Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 14/b

PHẦN II:     Nền tảng

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”

CHƯƠNG II: PHÁC THẢO

“Tương phản với không gian thì có nguyên lý về chất, về sự phân biệt và về “vật”. Dù sao thì chẳng có gì có thể tồn tại mà không có không gian. Không gian là điều kiện tiên quyết của mọi vật đang tồn tại, bất kể là dưới dạng vật chất hay phi vật chất, bởi vì chúng ta không thể tưởng tượng ra một vật hay một hữu tính mà thiếu không gian”.
Lama Anagark Govinda




 (tiếp theo TT&HĐ 14/a)
Có một điều rất đáng chú ý : quả bom là một vật. Khi nói đến khái niệm vật thì chúng ta buộc phải hình dung ra vật đó phải do một lượng chất hoặc nhiều chất hợp thành. Nhưng khi quả bom nổ, phân rã đến tận cùng thì không những “vật” bom không còn gì mà các chất trong nó cũng biến đâu mất, chỉ “còn lại” là các đơn vị lượng tử bắn ra tứ phía. Có phải chất đã hóa thành những đơn vị lượng tử bức xạ không? Không thể không khẳng định được vì chẳng còn cách nào khác. Tuy vậy, việc “gom lại” những đơn vị năng lượng ấy để định tích hợp làm thành quả bom đứng yên như cũ là không thể vì dù có dùng bất cứ cách nào để thực hiện ý đồ đó đều làm cho các đơn vị năng lượng đó bằng 0 (do chúng không có khối lượng nghỉ!).

Điều đáng chú ý thứ hai là vạn vật đều do các chất tạo nên và đều có cái gọi là khối lượng. Khi vạn vật đứng yên thì khối lượng của chúng được gọi là khối lượng nghỉ. Nhưng sự đứng yên của vạn vật chỉ là tương đối nên khối lượng nghỉ cũng chỉ là tương đối. Một vật có thể là đang chuyển động đối với hệ quan sát này như đồng thời lại có thể là đứng yên so với hệ quan sát khác. Vậy thì vật đó đứng yên hay không đứng yên, khối lượng của nó là “nghỉ” hay không “nghỉ”? Có khối lượng nghỉ tuyệt đối không, hay nói cách khác: điểm KG có khối lượng không? Chỉ cần không có cái gọi là khối lượng nghỉ thôi thì nó đã phải “chạy” với vận tốc C rồi, nếu muốn tồn tại. Phải cho rằng nó có khối lượng. Nếu thế, theo công thức tính năng lượng toàn phần của Anhstanh (mc2) thì nó phải hàm chứa năng lượng! Điều này có đáng tin không, khi mà xác quyết của chúng ta là Vũ Trụ lấp đầy Không Gian và chỉ Không Gian thôi?
Đều đáng chú ý thứ ba là trong thế giới thường nhật của chúng ta, không thể có một vật, hay chất nào lại không hàm chứa năng lượng và không thấy năng lượng nào lại “tự do” ở ngoài vật và chất được. Thế nhưng trong thế giới vi mô lượng tử, vật lý hiện đại đã mô tả những điều rất khác lạ: tính “vật” của thực thể trở nên hết sức mờ nhạt, tính “chất” thì không hiện hữu (bị lãng quên?) và năng lượng tồn tại như những lượng độc lập tương đối, không bị “ràng buộc” bởi vật hay chất…
Điều đáng chú ý thứ tư là nếu có nhiều loại, nhiều dạng chất hoàn toàn độc lập nhau thì năng lượng cũng có nhiều loại, dạng năng lượng như: điện lượng, nhiệt lượng, cơ năng, động năng, thế năng…hoàn toàn độc lập nhau. Có thể gọi bầu khí quyển là trường chất ''chứa'' năng lượng, còn trường điện từ, trường hấp dẫn là trường gì; có thể cho là trường năng lượng ''chứa'' chất được không, hay chỉ là trường năng lượng?
Thật là vô cùng rối rắm, rối hơn cả mớ bòng bong và lòng ruột của chúng ta vì thế, cũng rối hơn cả tơ vò!
Như một cỗ xe tăng mù quáng nhất, chúng ta cứ xông tới, bỏ mặc chiến địa chưa ngã ngũ thắng thua ở sau lưng; như một tàu phá băng bạt mạng nhất, chúng ta cứ tiến lên không cần thấy băng tan; như những kẻ cưỡi ngựa xem hoa ơ thờ nhất, chúng ta ngao du mà không bận tâm đến cỏ vướng, gai chen vó ngựa và như những nhà thông thái viển vông nhưng lạc quan nhất, chúng ta vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào Không Gian, coi tất cả những bí ẩn, dù vĩ đại đến mấy cũng là sự biểu hiện này nọ của Không Gian mà chúng ta còn “mù tịt”, để “nhắm mắt” lướt qua, hướng về phía trước.
 ***
Chúng ta luôn “nằng nặc” cho rằng Vũ Trụ được lấp đầy bởi một chất, gọi là Không Gian. Nói như thế cũng có nghĩa KG là duy nhất ngự trị Vũ Trụ hay chính là Vũ Trụ, và cũng có thể nói: Vũ Trụ là một thực thể KG. Để ''tăng cường cảm giác'' cho rõ tính thực tại và sinh động của Không Gian, chúng ta mường tượng Không Gian là một lực lượng. Lực lượng Không Gian vừa liên tục vừa có cấu trúc gián đoạn gọi là mạng KG, mà mỗi nút mạng chính là hạt KG (hay điểm KG).
Vật chất KG là gì? Là... KG chứ là gì nữa! Quá dễ! Từ xưa tới giờ chưa ai gọi KG là một chất. Người ta gọi cái trống rỗng là KG. Giờ đây chúng ta quan niệm rằng cái trống rỗng cũng là một chất nên gọi luôn là chất KG.
Xét về mặt định lượng, một thực thể KG được tính như thể tích không gian trống rỗng. (Trước đây, ít ai biết được rằng trống rỗng không phải là Hư Vô vì ngay cả sự trống rỗng, Hư Vô cũng không thể thể hiện được), đó là:

                      
Thực vậy, nếu khối không gian là hình lập phương có cạnh là D, ta có một lực lượng KG là:
V = K . D3                   với K = 1     Với hình cầu, ta có: 
Với hình nón cụt, ta có:

         
với: là … (biết rồi!), h là chiều cao, R là bán kính đường tròn lớn, r là bán kính đường tròn nhỏ.
Nếu ta đặt : R2 = x2h2   ; r2 = y2h2 thì:
R2 + r2 + Rr = x2h2 + y2h2 + xyh2 = h2(x2 + y2 + xy)
              


                                 
Qua việc tính toán lực lượng KG, chúng ta thấy rằng thành tố làm nên chất KG chính là khoảng cách.
Nhờ có Anhxtanh mà ngày nay chúng ta biết rằng vạn vật, xét về mặt lực lượng, chúng đều được biểu thị bởi một đại lượng gọi là năng lượng toàn phần. Năng lượng toàn phần được coi như “cột trụ kiên cường” của vạn vật, luôn tồn tại trong vạn vật. Nếu không có đại lượng này thì vạn vật không thể tồn tại được và không hiện hữu trước chúng ta đa dạng và phong phú được. Có thể nói, đây chính là biểu diễn vật lý của tồn tại!
Từ những điều đáng chú ý đã trình bày ở phần trên, chúng ta thấy: giữa vật hay chất và năng lượng có mối quan hệ rất đặc biệt. Vật hay chất luôn có vẻ như phụ thuộc vào năng lượng, còn năng lượng thì như một cô nàng đỏng đảnh, chẳng bao giờ thèm để ý đến vật hay chất. Vật, chất có xuất hiện hay không xuất hiện đối với nó, không có một chút mảy may quan trọng nào. Hơn thế nữa, ở tầng sâu vi mô, sự khác biệt giữa vật, chất với năng lượng là rất khó nhận ra. Một cái cây, nhìn ở tầng ấy, có thể sẽ rất giống với đám mây trắng giữa bầu trời xanh; hoặc như “đám mây Magienlăng” trong khoảng không bao la của Vũ Trụ. Nghĩa là vạn vật, chất, nhìn ở tầng ấy, sẽ chỉ như những vùng đặc - loãng, đậm - nhạt, khác nhau; hay nói rõ hơn là những vùng có “mật độ năng lượng” khác nhau.
Chúng ta còn thấy là vạn vật và chất, dù có thể rất khác nhau về hình dạng, kích thước, màu sắc, trạng thái…; dù là đồng, sắt, chì, kẽm, đất đai, vàng bạc, châu báu, cái cây, con chó, con mèo, con người, đều có thể qui đổi thành năng lượng một cách giản đơn nếu biết khối lượng của chúng, theo một trong những biểu thức đẹp nhất của vật lý học:
E = M . C2
với: E là năng lượng tòan phần của một vật
       M là khối lượng của vật đó
       C là vận tốc cực đại trong Vũ Trụ (Bất biến)
Nhưng từ một lượng năng lượng xác định, thật là vô cùng khó khăn nếu không nói là không thể trong việc qui đổi ra một vật, với thành phần là đơn hay đa chất nào. Cùng có một giá trị về năng lượng toàn phần nhưng một vật có thể là rất lớn hoặc rất nhỏ, có thể có hình dạng này hay hình dạng khác, có thể ở trạng thái này hay trạng thái khác, có thể là (những) chất này hay (những) chất khác…
Vì vậy, có nhiều khả năng là năng lượng đóng vai trò tương tự như không gian, là một thứ gì đó mang tính chung, tính nguồn gốc, tính nền tảng cơ bản của tất cả các vật và chất. Nói cách khác, vật, chất chỉ là những thể hiện tương đối trong phạm vi quan sát nào đó của năng lượng và tất cả các dạng năng lượng cũng chỉ là những thể hiện tương đối của dạng năng lượng cơ sở duy nhất nào đó, được qui ước gọi tên là năng lượng cơ học và được xây dựng nên từ các lượng tử năng lượng.
Quan niệm của chúng ta là Vũ Trụ chỉ có Không Gian thôi; vạn vật hiện tượng chỉ là những thể hiện phong phú của Không Gian. Do đó nhận định vừa rút ra được ở trên buộc chúng ta phải đi đến ý niệm là giữa Không Gian và năng lượng có một mối tương đồng sâu sắc đến mức thứ này có thể qui đổi thành thứ kia hoặc năng lượng là một biểu hiện đặc thù, đầu tiên của Không Gian, một trạng thái của không gian, tương tự như băng là một trạng thái của nước, từ nước mà sinh ra và trở về với nước.
Chúng ta đã từng nói đến khái niệm “mật độ năng lượng”. Trong không gian Vũ Trụ mênh mông nếu có hai thiên thể có năng lượng toàn phần như nhau, thì chúng ta nói rằng thiên thể nào “nhỏ” hơn sẽ có mật độ năng lượng cao hơn, với quan niệm không gian Vũ Trụ là trống rỗng thì rõ ràng mật độ năng lượng của khoảng trống rỗng ấy phải bằng không. Nhưng theo quan niệm chúng ta thì khoảng trống rỗng ấy là một lực lượng thực sự, được cấu thành nên từ sự liên kết của nhiều điểm Không Gian, mà như chúng ta suy luận thì điểm KG phải hàm chứa một lượng năng lượng xác định (nó phải có khối lượng!). Nếu thế, mật độ năng lượng của một khoảng KG là bao nhiêu? Cụ thể hơn: mật độ năng lượng của điểm KG là bao nhiêu? Bằng một! Chính xác là như thế, vì thể tích của điểm KG là đơn vị thể tích nhỏ nhất (nếu quên chất KG đi thì đó là thể tích của một đơn vị hư vô tương đối) và năng lượng của nó không thể nhỏ hơn đơn vị được; chúng đều bằng một. Một năng lượng trên một thể tích, nghe tưởng cực tiểu hóa ra là cực đại!
Tương tự như cách tính mật độ năng lượng thì mật độ chất KG của điểm KG cũng phải cực đại. Mà đã cực đại thì phải phân chia được! Dù có thể bị “khai trừ” khỏi triết học duy tồn thì nhất quyết chúng ta cũng không tin điều này!
Mặt khác lượng tử xuất hiện từ sự “nổ bom” bị chúng ta qui định là nhỏ nhất nên nó phải bằng với lượng năng lượng của điểm KG. Lượng tử đó làm sao mà “bay” được trong lòng KG “đầy nhóc” lượng tử? Vấn đề nữa là chúng ta thấy được sự vật, những cái có mật độ năng lượng loãng hơn, thì sao chúng ta không thấy được điểm KG, được cho là có mật độ năng lượng “đặc” tuyệt đối?
Không tài nào hiểu nổi!… A, ha! Không tài nào hiểu nổi là phải rồi. Vì làm sao mà xác định nổi mật độ KG hay NL (viết tắt của năng lượng) trong một hư vô. Chúng ta đã cho rằng hư vô tương đối có nghĩa là không có gì (không quan sát được) là số 0, do đó:








Khi nói đến một thể tích thì nên hiểu là thể tích của cái gì đó chứ không phải là Hư Vô. Khi thể tích đó không có thứ nguyên thì có nghĩa đã qui ước rằng đó là một lượng KG. Vậy thì mật độ năng lượng phải được hiểu như năng lượng có trong một lượng KG nào đó. Ta có thể viết mật độ năng lượng của điểm KG là:





