo chính lật đổ nền trung lập của Campuchia. Sau đảo chính, Mỹ tập trung dựng lên chế độ Lon Non làm tay sai và tìm cách mở rộng chiến tranh xâm lược sang Campuchia. Ngày 29/4/1970 Mỹ ngụy Sài Gòn sử dụng 10.000 quân phiêu lưu đánh sng khu vực phía Đông - Bắc Campuchia, giáp với miền Đông Nam Bộ của Việt Nam.
Từ giữa tháng 6/1970 quân dân miền Nam và liên quân Việt Nam - Campuchia đã phối hợp để đánh Mỹ ngụy Sài Gòn, ngụy Phnôm-pênh. Sau hai tháng phối hợp chiến đấu ta và bạn đã giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh và giải phóng phần lớn 6 tỉnh khác của Campuchia sát với vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam. Tình hình khó khăn ở Campuchia được cải thiện rõ rệt, trong khi ấy ở Lào và ở miền Nam Việt Nam ta cũng tranh thủ đẩy mạnh hoạt động. Ở Lào, liên quân cách mạng Việt - Lào đã tấn công và giải phóng thị xã Xaravan (hạ Lào). Ở miền Nam ta mở đợt hoạt động Xuân - Hè trên toàn miền chống phá bình định của địch. Các đô thị miền Nam từ tháng 4/1970 đến tháng 6/1970 bùng lên nhiều cuộc đấu tanh của hàng vạn người chống Mỹ - Ngụy, đòi tự do, dân chủ, hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Đến giữa năm 1971 đã làm xuất hiện nhiều hình thức tổ chức công khai hợp pháp chuẩn bị đưa đấu tranh chính trị ở miền Nam lên một cao trào mới. Sinh viên học sinh chống quân sự hóa họa được, những cuộc xuống đường của "Phong trào phụ nữ đòi quyền sống", "Uủy ban nhân dân tranh thủ hòa bình", "Ủy ban nhân dân đòi quyền sống", "Nghiệp đoàn 36 chợ đô thành", những cuộc tổng bãi công của 21 nghiệp đoàn chống thuế lương bổng, phong trào chống bắt thanh niên miền Nam Việt Nam đi làm bia đỡ đạn ở Lào và Campuchia... Đó là những trận đấu tranh rung chuyển phố phường và từ đó một "Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình" đã ra đời từ Sài Gòn lan nhanh khắp các thành thị miền Nam.
Đón trước thời điểm chính trị của nước Mỹ năm 1972, từ tháng 5/1971 Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã đề ra chủ trương "Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và cả trên chiến trường Đông Dương, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch xâm lược của chúng ở Campuchia và Lào, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài".
Điều bất ngờ là hành động điên cuồng của Mỹ chỉ càng làm cho loài người tiến bộ, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ công phẫn, lên án và đòi chính quyền Nixon phải chấm dứt chiến tranh. Ngày 27/7/1972 tại hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân châu Âu đoàn kết với nhân dân Việt Nam, 27 đoàn đại biểu các nước Đông Âu, Tây Âu, Bắc Âu đã ra "Tuyên bố Paris" kêu gọi "chính phủ Mỹ chấm dứt tức khắc các cuộc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... chấm dứt mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, Lào và Campuchia".
Mỹ không muốn chấp nhận việc ký kết hiệp định bất lợi cho Mỹ và Ngụy nên chủ trương đánh đòn quân sự để ép ta phải nhượng bộ chúng. Chúng cho rằng "đe dọa phải... kết hợp với hành động thực thì mới có hiệu quả thuyết phục đối phươn". Johnson năm 1965 đã dùng biện pháp leo thang đánh phá ra miền Bắc để thực hiện ý đồ chiến lược ở miền Nam; còn Nixon năm 1972 dùng biện pháp leo thang để gây một sức ép cuối cùng theo cách tính toán "được ăn cã, ngã về không". Ngay sau ngày thắng cử, Nixon cho đánh phá mạnh hơn nữa ở vĩ tuyến 20, ồ ạt tuôn đổ vũ khí và viện trợ cho ngụy, đốc thúc ngụy phản kích mạnh ở miền Nam, đòi ta sửa đổi 120 chỗ trong dự thảo hiệp định. Bộ Chính trị Đảng ta đã nhắc nhở "phải đề phòng Mỹ tăng cường hành động quân sự. Tuyệt đối ta không được lơ là mất cảnh giác".
Trận chiến đấu của quân dân miền Bắc chống tập kích của không quân Mỹ bắt đầu từ 19 giờ 40 phút ngày 18/12/1972 và kéo dài suốt 12 ngày đêm sau đó. Chưa bao giờ và ở đâu có 1 chiến dịch phòng không như 12 ngày đêm cuối năm 1972 ở miền Bắc; cũng chưa từng có trong lịch sử cảnh tượng B.52 của Mỹ cháy rụng đỏ mặt Hồ Gươm. Quân dân miền Bắc đã dám đánh và đã đánh thắng chúng. Phó tham mưu trưởng không quân Mỹ thú nhận "Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày dạn nhất thế giới .
Bảy (7) giờ sáng ngày 30/12/1972 chính phủ Mỹ tuyên bố ngừng nén bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris. Mỹ muốn giáng cho đối phương một đòn quân sự mạnh thì lại gặp một trận "Điện Biên Phủ trên không"; muốn tỏ rõ sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của không quân chiến lược Hoa Kỳ thì những biểu tượng của sức mạnh răn đe bị mất uy thế. Tổng thống Nixon vừa tái đắc cử đã bị một trận "phản đòn", muốn đàm phán trên thế mạnh đã phải trở lại Paris khẩn cấp và "cần đạt được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện khắt khe", chấp thuận tất cả những gì đã chối từ và chấp nhận cả kết quả đàm phán ngoài mong muốn.

Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris
Sau gần một năm phá hoại Hiệp định Paris, ngụy quyền đứng trước những khó khăn mới, quân số tụt giảm, viện trợ quân sự của Mỹ bị cắt bớt, kinh tế đình đốn, ngân sách ngụy quyền 1973 - 1974 hao hụt 266 tỉ (tiền Sài Gòn), lạm phát tới 200 tỉ, số người thất nghiệp lên tới 1 triệu 32 vạn. Trong thông điệp tháng 6 năm 1974, Thiệu đã phải kêu gọi binh lính "đánh giặc theo kiểu con nhà nghèo". Trong khi đó cuộc thanh lọc và sa thải công nhân viên chức của Thiệu làm cho nội bộ ngụy quân, ngụy quyền càng lục đục gay gắt.
Nhưng tập đoàn tay sai Thiệu vẫn còn rất ngoan cố. Ngày 6 tháng 1 năm 1974, Thiệu trắng trợn tuyên bố"... không có hòa bình, không có tổng tuyển cử... "Y gào thét "phải đẩy mạnh tấn công ngay tại vùng cộng sản kiểm soát", "phải đánh trước"... và tiếp tục ráo riết thực hiện kế hoạch 2 năm 1973 - 1974, lần lượt tung xuống xã, ấp 40% công chức và 2400 sĩ quan để tăng cường bộ máy kềm kẹp tại cơ sở.
Đầu năm 1974, địch huy động lực lượng sư đoàn 25 mở cuộc hành quân đánh sâu vào các vùng căn cứ giải phóng Bắc Củ Chi, đồng thời sử dụng một bộ phận chủ lực còn lại kết hợp vào bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, cảnh sát và các đoàn bình định mở các cuộc hành quân bình định lấn chiếm vùng ven chung quanh Sài Gòn.
Trong tình hình trên, Hội nghị Thành ủy tháng 1 năm 1974 chủ trương: dưới khẩu hiệu trung tâm là hòa bình, độc lập, dân chủ cải thiện dân sinh, ở nội thành đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, ra sức xây dựng lực lượng cơ sở, tạo điều kiện và thời cơ đi tới cao trào, phối hợp chặt chẽ với phong trào nông thôn và mũi tiến công của quân sự, tiến lên đánh đổ tập đoàn quân phiệt, phát xít tay sai phản động của đế quốc Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ.
Phối hợp chặt chẽ với phong trào ở nội thành, ở nông thôn, phải tập trung chống phá bình định của địch, chống phá địa hình, chống phá càn quét, lấn chiếm, chống cướp lúa, gom dân, chống đôn quân bắt lính...
Hội nghị đề ra yêu cầu: phát triển các loại lực lượng lên từ 2 đến 3 lần ở cả thành phố lẫn nông thôn; tăng cường số lượng và chất lượng của lực lượng vũ trang đảm bảo tiêu diệt lực lượng ác ôn, kềm kẹp, lực lượng sùng lục, đánh bại lực lượng càn quét, lấn chiếm; đẩy mạnh đấu tranh phá lỏng kềm và giành quyền làm chủ của nhân dân; công tác xây dựng Đảng, xây dựng thực lực cách mạng đô thị phải đi sâu hơn nữa vào xí nghiệp, xóm lao động và các ngành trọng điểm.
Sinh khí mới về chính trị của các tầng lớp quần chúng sau Hiệp định Paris gặp sự khủng hoảng kinh tế của ngụy và thái độ hiếu chiến của Thiệu hợp thành một phát khởi mới trong phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Kinh nghiệm ngày một dày dạn, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của Thành ủy với phong trào ngày một chặt chẽ, sắc sảo hơn.
Ngày 14 tháng 2 năm 1974, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris mà tiền thân của nó là Lực lượng quốc gia tiến bộ, do ông Trần Ngọc Liễng làm chủ tịch ra mắt. Hàng loạt tổ chức khác của các giới cũng được thành lập: Uủy ban chống sa thải, Uủy ban chống đàn áp, bất công, Mặt trận nhân dân cứu đói, Uủy ban bảo vệ các bạn hàng chợ, Uủy ban bảo vệ quyền lợi sinh viên, Uủy ban bảo vệ tự do báo chí...
Theo sự chỉ đạo của ta, một lực lượng chính trị mới, "lực lượng thứ ba" đang hình thành sau Hiệp định Paris bao gồm các nhân sĩ trí thức, binh sĩ, dân biểu, nhà báo, tu sĩ, công thương gia, cựu tướng tá ngụy... có khuynh hướng chống Thiệu, đòi hòa bình, độc lập, dân chủ; nổi bật là các nhân vật như: bà luật sư Ngô Bá Thành, ông Trần Ngọc Liễng, kỹ sư Dương Văn Đại, dân biểu Hồ Ngọc Nhận, dân biểu Lý Quý Chung, giáo sư Lý Chánh Trung, linh mục Phan Khắc Từ, thượng tọa Thích Pháp Lan, dân biểu Kiều Mộng Thu, ni sư Huỳnh Liên, nhà báo Nam Đình... Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động của lực lượng thứ ba. Cũng trong thời gian này Uủy ban Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và hòa bình khu Sài Gòn - Gia Định ra mắt bao gồm nhiều nhân sĩ, trí thức đã ra vùng giải phóng, do giáo sư Nguyễn Văn Chì làm Chủ tịch. Lực lượng thứ ba tiêu biểu cho xu hướng chính trị của giai cấp tư sản dân tộc, tuy còn những mặt hạn chế, nhưng hoạt động của lực lượng này làm cho đế quốc Mỹ và tập đoàn quan liêu quân phiệt, đại biểu cho giai cấp tư sản mại bản và phong kiến phản động, bị phân hóa, cô lập, tạo ra một thế rất tốt cho phong trào đô thị.
Tháng 4 năm 1974 tất cả các nghiệp đoàn ở Thành phố đã phát động một chiến dịch đấu tranh chống sa thải. Tiêu biểu là những cuộc đấu tranh của 1000 công nhân hãng MIC, của 1500 công nhân các hãng bột mì Sakibomi, Viphumico của 1000 công nhân bốc vác Khánh Hội và cuộc đấu tranh của 3000 công nhân Hàng không Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1974, đại diện 200 nghiệp đoàn họp Hội nghị chống sa thải, kêu gọi công nhân đòi Thiệu phải ban hành về lương tối thiểu, vãn hồi hòa bình.
Cùng với phong trào dân sinh dân chủ của công nhân và lao động, phong trào đấu tranh đòi trả tù chính trị cũng liên tục tiếp diễn đến cuối năm 1974. Tháng 10, tháng 11 có hai cuộc biểu tình hàng ngàn người ở Gia Định và ở Sài Gòn đòi thả tù chính trị, có đông đảo ni sư và phật tử tham gia.
Giới báo chí đã nhập cuộc và trở thành một mũi xung kích công khai chống chế độ độc tài Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 20 tháng 9 năm 1974 các chủ báo và ký giả họp mít tinh, diễu hành trước tòa soạn báo Điện Tín, một trong những tờ báo đối lập chế độ Sài Gòn và do ta chi phối, mở đầu cuộc đấu tranh chống sắc luật 007, sắc luật kềm kẹp báo chí của Thiệu.
Ngày 25 tháng 9 năm 1974 Ủy ban Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Khu Sài Gòn - Gia Định ra lời kêu gọi chống Thiệu, đòi hòa bình, tự do, dân chủ.
Đối phó với phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị, ngày 22 tháng 9 năm 1974, Mỹ Thiệu vạch ra "Kế hoạch Sao chổi" nhằm "đàn áp cho kỳ được các phong trào này", "thanh toán toàn bộ phản động (cộng sản, thân cộng...)", "cô lập, chia rẽ nội bộ các phong trào".
Ngày 1 tháng 10 năm 1974, báo chí lột trần "Kế hoạch Sao chổi" này trước dư luận, gây nên làn sóng căm phẫn lan tràn. Tập đoàn Thiệu hết sức bối rối.
Thừa thắng, ngày 10 tháng 10 năm 1974 lực lượng báo chí được sự hỗ trợ của các lực lượng sinh viên, Uủy ban bảo vệ quyền lợi lao động và Mặt trận nhân dân cứu đói... tổ chức một cuộc xuống đường gọi là "ngày ký giả ăn mày" do nhà báo lão thành Tô Nguyệt Đình đứng đầu. Hàng trăm ký giả mang bị, gậy xuống đường đã thu hút nhiều dân biểu, nghị sĩ đối lập và một "biển đồng bào" trên đoạn đường công trường Lam Sơn đến chợ Bến Thành với khẩu hiệu: "Còn Thiệu, còn chiến tranh". Một "rừng cảnh sát" đã không làm gì được. Các hãng thông tin UPI (Mỹ), AFP (Pháp), Reuter (Anh) đều cho đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong 9 năm cầm quyền của Thiệu. Tiếp sau đó là 3 cuộc biểu tình lớn nữa vào các ngày 31 tháng 10, ngày 28 tháng 11 và ngày 22 tháng 12 năm 1974 gọi là những "ngày báo chí và công lý thọ nạn", gây tiếng vang lớn trong ngoài nước. Thiệu phản ứng quyết liệt, nhưng lực lượng quần chúng và giới báo chí vẫn xốc tới.
Cho đến cuối năm 1974, Sài Gòn có đến 30 tổ chức chính trị xã hội chống Thiệu, đòi tổng tuyển cử, đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện đời sống. Đáng chú ý là trong phong trào đô thị có cả lực lượng thương phế binh, mà về quan điểm, ta coi là một bộ phận quần chúng đau khổ vì bị ngụy quyền hắt hủi và có thể đấu tranh với chế độ độc tài, phản dân. Ngày 4 tháng 12 năm 1974 Uủy ban hành động cho công bằng xã hội ra đời tập hợp trên 10.000 sinh viên Thiên chúa giáo là một nét mới của phong trào Công giáo chống Thiệu. Đêm Noel ngày 24 tháng 12 năm 1974, tại nhà thờ dòng Chúa cứu thế và nhà thờ Vườn Xoài, hàng trăm thanh niên học sinh và sinh viên Thiên Chúa tổ chức mít tinh phản đối ngụy quyền bắt lính.
Tổ chức rất rộng rãi Mặt trận nhân dân cứu đói ra mắt từ tháng 9 năm 1974 do đại đức Thích Hiến Pháp làm Chủ tịch và dân biểu Nguyễn Văn Hàn làm tổng thư ký, thu hút nhiều thành phần có thế lực: tổng vụ trưởng vụ cư sĩ giáo hội Phật giáo thống nhất Thích Quảng Long, ni sư Huỳnh Liên, linh mục Phan Khắc Từ, chủ tịch Uủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, các dân biểu đối lập Kiều Mộng Thu, Hồ Ngọc Nhuận, giáo sư Lý Chánh Trung, luật sư Ngô Bá Thành, các nghệ sĩ Kim Cương, Thanh Nga... Ta đưa một số cán bộ tham gia đứng tên vào Mặt trận: Ngọc Trảng, Ba Thép, Xuân Thượng. Với khẩu hiệu "lá lành đùm lá rách", ẩn giấu nội dung tố cáo chế độ. Hình thức hoạt động của mặt trận thật sáng tao: biểu tình có ca hát "dậy mà đi", biểu tình "xa luân chiến" (biểu tình không lớn mà liên miên ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm nọ như bánh xe quay làm cho cảnh sát mất ăn mất ngủ). Phong trào công khai, nhưng ra báo bí mật "Cứu đói" với 10.000 bản được báo công khai cổ vũ (Điện Tín của Lý Chánh Trung, Đại Dân tộc của Kiều Mộng Thu). Mặt trận còn lập "Khối dân tộc xã hội" đấu tranh nghị trường, tổ chức "báo nói", "văn nghệ chạy", "biểu tình ngồi", "phát chẩn", có cả dân biểu, ni sư tham gia.
Chưa lúc nào tập đoàn phản dân Thiệu bị cô lập hơn lúc này. Ngày 25 tháng 1 năm 1975, 18 đoàn thể thuộc nhiều khuynh hướng chính trị cùng ký chung một bản kiến nghị đòi Mỹ chấm dứt viện trợ cho Thiệu, đòi Thiệu từ chức. Một tuần sau, ngày 1 tháng 2 năm 1975, 23 tổ chức tiến bộ công bố chung một bản cáo trạng tố cáo Thiệu là sản phẩm của chiến tranh, còn Thiệu là còn chiến tranh.
Thiệu "chữa cháy" bằng con đường phát xít hóa ngày càng trắng trợn. Những trận xô xát của nhân dân với mật vụ, cảnh sát xảy ra hàng ngày trên đường phố.
Ngày 4 tháng 2 năm 1975, các ký giả tổ chức mít tinh mừng xuân Ất Mão tại rạp Khải Hoàn. Đêm trước đó, mặc dù bị công an, mật vụ đồng loạt khám xét nhà, bắt giữ một số ký giả và đóng cửa một loạt các báo đối lập, nhưng cuộc mít tinh vẫn được tiến hành. Lễ đài mừng xuân trở thành diễn đàn tố cáo chế độ phát xít độc tài của Thiệu, lên án việc khủng bố, bắt ký giả, sinh viên và đóng cửa các báo.
Tính ra từ tháng 5 năm 1972 đến đầu năm 1975, Thiệu ban hàng 60 sắc lệnh phát xít, thủ tiêu mọi quyền dân chủ sơ đẳng nhất, đặc biệt là sắc lệnh ngày 12 tháng 5 năm 1973 (ký hiệu 009-SLNV) khủng bố tất cả những ai không đồng tình với Thiệu. Trong 2 năm 1973 - 1974 chúng đã giam cầm 93.340 người... Trong tình thế đó, sự lãnh đạo phong trào đô thị của Thành ủy ngày càng sắc bén, biết tìm ra khẩu hiệu cho từng giới, từng ngành, biết căn cứ vào khả năng và điều kiện cụ thể từng thời điểm mà chuyển các khẩu hiệu cho từng giới, từng ngành và từng thời điểm chuyển các khẩu hiệu từ thấp lên cao, chuyển hình thức và quy mô đấu tranh một cách linh hoạt, sát hợp... Nhờ vậy phong trào đô thị không chỉ thu hút quần chúng cơ bản mà còn lôi kéo được nhiều thành phần trung gian, thậm chí tranh thủ được sự đồng tình của một bộ phận sĩ quan, binh lính, nhân viên ngụy quyền giúp phong trào đấu tranh vừa có hiệu quả vừa bảo tồn được lực lượng. Gần 2 năm sau Hiệp định Paris, phong trào đô thị vươn lên mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nhanh sự khủng hoảng toàn diện của ngụy quyền Sài Gòn, đồng thời tập dượt quần chúng đô thị tiến lên phối hợp ngày càng chặt chẽ với đòn tấn công quân sự trong cuộc chiến mùa khô 1974 - 1975.
(Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến 45-75 - NXB TP.HCM)