Đó là cách biểu diễn có thể chấp nhận được. Nó có vẻ rất phù hợp với quan sát và nhận thức của chúng ta về thực tại. Nhưng ở tầng cuối cùng của sự phân chia, nó cũng thể hiện ra những mâu thuẫn hết sức gay gắt, buộc chúng ta phải biện minh (dù là ngụy biện!) bằng được để bảo vệ những “thành quả”, mà phải tốn biết bao nhiêu lượng “hoang tưởng” mới “dựng đứng” nên được.
Giả sử rằng có một vật đứng yên tuyệt đối so với chúng ta trong khoảng không Vũ Trụ và chúng ta cũng thấy nó không tương tác với bất cứ cái gì khác. Khi đó, chúng ta có quyền nói rằng nó không có năng lượng cơ học. Không có vật nào hiện hữu được trước quan sát mà không thể hiện tính không gian, mà không có nội dung gọi là bên trong. Nội dung bên trong ấy của bất cứ vật nào, xét cho cùng là một lượng năng lượng gọi là năng lượng nội tại mà trong trường hợp chúng ta là năng lượng toàn phần, và có thể biểu diễn như một năng lượng cơ học (cơ năng). Tất nhiên, một cách dễ hiểu, có thể tính được mật độ năng lượng của nó nếu biết khối lượng và thể tích của nó.
Trong hoang tưởng, chúng ta tự nhận rằng mình có phép thuật hơn cả thần thoại, buộc vật thể nói trên phải co lại. Nó sẽ co lại mãi (thực ra là “nhả bớt” điểm KG ra !?) cho đến khi không thể co được nữa vì ở mỗi điểm KG đều hiện diện một lượng tử năng lượng - Mật độ năng lượng đạt đến cựa đại; nghĩa là bằng một NL chia cho một KG.
Phép thần thông biến hóa làm xuất hiện cảnh giới phi thường đó chỉ trong chớp mắt mà chỉ tốn một “lượng tưởng tượng” không đáng kể thì rõ ràng là đã đạt đến “tuyệt đỉnh võ công”. Nhưng nếu không tồn tại (hiện hữu) cái gọi là mật độ năng lượng thì “tuyệt đỉnh võ công” cũng đành “chào thua”. Vậy, điều kiện để thực hiện phép thuật thành công là, thứ nhất, lượng tử và điểm KG phải phân biệt được với nhau; thứ hai, phải có hai loại điểm KG, một loại chứa lượng tử đơn vị và một loại không chứa lượng tử đơn vị; thứ ba, loại điểm KG chứa lượng tử đơn vị (hay cũng có thể nói “chứa” điểm NL) không bao giờ có thể nhiều hơn điểm không “chứa” điểm NL trong một vật và do đó, trong toàn Vũ Trụ, thứ tư, có thể “định vị” được điểm NL tại một điểm KG.
Như vậy “tuyệt đỉnh võ công” làm mật độ năng lượng của một vật trở thành cực đại, thực chất, là “hô biến” tất cả các điểm KG không “mang” điểm NL ra khỏi nội tại vật và muốn “hô biến” được như thế thì phải tồn tại bốn điều kiện như đã nêu.
Để tồn tại được bốn điều kiện đó mà không xung khắc với quan niệm “truyền thống” của triết học duy tồn (và cũng là quan niệm của chúng ta), thì một loạt điều kiện “thỏa hiệp” nữa phải xuất hiện.
Trước hết, điểm NL không tồn tại ngoài KG được, không thể tồn tại điểm NL tách biệt khỏi điểm KG, cho nên, phải hình dung điểm KG mang điểm NL cũng chỉ là điểm KG nhưng ở một trạng thái khác với điểm KG không mang điểm NL, hay có thể nói đó là một điểm KG đã được “năng lượng hóa” (là trái táo trong đống táo, nhưng là trái táo chín chẳng hạn).
Mặt khác, không thể ngoại lệ, điểm KG thông thường (chưa bị “năng lượng hóa”) là không thể phân chia được nếu không muốn mất đi chất KG nhưng nó lại buộc phải có nội tại và nội tại đó cũng phải “qui” được ra năng lượng. Lượng năng lượng nội tại đó không thể lớn hơn mà cũng không thể nhỏ hơn điểm NL được, chúng phải bằng nhau tuyệt đối. Nếu lấy cái nội tại chất ấy trừ đi nội dung năng lượng của nó thì sẽ phải có kết quả là Hư Vô (hư vô tuyệt đối), nghĩa là sự qui đổi giữa chất KG và năng lượng ở tầng giới hạn cuối cùng ấy là thuận nghịch, nghĩa là chúng là hai mặt thể hiện của một cái gì đó mà không biết là cái gì (chỉ biết đó là một tồn tại cùng vô vàn tồn tại làm nên Tự Nhiên Tồn Tại rực rỡ, lung linh và huyền bí hiện ra trước quan sát và nhận thức của một… tồn tại!!!). Xét về mặt chất thì không thể trừ trái táo chín cho trái táo xanh nhưng xét về mặt lượng thì có thể được và kết quả thu hoạch sẽ là một lượng nào đó của năng lượng (calo). Lấy điểm KG đã được “năng lượng hóa” trừ đi điểm KG thông thường, tất nhiên (ở trường hợp cực tiểu) là bằng một điểm NL.
Chúng ta gọi điểm KG “năng lượng hóa” bằng một cái tên thứ hai là: điểm KG bị kích thích, hay gọn hơn: điểm KG kích thích. Điểm KG kích thích được dẫn giải như trên, vô hình dung, phải chứa đựng một lượng chất KG bằng hai lần lượng KG của điểm KG không bị kích thích. Để “lấp liếm” đi sự mâu thuẫn này, chúng ta phải linh động cho phép điểm KG khi bị kich thích là có thể nở ra. Để nở ra được thì nội tại của điểm KG phải sinh động, có một sự “thông thương” đặc biệt nào đó với môi trường bên ngoài, tức là những điểm KG quanh nó, làm nên “lớp vỏ” của nó và nếu như vậy thì điểm KG chưa phải là tận cùng của sự phân chia.
Đến đây, chúng ta đành xin lỗi tất cả và nói lại thế này: nếu vẫn muốn không gian Vũ Trụ còn tồn tại thì điểm KG, đơn vị cuối cùng làm nên chất KG là không thể bị phân chia được nữa. Còn như “bất chấp tất cả” thì điểm KG với một nội tại sống động là vẫn có thể bị phân chia, Nếu muốn bãi sỏi tồn tại thì đừng đập vỡ viên sỏi nhưng nếu không muốn thì vẫn có thể đập vỡ những viên sỏi để “nghiên cứu” và lúc đó phải chấp nhận sự ngừng tồn tại của bãi sỏi. Sự phân chia nội tại của điểm KG sẽ làm xuất hiện những đơn vị gọi là khoảng cách (độ dài), những yếu tố tiền không gian và nếu phân chia khoảng cách, chúng ta sẽ “thu được những yếu tố làm nên khoảng cách (hay còn gọi là những yếu tố tiền khoảng cách), còn gọi là các điểm (không phải chất điểm). Điểm là yếu tố cuối cùng của sự phân chia. Một điểm nếu còn có thể bị phân chia thì sau khi chia sẽ phải xuất hiện ít nhất là hai điểm, điều mà đến Tạo Hóa cũng lắc đầu lè lưỡi chịu, không thể nhận thức được. Thôi, chúng ta cũng nên quên nó đi? Nhưng trước khi quên, chúng ta cố gắng cho nó một định nghĩa vì cái công lao tuyệt đối của nó. Có thể định nghĩa: Điểm không là cái gì cả mà là yếu tố làm nên tất cả, giống hệt như Vũ Trụ: nó hữu hạn nhưng vô biên, vừa tồn tại vừa không tồn tại. Đố ai biết nó là gì?
Vì Không Gian là không thừa, không thiếu, không sinh ra thêm mà cũng không mất bớt đi, do đó nếu có điểm KG kích thích nở ra thì đồng thời cũng phải có điểm KG kích thích co vào, sao cho tổng lượng KG toàn Vũ Trụ luôn không đổi. Như vậy phải quan niệm rằng điểm KG có hai trạng thái kích thích tương phản nhau, làm tiền đề cho nhau tồn tại. Vì trạng thái kích thích là căng thẳng, không chịu đựng nổi và có nguy cơ bùng nổ làm “rách” mạng KG, do đó những điểm KG kích thích phải chuyển hóa ngay trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể, gọi là đơn vị thời gian tuyệt đối, cho điểm KG khác, làm xảy ra hiện tượng lan truyền kích thích. Nếu hai lượng kích thích tương phản gặp nhau thì hoặc là toàn bộ sự kích thích mất đi, hai điểm KG kích thích sẽ trở về trạng thái thông thường, hoặc chúng sẽ kết hợp nhau, tích hợp nhau thông qua một điểm KG thông thường làm trung gian, hình thành nên một đơn vị mới.
Sự xuất hiện đơn vị mới đó bắt chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề năng lượng. Rõ ràng hai điểm KG kích thích khó có thể đóng vai trò lượng tử năng lượng như vật lý học đã quan niệm được vì chúng không “trung hòa”, dễ “mất” đi nếu “đụng phải” điểm tương phản với chúng. Có lẽ nên coi chúng là những thành phần tiền lượng tử. Điểm KG thông thường ở góc độ nào đó, chính xác cũng là một điểm năng lượng, nhưng vì nó bị định vị tuyệt đối trong Vũ Trụ, đóng vai trò nút mạng KG nên nó không có cái tính “hiếu động” của một lượng tử. Vậy phải cho rằng đơn vị mới xuất hiện mới chính là hạt lượng tử bức xạ nhỏ nhất, đầu tiên của Vũ Trụ. Có thể gọi đơn vị mới ấy là đơn vị tuyệt đối của gia đình các lượng tử bức xạ. Nó cũng chính là hạt cuối cùng mà quả bom phát nổ không thể phân chia. Không lực lượng nào trong Vũ Trụ có thể phân chia được nó, trừ tự nó phân chia do sự tác động của các điểm KG kích thích.
Đơn vị lượng tử bức xạ ấy khi lan truyền, thể hiện như một “dây sóng” với vận tốc cực đại của Vũ Trụ, khi bị định vị, nó thể hiện như một hạt xoáy “kinh hồn” mà nếu có thể qui ra được thì phải có một vận tốc chu vi bằng với vận tốc cực đại. Sự xoáy kiểu gì đó tạm gọi là “xoáy không gian” mà trong vật lý vi mô gọi là Spin? Spin của đơn vị lượng tử bức xạ là bằng một?…
Mê man lặn hụp đến rã rời trong cái mù mờ mênh mông tưởng như không thể vượt thoát được Hư Vô mà về với Tồn Tại, đến đây chúng ta coi như đã đến được bờ. Dù bến bờ là một bãi sình lầy ken dày lau sậy, nhưng xa xa đã là thành phố. Lội bì bõm về thành phố dù sao cũng “an toàn” hơn là lặn hụp giữa trùng khơi mà không biết về đâu. Chắc chắn sau quãng hành trình này, chúng ta sẽ trở lại thành phố quen thuộc. Nó là thành phố bên kia bãi lầy. Chính nó đấy! Lần này chúng ta không ghé quán “Kiều Mi” nữa mà sẽ ghé quán “Hương Cau”, một quán mà chúng ta cũng thường lui tới và cũng có những “em dễ thương” đáo để.
Tuy nhiên, trước hết, chúng ta phải đi qua bãi lầy cái đã!
 ***
Như vậy là ở thế giới siêu vi mô, ở tận nền tảng, Vũ Trụ đã thể hiện sự sống động vô cùng của Nó. Sự sống động ấy là rộng khắp, mãnh liệt hơn rất nhiều so với sự sống động mà chúng ta thấy ở tầng vĩ mô.
Không thể chối cãi được, vạn vật cùng với sự vận động, biến đổi phong phú, đa dạng của chúng mà chúng ta quan sát được trong tầm quan sát của mình có nguyên nhân sâu xa từ tầng nền tảng ấy và ngược lại, những hành vi, tạo dựng ở tầng quan sát của chúng ta ở mức độ tương đối, nhất định nào đó, cũng là nguyên nhân biến động sôi nổi ở tầng nền tảng. Tuy nhiên hai tầng đó được phân biệt chỉ tương đối, theo quan sát đặc thù và nhận thức vì thế mà cũng đặc thù của chúng thôi, chứ thực ra, Vũ Trụ là thống nhất, liền lạc, xuyên suốt.
Đối với chúng ta, Vũ Trụ là bao gồm vạn vật - hiện tượng và không gian. Sự vận động của vạn vật - hiện tượng làm nảy sinh ra ý niệm thời gian. Giờ đây chúng ta biết thêm rằng giữa vạn vật và không gian luôn có mối quan hệ “thông thương” đi về. Đóng vai trò nhịp cầu của mối quan hệ ấy là vô vàn những lượng tử bức xạ. Và cũng chính chúng chứ không phải là gì khác, đã giúp con người xây dựng được mô hình trường điện từ và trường hấp dẫn.
Chúng ta vẫn dùng lại từ “vật chất” nhưng theo cách hiểu mà chúng ta đã trình bày. Có thể nói vật chất và vận động, hay chất KG và năng lượng, theo quan niệm riêng tư của chúng ta thôi, chỉ là hai mặt thể hiện của Tự Nhiên Tồn Tại cũng như của những tồn tại tương đối. Vật chất là thể hiện tính ''có thực'' của một tồn tại và vận động là thể hiện tính ''không thực'' của nó. Chất Không Gian là thể hiện tính tồn tại của Tự Nhiên Tồn Tại và năng lượng là thể hiện tính không tồn tại của Nó. Tồn tại hay không tồn tại thì vẫn cứ là Tự Nhiên Tồn Tại trước một nhận thức tồn tại và vẫn cứ là Hư Vô trước một nhận thức hư vô. Tự Nhiên Tồn Tại vừa tồn tại vừa không tồn tại là vì thế!
Nói kiểu khác: vật chất là tồn tại được “nhìn thấy ngoài thời gian” và vận động là tồn tại được nhìn thấy “trong thời gian”; tương tự, chất KG là tồn tại được nhìn thấy “ngoài thời gian” và năng lượng là tồn tại được nhìn thấy “trong thời gian”.
Giả sử có một lượng KG là V, tương ứng với lượng KG ấy là một lượng năng lượng là E. Theo “truyền thống” của vật lý học, E được tính là khối lượng nhân với bình phương khoảng cách và chia cho bình phương thời gian. Để đưa E “ra ngoài thời gian” chúng ta phải nhân nó với bình phương thời gian. Như thế ta sẽ có một đẳng thức là:
              
 Thật là tuyệt cú mèo và... vui vẻ!


Sự hoang tưởng đã đạt đến mức… phi phàm! Một thể tích KG mà khi chia cho bình phương thời gian lại ra năng lượng thì chẳng có kỳ quái nào kỳ quái hơn; thì chẳng có một “uyên bác” nào có thể “nuốt” nổi. Thời gian (ký hiệu TG) được coi như là ý niệm chủ quan lại xuất hiện ngang nhiên như một lực lượng thực tại và hơn nữa không biết lực lượng TG tới từ “phương trời” nào.

Thời gian đúng là ý niệm của nhận thức nhưng ý niệm ấy chắc chắn là phải được rút ra từ kinh nghiệm quan sát thực tại, từ việc quan sát và so sánh độ lâu mau của những quá trình xảy ra trong tự nhiên. Do đó, chỉ có thể cho rằng khái niệm thời gian là một qui ước chủ quan, nhưng thời gian rõ ràng là chỉ một cái gì đó có thực; là một thành tố làm nên năng lượng.
Như vậy là nếu không có TG thì không bao giờ xác định được NL. Từ các biểu thức trên, ta thấy: NL đóng vai trò như gia tốc biến đổi của một thể tích không gian, hay là của một lượng chất KG. Suy rộng ra, ta có thể cho rằng NL là gia tốc biến đổi của một lượng chất nào đó mà qui ra KG thì bằng V. Vạn vật biến đổi là điều tự nhiên nhưng tốc độ biến đổi mới “sinh chuyện”. Một vật chuyển động trước một hệ quan sát nào đó thì đối với hệ quan sát đó, vật có một năng lượng cơ học (động năng). Nhưng cùng lúc đó, nếu thấy nó đứng yên trước chúng ta, thì đối với chúng ta, nó không có năng lượng cơ học (hay năng lượng cơ học bằng 0); trừ trường hợp nó đứng yên trong trường lực (có một thế năng).
Dù đứng yên hay chuyển động thì vật đó vẫn có nội tại và do đó nó luôn có một nội năng. Tổng nội năng và “ngoại năng” (gọi vui đối với cơ năng!) của vật chính là năng lượng toàn phần của nó. Năng lượng toàn phần của một vật là khả năng “lỳ lợm” tồn tại của nó trước những tác động bên ngoài và cũng là khả năng làm biến đổi bên ngoài nó. Năng lượng toàn phần của một vật là bất biến đối với suốt quá trình tồn tại của một vật nếu nó không bị thêm bớt chất (nếu qui về chất KG là thêm bớt chất KG).
Một thể tích nào đó của chân không Vũ Trụ, khi quan niệm đó là hư vô tương đối vì quan sát không thấy bất cứ sự biến đổi nào, không thấy bất cứ cái gì, thì năng lượng toàn phần của nó bằng 0. Nhưng khi chúng ta coi đó là một lượng chất KG thì nó phải có một năng lượng toàn phần và nếu như vậy thì nó phải có khối lượng.
Khối lượng là gì?
Chúng ta đều biết, muốn xác định được năng lượng toàn phần của một vật, ngoài việc xác định thành tố khoảng cách (KC) và thời gian ra, cần phải biết giá trị của yếu tố thứ ba, đó là khối lượng (KL).
Vào thế kỷ XVII, khi xây dựng học thuyết cơ học của mình, nhà bác học thiên tài Niutơn (Newton) đã đưa ra hàng loạt những khái niệm mới; đồng thời “điều chỉnh” ý nghĩa của những khái niệm vật lý đã có trước đó cho phù hợp với quan niệm của ông. Mở đầu cuốn “Các nguyên lý”, Niutơn đã định nghĩa những khái niệm cơ bản của cơ học. Định nghĩa đầu tiên là về khái niệm “lượng vật chất”: “lượng vật chất là số đo vật chất, nó tỷ lệ với mật độ và thể tích của vật chất”. Sau này, ông gọi lượng vật chất là “khối lượng”.
Khái niệm lượng vật chất có nội dung khác nhau ở Đềcác (Descartes) và Niutơn. Đềcác cho rằng Vũ Trụ chứa đầy vật chất (không có chỗ nào trống rỗng), và như vậy thể tích của các vật xác định khối lượng vật chất chứa trong vật. Niutơn cho rằng Vũ Trụ gồm có các nguyên tử chuyển động trong không gian trống rỗng. Vì vậy lượng vật chất chính là số lượng nguyên tử, và thể tích càng lớn, mật độ phân bố các nguyên tử trong thể tích đó càng lớn, thì lượng vật chất càng lớn.
Ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc với khái niệm khối lượng, đến độ coi nó như một sự hiển nhiên, vốn dĩ như thế. Cầm một hòn đá trên tay, chúng ta “ước lượng” được ngay sự nặng, nhẹ của nó và nếu ai đó “cắc cớ” hỏi sự nặng, nhẹ đó là gì thì chúng ta chẳng cần phải nghĩ ngợi gì để trả lời: là khối lượng của hòn đá (mà thực ra là trọng lượng của nó).
Nhưng từ khái niệm lượng vật chất mơ hồ để đi đến khái niệm khối lượng như ngày nay chúng ta hiểu một cách cụ thể, trực giác như thế không phải là dễ dàng.
Thừa kế những phát kiến mang tính cơ học của Galilê (Galilée) (chuyển động quán tính, sự bình đẳng về vận tốc của các vật rơi tự do…), Niutơn đã tiến hành nhiều thí nghiệm, đã xác nhận tính đúng đắn của những điều mà Galilê đã phát hiện, và đã đi đến những kết luận quan trọng. Ông nêu ra rằng: gia tốc trọng trường không phụ thuộc vào khối lượng; khối lượng tỷ lệ với trọng lượng vật một cách chặt chẽ, và như vậy có thể dùng cân để đo lượng vật chất - khối lượng. Mặt khác, cũng từ những thí nghiệm và quan sát tinh tế của mình, Niutơn đã đi đến khái niệm “lực” và hiểu chính xác về nó. Lực là sự tác động của một vật lên một vật khác, làm thay đổi trạng thái chuyển động của nó. Tác dụng gọi là lực đó có thể là trực tiếp, thể hiện bằng va chạm, hoặc là từ xa bởi một tâm lực gọi là lực hướng tâm. Một giai thoại kể đại ý rằng Niutơn trong một lần thấy trái táo rơi đã lóe lên trong đầu một ý niệm sau này đưa ông đến việc phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn. Không biết sự thực đã xảy ra như thế nào, nhưng định luật vạn vật hấp dẫn mãi mãi là chiến công vĩ đại của Niutơn, một trong những nhà vật lý thiên tài bậc nhất của mọi thời đại. Qua định luật đó, Niutơn cho thấy rằng trọng lượng của một vật thực chất là một loại lực; gọi là lực hấp dẫn tác động lên vật đó. Do đó trọng lượng là một đại lượng biến đổi theo khoảng cách và lượng vật chất của vật bị tác dụng (đúng ra là của cả hai vật làm nên hiện tượng hấp dẫn). Từ đây, Niutơn đã phát hiện ra một đặc trưng cực kỳ quan trọng của nội tại vạn vật mà ông gọi là “quán tính”.
Thực ra trước Niutơn, bằng quan sát trực giác, Galilê đã là người đầu tiên đề cập đến vấn đề mà sau này Niutơn gọi là “lực” và “quán tính”. Galilê thấy rằng tác động càng mạnh thì vận tốc càng lớn, như vậy vận tốc là đại lượng cho biết có hay không có tác động bên ngoài lên vật. Ông nói: “Nếu một vật thể không bị đẩy, không bị kéo, không chịu bất kỳ một tác động nào thì nó chuyển động đều”. Kết luận xuất sắc này của Galilê được Niutơn hoàn chỉnh và phát biểu thành qui luật đầu tiên trong học thuyết của ông và được gọi là “qui luật quán tính”.
Niutơn còn xác định được một cách chính xác hai yếu tố có tính quyết định, liên quan đến chuyển động, với tên gọi là “quán tính” và “lực”. Quán tính là khả năng vốn có của vật chất chống lại sự thay đổi trạng thái chuyển động. Đại lượng vật lý đặc trưng cho nó chính là khối lượng (thường ký hiệu là M hoặc m). Lực là đại lượng đặc trưng cho tương tác giữa các vật và là nguyên nhân gây ra sự thay đổi trạng thái chuyển động của chúng.
Nhân tiện đây, chúng ta nói thêm một vấn đề khác. Sự thay đổi trạng thái chuyển động của một vật, nói dễ hiểu hơn, là sự thay đổi giá trị vận tốc của vật đó trong một khoảng thời gian xác định. Nếu ta lấy giá trị biến đổi vận tốc (vận tốc cuối trừ đi vận tốc đầu) chia cho khoảng thời gian đã nói thì chúng ta được một giá trị gọi là gia tốc (thường được ký hiệu là a). Gia tốc là đại lượng đặc trưng cho mức độ thay đổi trạng thái chuyển động của vật mà nguyên nhân gây ra nó là lực (thường là ký hiệu là F hay f).
Niutơn đã phát biểu định luật thứ hai trên cơ sở nhận thức ấy. Biểu thức toán học của định luật II Niutơn là:
                                      
Nếu ta nhân hai vế của biểu thức với quãng đường (khoảng cách ký hiệu là s) mà vật bị biến đổi trạng thái chuyển động thì ta sẽ làm xuất hiện hai đại lượng mới:

                            
Vế trái được gọi là “công”, thường ký hiệu là A. Đó chưa hẳn là cái công sức tiêu tốn mà chúng ta đã nói đến khi “làm việc” với đống sỏi!!! Nếu cho vận tốc ban đầu của vật là 0, vận tốc cuối là vt thì:
                     
Do đó vế phải sẽ là:   
                    
Eđ được gọi là năng lượng của chuyển động hay động năng.
Đại lượng mvt2 được gọi là năng lượng cơ học của vật đang chuyển động với vận tốc vt. Khi vt = c (vận tốc cực đại của Vũ Trụ), chúng ta sẽ có một đại lượng gọi là năng lượng toàn phần của vật đang xét và chính bằng mc2.
Động năng nói riêng và cơ năng nói chung thể hiện ra như là khả năng sinh công của vạn vật. Nhưng sự thể hiện ấy chỉ mang một ý nghĩa tương đối. Khi một vật chuyển động, chúng ta nói nó có thể sinh công, vì nó sẽ tác động vào bất cứ vật nào khác “cản trở” chuyển động của nó. Nhưng một vật đứng yên không phải không có khả năng sinh công. Một vật đứng yên so với hệ quan sát này, có thể là chuyển động so với hệ quan sát khác và ngược lại một vật đứng yên ở hệ quan sát khác lại là chuyển động so với hệ quan sát này. Nếu hai vật đó va chạm nhau, tùy theo quan niệm của mỗi hệ quan sát mà qui định vật nào sinh công. Do đó, đối với một vật, nó có thể “mang” năng lượng cơ học trước quan sát này nhưng trước một quan sát khác, năng lượng cơ học của nó bằng 0. Tuy vậy, một vật dù chuyển động hay không chuyển động thì đối với mọi hệ quan sát, năng lượng toàn phần của nó (nếu không thêm bớt tính chất) là không thay đổi, hay chúng ta nói là bất biến vì không thể quan niệm được, cùng một tồn tại mà lại thêm bớt lượng chất KG bởi những cách quan sát khác nhau. Đại lượng mc2 của một vật là bất biến khi vật đó còn tồn tại! Vì vận tốc cực đại của Vũ Trụ là một hằng số cho nên khối lượng của một vật không thay đổi. Khi khối lượng thay đổi, thì vật đó không còn là nó nữa mà đã trở thành vật khác.
Có thể nào tính tóan được khối lượng của một vật đứng yên (tương đối) không? Khối lượng, thật là ngạc nhiên, chỉ có thể được xác định thông qua chuyển động và tương tác. Nếu có một quả cầu đặt trên đỉnh núi Evơrest mà kinh nghiệm không mách bảo nó làm từ chất gì thì có thể xác định được khối lượng của nó không? Dù biết rằng có lực hấp dẫn tác động lên nó, nhưng thế năng (cũng là một đại lượng có khả năng sinh công, tương tự như động năng!) của nó là không xác định (tùy khoảng cách độ cao nào mà mới phán được cho nó một giá trị thế năng cụ thể!) và khối lượng của nó là một câu đố hóc búa bậc nhất đối với người nào muốn xác định giá trị. Vật lý học ngày nay vẫn đang “chịu thua” trước bài toán tìm khối lượng của một vật đứng yên hoặc chuyển động đều, không bị tác động bởi ngoại lực.
Sự hiện hữu “bấp bênh” của cơ năng cũng như của khối lượng, và như thế; của nhiều khái niệm cơ bản trong cơ học Niutơn, đáng phải bận tâm suy nghĩ và băn khoăn.
Năng lượng toàn phần của một vật, như biểu thức tính toán cho thấy, mang “bản chất cơ học”; là một đại lượng quan trọng có tính quyết định sống còn đối với vật lý học hiện đại. Muốn xác định được nó “chỉ cần” biết giá trị khối lượng của vật. Nhưng như đã nói, không thể nào tính toán được, cân đo được khối lượng của một vật nếu nó ở ngoài tác dụng lực, trường lực. Trước một vật đứng yên, một quan sát có thể cảm nhận được nhiều thứ từ vật đó nhưng khối lượng thì không thể!
Quan sát ở tầng vi mô, việc xác định khối lượng của vật chất trở nên khó khăn hơn nhiều, dù vật chất ở tầng ấy (các hạt cơ bản) luôn biến đổi và vận động không ngừng. Bản chất lưỡng tính sóng hạt của vật chất đã làm cho khái niệm cổ điển của khối lượng bị lung lay. Chẳng hạn như vấn đề khối lượng nghỉ bằng 0 của hạt nơtrinô. Người ta nói rằng nếu nơtrinô đứng yên, nó không có khối lượng và như thế thì cũng không có năng lượng toàn phần. Giả sử rằng chúng ta có cùng trạng thái chuyển động với một nơtrinô nào đó, thì vì nó đứng yên so với chúng ta nên phải cho rằng khối lượng của nó bằng 0 và năng lượng toàn phần của nó cũng vì thế mà bằng 0. Một hạt mà không “thấy” nội dung thì là hạt gì? Trên đời này có hạt “ma” không? Hay là nó hóa thành sóng? Sóng mà không có năng lượng thì gọi là sóng gì, sóng “quỉ” chăng? Vả lại làm sao quan niệm được sóng đó đứng yên, hay là cái gọi là sóng “dừng”? Hay chỉ khi đứng yên tuyệt đối, hạt nơtrinô mới không có khối lượng, và không bao giờ nó có thể đứng yên tuyệt đối? Nhưng nếu không có trạng thái đứng im tuyệt đối thì làm sao nó chuyển động được? Có thể nhận thức được “vĩnh hằng” nhưng không thể nhận thức được chỉ có “quá khứ”, “tương lai” mà không có “hiện tại”. Một quãng “thiên di” của nơtrinô phải tốn một khoảng thời gian nào đó. Khoảng thời gian đó là tổng số nào đó của đơn vị thời gian tuyệt đối, cái không thể phân chia. Tương ứng với đơn vị thời gian ấy là đơn vị khoảng cách tuyệt đối. Ở khoảng cách đơn vị ấy và trong khoảng thời gian đơn vị ấy, nơtrinô phải là đứng yên tuyệt đối, và do đó năng lượng toàn phần của nó bằng 0. Một lượng năng lượng xác định là sự thể hiện của những cái 0 thì không bao giờ có thể tin được! Tổng những tồn tại là tồn tại và tổng những hư vô là hư vô: điều này đáng tin hơn không? Mặt khác, nếu nơtrinô phải luôn “thiên di” thì rõ ràng nó “không được phép” va chạm vào bất cứ hạt nào khác, bất cứ cái gì khác. Vì nếu xảy ra va chạm, ít ra là có một lần trong đời, nó phải đứng im tuyệt đối, nghĩa là nó phải “hi sinh”, rồi lại xuất hiện, “thiên di” theo hướng ngược lại. Phải giải thích sự “sinh - diệt – sinh” này như thế nào? Hạt phôtôn cũng “vấp phải” những vấn đề như thế. Hơn nữa trong thời điểm được bức xạ ra, ngay tức thời nó không thể đạt một vận tốc cực đại mà phải cho rằng có một gia tốc mà vận tốc ban đầu là bằng 0. Vận tốc ban đầu bằng 0 có nghĩa ở thuở ban đầu ấy phôtôn không có khối lượng, không có lượng năng lượng toàn phần nào. Thế thì một “không có gì” được tăng tốc lên và thành một phôtôn, “thiên di” ngạo nghễ trong Vũ Trụ cần được hiểu như thế nào?
Nhà bác học người Anh, Pôn Đirắc đã xây dựng được phương trình nghiên cứu về các hạt trong thế giới vi mô. Phương trình này được công nhận giống như các công thức của Niutơn mô tả các quá trình của thế giới vĩ mô. Trong phương trình hiện diện thành phần khối lượng và thành phần này được coi là một hằng số cho trước, nghĩa là không thể dùng toán học để phân tích được. Thế là thế nào?
Đáng chú ý là phương trình Đirắc nêu trên chỉ đúng cho các hạt có spin bằng ½, và đối với các tương tác có thể phát sinh ra các hạt mới thì phương trình đó không còn ứng dụng được.
Chắc sẽ nhiều người tò mò muốn thấy phương trình Đirắc. Đó là điều chính đáng. Chúng ta ngày xưa cũng thế, cố lùng sục để “diện kiến” bằng được phương trình đó, nhưng khi thấy nó rồi thì bỗng đâm ra… chán đời: nhìn nó mà bất lực trong việc nhận thức nó, không hiểu nó là cái gì. Lần đó đã làm chúng ta buồn tủi ghê gớm. Vì cái tri thức quá ư “lùn tịt” của mình. Người không “đi tu” vật lý học thì khó mà hiểu được phương trình đó. Nếu đưa nó ra đây, rất có thể sẽ làm nhiều kẻ tò mò trở thành khốn khổ, bi quan như chúng ta. Nhưng nếu không đưa ra, biết đâu chừng lại bị cho là cố tình giấu diếm cái hay đẹp của nhân loại.
Đàng nào thì cũng mang tiếng cả! Chiều chuộng làm sao cho hết được người đời? Thôi thì cứ theo lẽ tự nhiên là hơn, đây:
                                  Vế trái có hai số hạng. Số hạng thứ nhất “nói về” hiện tượng được mô tả hay biến cố, với điểm cụ thể của không gian và thời gian. Số hạng thứ hai gồm có đại lượng biến thiên gọi là hàm sóng Ψ (“pxi”) và các hằng số: π (số pi), m (khối lượng), c (vận tốc cực đại), h (hằng số Planck).
Để mô tả sự diễn biến của vật chất được giả thiết là đầu tiên, phải xét đến khả năng tương tác của các hạt với nhau và như thế phải xét đến khả năng biến hóa của các hạt này thành các hạt khác. Năm 1938, nhà vật lý học Đ. Đ. Ivanencô đưa thêm vào vế trái số hạng thứ ba gọi là “số hạng phi tuyến”. Phương trình Đirắc được chuyển thành:
                            
Đáng tiếc, phương trình này… không có nghiệm!
Người sáng tác bài ca “nguyên lý bất định”, nhà vật lý tài năng Heisenberg đề nghị bỏ số hạng mang yếu tố khối lượng đi, và phương trình có dạng:
                                                            
Ông đã lập luận về vấn đề này, đại ý: chúng ta không biết khối lượng của hạt bằng bao nhiêu khi chúng ta bắt đầu giải phương trình cơ sở vì rằng khối lượng là hệ quả của tương tác này hay tương tác khác của trường thống nhất với chính bản thân nó. Do đó, ta không thể cho trước khối lượng, mà phải xác định khối lượng bằng cách giải phương trình.
Phương trình đó đến ngày hôm nay đã gánh vác được nhiệm vụ thiêng liêng mà loài người giao phó cho nó chưa? Không ai biết!
Khái niệm khối lượng hiểu theo “phong cách” cổ điển (sự bất biến của khối lượng) còn bị một đòn giáng mạnh từ thuyết tương đối hẹp của Anhxtanh. Thuyết đó ra đời đã cho là khối lượng của một vật không còn bất biến nữa mà phải tăng lên một cách nào đó theo vận tốc của vật đó và đồng thời là độ đo năng lượng chứa trong vật đó.
Việc khối lượng biến đổi theo vận tốc của vật; việc vận tốc càng lớn thì khối lượng càng tăng theo nhận định của Anhxtanh, đã “bắt” năng lượng toàn phần phải biến đổi theo. Như thế lượng năng lượng toàn phần của một vật không thể đại diện cho một vật tồn tại, trái hoàn toàn với quan niệm của chúng ta. Vì chúng ta từng cho rằng: năng lượng toàn phần là bất biến đối với một vật, một khi nó còn tồn tại, không “sứt mẻ”. Một vật, khi chuyển đổi trạng thái vận động, có bị “sứt mẻ” gì không, đó là điều cần phải nhận thức cho đúng. Một người ngồi nhà, lên máy bay, du lịch “tá lả bồn binh” rồi lại về ngồi nhà, với trọng lượng chẳng thay đổi gì so với trước cuộc đi chơi, thì phải hiểu (về mặt năng lượng toàn phần của người đó) như thế nào? Thật là khó mường tượng! Vậy thì tốt nhất, chúng ta nên làm một thực nghiệm. Thực nghiệm trong hoang tưởng bao giờ cũng rất hay (vì loại trừ được những yếu tố ảnh hưởng không cần thiết), nhưng cũng rất nguy hiểm (vì cái tôi chủ quan luôn xen vào!). Tuy vậy, những thực nghiệm đơn giản bao giờ cũng thành công mỹ mãn (đối với chúng ta thôi).
Giả sử có hai hệ quan sát là H1 và H2. So với H2, H1 chuyển động đều với vận tốc v. Trong H1 có một vật chuyển động đều so với quan sát của H1 với vận tốc là v1 và có phương chiếu trùng với v. Quan sát ở H1 sẽ thiết lập được biểu thức tính cơ năng của vật là:
E1 = m1 . v12
Nhưng đối với quan sát ở H2 thì biểu thức trên không đúng, vì vật đồng thời vừa chuyển động với vận tốc v1 vừa chuyển động vận tốc v. Do đó vận tốc tổng hợp của nó theo Niutơn phải là v1 + v2; và cơ năng của nó vì thế mà cũng lớn hơn E1:
E2 = m2(v1+v)2 = m2v2 > E1
Nếu có thêm vài hệ quan sát H5, H4… thì cũng sẽ có thêm E3, E4… Nghĩa là có vô vàn hệ quan sát thì một vật duy nhất cũng có vô vàn giá trị cơ năng một cách đồng thời và giá trị đó cũng có thể bằng 0. Vậy thì đâu là chân lý đích thực? Chính hiện tượng đó là chân lý đích thực chứ còn đâu nữa! Mỗi một hệ quan sát đều tính ra một giá trị cơ năng chính xác, phù hợp với thực nghiệm và đều cho rằng đó là sự thực khách quan. Phải thừa nhận rằng tất cả các giá trị cơ năng đều đúng, đều là sự thực khách quan nhưng chỉ đúng và là sự thực khách quan đối với hệ quan sát đã “đẻ” ra chúng mà thôi.
Một cách tổng quan, chúng ta thấy cơ năng là một đại lượng không ổn định, phù phiếm như một “giấc mộng”. Nó là hiện tượng khách quan của thế giới chủ quan (và ở một hệ quan sát bên ngoài nào đó thì hiện tượng khách quan của thế giới chủ quan lại cũng chính là một hiện tượng khách quan nào đó của một thế giới chủ quan mới!). Nó có thể hiện hữu đối với hệ quan sát này nhưng đồng thời có thể không hiện hữu đối với hệ quan sát khác.
Chúng ta đã quan niệm hiện hữu là biểu hiện của tồn tại, do đó phải coi cơ năng là một tồn tại, là bộ phận của Tự Nhiên Tồn Tại, nó có thể hiện hữu kiểu này, kiểu khác hoặc “không thèm” hiện hữu.
Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng quan niệm về sự bất biến của khối lượng đối với chuyển động của Niutơn là vẫn đúng đắn thì giá trị khối lượng của vật thí nghiệm đối với tất cả quan sát đều như nhau, nghĩa là:
m1 = m2 = … = m
Vì vận tốc cực đại c là một hằng số Vũ Trụ nên năng lượng toàn phần của vật đang xét sẽ phải là một giá trị duy nhất, tuyệt đối dù được tính ra ở bất cứ hệ quan sát nào. Chúng ta nói đó là một bất biến một khi vật đang xét còn tồn tại, dù “nhìn” ở bất cứ góc độ nào, từ bất cứ hệ quan sát nào. Nếu giá trị cơ năng là một chân lý tương đối thì giá trị năng lượng toàn phần của một vật hay chất là một chân lý tuyệt đối.
Chúng ta tin chắc vào điều đó vì phải như thế mới phù hợp với Tự Nhiên; mới không xâm phạm tới nguyên lý bảo toàn không gian.
Nhưng Anhxtanh đã không đồng ý! Thuyết tương đối hẹp của ông chỉ ra rằng: 
                           