  


Xem tiếp...

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 63/a (Samurai)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Chiến binh Samurai và thời kỳ huy hoàng*Phần 1
 Người Nhật có nhiều nghi lễ khác biệt với các quốc gia khác, nhiều nghi lễ của họ vượt quá sức tưởng tượng của con người. Có thể nói ở Nhật Bản có một thế giới trái ngược với Châu Âu. Đối với những người phương Tây đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản, đất nước này là một thế giới bí ẩn. Khi người Bồ Đào Nha đến nhật năm 1543, họ chứng kiến một đất nước đang chìm trong nội chiến. Trong giai đoạn hỗn loạn ấy, một chiến binh samurai xuất chúng đã xuất hiện. Lập nên một đế chế vững mạnh, kéo dài hơn 250 năm. Đây là những ký ức về một đế chế huyền bí của Nhật Bản.

Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể

  • 1 2 3 4 5
  • 10.453
Lòng trung thành, sự dũng cảm của 47 Samurai đã thể hiện niềm tự hào tinh thần võ sĩ đạo của dân tộc Nhật Bản.
Samurai là niềm tự hào của cả dân tộc Nhật Bản. Tài năng, sự dũng cảm và lòng trung thành của họ là điều không phải bàn cãi. Dưới đây là một trong nhiều câu chuyện hay nhất nói về những phẩm chất ấy của họ - câu chuyện về 47 lãng nhân, một huyền thoại quốc gia của xứ sở hoa anh đào…

Khởi nguồn của tấn bi kịch

Câu chuyện khởi nguồn vào năm 1701 tại Nhật Bản dưới sự cai quản về hình thức của Thiên hoàng ở Kyoto nhưng thực quyền thuộc về đại tướng quân (Shogun) Tokugawa Tsunayoshi tại Edo.
Để tỏ ý kính trọng Thiên hoàng, Tokugawa hàng năm dâng tặng cống vật tới Kyoto vào dịp năm mới, đổi lại Thiên hoàng cho khâm sai tới Edo. Năm đó, nhiệm vụ đón tiếp khâm sai được đại tướng quân giao cho hai thân tín trẻ là Naganori Asano, chúa tỉnh Harima và thành Ako cùng với Munehare Date, chúa tỉnh Sendai.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Chân dung lãnh chúa Asano

Cái chết “oan” của vị lãnh chúa trẻ

Bước ngoặt câu chuyện tới khi Tokugawa cử Yoshinaka Kira - một vị quan lớn tuổi tới để trợ giúp hai lãnh chúa trẻ về lễ nghi đón tiếp. Thế nhưng Yoshinaka Kira lại là một tham quan kiêu ngạo, đòi hỏi cả Asano và Date phải hối lộ cho ông ta những món quà giá trị.
Vì họ không đáp ứng, Kira tỏ ra khó chịu, thường xuyên lăng mạ và sỉ nhục cả hai. Date là người nổi giận trước, suýt nữa đã định giết chết Kira. May sao, quân sư đã khuyên can ông. Date sau đó đã hối lộ cho Kira một khoản cực lớn để ông ta đối xử với mình tử tế.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Chân dung tham quan Kira - khởi nguồn của tấn bi kịch
Ngược lại, Asano không hề làm giống như người bạn mình. Là một người cực kỳ trọng đạo đức, ông không chấp nhận được hành động hối lộ mà Kira yêu cầu. Hệ quả là Kira xúc phạm Asano rất nhiều lần, thậm chí còn gọi ông là “đồ con lợn”.
Asano chịu đựng điều này được trong 2 tháng. Cuối cùng, ngày 14/3 năm ấy, tại thành Edo, Asano đã dùng dao găm tấn công Kira, nhưng chỉ làm ông ta bị thương ở mặt.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Vụ tấn công Kira của Asano ngay trong thành Edo
Vào thời kỳ đó, hành động của Asano bị khép vào trọng tội: tấn công quan của đại tướng quân ngay ở thành Edo. Asano buộc phải thực hiện nghi lễ tự sát Seppuku, bị tịch thu tài sản, gia tộc bị truất quyền thừa kế và 321 Samurai dưới trướng ông trở thành “lãng nhân” (Ronin - Samurai mất chủ, con người trôi dạt). Trong khi đó, tham quan Kira vẫn nhởn nhơ, không bị xử tội gì.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Bia đá tưởng niệm nơi diễn ra vụ tấn công

Kế hoạch báo thù và tâm nguyện được hoàn thành

Những người thân tín, nhất là các Samurai vô cùng bất bình vì cái chết oan của chủ nhân mình. 321 Samurai trở thành Ronin (lãng nhân) nhưng có 60 người còn lại kiên quyết chống lại, lên một kế hoạch trả thù cho chủ nhân của mình. Người đứng đầu kế hoạch là Oishi Kuranosuke - nguyên trưởng quân sư của Asano quá cố.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Oishi Kuranosuke - chỉ huy nhóm 47 lãng nhân
Để tránh khỏi sự nghi ngờ của Kira và vây cánh đồng minh, những lãng nhân này chia nhau ra, giả làm các thương nhân, nhà sư, thậm chí là kẻ nghiện ngập để chờ thời cơ trả thù cho chủ tướng Asano năm xưa.
Sau hai năm, thời cơ đã tới với các lãng nhân. Trong số 60 người, Oishi Kuranosuke chỉ cho phép 46 người cùng với mình tấn công vào dinh thự của Kira. Đêm ngày 14/12/1702, 47 lãng nhân đột nhập vào nhà riêng của viên tham quan.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Cuộc tấn công diễn ra vào một đêm nhiều tuyết và vô cùng ác liệt
Trong vòng 1,5 giờ đồng hồ, 47 lãng nhân đã đánh bại 61 vệ sĩ của Kira mà không hề bị thương một vết nhỏ nào. Họ bắt được Kira khi đang trốn trong một ngôi nhà phụ.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Kết quả, phần thắng thuộc về các lãng nhân
Nhóm lãng nhân yêu cầu Kira thực hiện nghi lễ Seppuku nhưng ông ta không chịu. Kết quả là y bị các lãng nhân chặt đầu, mang tới mộ của Asano để tế lễ. Trên đường đi, một lãng nhân được lệnh phái tới Ako báo tin kế hoạch trả thù đã thành công.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Nhóm lãng nhân được người dân vô cùng yêu quý, nể phục
Trong lúc nhóm Samurai "bị mất chủ" đem thủ cấp của Kira tới bái tế vong hồn lãnh chúa Asano, câu chuyện về cuộc trả thù của họ nhanh chóng được lan truyền. Người dân ca ngợi họ vì lòng trung thành, sự dũng cảm và tinh thần võ sĩ đạo. Thậm chí nhiều người còn mời nhóm lãng nhân nghỉ ngơi, uống nước trước khi tiếp tục hành trình.

Và cái chết thương tâm…

Khi tới Tuyền Nhạc Tự - nơi chôn cất lãnh chúa Asano, Oishi Kuranosuke tắm rửa sạch sẽ cho thủ cấp của Kira, sau đó bái tế chủ soái cũ. Hành động của nhóm 47 lãng nhân tới tai Tokugawa.
Ông cũng cảm phục hành động của họ nên không biết phải xử trí ra sao. Cuối cùng, sau 47 ngày suy nghĩ, cân nhắc, ông ban cho họ lệnh tự xử và miễn tội cho lãng nhân trẻ nhất Terasaka Kichiemon - người đưa tin tới Ako.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Mộ của lãnh chúa quá cố Asano tại Tuyền Nhạc Tự
Sau cùng, 46 lãng nhân còn lại tự chia thành 4 nhóm nhỏ, tất cả đồng loạt tự sát tại Tuyền Nhạc Tự, bên cạnh bia mộ của chủ soái Asano. Sau đó, họ được chôn cất bên cạnh người chủ cũ của mình. Về phần Terasaka, ông sống tới khoảng năm 1747 và sau khi chết, cũng được đem tới chôn cạnh các chiến hữu năm xưa.
Huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể
Mộ của 47 lãng nhân tại Tuyền Nhạc Tự
Từ đó, huyền thoại về 47 lãng nhân kết thúc và trở thành một trong những câu chuyện nổi tiếng thể hiện niềm tự hào tinh thần võ sĩ đạo của dân tộc Nhật Bản.
Cập nhật: 28/09/2013 Theo Trí Thức Trẻ

Những câu chuyện nhỏ về nền văn hóa Samurai - Du học Nhật Bản

   Những nét văn hóa đẹp và đầy lòng tự tôn cũng như khiến cả thế giới ngưỡng mộ cũng một phần là bản chất thiêng liêng nhất của những võ sĩ Samurai được lưu truyền trước kia. Hôm nay các bạn hãy cùng Thanh Giang Conincon tìm hiểu những điều rất thú vị này nhé.
·        
Văn hóa vẫy tay
Chuyện vẫy tay, ở Nhật có hẳn biểu tượng mèo vẫy tay rất nổi tiếng. Đó là chú Maneki Neko. Nếu tay phải nó vẫy là phú quý tìm về, tay trái nó vẫy là lộc tài đang tới. Người bình dân vẫy tay kiểu gì cũng xong nhưng thiên hoàng lại khác. Ngài chỉ vẫy tay một kiểu, thẳng ra trước mặt, không vung xa cũng không vung gần, không lệch trái cũng không lệch phải.

·        
Nhật Bản chỉ có một dân tộc và cũng chỉ có một dòng họ làm vua (Yamato) từ thiên hoàng đầu tiên là Jimmu lên ngôi năm 660 trước công nguyên đến thiên hoàng ngày nay là đời thứ 125, vua Akihito lên ngôi năm 1989.
Sở dĩ không có cảnh tranh ngôi, soán vị, máu chảy đầu rơi, chu di tam tứ ngũ lục thất bát cửu tộc như ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng Nho giáo khác bởi vua Nhật không nắm thực quyền mà ngay từ đầu quyền đã do các lãnh chúa nắm.
Vua gần như được coi như một vị thần nhưng thiên hoàng Akihito ngày nay nổi tiếng là gần gũi với dân chúng cũng như có tầm ảnh hưởng lớn đến bang giao quốc tế. Chính ông hoàng này đã vài ba lần công khai xin lỗi các nước Châu Á về tội ác của phát xít Nhật gây ra trong chiến tranh thế giới thứ hai mà bắt đầu là xin lỗi Trung Quốc vào năm 1989.

·        
Cúi chào
Hết vẫy tay lại đến văn hóa cúi chào. Có rất nhiều kiểu cúi đầu chào ở Nhật. Chào thường ngày nghiêng 15 độ, chào cảm ơn nghiêng 30 độ, chào xin lỗi mong người khác tha thứ cho mình nghiêng 60 độ, chào xin lỗi khi người ta chưa tha thứ cho mình nghiêng 90 độ.
Mức độ cao nhất là không cúi nữa mà quỳ xuống khi ngay cả bản thân mình cũng cảm thấy có lỗi, cũng bứt rứt không thể tha thứ được cho chính mình. Xưa kia, rất có thể sau quỳ gối sẽ là màn lấy kiếm rạch bụng tự sát kiểu samurai. Xuất thân từ đội vệ sĩ cực kỳ trung thành của tầng lớp quý tộc Nhật xưa, ngày nay samurai đã trở thành một tinh thần vô cùng đặc biệt.

·        
Lòng dũng cảm gan dạ của các samurai
Những phi công lái máy bay cảm tử trong thế chiến thứ hai sau khi uống ly rượu thiên hoàng trao, họ đổ xăng đi mà không đổ xăng về, nhìn thấy tàu địch là đâm nhào xuống, nổ tung cho chết trùm, chết lượt. Đó là những samurai thời hiện đại.
Chiến binh samurai nổi tiếng nhất trong lịch sử có lẽ phải kể đến người lính Onoda khi cố thủ trong rừng rậm ở đảo Lubang của Philippines gần 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Năm 1944, ông tới Lubang để lãnh đạo một nhóm nhỏ binh sĩ hoạt động độc lập theo đường lối chiến tranh du kích.
Kể từ năm 1945, họ rút sâu vào rừng, sống bằng dừa, chuối và săn bắn. Ba đồng đội của ông, một ra hàng, hai bị giết chết trong các cuộc đấu súng với lính Philippines, còn người chỉ huy vẫn kiên định lập trường chiến tranh du kích.

   Onoda không chấp nhận sự thật là thiên hoàng đã đầu hàng. Ông xé nát những tờ truyền đơn. Ông bịt tai không nghe tiếng loa phóng thanh phát ra từ các máy bay trực thăng đang vè vè trên đầu, ra rả kêu gọi mình ra khỏi rừng vì hòa bình đã lâu.
Tình cờ được phát hiện bởi một sinh viên người Nhật đi du lịch, mãi đến năm 1974 sau khi đích thân người chỉ huy cũ tới nơi ra lệnh, Onoda trong bộ quần áo rách nát mới buông súng, rời khỏi rừng rậm.
Chính vị chỉ huy này năm xưa từng ra lệnh cho ông rằng: “Anh không được phép tự tử. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, dù sau ba năm hay năm năm, đơn vị sẽ quay lại với các anh. Cho đến lúc đó, dù chỉ còn một người lính, anh cũng phải lãnh đạo anh ta chiến đấu”.
Khi hạ vũ khí, Onoda đã bàn giao cho cấp trên một khẩu súng trường, 500 viên đạn, vài quả lựu đạn. Buổi lễ trở nên vô cùng đặc biệt khi có sự tham gia của đích thân tổng thống Philippines. Tổng thống đã ra lệnh ân xá cho Onoda trước những hành động bắn, giết chống lại quân lính nước này trong suốt ba thập kỷ.
·        
Vô gia cư
Ở Nhật có thể dễ dàng bắt gặp cảnh một người đàn ông ngày nào cũng mặc complet, thắt cà vạt, cắp ca táp chào vợ, chào con để đi làm mỗi sáng. Đùng một cái ti vi đưa tin anh ta tự tử. Thì ra người đàn ông khốn khổ đã thất nghiệp mấy tháng nay nhưng không dám hé môi nửa lời với vợ con mà vẫn giả vờ như công việc đang suôn sẻ để bí mật đi tìm việc mới.
Khi không thể tìm nổi việc làm, quẫn trí anh ta tìm một cái lầu cao để nhảy xuống hoặc tìm một nơi vắng vẻ mà thắt cổ.
Nhà cửa, ô tô, tiện nghi sinh hoạt đắt tiền ở Nhật hầu hết đều mua kiểu trả góp cộng thêm cuối tháng ngân hàng gửi về ùn ùn hàng chục hóa đơn đủ loại phí dịch vụ. Tất cả đều trông chờ vào tiền lương để trả.
Người đàn ông thất nghiệp cầm chắc trong tay là mất nhà, mất xe, mất luôn nguồn sống cho cả gia đình. Nước Nhật có tỷ lệ tự tử cao vào hạng nhất thế giới với trung bình khoảng 30.000 ca mỗi năm. Cứ 100 người chết ở xứ này có từ 2- 3 người chết bởi tự tử.
Những người bình tĩnh hơn, khi thất nghiệp không tự tử mà sẽ bỏ nhà…đi bụi. Trong các công viên, vỉa hè thậm chí trước vườn tùng rất đẹp ở hoàng cung Tokyo hoa lệ, tôi thấy la liệt người vô gia cư đứng, ngồi, nằm, co, duỗi trên các ghế đá, bãi cỏ.
Dựng những túp lều nho nhỏ làm nơi sinh sống. Dựng những chiếc xe đạp cũ kỹ làm phương tiện di chuyển. Không ít trong số đó đã từng quyền cao, chức trọng nên thất nghiệp không dám về quê.
Họ tắm ở nhà vệ sinh công cộng, lấy nước nóng ở trong các quán ăn, lấy cơm từ các siêu thị sau mỗi buổi chiều (ở các siêu thị Nhật cứ sau mỗi buổi chiều, các thức ăn cận đát sẽ được hạ giá đến quá nửa thậm chí bỏ không dù có thể còn ăn tốt).
Vô gia cư nhưng không thèm ngửa tay ăn xin, thậm chí có người còn xấu hổ mà cự tuyệt luôn cả nguồn trợ cấp của chính phủ.
Vô gia cư mà vẫn rất sạch sẽ, tối tối vẫn thắp đèn đọc sách, viết facebook bằng tiếng Anh rồi post lên mạng. Những ngày đông xứ đại hàn, tuyết rơi phủ trắng công viên, ghế đá, nhiệt độ âm có khi mươi, mười lăm độ.
Lúc này các nhân viên xã hội trở nên tất bật nhất. Họ phải đến gặp từng người vô gia cư mà năn nỉ, thậm chí quỳ xuống mà tỉ tê sao cho những con người rất tự trọng kia chịu vào nhà quy tập, có lò sưởi, có chăn ấm kẻo chết cóng ngoài trời. Tinh thần samurai của họ nhiều khi đến tận những hơi thở cuối cùng.