                          
 
Nghĩa là: khối lượng của vật tăng tỉ lệ theo giá trị vận tốc. Khi vật đứng yên nó có một khối lượng cực tiểu là mo.
Thực nghiệm vật lý đã xác nhận phát kiến đó của Anhxtanh!
Chúng ta khó lòng mà “cãi” được nữa nhé!
Nhưng nếu chúng ta không cãi thì phải từ bỏ niềm tin “chắc như đinh đóng cột” trên kia để vĩnh chào sự hoang tưởng, cúi đầu quay về với thực tại. Một hành động mà đối với chúng ta là vô cùng “bi thảm”, không “cột trụ kiên cường” tý nào!
Vì yêu tha thiết sự hoang tưởng và vì đang thích thú đắm mình trong đó nên chúng ta sẽ ở lại, không “cúi đầu” đi đâu nữa cả, chúng ta biện hộ rằng thế giới khách quan vật lý và thế giới khách quan hoang tưởng là hai cách nhìn khác nhau về một hiện thực và đều “tuyệt vời”. Cách thứ nhất là nền tảng, xuất phát từ thực tiễn và là niềm tin yêu gởi gắm của thực tiễn . Cách thứ hai xuất phát từ cái nền tảng, thăng hoa như một khoảng trời huyền ảo của nền tảng và biến thành một thực tiễn trong cõi siêu thực. Nếu cách này là bản tuyên ngôn đanh thép về quyền được nhận thức của con người thì cách kia là bài thơ “sướt mướt”, ngợi ca tính mộng mơ vô bờ của nhận thức ấy…
Thôi nào, chúng ta suy tưởng tiếp về cuộc thực nghiệm còn dở dang!
Theo Anhxtanh thì vật nào cũng có khối lượng nghỉ (mo). Nhưng phải hiểu từ “nghỉ” ở đây như thế nào, tuyệt đối hay tương đối? Làm sao mà xác định được một mo tuyệt đối khi ngay cả một chuyển động trước một quan sát có thể là một đứng im tuyệt đối? Làm thế nào mà sự quan sát “bấp bênh” đầy tính chủ quan và tương đối lại có thể xác nhận một vật đâu đó là đứng im tuyệt đối?
Nếu theo quan niệm của Anhxtanh về khối lượng thì:
m1 ¹ m2 ¹   khi        v1 ¹ v2 ¹ …;
m2 > m1            khi        v2 > v1
Và tại mọi hệ quan sát đều tính được ra khối lượng nghỉ mo của vật thí nghiệm với mọi khối lượng và vận tốc được xác định ở tại những hệ quan sát ấy.
Đến đây, chúng ta thấy bộc lộ ra một sự kỳ quái không sao tưởng tượng nổi. Vì giá trị vận tốc của vật có thể được chọn tùy ý (có thể thiết lập được những hệ quan sát đảm bảo thấy vật chuyển động với những vận tốc bất kỳ nào đó) miễn là nó không được lớn hơn vận tốc cực đại c, do đó sẽ phải có giá trị vận tốc bằng 0 và khối lượng của vật tương ứng với nó chính là mo; khối lượng nghỉ của vật. Hệ quan sát thấy được điều đó là thấy được sự đứng yên tuyệt đối của vật. Sự đứng yên tuyệt đối ấy là chuyển động so với những hệ quan sát không thấy điều đó (thấy vật đâu có đứng yên!!!) và họ sẽ chẳng bao giờ tin nếu có giảng giải sùi bọt mép về sự đứng yên tuyệt đối của cái đang chuyển động. Do đó không có “nghỉ” tuyệt đối mà chỉ có nghỉ tương đối thôi. Suy rộng ra, với bất kỳ một giá trị mo cho trước nào, theo biểu thức nói trên của Anhxtanh, sẽ phải có vô vàn vật thể có chung giá trị khối lượng nghỉ này. Và từ đó phải cho rằng sẽ có một khối lượng nghỉ nhỏ nhất đóng vai trò khối lượng nghỉ của những khối lượng nghỉ lớn hơn và nói chung là của vạn vật trong Vũ Trụ. Một sự đứng im tuyệt đối “nhỏ nhất” (hay ít nhất) là sự đứng im tuyệt đối của những sự đứng im tuyệt đối khác “lớn hơn nó” (hay nhiều hơn nó!)???
Điều kỳ quái cuối cùng: giả sử có hai vật với hai mo khác nhau (nguyên tử và thiên hà chẳng hạn), khi tăng vận tốc chúng lên xấp xỉ vận tốc c, chúng ta sẽ thấy được hai khối lượng cũng như hai lượng năng lượng toàn phần vô cùng vĩ đại (nếu vận tốc bằng c thì sẽ xảy ra vô hạn, đó là điều rất chi là… khủng khiếp!) mà nếu nhích vận tốc của vật nhỏ hơn (nguyên tử) lên lớn hơn “chút ít” so với vận tốc của vật lớn hơn (thiên hà) thì hai lực lượng vô tiền khoáng hậu ấy sẽ bằng nhau. Ghê chưa?!
Có lẽ nào cái thế giới quan vật lý của Anhxtanh lại hoang tưởng hơn cái thế giới quan hoang tưởng của chúng ta được? Không, vì đã được thực nghiệm xác nhận nên biểu thức nêu trên của Anhxtanh vẫn có lý. Nhưng cần quan niệm lại vấn đề khối lượng nghỉ và sự biến đổi khối lượng theo vận tốc.
 ***
Có cách nào nhận thức được khối lượng vừa bất biến cho Niutơn vui lòng, vừa đồng thời biến đổi tùy theo vận tốc chuyển động để Anhxtanh không nổi giận không? Có chứ, có một cách! Nhưng chúng ta không vội gì mà nói ra ở đây, vì làm thế là...vội quá, vì sợ thiên hạ không hiểu lại cho chúng ta là lũ háo danh trắng trợn. Háo danh trắng trợn là háo danh quá quắt chứ không phải háo danh bình thường. Háo danh bình thường không xấu!!!
Chúng ta không ghét danh; cũng yêu danh nhưng không yêu say đắm bằng yêu lợi. Nếu suy cho cùng thì mục đích cuối cùng của mưu cầu danh lợi là lợi. Chất mà không có lợi thì chỉ là ảo huyền, vô giá trị; danh mà chẳng có quyền lực, lợi lộc gì thì chỉ là hư danh. Thà hữu lợi mà vô danh còn hơn là hữu danh mà vô lợi; thà không có tên mà có được miếng đất cắm dùi còn hơn được gọi là ''kim cương'' mà vô gia cư, sống vất va vất vưởng không ra con người!
Chính vì lẽ đó mà thú thực, chúng ta cắm đầu cắm cổ viết như điên, chủ yếu là để kiếm lợi. Lợi ở đây là vừa được vui đùa, thỏa mãn nỗi đam mê cháy bỏng của bản thân chúng ta, vừa phục vụ cho những ai đó một bữa tiệc với nhiều món ăn tinh thần, ngon thì chưa biết nhưng chắc chắn là lạ miệng (nghĩa là ít ra thì cũng thích thú), theo luật kinh doanh tự nhiên nhất: thuận mua vừa bán, để “hốt” được một mớ bạc. Đã gọi là một bữa tiệc lạ miệng mà phơi bày “tòe loe” ra hết một lần thì còn gì là lạ nữa và rất có thể một phần của bữa tiệc đó sẽ bị “ế”. Làm ra một bữa tiệc mà chỉ bán được một phần của bữa tiệc thôi, thì “sự nghiệp hốt bạc” của chúng ta là không đạt, thậm chí nó còn biến thái thành “sự nghiệp” làm tán gia bại sản, không phải của khách hàng, không phải của chúng ta (chúng ta làm gì có cắc bạc nào!) mà là của… mụ vợ, người mà chúng ta thực lòng yêu thương. Mai này, khi chúng ta đã “ra đi” (lũ đàn ông thường “thích” đi trước), mụ vợ của chúng ta sẽ còn ở lại một mình, cô đơn và yếu đuối. Đến lúc đó nếu vì sự “phá gia” hôm nay của chúng ta mà mụ ta bị đói khổ thì dù đã hư vô, chúng ta cũng vô cùng đau đớn!
Trên đời này có rất nhiều “tấm gương sáng” về cách mưu cầu danh lợi “toàn thể đều vui vẻ”. Chẳng hạn các ngôi sao ca nhạc, các danh thủ bóng đá. Họ vừa được thỏa thích vui chơi, theo đuổi được nỗi đam mê của mình, vừa làm mãn nhãn, mãn nhĩ cho rất nhiều người; vừa nổi danh, vừa kiếm lợi vô kể. (Ấy thế mà họ lúc nào cũng xoen xoét về sự nhọc nhằn, cực khổ. Thật lạ!).
Chúng ta đang cố gắng noi gương, bắt chước họ. Nếu trời không cho chúng ta toại nguyện cả hai, danh và lợi mà chỉ được một thôi thì nhớ đừng quên là phải chọn lợi. Dứt khoát là như thế nhé hỡi anh em!
Nếu chọn giữa “ăn” và “mặc”, chúng ta sẽ chọn “ăn”. Dù cởi truồng mà no còn hơn quần là áo lượt mà chết đói. Khi chúng ta đã dư miếng ăn rồi thì chúng ta sẽ bán bớt thứ mà ai cũng cần ấy đi để mua quần áo mặc cho đàng hoàng hơn. Nhưng trong việc kiếm lợi lại khác. Lợi kiếm ra được không biết bao nhiêu là đủ. Người biết hay không biết dùng lợi lúc nào cũng đều thấy thiếu. Người không biết dùng lợi thì dù có ngồi trên núi vàng vẫn thấy mình nghèo, vẫn thèm lợi. Người biết dùng lợi thì vì kiếm lợi cho mình ổn rồi, còn muốn chia cho thiên hạ nữa nên lúc nào cũng mong giàu có để làm việc nghĩa, vẫn cần lợi. Khi cầu lợi thì danh tự đến, trú ngụ, hoặc đang ở đó nhưng “nổi giận” tự bỏ đi. Ai không hiểu điều đó thì lấy lợi ra mua danh. Ai hiểu điều đó thì chẳng bao giờ chịu “tốn” lợi để làm cái việc ngu ngốc ấy. Ông bà chúng ta đã rất chí lý khi dạy rằng: mua danh đến ba vạn nhưng bán danh có ba đồng!
Danh là mang tính lực, lợi là mang tính năng lượng. Không có năng lượng thì cũng không có lực. Đã là nhà vật lý chân chính thì phải “quí” cả hai nhưng phải biết ưu tiên chọn cái nào trước. Họ chọn cái nào trước? Vì ở một thế giới khác nên chúng ta không có lấy một người bạn nào là nhà vật lý cả để mà hỏi cho ra lẽ!
Còn bản thân chúng ta chọn cái gì trước? Để cho câu chuyện mà chúng ta đang kể, được nhất quán, hợp lý (dễ bán kiếm lợi hơn), chúng ta chọn năng lượng. Nhưng ở chỗ khác, lúc bụng đang đói meo trước “mâm cao, cỗ đầy” thì dứt khoát chúng ta chọn vật chất để được thỏa mãn vừa “no” vừa “ngon” (ăn đất thì cũng “no” năng lượng đấy nhưng làm sao mà “tiêu hóa” thành năng lượng “người” được; còn truyền năng lượng qua tĩnh mạch hay qua lỗ mũi thì chỉ có bác sĩ mới chọn thôi nhưng là chọn cho bệnh nhân!).
Bây giờ đây, đã vượt qua đầm lầy và “lọt” vào thành phố rồi thì chúng ta chọn cái gì trước? Chẳng chọn cái gì trước trong hai cái đó cả và tạm thời quẳng cả hai đi cho đỡ mệt! Chúng ta chọn… quán Hương Cau. Chúng ta sẽ vừa đi đến đó vừa kể vài ba câu chuyện cho vui.
 ***
BÍ ẨN
Thằng bé bán báo rao:
- Báo đây, báo đ…â…y! Một bí ẩn khó tin được phanh phui! Đã có bốn mươi nạn nhân cùng chung số phận! Báo đây, báo đ…â…y…
Một người qua đường kêu:
- Ê, nhỏ, bán cho tao một tờ coi!
Trả tiền xong, ông ta đọc lướt nhanh từng trang rồi lật qua lật lại một hồi, rồi rảo bước theo thằng bán báo:
- Thằng kia! Bí ẩn được phanh phui nằm ở đâu mà tao tìm mỏi mắt không thấy, hả?
- Dạ, đó là điều bí ẩn đấy ạ! - Thằng bé bán báo trả lời và quay đi, rao tiếp – Báo đây, báo đ…â…y…! Một bí ẩn khó tin được phanh phui! Đến nay, đã có bốn mươi mốt nạn nhân cùng chịu chung số phận! Báo đây, báo đ…â…y!

Đó là một sáng kiến trong kiếm lợi(!?). Dưới đây là một sáng kiến kiếm lợi nữa:

VAY NỢ
Một ông đến một công ty chuyên cho vay nợ, hỏi:
- Tôi muốn vay 50 đôla trong sáu tháng, phải trả tổng cộng lãi là bao nhiêu?
- Ba đôla - Nhân viên công ty trả lời.
- Được rồi. Cho tôi vay 50 đôla. Tôi xin thế chấp chiếc ôtô đời mới của tôi ở đây. Mai mốt khi trả lãi vay tôi sẽ lấy lại.
Ngày hôm sau ông ta kể lại sự việc đó cho bạn nghe. Bạn ông ta trợn mắt:
- Ông điên à? đời thuở nhà ai vay có 50 đôla mà lại đem chiếc ôtô đời mới đi thế chấp bao giờ!
Ông ta thản nhiên nói:
- Thì cứ để người ta cho tớ là thằng điên cũng được. Ngày mai tớ sẽ phải sang Châu Âu trong sáu tháng. Tớ có thể gửi xe ở đâu được trong khoảng thời gian lâu như thế mà chỉ tốn có 3 đôla?