Samurai: Những điều có thể bạn chưa biết

Panzer ,    6 năm trước

Samurai được nhiều người biết đến như những kiếm sĩ huyền thoại của Nhật Bản trong các bộ phim võ thuật. Samurai đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử Nhật Bản 1.500 năm qua. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu giá trị tinh thần của các chiến binh samurai, vũ khí và trang bị cũng như lịch sử của họ như thế nào.

Samurai được nhiều người biết đến như những kiếm sĩ huyền thoại của Nhật Bản trong các bộ phim võ thuật. Samurai đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử Nhật Bản 1.500 năm qua. Nhiều người coi lịch sử của Nhật bản cũng chính là lịch sử của chiến binh samurai. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu giá trị tinh thần của các chiến binh samurai, vũ khí và trang bị cũng như lịch sử của họ như thế nào.
Vậy Samurai là gì?
Samurai đảm trách nhiều vai trò ở nhật bản. Tuy nhiên, họ được biết đến nhiều nhất trong vai trò của chiến binh. Nhưng những gì làm cho một samurai khác với các chiến binh khác trên thế giới?
Có 4 yếu tố để làm nên một samurai
Samurai là một chiến binh được đào tạo và có kĩ năng chiến đấu tốt.
Samurai phục vụ daimyo (lãnh chúa) hay chủ tướng, với lòng trung thành tuyệt đối, thậm chí cho đến chết. Trong tiếng nhật samurai từ có nghĩa là, "những người phục vụ."
Samurai là tầng lớp ưu tú, được coi là ở đẳng cấp cao hơn công dân thường và binh lính thông thường.
Cuộc sống của samurai tuân theo tinh thần Bushido (võ sĩ đạo), một hệ thống luân lý đề cao sự danh dự.
Khổ luyện vì cuộc sống và chiến tranh
Qúa trình đào tạo một chiến binh samurai phụ thuộc vào sự giàu có của gia đình anh ta. Trong gia đình có đẳng cấp thấp, người con trai học tập tại các ngôi trường trong làng, và họ được đào tạo để trở thành một samurai từ cha, anh trai, hoặc chú bác. Đào tạo võ thuật được coi là rất quan trọng, và thường bắt đầu khi đứa trẻ lên năm. Con trai của gia đình giàu có hơn thì được gửi đến học viện đặc biệt, để thu nhận kiến thức văn học, nghệ thuật, và kĩ năng chiến đấu.
Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh samurai là một bậc thầy sử dụng thanh kiếm katana với các kỹ năng chết người. Tuy nhiên, samurai khi xuất hiện trong vài thế kỷ đầu tiên, còn được gọi là chiến binh cưỡi ngựa bắn cung. Bắn cung trong khi cưỡi ngựa là kĩ năng phức tạp, và làm chủ nó đòi hỏi nhiều năm luyện tập trên cả mục tiêu cố định cũng như mục tiêu di động. Trong một thời gian, chó được sử dụng như là mục tiêu chuyển động để luyện tập, cho đến khi các shogun bãi bỏ phương pháp luyện tập tàn bạo này.
Các samurai còn phải luyện tập kiếm thuật không ngừng nghỉ. Có một câu chuyện kể về một vị sư phụ đã tấn công các học trò với một thanh kiếm bằng gỗ vào những thời điểm ngẫu nhiên trong suốt cả ngày và đêm, cho đến khi các sinh viên học được cách không bao giờ đánh mất cảnh giác.
Ngoài kỹ năng chiến binh, samurai cũng được đào tạo trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như văn học và lịch sử. Trong thời Tokugawa, thời kì hòa bình, vì vậy các kiến thức học tập đặc biệt hữu ích. Tuy nhiên, một số sư phụ đào tạo samurai cảnh báo học trò của họ không nên tập trung quá nhiều vào văn chương và nghệ thuật, vì sợ tâm trí của họ sẽ trở nên yếu kém.
Áo giáp
Các Samurai nổi bật với áo giáp và mũ giáp đặc trưng. Trong thời kì đầu samurai sử dụng áo giáp dạng phẳng, nhưng sau là giáp tấm. Giáp tấm (lamellar) là loại giáp được làm bằng cách kết các miếng kim loại thành các đĩa nhỏ rồi phủ sơn mài lên để chống thấm nước. Cuối cùng những tấm nhỏ này được kết lại bằng dây da thuộc, tấm này hơi chồng lên tấm kia. Ban đầu có hai loại giáp dạng này:
• Yoroi: áo giáp trang bị cho các kị binh samurai, rất nặng với mũ sắt và bảo vệ vai.
• Do-Maru trang bị cho lính bộ binh nên có trọng lượng nhẹ hơn.
Về sau, khi giao chiến chủ yếu là giáp lá cà thì giáp do-maru được samurai sử dụng nhiều hơn. Các nhà sản xuất vũ khí đã cải tiến bộ giáp do-maru gồm có mũ giáp, bảo vệ vai và ống chân.
Mũ giáp hay Kabuto trong tiếng nhật, được làm bằng cách gắn các tấm kim loại với nhau. Kabuto được thiết kế rất cầu kì, các mối ghép được tán đinh theo hình rặng núi. Các samurai đẳng cấp cao còn gắn cả biểu tượng gia tộc và các vật trang trí cầu kì khác lên mũ giáp của họ. Một số kabuto còn bao gồm mặt nạ kim loại mang gương mặt ma quỷ, với râu ria làm từ lông bờm ngựa. Trong thời bình, kabuto phát triển rất phức tạp, và ngày nay được coi là tác phẩm nghệ thuật ở Nhật Bản.
Vũ khí
Thứ vũ khí nổi tiếng nhất của samurai là katana. Samurai luôn sử dụng tanaka cùng với một thanh kiếm ngắn hơn được gọi là wakizashi tạo thành bộ kiếm daisho.
Những thợ rèn tạo ra katana được coi là những thợ làm kiếm giỏi nhất trong lịch sử. Một trong những vấn đề lớn nhất trong việc làm ra một thanh kiếm chính là giữ cho kiếm phải thật sắc.Các thợ rèn Nhật Bản đã giải quyết được vấn đề này bằng cách đúc kiếm nhiều lớp bằng được cách pha trộn thép mềm với thép cứng để làm lưỡi kiếm, vẫn sắc bén mà lại ít bị mẻ. Thanh kiếm sắc đến nỗi có thể cắt đôi một người thành 2 nửa chỉ với một nhát kiếm.
Bên cạnh Kiếm và cung nỏ, Samurai còn sử dụng vũ khí tên là naginata, một thanh mác dài gồm lưỡi dao dài 0.6 đến 1.2 mét gắn trên trục gỗ dài 1.2 đến 1.5 mét. Chính vì vậy mà naginata là vũ khí phòng ngự vô cùng hiệu qủa của người Nhật.