KHÔN NGOAN
Một nhà buôn già, sắp chết, dặn con:
- Con của ta! Vốn dĩ cha thành đạt được như hôm nay là nhờ hai điều: trung tín và khôn ngoan. Trung tín là nếu con đã hứa giao thứ gì cho khách hàng thì bất kể trường hợp nào, dù có phá sản đi nữa, con cũng cứ giao…
- Con xin nhớ điều đó, thưa cha - Người con đáp - Còn khôn ngoan là thế nào ạ?
- Khôn ngoan thì đơn giản thôi - Người cha phều phào - Con đừng bao giờ hứa bất cứ điều gì hết!...

Việc kiếm lợi thường đòi hỏi rất nhiều mưu chước, sáng kiến nhưng đôi khi lại rất dễ dàng, lợi cứ như từ trên trời rơi xuống vậy. Sau đây là hai chuuyện:

Ở TEXAS
Sau khi nốc rượu thoải mái trong vũ trường, một cô gái xinh đẹp lảo đảo chạy ra ngoài tìm chỗ ói mửa và chẳng may, té xỉu vào thùng rác. Một anh chàng đi qua nhìn thấy bèn kéo cô ta ra, mang lên phòng của anh ta ở khách sạn gần đó, rồi vội gọi điện thọai cho bạn mình:
- Tớ vừa đến Texas. Cậu nên mau mau bán tất cả nhà cửa đồ đạc đi, đến Texas mà sống. Mức sống khá lắm. Ở đây, họ quẳng vào thùng rác nhiều thứ còn tốt hơn những thứ cậu chỉ có thể mua được với giá cao ở New York.

ĐUỔI VIỆC
Người chủ cửa hàng đi ngang qua phòng đóng gói, trông thấy một cậu bé đứng ngó ngang ngó ngửa và huýt sáo vui vẻ:
- Mày làm bao nhiêu tiền một tuần? - Ông ta hỏi.
- Dạ thưa, 50 đôla
- Đây, tao trả một tuần lương cho mày - Ông ta đếm tiền đưa cho cậu bé - Cút luôn đi, đồ làm biếng!
Một lát sau, gặp người quản lý nhân công, ông chủ cửa hàng hỏi:
- Anh thuê thằng bé đó ở đâu vậy?
- Chúng ta có thuê nó bao giờ đâu; nó là đứa giao hàng, làm cho công ty khác.

Lợi thì ai cũng thích rồi. Cũng vì sự thích ấy mà nhiều khi lợi đã gây ra những oái oăm, tai hại rất “hỉ, nộ, ái, ố”. Vài chuyện tiếp theo chứng minh điều đó.

LỢI HẠI
Cặp vợ chồng trẻ mới cưới, hưởng đêm đầu tiên của tuần trăng mật tại một thị trấn cổ kính thời Trung cổ. Để thêm hương vị cho đêm tân hôn, cô gái rụt rè đề nghị là cứ mỗi lần tiếng chuông báo giờ ngân lên thì họ lại làm tình với nhau. Chàng trai cười khoái chí đồng ý.
Sau bốn lần chuông ngân, chàng trai kiếm cớ ra phố mua thuốc lá, rồi loạng choạng đến gặp lão gác chuông:
- Bác ơi! – Chàng trai thều thào nói – Xin giúp tôi một việc: từ giờ đến hết đêm, bác rung hai lần chuông nữa thôi, được không ạ? Đây tổi gửi bác ít tiền …
- Không được đâu! Tôi không thể làm được điều đó vì …
- Tại sao không được ạ? Bác cố giúp tôi với! Tôi xin gửi thêm cho bác ít tiền nữa đây.
- Cậu biết không, hồi đầu hôm, có một cô gái xinh đẹp cho tôi tiền và dặn rằng cứ nửa tiếng thì rung chuông một lần. Tôi đã nhận lời và không thể làm khác được.

TAI NẠN
Một ông già trúng xổ số 100.000 đôla. Ông vốn bị yếu tim, gia đình sợ tin kia đến đột ngột làm ông xúc động, chết mất. Vì vậy họ nhờ mục sư ướm lời, nói chuyện trước với ông già.
Vị mục sư nhận lời, tìm dịp hỏi ông già:
- Giả sử ông trúng xổ số được 100.000 đôla thì ông sẽ làm gì?
Ông già đáp:
- Tôi sẽ biếu mục sư và nhà thờ một nửa số tiền đó.
Vị mục sư lăn ra chết!.

THẰNG KHÙNG
Có một anh chàng, chỉ tay về phía một đứa bé đứng xớ rớ ở đằng xa, nói với người bạn:
- Thằng đó trông mặt mày tưởng sáng láng mà khùng lắm. Đưa hai đồng tiền 5 đồng và 2 đồng ra, bao giờ nó cũng lấy đồng 2 đồng. Tôi đã thử nó hàng trăm lần rồi. Nhiều người qua đường thấy vậy, xúm lại giải thích thế nào nó cũng không nghe, lúc giờ nó cũng chọn đồng tiền có giá trị nhỏ hơn. Đây này, anh xem nhé…
Anh chàng gọi đứa bé lại, xòe bàn tay có hai đồng tiền 5 đồng và 2 đồng trên đó. Đứa bé nhặt đồng tiền 2 đồng, cảm ơn rồi chạy ù về chỗ cũ.
- Anh thấy chưa? - Anh chàng cười hể hả - Thật khùng ơi là khùng!
Đứa bé đó hóa ra là con nhà hàng xóm của anh bạn anh chàng kia. Hôm sau, vô tình gặp nó ở gần nhà, anh bạn hỏi:
- Sao em dại thế, không lấy đồng tiền lớn hơn?
Đứa bé cười tít mắt:
- Dại gì mà làm thế! Làm thế chỉ lấy được một lần. Làm như em sẽ “hốt” được dài dài… Mà anh đừng nói lại với cái gã khùng đó nhé, để em còn hốt nữa!

KÉN RỂ
Một quan lớn có cô con gái đã đến tuổi cặp kê. Ông muốn tìm một tấm chồng tài trí cho nàng nên treo bảng kén rể.
Cô nàng không được xinh cho lắm, nhưng của nả nhà quan lớn thì thật là đáng kể, nên lũ lượt trai tráng trong vùng đến ra mắt. Tuy nhiên chưa ai đạt yêu cầu quan đưa ra và đều thất bại ra về.
Một hôm có ba anh chàng thư sinh cùng ngẫu nhiên tới. Quan lớn thấy cả ba chàng đều khôi ngô tuấn tú thì mừng lắm, nghĩ thầm rằng cả ba người đều xứng đáng. Nhưng làm rể thì chỉ có thể là một người thôi, bèn đưa ra cuộc thi thố.
Quan lớn tuyên bố:
- Ta có một con ngựa quí, phi rất nhanh. Mỗi anh sẽ phải làm một bài thơ mô tả cái sự phi nhanh ấy của con ngựa. Trong ba anh, anh nào làm được bài thơ thể hiện con ngựa của ta phi nhanh nhất thì sẽ được ta gả con gái cho.
Cuộc thi bắt đầu. Ba anh chàng ngó quanh ngó quẩn, ngó trời ngó đất để tìm vần.
Một anh chàng thấy chiếc lá đang rơi ngoài sân, nảy ý, đọc luôn:

Ngoài trời chiếc lá rơi
Ngựa ông phi mù khơi
Phi đi rồi phi lại
Chiếc lá vẫn còn rơi.
Quan khen:
- Thơ có vần có điệu, khá hay, ngựa phi như thế quả là rất nhanh. Nhưng còn chờ xem đã…
Cô con gái của quan ngồi cạnh mẹ, đang xỏ chỉ vào kim giúp mẹ, nhưng vì chăm chú lắng nghe câu chuyện nên làm rơi cái kim vào bể cảnh. Anh chàng thứ hai “chớp” được, liền ứng khẩu:
Nàng đánh rơi cái kim
Ngựa ông phi như chim
Phi đi rồi phi lại
Cái kim vẫn chưa chìm.
Quan nhận xét:
- Thật không ngờ ngựa của ta lại phi nhanh đến thế, nhanh hơn cách mô tả của anh kia. Chỉ có điều so sánh ngựa phi với chim thì có vẻ hơi bị ép. Nhưng không sao, vẫn đạt yêu cầu của cuộc thi và nếu anh còn lại chịu thua thì anh là người thắng cuộc.
Anh chàng thứ ba vội lên tiếng:
- Quan lớn hượm hượm cho con tý đã nào! Ngày thường con vẫn ứng khẩu thành thơ nhanh như chớp, được bạn bè khen là “thần khẩu” mà sao hôm nay khớp quá, hàm cứ đánh cầm cập. Đúng là “thần khẩu hại xác phàm”…
- Vợ quan lớn nãy giờ, nghe hai bài thơ của hai anh chàng kia đã buồn cười lắm rồi, nhưng cố nhịn, chỉ tủm tỉm. Đến khi nghe anh chàng thứ ba nói “trơn tuột” như thế thì hết chịu đựng nổi, cười rũ rượi.
Quan lớn quát:
- Bà đừng có mất nết như thế! Chuyện nghiêm túc, hệ trọng đến trăm năm của con trẻ mà cứ tưởng đùa, mà cười ngặt nghẽo được thì thật chả ra cái thể thống gì cả… Nào, anh kia, có làm được thơ thì làm đi, còn không thì đừng có nói lôi thôi nữa. Ông không đợi được nữa đâu đấy!
Vợ quan lớn lại cố nín một cách khó khăn. Có lẽ sự nín đã vượt giới hạn nên trong cái im ắng của gian nhà, từ bà quan lớn phát ra một tiếng “kít” nhỏ và rất ngắn nhưng vang lừng.
Anh chàng thứ ba trố mắt nhìn vợ quan lớn, sực “vỡ” ra tứ thơ, liền đọc luôn:
Bà vừa đánh cái “kít”
Ngựa ông phi mù tít
Phi đi rồi phi lại
Lỗ đít vẫn… chưa khít.

Lúc này, trừ anh chàng vừa đọc thơ là ngẩn tò te vì ngạc nhiên, còn tất cả đều rũ rượi, lăn lộn ra mà cười, cả gian nhà cũng cười bần bật. Quan lớn cười to nhất, nhiều nhất, tay vỗ đùi đen đét, mắt mũi giàn giụa. Lúc lâu quan mới hồi tỉnh lại được và nói:
- Ta chịu anh, ta chịu anh! Anh đã tả được cái thần khí của một cuộc đua ngựa và ngựa của ta là ngựa phi nhanh nhất, nhanh một cách diệu kỳ, nhanh hơn cả sự đóng mở của Thần Cốc - mẹ Huyền Tẫn. Ha, ha…ha! - và quan lớn lại bắt đầu đợt cười mới...

 ***
Vừa đi trên hè phố, vừa thầm thì kể chuyện vui, đôi khi đứng lại nhe răng cười một mình, chắc là làm cho người qua lại để ý lắm. Vừa từ hoang dã bước ra, tóc tai bù xù, mặt mày hốc hàc, còn nhe răng nhìn trời như đười ươi thì không là “quái nhân”, không bị mọi người soi mói mới là chuyện lạ. Hèn gì cứ ngẩng lên là thấy mọi cặp mắt đổ dồn lên chúng ta; hèn gì mà thấy đâu đâu cũng bị kẹt xe!...
May thay, trời đã ngả về chiều và ngày một tối nên sự lem luốc của chúng ta đã không còn bị ánh sáng làm cho rực rỡ nữa. Ơn Trời!

 

 

Xem tiếp...

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

DÂN CHỦ QUÁ TRỚN

-Đâu phải là đại chúng (dân)!!!
-Đó mà gọi là bất bạo động à?
-Dân chủ quá trớn là một biểu hiện của tư duy mù quáng. Bởi thực ra đó là phản dân chủ chứ không phải dân chủ và tất yếu dẫn đến một xã hội độc đoán khác.
-Phá hoại xã hội hay xây dựng xã hội?
-Khùng, anh hùng hay ''rỗi hơi'' !?
-Đáng thương và cả đáng ghét!
-''Bề trên'' có sai trong chính sách dẫn đến một số trí thức bất mãn mà thôi, nhưng ''đám có học bên dưới'' đã hành động quá lố! Tại bóng ma Hồng Vệ Binh chăng!?
-Lão Tử nói: ''Chính trị của thánh nhân là làm cho dân có lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu (không ham muốn, không tranh giành), xương cốt thì mạnh. Khiến cho dân không biết, không muốn, mà bọn trí xảo không dám hành động'', ''Thời xưa, người khéo dùng đạo trị nước thì không làm cho dân khôn lanh cơ xảo, mà làm cho dân đôn hậu chất phác. Dân sở dĩ khó trị là vì nhiều trí mưu''
-Ý chí chính quyền của một ''khối chắp vá cơ học'' thành cường quốc (?) đang trên đà bành trướng để sống còn một cách vị kỷ: không được ''ủy mị''!











------------------------------------------------------------


(ĐC sưu tầm trên NET)

                                    

Thứ tư, 1/10/2014 | 11:11 GMT+7

Biểu tình ở Hong Kong nhìn từ trên không

Cuộc biểu tình ở Hong Kong được ghi lại bởi một máy bay không người lái có gắn máy quay, cho thấy hàng chục nghìn người phủ kín các phố trung tâm.
    Theo Storyful, video được chủ nhân tài khoản mạng xã hội Nero Chan thực hiện từ máy bay không người lái hôm 29/9, khi hàng nghìn người đổ ra các con phố ở Hong Kong để biểu tình. Họ yêu cầu cải cách bộ máy lập pháp địa phương và phản đối việc Bắc Kinh ra các quy định mới về cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền đặc khu dự kiến diễn ra năm 2017.
    Những người biểu tình còn yêu cầu Trưởng đặc khu Hong Kong Leung Chun-ying từ chức sau khi ông này gọi Occupy Central, một trong những nhóm tổ chức biểu tình đường phố, là "phi pháp".
    Số cuộc tuần hành đã tăng thêm kể từ sau khi cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi cay để trấn áp hôm 28/9. Căng thẳng trong những ngày sau đó giảm bớt khi lực lượng an ninh không còn hiện diện nhiều như trước.
    Như Tâm (Video: Youtube)

    Thủ lĩnh biểu tình 17 tuổi ở Hồng Kông là ai?

    (TNO) Joshua Wong, 17 tuổi, là một trong những nhà hoạt động chính trị dữ dội nhất tại Hồng Kông, người từng bị truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là “phần tử quá khích”.


    Hãng tin CNN đăng tải chân dung Joshua Wong, người phát động phong trào kêu gọi sinh viên Hồng Kông bãi khóa biểu tình đòi dân chủ
    >> Trung Quốc phản đối thế lực nước ngoài ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông
    >> Cảnh sát chống bạo động rút khỏi khu vực biểu tình ở Hồng Kông
    >> Người biểu tình ở Hồng Kông bất chấp hơi cay và dùi cui
    >> Thủ lĩnh phe biểu tình ở Hồng Kông kêu gọi rút lui
    >> Hồng Kông thả thủ lĩnh biểu tình 17 tuổi

    Thành lập phong trào đòi dân chủ của giới trẻ
    Trong vòng 2 năm qua, Joshua Wong (tên theo phiên âm Hán-Việt là Hoàng Chi Phong), một thiếu niên gầy gò và đeo kiếng cận, đã thành lập được một phong trào đòi dân chủ của giới trẻ tại Hồng Kông, theo CNN.
    Một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc từng nhận xét phong trào này lớn mạnh ngang ngửa với các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn cách đây 25 năm về trước.
    Và mục tiêu của Joshua Wong là nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc cho Hồng Kông được tự bầu chọn lãnh đạo của mình, CNN cho biết.
    Khi trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc vào năm 1997, Anh và Trung Quốc đã cùng ký một hiệp ước, theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ cho phép Hồng Kông “quyền tự trị cao cấp”, bao gồm việc cho phép bầu cử dân chủ để chọn ra đặc khu trưởng. Nhưng thỏa thuận hầu như không được thực hiện 17 năm nay, theo CNN.
    Bắc Kinh mới đây đã tuyên bố người dân Hồng Kông chỉ có thể bầu ra lãnh đạo mới từ các ứng viên mà Bắc Kinh đã lọc ra từ trước.
    Wong đang nỗ lực chiến đấu chống lại điều này và đang rất nôn nóng. “Tôi không nghĩ cuộc chiến của chúng tôi sẽ kéo dài quá lâu”, Wong nói với CNN.
    “Nếu bạn đã có tâm lý rằng đấu tranh cho dân chủ là một cuộc chiến kéo dài và bạn tiến hành từ từ, thì bạn sẽ không bao giờ chiến thắng. Bạn phải xem mọi cuộc chiến như trận chiến cuối cùng, chỉ có vậy thì bạn mới có quyết tâm để chiến đấu”, Wong nói.
    :rel:d:bm:GF2EA9R156501
    Hàng ngàn người biểu tình bao vây trụ sở chính quyền Hồng Kông để đòi dân chủ vào hôm 27.9 - Ảnh: Reuters
    CNN cho biết Wong từng đạt được thành công trước chính quyền Bắc Kinh.
    Hồi năm 2011, Wong, khi đó mới 15 tuổi, đã phản đối kịch liệt đề xuất đem chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường học Hồng Kông của Bắc Kinh.
    Cùng với sự giúp đỡ của một số người bạn, Wong bắt đầu tạo dựng một phong trào sinh viên mang tên Scholarism.
    Vào tháng 9.2012, Scholarism huy động thành công 120.000 người biểu tình, bao gồm 13 cuộc biểu tình tuyệt thực của giới trẻ.
    Các cuộc biểu tình diễn ra tại khu vực trụ sở chính quyền Hồng Kông, khiến lãnh đạo đặc khu phải bãi bỏ đề xuất giáo dục nói trên.
    Khi ấy Wong nhận ra rằng giới trẻ Hồng Kông nắm giữ một quyền lực rất lớn, CNN nhận định.
    “Cách đây 5 năm, không thể tưởng tượng được chuyện sinh viên Hồng Kông sẽ quan tâm đến chính trị. Nhưng đã có một sự thức tỉnh khi vấn đề giáo dục phát sinh. Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến chính trị”, Wong kể lại.
     

    Joshua Wong đã bị bắt vào tối 26.9 trong khi đang cùng các sinh viên biểu tình tiến vào khu vực trụ sở chính quyền Hồng Kông và sau đó đã được thả vào tối 28.9.
    Cảnh sát đã lục soát phòng trọ trong ký túc xá của sinh viên này và đã tịch thu một số thứ, bao gồm máy tính và điện thoại, các nhà tổ chức biểu tình cho hay.

    Sinh viên 17 tuổi này còn cáo buộc rằng, từ các hãng thông tấn thay đổi cách đưa tin để thể hiện xu hướng thân Bắc Kinh, cho đến “thói ưu đãi người nhà” khi các chính trị gia thân Bắc Kinh luôn giành được những vị trí cao trong chính quyền, Hồng Kông đang nhanh chóng trở thành nơi “không khác gì so với các thành phố Trung Quốc khác đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương”. Đó là lý do vì sao Wong tập trung chú ý đến việc đấu tranh giành quyền tự bỏ phiếu chọn lãnh đạo. Nhóm của Wong, vốn hiện có khoảng 300 thành viên, đã trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất của phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, theo CNN.
    Hồi tháng 6, Scholarism đã thảo ra một kế hoạch cải cách cách thức bầu cử đặc khu trưởng Hồng Kông và kế hoạch này đã giành được sự ủng hộ của gần 1/3 cử tri trong một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức.
    Sang tháng 7, phong trào của Wong tiến hành một cuộc biểu tình ngồi, khiến quan chức Trung Quốc phải lên tiếng cảnh cáo. Lần đó khoảng 511 người đã bị bắt, theo CNN.
    Trong tuần này, Scholarism đang huy động sinh viên bãi khóa, một hành động có tác động rất lớn khi Hồng Kông là một nơi coi trọng giáo dục, để gửi thông điệp đòi dân chủ đến Bắc Kinh.
    Và cuộc biểu tình của sinh viên đã nhận được sự hưởng ứng lớn. Lãnh đạo các trường học cam kết sẽ khoan dung cho các sinh viên bãi khóa để tham gia biểu tình và hiệp hội giáo viên lớn nhất Hồng Kông đã đưa ra khẩu hiệu kêu gọi “Đừng để sinh viên biểu tình bơ vơ một mình”.
    :rel:d:bm:GF2EA9R0LDN01
    Một sinh viên Hồng Kông bị cảnh sát áp giải trong một cuộc biểu tình hôm 27.9 - Ảnh: Reuters
    "Phần tử quá khích"
    Trong khi đó, phản ứng của Trung Quốc hoàn toàn khác. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi Scholarism là nhóm các phần tử “quá khích”.
    Wong cho biết mình cũng bị nêu tên trong Sách Xanh An ninh Quốc gia Trung Quốc, vốn liệt kê các mối đe dọa nội bộ đến sự ổn định của đảng Cộng sản Trung Quốc.
    Hồi giữa tuần này, tờ Wen Wei Po (Trung Quốc) đăng một bài viết về Wong, cáo buộc sinh viên này có quan hệ mật thiết với Mỹ và khẳng định CIA đang cố thâm nhập vào các trường học Hồng Kông, theo Reuters.
    Tuy nhiên, sinh viên này không chịu lùi bước. “Người dân không nên sợ chính phủ của mình. Chính phủ phải sợ người dân của mình”, CNN dẫn lời Wong.
    Joshua Wong sinh ngày 13.10.1996 tại Hồng Kông. Chịu ảnh hưởng của bố mẹ, từ nhỏ cậu đã thích tham gia các hoạt động xã hội. Ngày 20.5.2011, Wong cùng một học sinh trung học khác là Lâm Lương Ngạn thành lập phong trào Học dân tư triều (Scholarism). Tháng 8.2014, Wong được nhận vào Đại học Mở Hồng Kông, theo học chuyên ngành khoa học xã hội (chính trị và hành chính cộng đồng). Tài khoản Facebook của Wong hiện có hơn 200.000 người theo dõi.
    Tờ Hoàn Cầu thời báo của Bắc Kinh cho rằng phong trào Scholarism của Wong được nước ngoài đặc biệt chú ý chỉ vì nó được thành lập bởi một nhóm các thanh niên thế hệ hậu 9X. Tờ này cũng cho biết Wong, thủ lĩnh của nhóm này, nhiệt tình, có tư duy tốt, nói năng lưu loát không thua gì một chính khách. Giáo viên Từ Kỳ Hoa, người từng công khai biện luận cùng Wong về vấn đề giáo dục quốc dân, từng thừa nhận Wong là một người có tâm, lúc bình luận sự việc rất có lý có tình, nhưng có lúc khi mọi người đang đề cập tới đề tài này thì cậu đột ngột bẻ ngoặt sang đề tài khác không liên quan.
    Theo Hoàn Cầu thời báo của Bắc Kinh thì các thành viên của phong trào Scholarism học vấn có hạn, cách tiếp cận chưa chín chắn. Tờ báo này cũng nói chung chung rằng năm ngoái có đài truyền hình Hồng Kông, mặc dù rất quan tâm tới Wong nhưng vẫn tỏ ra khá ngờ vực về việc liệu thanh niên Hồng Kông có thể có tiền đồ tươi đẹp hay không, khi tham gia các hoạt động diễu hành, biểu tình, thị uy. Hoàn Cầu thời báo và các báo đài nhà nước của Trung Quốc đều gọi Wong và các thủ lĩnh sinh viên như anh này là "phần tử quá khích."
    Lucy Nguyễn 
    Hoàng Uy


    Người Hong Kong tích trữ lương thực chuẩn bị cho biểu tình lâu dài

    VOV.VN - Hàng chục nghìn người biểu tình ngày 29/9 mở rộng phạm vi hoạt động của mình trên khắp các con phố ở Hong Kong.
    Theo Reuters, họ cũng đã tích trữ lương thực và dựng hàng rào do lo ngại cảnh sát có thể sẽ phải tìm cách dẹp các cuộc biểu tình trước ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10).
    Cảnh sát chống bạo động Hong Kong đã phun hơi cay vào người biểu tình vào cuối tuần qua nhưng đến ngày 28/9, họ đã ngừng việc này do những cuộc biểu tình đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Người biểu tình đã luân phiên canh gác cho nhau trong đêm 29/9 trên các đường phố tại Hong Kong.
    Một quầy cung cấp xúc xích cho những người tham gia biểu tình ở Hong Kong (Ảnh Reuters)
    Rất nhiều người biểu tình, chủ yếu là sinh viên, đang yêu cầu Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh từ chức, sau khi Bắc Kinh ngày 31/8 từ chối việc Hong Kong được bầu cử để chọn ra nhà lãnh đạo cho mình trong năm 2017.
    Những người biểu tình đã tuần hành ở ít nhất 4 khu phố đông đúc nhất của Hong Kong, bao gồm khu hành chính Admiralty, khu trung tâm tài chính và Causeway Bay, một trong những khu phố mua sắm đông đúc nhất tại Hong Kong và khu dân cư Mong Kok ở Kowloon.
    Kể từ đêm 26/9, khoảng 80.000 người đã đổ ra khắp các đường phố tại Hong Kong. Họ dựng các trạm cung cấp nước sạch, trái cây, áo mưa, khăn mặt, kính và lều trại và tuyên bố sẽ đấu tranh lâu dài.
    Một số người còn dựng hàng rào sắt tại nhiều vị trí để ngăn cản bước tiến của cảnh sát. Tại một con phố, nhiều xe tải và xe du lịch đã được đỗ nối đuôi nhau để chặn đường.
    Các cuộc biểu tình tại Hong Kong dự kiến sẽ gia tăng trong ngày 1/10 và có thể lan sang cả Macau.
    Cảnh tượng hỗn loạn tại Hong Kong được phát trên truyền hình đã gây ra những ấn tượng sâu sắc ở khắp nơi trên thế giới.
    Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố Bắc Kinh “cần phải lắng nghe thật kỹ những đòi hỏi của người dân Hong Kong”./.
    Trần Khánh/VOV.VN
     

    Biểu tình ở Hong Kong đe dọa giấc mơ TQ

    Làn sóng biểu tình ở Hong Kong đang thu hút sự chú ý của cả thế giới vào ông Tập Cận Bình. Người ta lo ngại rằng, nếu không được xử lý phù hợp, các cuộc biểu tình đường phố thậm chí có thể biến thành một cuộc cách mạng màu phiên bản TQ.


    TQ, Hong Kong, dân chủ, Tập Cận Bình, biểu tình,
    Biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: AP
    “Các phong trào đường phố có thể trở thành một cuộc cách mạng khi nhiều người biểu tình bị cuốn vào đó”, bản tiếng Anh của tờ Thời báo Hoàn cầu TQ viết hôm qua. “Tuy nhiên, Hong Kong không phải là một quốc gia, cũng không có các điều kiện cho một cuộc ‘cách mạng màu’, và các lực lượng đường phố cũng không đủ ảnh hưởng để huy động toàn bộ dân chúng”. Tuy nhiên, dù không có một kết cục như vậy và rất khó có thể xảy ra điều đó, thì những gì mà người biểu tình đang làm đều bất lợi với ông Tập Cận Bình cũng như toàn bộ đội ngũ lãnh đạo TQ.
    Khi ông Tập muốn thể hiện với tất cả rằng, ông là người lãnh đạo quyền lực và hiệu quả nhất trong nhiều thập niên; rằng đảng cầm quyền chịu trách nhiệm hoàn toàn cho dù vô số vấn đề của TQ như tham nhũng, bất bình đẳng thu nhập, bất ổn xã hội; rằng ông có tầm nhìn toàn diện với mọi người dân TQ gồm cả người ở Hong Kong hay Đài Loan… thì cuộc biểu tình lại đang chuyển tải thông điệp ngược lại.
    Cho tới nay, thông điệp từ Bắc Kinh đều được kiểm soát cẩn thận. Một người phát ngôn cơ quan phụ trách vấn đề Hong Kong nói rằng, Bắc Kinh tin tưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (HKSAR) có thể giải xử lý phong trào biểu tình Occupy Central theo luật pháp.
    Trong khi đó, lại có bài báo lập luận rằng, TQ có thể điều quân đội tới Hong Kong nếu như cảnh sát địa phương không có khả năng đối phó với biểu tình. Thông tin này đăng tải được vài giờ trên Thời báo Hoàn cầu TQ trước khi bị gỡ bỏ. Một số trang web khác của nước này như Sohu cũng đăng lại tin.
    “Mọi trang web phải lập tức xóa đi những thông tin về sinh viên Hong Kong đụng độ và về ‘Occupy Central’. Kịp thời báo cáo mọi vấn đề. Quản lý chặt chẽ mọi kênh tương tác và hoàn toàn xóa bỏ các thông tin bất lợi. Điều này cần phải tuân thủ một cách chính xác”, mạng Digital Times TQ nói về chỉ thị ban hành với truyền thông nước này.
    Trong mọi nỗ lực dự đoán các biện pháp tiếp theo của Bắc Kinh đối phó với biểu tình ở Hong Kong, thì điều quan trọng là cần nhìn nhận quan điểm chính trị của ông Tập Cận Bình. Ông có vẻ thiên về việc ủng hộ áp dụng quyền lực từ trên cao.
    Tuần trước, ông Tập đã có cuộc gặp với những người Đài Loan ủng hộ thống nhất ở Bắc Kinh. TQ sẽ “có lập trường vững chắc và kiên quyết”, Tân hoa xã dẫn lời ông nói với đoàn đại biểu. “Không hành động ly khai nào sẽ được dung thứ”.
    Cùng lúc đó, ông Tập gắn chuyện thống nhất Đài Loan vào “giấc mơ TQ” của ông: “Chúng ta đang tiến gần hơn tới mục tiêu hồi sinh vĩ đại hơn bất kỳ thời khắc lịch sử nào. Chúng ta có sự tự tin và khả năng hơn bao giờ hết để hiện thực mục tiêu ấy, đó là tin tức tốt lành và cơ hội lịch sử cho Đài Loan”, ông bình luận.
    Cuộc biểu tình Hong Kong cũng diễn ra trong lúc ông Tập dường như đang có ý định xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh mình, trước hết là về mặt quản trị. Hôm chủ nhật, Tân hoa xã đưa tin cuốn sách mới có tiêu đề ‘Tập Cận Bình: Cách quản trị của TQ” được dịch ra ít nhất 9 ngôn ngữ. Cuốn sách này gồm 79 bài viết, nhất mạnh vào “những bài phát biểu, trả lời, chỉ thị, đối thoại của ông Tập” và “cũng gồm 45 hình ảnh của ông Tập”, hãng này cho biết.
    Cuối cùng, nếu được coi là hoàn toàn cần thiết, ông Tập và đội ngũ lãnh đạo của ông có lẽ sẽ không nhượng bộ trong quan điểm với phong trào biểu tình. Rủi ro về kinh tế và kinh doanh là một cái giá có thể chấp nhận được để đảm bảo quyền lực của TQ với Hong Kong.
    Thái An(theo Businessweek)
     

    Hong Kong: Cảnh sát chuẩn bị hơi cay, đạn cao su

    VOV.VN - Cảnh sát Hong Kong đã chuẩn bị sẵn hàng thùng đạn hơi cay và đạn cao su trước thời điểm người biểu tình được cho là định chiếm trụ sở chính quyền.
    Theo AFP, các quan chức Hong Kong ngày 2/10 đã thúc giục những người biểu tình giải tán càng sớm càng tốt. 
    Người biểu tình đã phong tỏa khu vực trung tâm Hong Kong khi hàng loạt người đã ngồi la liệt tại khắp các con phố và đã ra tối hậu thư yêu cầu Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh phải từ chức trước đêm 2/10 nếu không muốn phải đối mặt với việc gia tăng các hành động biểu tình. 
     
    Một người biểu tình chụp lại được cảnh một cảnh sát chuyển những thùng đạn hơi cay (Ảnh AFP)
    Trong khi đó, chính quyền Hong Kong ngày 2/10 tuyên bố họ muốn đường phố xung quanh tòa nhà chính quyền, nơi có 3.000 nhân viên công quyền làm việc, phải phong quang. 
    Trong tuyên bố của mình, chính quyền Hong Kong kêu gọi người biểu tình “không được ngăn cản lối vào tòa nhà và giải tán trong hòa bình sớm nhất có thể". 
    Ngoài ra, các quan chức Hong Kong cũng cho biết các lớp học tại các khu vực bị ảnh hưởng của cuộc biểu tình vẫn sẽ đóng cửa trong ngày 3/10. 
    Chiều 2/10, nhiều sỹ quan cảnh sát Hong Kong đã được điều đến các khu vực có đông người biểu tình. Việc cảnh sát chuyển các thùng đạn cao su vào chiều cùng ngày cũng khiến nhiều người biểu tình cảm thấy phải cảnh giác hơn.
    Nhiều hình ảnh được chia sẽ trên các phương tiện truyền thông và truyền hình cho thấy một thùng có ghi dòng chữ “Chứa nhiều đạn cao su 38mm hình tròn” được viết trên đó. Ngoài ra một thùng khác có ghi chữ “1,5 inches, CS”, được cho là chứa các loại đạn hơi cay.
    “Tôi lo ngại rằng cảnh sát sẽ dùng vụ lực giải tán đám đông vào tối 2/10”, Andrew Shum nói, “mọi người đều đang thảo luận xem họ sẽ làm gì tiếp theo”./.
    Trần Khánh/VOV.VN
     

    03/10/2014

    Sự kiện Hồng Kông : chính phủ và phía biểu tình đang chuẩn bị vào đối thoại công khai

    Tin mới nhất từ HK.

    Hai bên đã đồng ý đi đến đối thoại. Cụ thể như thế nào thì hiện chưa rõ, nhưng bước đầu, là ĐỐI THOẠI đã được định.