Vào thế khỉ 16, khi các thương nhân châu Âu đến Nhật Bản lần đầu tiên, người Nhật đã trả một khoản tiền lớn để mua súng, nhanh chóng nắm vững các kỹ thuật rèn cần thiết để sản xuất hàng loạt các loại vũ khí. Từ đó sung đã gây ra ảnh hưởng lớn đến chiến tranh trên đất nước Nhật Bản, các lãnh chúa có thể củng cố quân đội bằng cách trang bị cho binh lính chưa được đào tạo những khẩu súng giá rẻ. Một số Samurai phải trang bị giáp dày hơn kín hơn như okegawa-do, để chống lại đạn pháo.
Bushido: biểu tượng danh giá của samurai
Các Samurai không phải là các chiến binh đánh thuê mà là thuộc hạ của các lãnh chúa, tuân theo giá trị luân lý được gọi là tư tưởng võ sĩ đạo (Bushido).
Bushido gồm một số các quy tắc không chính thức mà các chiến binh samurai phải tuân theo. Tinh thần Bushido đã thay đổi rất nhiều trong suốt chiều dài lịch sử của Nhật bản và chỉ được viết ra cho đến tận thể kỉ 17 trong khi các samurai đã xuất hiện trước đó hàng thế kỉ.
Đức tính đầu tiên của một samurai là phải trung thành với lãnh chúa của mình. Ở Nhật bản thời phong kiến lãnh chúa nhận sự cúng nạp từ các chư hầu của mình, đổi lai họ nhận được bảo vệ kinh tế và quân sự từ các lãnh chúa. Nếu một lãnh chúa nhận được lòng trung thành tuyệt đối từ các chư hầu của mình, toàn bộ hệ thống phong kiến sẽ sụp đổ. Vì vậy, trung thành lại mang đến sự cực đoan. Các hiến binh chiến đấu tới chết để bảo vệ chủ nhân của mình, thậm chí là tự tử nếu họ cảm hổ thẹn với chủ nhân.
Samurai cũng có nhiệm vụ báo thù. Họ sẽ tìm người để báo thù nếu danh dự của chủ nhân bị tổn hại hoặc chủ nhân của họ bị sát hại. Câu chuyện “47 người võ sĩ” là tiêu biểu cho lòng trung thành, sự hy sinh, chí kiên định và danh dự mà tất cả võ sĩ luôn thể hiện vào thời bấy giờ. Câu chuyện kể về một nhóm võ sĩ thời kỳ đầu thế kỷ 18 đã mất chủ tướng sau khi vị chủ tướng đó bị ép buộc phải thực hiện seppuku (mổ bụng tự sát) vì bị buộc tội đã tấn công lãnh chúa khác. Để trả thù, họ đã giết viên quan tòa đó sau 2 năm kiên trì xây dựng kế hoạch và chờ đợi thời cơ. Các võ sĩ sau đó bị bắt và buộc phải thực hiện Seppuku bởi vì họ đã giết người và tấn công bí mật, điều bị coi là đê tiện.
Samurai và Thiền Tông
Các tôn giáo bản địa của Nhật Bản là Thần đạo, cho đến khi bị Phật giáo thay thế trong thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Các samurai tin theo một phái Phật Giáo gọi là Thiền tông. Thiền là tập trung tư tưởng vào một sự việc hoặc một ý tưởng duy nhất. Những người theo Thiền tông cho là họ có thể tìm ra chân lý và sự hiểu biết thông qua tĩnh tâm và chế ngự bản thân. Các samurai thì cho là Thiền sẽ giúp họ hành động dứt khoát, đặc biệt là trong chiến đấu, và phát triển thư thái nội tâm.
Seppuku (mổ bụng tự sát)
Danh dự là thứ quý giá nhất của một samurai. Họ sẽ tử sát nếu thất bại hoặc vi phạm tinh thần Bushido. Tự sát đã trở thành một nghi thức được gọi là seppuku trong tiếng nhật hay thô tục hơn là hara-kiri. Seppuku là cách một samurai khôi phục lại danh dự đối với chủ nhân và gia đình, và thực hiện nghĩa vụ trung thành khi samurai đó thất bại.
Seppuku được thực hiện như một nghi thức. Samurai khi được ban cho hình phạt Seppuku (Harakiri) được tắm rửa thật sạch sẽ, mặc một áo dài màu trắng. Dụng cụ thực hiện nghi thức được đặt trên một cái đĩa của ông gồm một thanh kiếm ngắn wakizashi hoặc một con dao tanto được bọc giấy. Samurai sau đó lấy con dao và cắt mở dạ dày của mình, từ trái sang phải. Một người samurai khác đứng sau sẽ thực hiện daki-kubi, đó là một nhát chém gần như đứt hẳn đầu của người Samurai (Vẫn còn 1 dải thịt mỏng gắn đầu với thân thể) sau khi người samurai đã tự mổ bụng.
Về sau, seppuku càng trở nên nghi thức hơn, trong một số trường hợp bằng cách sử dụng quạt giấy thay vì dao. Thông thường, Kaishaku-nin (samurai thứ hai), sẽ thực hiện nhát chém hoàn hảo theo đúng nghi thức sẽ được thực hiện ngay sau khi thanh dao vừa ngập vào ổ bụng của người Samurai. Trong thời hiện đại, nghi thức seppuku lại nổi lên ở Nhật Bản, như 1 cách để để khôi phục lại danh dự khi đối mặt với thất bại và được sử dụng như một phương tiện thể hiện phản đối.
Lịch sử của samurai
Cho đến nay các nhà sử học vẫn chưa xác định được ai là samurai đầu tiên. Một số đề xuất rằng samurai xuất phát là các chiến binh bình thường. Trong thế kỉ thứ 5, 6, 7 sau công nguyên, đã xảy ra liên tiếp các cuộc chiến tranh giành ngai vàng giữa ác hoàng tử và gia tộc khi Thiên Hoàng qua đời. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc giao tranh là chống lại người bản địa trên các hòn đảo của nhật bản mà đế chế Nhật Bản gọi là emishi.
Một số vị hoàng đế Nhật Bản thấy rằng emishi là các chiến binh giỏi nên sau đó đã tuyển mộ họ để chiến đấu chống lại các gia tộc khác và các phe phái tôn giáo nổi loạn. Những chiến thuật quân sự và truyền thống của emishi đã được các binh lính Nhật bản kết hợp lại và sau đó được các samurai sử dụng.
Địa vị của samurai xuất phát từ sự gia tăng các gia tộc quyền lực sống xa thủ đô, nắm giữ lãnh địa rộng lớn và lưu truyền từ thế hệ này snag thế hệ khác trong hàng trăm năm. Những thành viên trong gia tộc của các vị tướng này sẽ mang địa vị quý tộc.
Những samurai đầu tiên là sự hòa quyện của truyền thống quân sự của những võ phu thất học với địa vị ưu tú và hình mẫu các chiến binh kyuba no michi. Theo một số ghi chép, từ “samurai” đầu tiên xuất hiện trong thế kỷ 12. Trong thời gian dài, các samurai là lực lượng quân sự chính để chống lại emishi và gia tộc khác.