    Phía chính quyền vẫn tạm để yên cho tình hình nếu phía biểu tình vẫn ở trạng thái hiện tại (không dấn thêm bước nữa trong việc chiếm lĩnh các tòa nhà chính phủ). Trưởng Khu hành chính HK đã họp báo khẩn, khẳng định không từ chức, và cũng tỏ thái độ mềm mỏng với phía biểu tình. 

    Phía biểu tình đã gửi thư cho Trưởng Khu hành chính HK, và cũng đồng ý với việc ĐỐI THOẠI.
    (Từ http://giaovn.blogspot.com)
     
    Xem tiếp...

    TIẾU LÂM KIM CỔ 51

    (ĐC chép từ http://locliec.blogspot.com/)

    Thứ Năm, ngày 02 tháng 10 năm 2014

    Bình luận không lời về "tác phẩm Đèn cù"




    Xem tiếp...

    BÀI NÓI HAY 5 (Nguyễn Công Khế)

    PHẢN BIỆN XÂY DỰNG !

    -------------------------------------------------

    (ĐCchép từ http://blogcanhsat4sao.blogspot.com)

    02/10/2014

    N/b Nguyễn Công Khế :"TÔI ĐÃ BỊ TRẢ GIÁ NHIỀU LẦN"


    NGUYENCONGKHE-FaubriceMaurice

    Ông Nguyễn Công Khế tiếp Tổng lãnh sự Pháp Faubrice Maurice trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam

    Ông Nguyễn Công Khế, người đồng sáng lập báo Thanh Niên và giữ cương vị Tổng biên tập trong suốt 23 năm, đã có nhiều cống hiến cho ngành báo chí, từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, huy chương vì sự nghiệp báo chí, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về tình hình báo chí và nghề báo. Nhà báo kỳ cựu này đã không ngại nói đến những “điều cấm kỵ” kể cả những khó khăn mà ông đã gặp phải lúc ông làm tổng biên tập…

    * Ông nhận định xu hướng của báo chí hiện nay ra sao?“Tôi đã bị trả giá nhiều lần”
    – Trong thời điểm hiện nay, báo mạng là một xu hướng đang lên và báo giấy dần gặp nhiều khó khăn. Ngay cả hai tờ nhật báo có số phát hành lớn nhất nước là Thanh Niên và Tuổi Trẻ cũng đang có số lượng phát hành giảm đáng kể.
    Báo điện tử đang gánh một sứ mệnh quá nặng nề nhưng chưa thể hiện được hết vai trò của mình; chưa thay thế được vai trò của báo giấy cả về chất lượng nội dung lẫn thu hút quảng cáo.
    Đa phần các báo điện tử đang nghiêng về tin bài làm sao để có nhiều người đọc nhưng không kịp đi vào chất lượng nội dung. Các báo chạy theo số lượng người truy cập bằng những tin cô người mẫu này mua áo và túi xách hàng hiệu, cô diễn viên nâng cấp vòng một, người này thay đổi chồng, người kia lấy đại gia để có biệt thự và xe hơi sang.
    Gần như tôi thấy một xu hướng báo chí đã đánh mất tính mục đích và chức năng hữu ích của mình.
    * Nhưng rõ ràng, báo chí đang được giao nhiều trọng trách, trong đó trọng trách chống và phanh phui tham nhũng nhưng dường như các báo ngại đụng chạm đến?
    – Đó là một trong những nguy cơ cho đất nước, thể chế. Một khối u ác tính được bao bọc không dám mổ xẻ chữa trị đến nơi đến chốn sẽ có lúc vỡ ra. Bệnh ung thư không phát hiện sớm, đến lúc chuyển sang giai đoạn di căn trầm trọng thì làm sao cứu chữa? Những người chân chính đang lo lắng cho tình trạng này.
    * Nguyên nhân của việc báo chí không dám động chạm vào những lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là chống tham nhũng, là do cơ chế hay do các tổng biên tập sợ bị khiển trách, mất chức?
    – Do cơ chế cũng có, do sợ sệt cũng có và cả do lãnh đạo mở quá rộng vùng gọi là nhạy cảm và vùng cấm, làm những người làm báo lo ngại.
    Và theo tôi, Đảng, Chính phủ và Quốc hội đều đã có khá nhiều nghị quyết, chỉ thị về việc chống tham nhũng. Nếu để nạn tham nhũng hoành hành như hiện nay, nhân dân sẽ mất lòng tin, không tạo nên một nội lực mạnh để có thể đủ sức vượt qua những khó khăn mọi mặt. Phải đánh thắng cho được giặc nội xâm đó là nạn tham nhũng đang làm băng hoại xã hội thì chúng ta mới tập hợp được sức mạnh để chống giặc ngoại xâm đang đe dọa từng ngày trên biên giới, đất liền và trên vùng biển của Việt Nam.
    Khi báo chí có trong tay những bằng chứng bất kỳ cán bộ cấp nào tham nhũng thì chúng ta phải khuyến khích để các cơ quan báo chí và các nhà báo có quyền công khai những vụ việc đó. Chúng ta dám công khai những vụ tham nhũng lớn và các loại tội phạm khác dính đến những người có chức quyền, thì điều đó mới nói lên sức mạnh của chính quyền.
    Chỉ có một nhà nước mạnh, công khai và minh bạch trong thông tin, chỉ có một nền báo chí mạnh mới dám đưa những ung nhọt ra khỏi cơ thể của mình. Một chính quyền yếu và không minh bạch thì không thể làm chuyện đó.
    Tôi tin là không có chuyện báo chí đưa tham nhũng của vị lãnh đạo này, lãnh đạo khác ra ánh sáng là sẽ gây xáo trộn, mất ổn định, mà tôi tin ngược lại rằng việc đó sẽ làm cho nhân dân đủ lòng tin và ổn định được chính trị cũng như xã hội.
    * Ông là người đồng sáng lập ra báo Thanh Niên, tờ nhật báo lớn nhất nhì cả nước. Suốt hơn hai mươi năm lãnh đạo tờ báo, có bao giờ ông phải đắn đo khi cho xuất bản một bài báo “đụng” đến một nhân vật tầm cỡ?
    – Có chứ, sao lại không? Tôi đã từng “đụng” đến thứ trưởng Bộ Công an, những nhân vật tương đương thứ trưởng, ủy viên Trung ương Đảng…
    Ngay cả chuyên án Năm Cam, trong tài liệu tôi cầm trên tay, đã từng liên quan đến một đồng chí thứ trưởng Bộ Công an, sau đó lòi ra thêm 3 đồng chí thứ trưởng khác nữa. Chúng tôi đã từng công khai việc này lên mặt báo.
    Khi có tài liệu về những người này, tôi đã điện thoại hỏi anh Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ban kiểm tra Trung ương Đảng – PV): “Tôi có đăng bài về những vị lãnh đạo đó được không?”. Anh Hùng trả lời chậm rãi và từ tốn: “Có tài liệu chính xác thì các anh cứ việc đăng, không có ai được cấm báo chí đăng xác thực về những việc dính đến cán bộ lãnh đạo cấp cao”.


    Nếu sợ, tôi đã không làm. Tôi đã bị trả giá nhiều lần. Tôi thấy bình thường lắm, chẳng có gì phải ân hận những việc mình đã làm

    Nhà báo Nguyễn Công Khế



    Tuy nhiên, anh Hùng có đề nghị tôi nên gặp và trao đổi với anh Nguyễn Minh Triết, lúc đó đang là Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM vì anh Triết được Bộ Chính trị giao cho chỉ đạo vụ án này. Khi gặp anh Triết, anh đọc rất kỹ một bài báo với chỉ một trang A4 của phóng viên Hoàng Hải Vân, mà anh phải đọc kỹ gần 2 tiếng đồng hồ.
    Với sự thận trọng vốn có, anh chân thành nói với tôi: “Với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị, tôi hoan nghênh việc các anh đăng bài báo này vì rất có lợi cho quá trình kiểm điểm những đồng chí lãnh đạo cấp cao. Nhưng với tư cách là bạn, tôi khuyên anh chưa nên đăng vì sẽ rất nguy hiểm cho anh. Cho tới lúc này không phải cán bộ cấp cao nào cũng hiểu đúng sự việc này”.
    Tôi về bàn bạc với lãnh đạo một số tờ báo khác, họ cũng thấy ngần ngại. Cuối cùng tôi quyết định đăng. Điều đó cho thấy: Việc đăng hay không đăng một bài báo, là một quyết định rất khó khăn đối với bất cứ một tổng biên tập nào.
    * Sau khi đăng bài báo đó, ông có chịu áp lực gì không?
    – Sau khi bài báo đăng, tôi đã tắt máy điện thoại mấy ngày liền. Sau đó tôi gặp lại anh Nguyễn Minh Triết, anh ấy nói với tôi: “Đã có rất nhiều cuộc điện thoại liên tục cho tôi trong những ngày vừa qua hỏi về việc đăng bài báo đó”. Tôi hỏi: “Có phải anh Nguyễn Khoa Điềm gọi cho anh không?”. Anh Triết cười: “Chẳng những anh Nguyễn Khoa Điềm mà còn nhiều cấp cao hơn anh Điềm (trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương lúc bấy giờ – PV) nữa”.

    Ông Nguyễn Công Khế là người khai sinh ra chương trình ca nhạc thời trang nổi tiếng Duyên dáng Việt Nam – Ảnh: Trương Tú
    * Khi quyết định khởi đăng bài báo, ông không sợ mất chức tổng biên tập?
    – Tuổi trẻ của tôi được rèn luyện trong nhà tù. Chức vụ là để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, chứ không phải anh giữ chức để vinh thân phì gia.
    Nếu sợ, tôi đã không làm. Tôi đã bị trả giá nhiều lần. Tôi thấy bình thường lắm, chẳng có gì phải ân hận những việc mình đã làm.
    * Giai đoạn đăng loạt bài vụ án Năm Cam rất nguy hiểm, ông có được bảo vệ nghiêm ngặt trước những phần tử xấu?
    – Có. Tôi rất cảm động việc ông Phạm Văn Đồng, lúc đó đang làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương, đã điện cho lãnh đạo TP.HCM là ông Nguyễn Võ Danh lúc đó làm Phó bí thư Thành ủy, bằng mọi cách phải bảo vệ tôi và gia đình trong thời điểm đó. Công an TP.HCM trong suốt 6 tháng trời đã cử người bảo vệ tôi cùng những thành viên trong gia đình, để tránh sự trả thù của các đối tượng tội phạm.
    Tôi có một niềm tin là bọn xấu sẽ không làm gì được mình. Nếu tôi làm việc không chính trực thì tôi sợ, đằng này tôi làm việc chính trực, không việc gì phải sợ. Ở đời, rủi ro, chết sống cũng là việc bình thường.
    * Lúc nãy, ông có nói đã bị trả giá nhiều lần?
    – Tôi đã nói không bao giờ hối hận những việc mình đã làm. Tôi chỉ ân hận là mình làm còn quá ít cho sự nghiệp báo chí, minh bạch thông tin đối với xã hội và người đọc.
    Vụ án Năm Cam là một thắng lợi to lớn của cả chính quyền lẫn người dân khi loại khỏi xã hội được một tập đoàn tội ác có tổ chức, ổn định trật tự xã hội. Thế nhưng, đến giờ này, vẫn còn có “chuyện này, chuyện kia” đeo đẳng những người tham gia phá án.
    * Ý ông nói đến việc bị trù dập sau khi rời khỏi chức vụ đối với những người phá án?
    – Có đấy. Việc ấy còn di căn đến bây giờ. Riêng tôi, dù tôi không có bị khó khăn gì lớn do vụ việc này đem lại nhưng tôi suy nghĩ, không bao giờ ngần ngại việc mình phải trả giá cho chuyện này, chuyện khác. Ngay cả khi không làm tổng biên tập và giao lại cho anh chị em đi sau, tôi hoàn toàn thỏa mãn.
    Ở đời, con người không làm việc này thì làm việc khác, làm hết trách nhiệm và trách nhiệm cao nhất đã là niềm an ủi lớn rồi. Tôi vẫn có khát vọng làm trong ngành truyền thông cho đến khi sức khỏe không cho phép làm nữa, mới thôi.
    Tôi nhớ lại ngày mới ra tù, sau 30.4.1975, tôi công tác Đoàn chưa được nửa năm, sau đó làm báo. Từ năm 1986, báo Thanh Niên ra mắt, chúng tôi tự cân đối thu chi từ đó, không hưởng lương nhà nước, lại còn làm ra có lãi để đóng thuế cho Nhà nước rất nhiều tỉ đồng.
    Cả tuổi trẻ của tôi đã bị tù đày, chiến đấu cho sự nghiệp hòa bình và thống nhất của đất nước. Đến giờ này, suy nghĩ của tôi vẫn không thay đổi. Tôi chỉ buồn và tiếc là xã hội ta vẫn chưa đạt được một mức sống khá giả về kinh tế đáng lẽ phải được, người dân chưa được hưởng các quyền dân chủ một cách thực sự, trong đó sự minh bạch về thông tin phải trở thành chính sách nhất quán từ trên xuống dưới.
    Nhà báo Nguyễn Công Khế (phải) và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong một sự kiện – Ảnh: TL



    Qua những lời vị cựu tổng biên tập này chia sẻ, sau khi không còn giữ chức vụ cao nhất của tờThanh Niên, ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ, đặc biệt có thu nhập cao từ nghề nuôi yến. Theo nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Khế chính là người đã hướng dẫn cho ông nghề nuôi chim yến, để hằng tháng hiện nay ông có một thu nhập còn cao hơn cả lương hồi còn làm chủ tịch nước.

    “Dân thường làm gì có quyền mà tham nhũng?”
    * Ông có ý kiến như thế nào về “vùng cấm” của báo chí hiện nay?
    – Như tôi đã nói ở trên, việc không minh bạch thông tin sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy không tốt. Tôi muốn nói đến vấn đề gần nhất là vấn đề biển Đông và giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc vừa qua. Có thể ở bên trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW đã bàn rất nhiều về việc đối phó với sự xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc. Nhưng bên ngoài những thông tin về lãnh đạo Việt Nam có động thái như thế nào bên trong nội bộ hoàn toàn không được thông tin ra bên ngoài.
    Người ta chưa thấy một phát ngôn nào chính thức về phía lãnh đạo Việt Nam trong thời điểm ban đầu. Mãi cho đến ngày 23.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới trả lời báo chí ở Manila. Sau đó vào ngày 20.6, bài phỏng vấn “nặng ký” của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới chính thức được Thông tấn xã Việt Nam phát đi, tỏ rõ lập trường của lãnh đạo cao nhất của đất nước.
    Một thời gian dài ở thời điểm đầu, chỉ có thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói một số câu quen thuộc: “Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển có chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam…”. Thời gian cấp thiết lúc đầu, không có một tiếng nói chính thức nào của lãnh đạo cấp cao hoặc phát ngôn viên chính thức nào thay mặt lãnh đạo nói để nhân dân hiểu rằng, ban lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã họp và có một thái độ rõ rệt trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc.
    Sự minh bạch thông tin này khác với những phát ngôn có tính chất đối ngoại và đôi khi còn quan trọng hơn những phát ngôn có tính chất đối ngoại, bởi vì sự minh bạch thông tin trong trường hợp này sẽ cho hơn 3 triệu Đảng viên của Đảng cầm quyền và quan trọng hơn là hơn 80 triệu người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hiểu rõ lập trường thái độ của lãnh đạo Việt Nam, trước tình hình dầu sôi lửa bỏng mà người dân rất trông chờ.
    Trong khi báo chí chính thống của Việt Nam nói thận trọng về những thông tin này, thì những thông tin không phải của Nhà nước và của nước ngoài lại luôn cho rằng Nhà nước Việt Nam không có động thái kịp thời trước sự kiện này.
    Như vậy, nếu chúng ta cứ không minh bạch thông tin như hiện nay thì sẽ dẫn đến những tình hình rất bất lợi, làm cho người dân không có đầy đủ thông tin vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước trước hiểm họa ngoại xâm.
    Tôi muốn nhắc lại, Việt Nam phải cần sự minh bạch thông tin trên mọi lĩnh vực mà muốn minh bạch thông tin thì trước hết phải khuyến khích báo chí phát huy dân chủ trên lĩnh vực của mình.
    Ngày xưa chúng tôi làm báo giấy, chưa có internet, còn gọi là “báo ngày”. Thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, tin tức được cập nhật từng phút, báo điện tử được gọi là “báo phút”. Chỉ cần một câu nói, 5 phút sau đã tràn ngập tin bài trên mạng lan ra toàn thế giới.
    Những Quyết sách lớn của lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Đảng cầm quyền về kinh tế, chính trị, xã hội đều phải được minh bạch trước đông đảo quần chúng, là điều chỉ có lợi cho đất nước mà trước hết là có lợi cho các nhà hoạch định chính sách.
    Nguyên tắc, cái gì anh không nói thì sẽ có người khác nói thay trong thời đại thông tin hiện đại như hiện nay. Tôi thấy chính sách thông tin như hiện nay, ta chỉ từ thua đến thua.
    * Ông có thể giải thích rõ từ “thua” mà ông vừa nói?
    – Phải nói ngay, xã hội bây giờ người dân mất lòng tin rất nhiều là do chính sách thông tin. Người ta ít tin vào những gì anh nói chính thức mà người ta đọc và tin những điều, những nguồn thông tin từ bên ngoài.