Trong những năm 1100, hai gia tộc mạnh mẽ phục vụ Nhật Hoàng: gia tộc Taira và gia tộc Minamoto. Hai gia tộc đã trở thành đối thủ của nhau, và năm 1192, Minamoto Yoritomo dẫn đầu gia tộc của mình chiến thắng gia tộc Taira. Nhật Hoàng phong cho Minamoto Yoritomo chức Shogun - Chinh di đại tướng quân-người đứng đầu của quân đội. Tuy nhiên, Yoritomo lợi dụng vị thế này để thiết lập sự cai trị, và thiết lập một chế độ độc tài quân sự được gọi là bakufu hay Mạc phủ. Từ đây, thay vì làm trướng dưới quyền của các lãnh chúa đất, Samurai trở thành những người cai trị của Nhật Bản dưới triều đại shogun. Sau khi Yoritomo qua đời, vợ ông Masa-ko và dòng họ Hojo của bà nắm giữ việc tổ chức Mạc phủ, duy trì kiểm soát đối với Nhật Bản trong vòng hơn 100 năm.
Năm 1338, gia tộc Ashikaga giành được quyền lực từ dòng họ Hojo. Chế độ Shogun của Nhà Ashikaga không hùng mất hầu hết quyền kiểm soát đất nước, gây ra tư tưởng bè phái, giao chiến liên lục giữa các gia tộc. Trong thời gian này, các lãnh chúa (daimyo) đã xây dựng thành quách vững chắc để phòng thủ trước các cuộc tấn công.
Thời kỳ chiến tranh này gọi là nội chiến Sengoku, kéo dài cho đến khi Tokugawa Ieyaso nắm quyền kiểm soát Nhật Bản năm 1603. Tokugawa thi hành một chính sách nghiêm ngặt, cô lập và giữ quyền kiểm soát của các lãnh chúa (daimyo) bằng cách buộc gia đình của họ sống ở thủ đô, trong khi các lãnh chúa đang sống trên lãnh địa của họ. Tokugawa yêu cầu mỗi lãnh chúa qua lại thủ đô ít nhất một lần mỗi năm. Chính sách này đảm bảo sự kiểm soát các lãnh chúa bởi vì họ phải để vợ và con làm con tin ở Edo và chi phí các chuyến đi qua lại giữa hai nơi làm suy yếu quyền lực kinh tế của các lãnh chúa).
Tokugawa cũng ban hành lệnh cấm mang kiếm trừ samurai. Tất cả thanh kiếm không thuộc sở hữu của samurai bị tịch thu và nấu chảy để làm tượng. Điều này chứng tỏ samurai là một tầng lớp rất khác biệt, ở đẳng cấp cao hơn người dân bình thường.Trong suốt thời kì hòa bình Tokugawa cai trị, samurai hiếm khi tham gia chiến đấu. thời gian này các samurai đảm trách vai trò khác, hộ tống lãnh chúa của họ qua lại thủ đô, làm việc như các quan chức ở Mạc phủ, và thu thập cống nạp từ các lãnh chúa phong kiến.
Kết thúc thời đại samurai
Tokugawa và con cháu của ông đã cai trị Nhật Bản hòa bình trong hai thế kỷ rưỡi. Vai trò của các samurai đã giảm dần trong giai đoạn này, nhưng hai yếu tố dẫn đến kết thúc của samurai: sự đô thị hóa ở Nhật Bản, và kết thúc của chủ nghĩa cô lập bế quan tỏa cảng.
Khi mà càng nhiều người Nhật Bản di chuyển đến các thành phố, càng có ít nông dân sản xuất lúa để đáp ứng nhu cầu của số dân ngày càng tăng. Cuộc sống xa hoa trụy lạc của các Shogun và lãnh chúa làm yếu đi nền kinh tế Nhật bản. Nhiều người Nhật, bao gồm cả samurai lớp thấp hơn, ngày càng bất mãn với Mạc phủ vì kinh tế ngày càng kém đi.
Sau đó, vào năm 1853, một số con tàu Hoa Kì cập bến vịnh Edo. Trưởng đoàn đã trao một bức thông điệp từ Tổng thống Millard Fillmore đến Thiên hoàng (tồn tại như bù nhìn, mặc dù các shogun cai trị đất nước).Tổng thống Fillmore bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ thương mại với Nhật Bản, các ​​thủy thủ Hoa Kỳ được người Nhật đối xử tốt, và muốn mở Nhật Bản như là một cổng tiếp tế cho các tàu của Hoa Kì. Perry giao bức thông điệp, nói với Nhật Bản, ông sẽ trở lại sau một vài tháng rồi rời đi.
Sau sự kiện đó xảy ra một sự chia rẽ lớn ở Nhật Bản. Một số muốn từ chối lời đề nghị của Mỹ, duy trì chủ nghĩa biệt lập, duy trì truyền thống họ. Những người khác, tuy nhiên, nhận ra rằng Nhật Bản không bao giờ có thể vươn tới các công nghệ của người phương Tây. Họ đề nghị mở cửa Nhật Bản để tìm hiểu mọi thứ từ nước Mỹ, kết thúc chủ nghĩa biệt lập và trở thành một cường quốc thế giới. Cuối cùng, Mạc phủ đã quyết định mở của Nhật Bản bất chấp việc Nhật Hoàng từ chối không đồng ý với hiệp ước. Một vài nhóm samurai nổi loạn, muốn một Nhật Bản truyền thống, hỗ trợ Nhật Hoàng và bắt đầu một cuộc nội chiến chống lại Mạc phủ. Không ngờ họ đã thành công, lật đổ các shogun, kết thúc thời kỳ Tokugawa và khôi phục lại quyền lực của NHật hoàng. Hạ tầng lớp samurai mất vị trí lãnh đạo, kiểm soát chính phủ từ phía sau vị hoàng đế mới, một cậu bé người được gọi là Thiên Hoàng Minh Trị. Sự kiện này được gọi là Duy Tân Minh Trị.
Sức mạnh của các lãnh chúa đã bị lấy đi khi chính phủ tịch thu đất đai của họ. Không còn ai trả lương cho các samurai, chính phủ đã quyết định trả tiền cho họ với trái phiếu dựa theo đẳng cấp. điều này ảnh hưởng đến cả samurai đẳng cấp cao và thấp tuy có khác nhau nhưng đều theo cùng một hướng -mỗi tầng lớp hoặc sử dụng trái phiếu để đầu tư vào đất hoặc kinh doanh, hoặc nhận ra họ không có đủ thu nhập để tự nuôi mình, đã quay trở lại làm nông dân hoặc công nhân ở các thành phố. Từ đó, các samurai không còn có vị thế nào nữa ở Nhật Bản.
Cuối cùng, vào năm 1876, Thiên Hoàng cấm samurai mang kiếm, dẫn đến việc kết thúc thời kì samurai. Mặc dù có một số cuộc nổi loạn của các samurai ở một số tỉnh, nhưng các samurai cuối cùng cũng đảm nhiệm vai trò mới trong xã hội Nhật Bản, khi mà Nhật bản chuyển sang thời đại công nghiệp.
Mặc dù các samurai không còn tồn tại, nhưng tinh thần của họ về danh dự và kỷ luật vẫn phổ biến trong xã hội Nhật hiện đại. Từ các phi công cảm tử của Nhật Bản trong Thế chiến II, võ sĩ và thậm chí cả doanh nhân hiện đại luôn coi Bushido như một kim chỉ nam trong cuộc sống, hình ảnh samurai tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước Nhật ngày nay.
Tham khảo: Howstuffworks

Xem tiếp...