    Tôi ví dụ, anh Nguyễn Bá Thanh đang chữa bệnh ở Mỹ lại rộ lên tin đồn là anh Nguyễn Bá Thanh đã mất.

    Trong nước các báo chỉ nói “hé hé”, không rõ ràng, lãnh đạo ta không có ý kiến gì, chỉ có khi một đài nước ngoài dẫn một nguồn tin cũng không chính thức từ một nguồn trong nước, thì lúc đó dư luận mới hết đồn thổi.
    Tại sao nguồn tin đó lại không xuất phát từ một tờ báo chính thức của Việt Nam do Ban Bảo vệ sức khỏe của Trung ương công bố chẳng hạn. Điều đó có gì cấm kỵ đâu. Nhiều ý kiến của các nhà trí thức góp ý về chính trị, kinh tế, xã hội và cả an ninh quốc phòng, tôi thấy có nhiều bài rất xây dựng và nhiệt huyết lại không được đăng ở những báo chính thống mà chỉ thấy đăng ở những trang mạng gọi là “lề trái”. Coi chừng, riết rồi người ta thấy những bài hữu ích và những tin tức hữu ích có trên các “lề trái” nhiều hơn.
    Thế thì không thua là cái gì?
    Chống tham nhũng cũng vậy, có những vụ tham nhũng to đùng dân bàn tán suốt năm này qua tháng nọ, nghi vấn người này qua người nọ không được giải đáp chính thức. Thế thì lòng tin của dân với chính sách thông tin như thế, họ biết đặt vào đâu?
    * Ý ông nói là…
    – Việc chống tham nhũng, thì nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có rồi, nghị quyết của Quốc hội cũng có rồi, các chỉ thị của Chính phủ cũng có rồi, nhưng mà từ nói đến làm là một khoảng cách rất xa. Người chủ trương ra chính sách chống tham nhũng và những người thực hiện chính sách có khi lại chùn tay. Chống tham nhũng là chống ai? Dân thường làm gì có quyền để tham nhũng?
    Nước ta hiện nay cái rất dở, đó là người ta hay sợ mất ghế. Một người cán bộ đúng nghĩa, thì phải dũng cảm, phải đi đầu, phải vì đất nước, vì dân tộc… chứ không phải cái gì cũng sợ, cái gì cũng né, giữ cho bằng được cái ghế. Tư tưởng sợ mất ghế đã lan vào giới báo chí.
    * Theo ông, ngoài tham nhũng, báo chí nên mở rộng ở lĩnh vực nào?
    – Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đình trệ, nợ công, nợ xấu của các ngân hàng, của đất nước đã lên đến mức báo động, hàng trăm tỉ đôla. Tôi chưa có con số tổng kết, nhưng cứ nhìn chung quanh mình thì biết, hễ làm ăn có dính đến bất động sản, dính đến nợ ngân hàng đều rơi vào tình trạng chịu không nổi. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã đóng cửa trong mấy năm qua.
    Đến tính GDP mà theo như Thủ tướng nói cũng là con số giả thì làm sao chúng ta có thể đứng vững được trong tình hình như thế này. Những vụ thất thoát hàng tỉ đôla của những tập đoàn kinh tế lớn không được đúc kết trách nhiệm thuộc về ai, để công bố cho nhân dân được biết. Đầu tư nước ngoài đa số các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện không đúng chất lượng lại trúng thầu liên tiếp.
    Như vậy buộc chúng ta phải coi lại các chính sách về kinh tế, tài chính, tiền tệ. Những vấn đề nguy cấp này, chúng ta thấy báo chí ít dám đụng tới. Trước hết là do họ “ngại”, họ “sợ” chứ không phải những nhà báo thiếu hiểu biết về những lĩnh vực đó.
    * Thời làm báo của ông, thông tin đăng tải có khó khăn?
    – Thế hệ của tôi, anh Lê Văn Nuôi, anh Lê Hoàng, chị Kim Hạnh, anh Võ Như Lanh, chị Thế Thanh, anh Tô Hòa.., khi cho đăng bất cứ một thông tin nhạy cảm, chúng tôi cũng từng có nhiều cân nhắc. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã quyết định đăng những thông tin dù có thể bất lợi cho cá nhân tổng biên tập nhưng có lợi cho dân, cho nước. Khi lãnh đạo có hỏi, có chất vấn, thì chúng tôi đều tìm cách trình bày, giải thích vì sao chúng tôi cho đăng những tin bài như vậy.
    Nhưng nhiều khi lãnh đạo cũng cần tiếng nói của báo chí. Nếu thường chỉ có “một chiều”, bảo cấp dưới phải làm thế này, thế nọ, thì lãnh đạo sẽ không có những thông tin trung thực để biết những khiếm khuyết của mình cũng như những chính sách do mình đưa ra để mà hoàn thiện, sửa chữa. Đâu phải cứ trái chiều là sai, là làm cho tình hình không ổn định? Đôi khi những tiếng nói trái chiều còn cần hơn cho lãnh đạo là những tiếng nói thuận chiều mà không thật lòng vì sự nghiệp chung.
    * Lúc nãy, ông có nói đến vấn đề biển Đông. Thời ông làm báo, vấn đề nhạy cảm này đâu được công khai rộng rãi trên báo chí, phải vậy không, thưa ông?
    – Lúc đó, xét về mặt đấu tranh ngoại giao, mình có thể thông cảm. Báo chí được nói ở mức độ nào để nhà nước còn có đối sách ngoại giao công khai. Nhưng đến lúc người ta xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của chúng ta, xâm lược đất nước mình thì lãnh đạo phải khơi dậy lòng yêu nước, đứng lên cứu nước của người dân. Phải để cho báo chí minh bạch các thông tin thì chúng ta mới hòng đạt được sự đồng thuận và đoàn kết dân tộc.
    Trung Quốc đã có những hành xử không tốt với chúng ta từ lâu lắm rồi, trong chiến tranh với người Mỹ đến chiến tranh biên giới Tây Nam đã có. Có lúc họ che giấu dưới mỹ từ này, mỹ từ khác. Nhưng khi họ đã mang quân, mang tàu vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bắt bớ, đập phá tàu của ngư dân ta, thì tại sao chúng ta phải nhẫn nhục? Vai trò của thông tin báo chí những lúc như thế phải là một chiến sĩ ra trận, chứ không thể khác.
    * Theo ông, thời gian tới Trung Quốc sẽ thế nào với Việt Nam trong tranh chấp biển Đông?
    – Suy nghĩ của cá nhân tôi, Trung Quốc không bao giờ thay đổi thái độ với Việt Nam, chỉ có thay đổi về chiến thuật do thái độ của nhân dân Việt Nam và áp lực quốc tế. Việt Nam ở gần một láng giềng lớn như Trung Quốc, là điều không mong muốn. Nhưng một đất nước đâu phải một căn nhà sống gần hàng xóm không tốt, có bất hòa thì mình có thể dời đi nơi khác. Một quốc gia gần một quốc gia luôn gây hấn, sống không tốt, ta không thể dời đất nước đi đâu được. Đành phải sống chung với lũ.
    Do vậy, chúng ta phải có một chính sách đối nội, đối ngoại và kể cả một chính sách thông tin thật đúng đắn thì mới mong giữ được căn nhà Tổ quốc được bình yên.
    * Sau khi không còn giữ chức Tổng biên tập báo Thanh Niên, ông làm gì?
    – Tôi vẫn không ngơi nghỉ. Hiện nay tôi đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn truyền thông Thanh Niên, bao gồm lĩnh vực truyền thông, sự kiện. Tôi vẫn đứng ra tổ chức giải bóng đá U.21 báo Thanh Niên, chương trình Duyên dáng Việt Nam, gây quỹ Nhân tài Đất Việt…
    * Nghe nhiều người nói ông có thu nhập lớn từ nghề nuôi yến?
    – Thu nhập từ nuôi chim yến, tôi nghĩ đó là lộc trời. Tôi nuôi trên 10 năm nay, thu nhập rất cao cho mỗi tháng cho gia đình. Tôi nghĩ nghề nuôi yến là một nghề nên phát triển ở Việt Nam kết hợp với du lịch. Mỗi ký yến hiện nay vào khoảng 50 triệu đồng, một nghề có thu nhập rất cao. Chất lượng yến của Việt Nam tốt hơn nhiều so với Malaysia, Indonesia và các nước khác. Yến là một sản vật đặc biệt quý hiếm và giúp rất nhiều cho sức khỏe con người.
    Hiện nay, riêng Trung Quốc, một quốc gia có hàng tỉ dân và rất nhiều người dùng yến ở đây. Qua Mỹ tôi cũng thấy nhiều người Mỹ và người dân gốc châu Á dùng yến… Nếu Việt Nam phát triển nghề nuôi yến, ngành du lịch cũng sẽ rất phát triển.
    * Ông cũng là người hướng dẫn cho nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nuôi chim yến phải không?
    – Hồi anh Triết xuống thăm tôi, tôi có giới thiệu cho anh xem vườn cam tôi trồng. Anh Triết đùa nói: “Trồng cam thì cũng bình thường rồi, nuôi yến mới là cái tôi thích thú”. Sau đó, tôi có chỉ những người kỹ thuật xuống giúp anh làm nhà yến. Nghe nói mỗi tháng anh thu được 1 ký yến tức là thu nhập được 50 triệu một tháng hơn cả lương anh ấy hồi làm Chủ tịch nước.
    Không chỉ anh Nguyễn Minh Triết mà tôi còn giúp và huớng dẫn hàng chục anh em bè bạn xây dựng nhà yến trên khắp cả các vùng ở phía Nam. Nhiều người đã có kết quả và có tổ yến để dùng và để bán có thu nhập cao.
    * Xin cám ơn ông!
    THEO MỘT THẾ GIỚI
    Xem tiếp...

    Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

    CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 9 (Nữ cảnh sát xinh đẹp...)

    (ĐC chép từ 24h.com.vn)

    Nữ cảnh sát xinh đẹp và tên sát nhân bí ẩn

    Nữ cảnh sát xinh đẹp bất ngờ biến mất tại nơi làm việc, một nhà tù được coi là nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Không dấu vết nào được tìm thấy.
    Nhà tù Greanhaven nằm ở trung tâm quận Dutchess, tiểu bang New York. Bao quanh Greenheaven là những bức tường được xây kiên cố cao hơn 10m, và dày tầm 1m, hệ thống bảo vệ và canh gác nghiêm ngặt đảm bảo Greenheaven là nơi “nội bất xuất ngoại bất nhập”.
    Tháng 5/1981, có khoảng 1.700 tù nhân bị giam giữ tại đây, trong đó có khoảng 1.000 tù nhân phạm tội giết người. Là nơi giam giữ những tù nhân nguy hiểm nhất của tiểu bang, Greenheaven luôn được đặt trong tình trạng an ninh ở mức cao nhất, và các nhân viên ở đây ý thức được sự nguy hiểm của những con người mình tiếp xúc hàng ngày. Bất cứ hành động mang ý chống trả hay nổi loạn của tù nhân đều sẽ được xử lý bằng bạo lực.
    Có đến 540 cán bộ giám sát an ninh tại Greenheaven. Cuộc nổi loạn đẫm máu vào năm 1971 với tên gọi “Nổi loạn Attica” đã khiến hành chục tù nhân và nhân viên an ninh thiệt mạng. Đó là một sự kiện không thể quên đối với những người làm việc tại đây.
    Donna Paynant, một nữ sĩ quan trẻ, 31 tuổi là nhân viên giám sát an ninh tại nhà tù Greenheaven. Trước đây cô làm việc tại nhà tù Clinton và mới chuyển đến Greenhevean được một tháng. Thời gian làm việc của cô từ 13h đến 21h hàng ngày.
    Nữ cảnh sát xinh đẹp và tên sát nhân bí ẩn (Kỳ 1) - 1
    Lối vào Greenheaven 
    Ngày 15/5/1981, 12h08 Payant  quẹt thẻ điểm danh bắt đầu ca làm việc của mình. Lúc đó vẫn đang giờ ăn, cô đi tới phòng ăn của nhân viên, mua một lon Coca và ngồi trò chuyện với đồng nghiệp của mình.
    12h55, Payant đi tuần dọc hành lang nhà tù với hai nhân viên khác là Claude King và Barbara Hinson. Một cuộc điện thoại vang lên tại phòng giám sát, Hinson là người nhấc máy. Cô nói với Payant có người muốn gặp cô.
    Theo lời King kể lại, khi nghe giọng của người đầu dây bên kia, Paynant có vẻ lo lắng, giọng cô đáp rất nhỏ.  Sau khi yên lặng lắng nghe, Paynat có hỏi lại vài câu, “Ai? Chuyện gì? Vâng, tôi biết” rồi vội vàng gác máy.
    Payant  nói với King rằng có lệnh của cấp trên, cô sẽ trở lại sau vài phút. Payant vội vàng rời đi, dọc theo lối hành lang, hướng tới phòng của bác sĩ điều trị tại khu điều trị cho bệnh nhân phía khu nhà bên cạnh.
    Teddy Goodman, một tù nhân khi đang làm công việc được giao tại khu vực điều trị nhìn thấy Payant.  Goodman đứng ở một góc khuất gần hành lang khu điều trị. Payant đã không nhìn thấy Goodman. Goodman bị giam tại Greenhaven từ năm 1977 sau khi ông bị buộc tội giết chết đối tác kinh doanh của mình ở Bronx.
    Theo lời khai của Goodman sau này, ông khẳng định mình đã nhìn thấy Payant, “Cô ấy mặc bộ quân phục, tay áo đươc sắn gọn, mái tóc ngắn, hơi xoăn, màu vàng, trên tay có cầm một cốc nước.”
    Nữ cảnh sát xinh đẹp và tên sát nhân bí ẩn (Kỳ 1) - 2
    Khu phòng giam bên trong Greenheaven 
    Cũng theo Goodman, Payant đi cùng một tù nhân khác, một người đàn ông cao to, da đen, đôi mắt màu xanh rất đặc biệt. Một vài tuần trước, Goodman có thấy một người đàn ông diện mạo giống như vậy tại khu nhà nguyện trong tù.
    Khi Payant và người này đến căn phòng cuối hành lang, anh ta đã mở cửa cho Payant bước vào  trong. Goodman đứng đó quan sát một hồi, hút hết điếu thuốc, sau đó quay lại khu nhà nguyện. 14h45, Goodman quay lại để đi thu rác tại khu này theo phân công, ông không  thấy chiếc thùng rác ở đấy, nó đã được mang đi.
    18h, tiếng chuông báo bàn giao ca của các nhân viên giám sát vang lên. Donna Payant đã không có mặt tại hội trường.
    Việc vắng mặt của Payant trong giờ giao ca là không thể chấp nhận được. Sự việc ngay lập tức được thông báo cho cấp trên. Một số người liên tục gọi cho Payant và kiểm tra một vài nơi Payant có thể đến đều không có kết quả. Họ nghĩ rằng Payant mới đến đây làm việc nên có thể côc đã “lạc” ở khu vực nào đó. Tới tận 20h, vẫn không ai thấy có thông tin nào về  Payant. Toàn bộ hệ thống nhà tù Greenheaven được thông báo sự việc, an ninh nhanh chóng được thắt chặt. Tất cả các tù nhân được đưa trở lại phòng giam. Một cuộc tìm kiếm lớn được tiến hành. Gần 200 người được huy động cho cuộc tìm kiếm này với sự hỗ trợ của những chú chó nghiệp vụ.
    Cuộc tìm kiếm trở nên căng thẳng hơn khi trời đã khuya.
    Theo mùi của Payant để lại trên chiếc áo quân phục tại phòng làm việc, những chú chó dẫn đoàn tìm kiếm chạy dọc hành lang phía tây, tới khu vực điều trị cho tù nhân, rồi hướng theo khu nhà nguyện, chúng dừng lại ở đấy một lúc lâu trước khi chạy tới khu tập kết rác ở Greenheaven. Tại đó, hai thùng sắt lớn đầy rác đang đợi để chuyển đi. Rất nhiều các loại mùi ở đó khiến những chú chó nghiệp vụ không thể đánh hơi tiếp.
    Đèn vẫn sáng khắp nhà tù Greenheaven, đội tìm kiếm vẫn chưa có ý định dừng lại. Không có dấu vết nào của Payant. Có người cho rằng Payant đã bí mật rời khỏi Greenheaven. Giả thuyết đó nhanh chóng bị bác bỏ bởi hệ thống an ninh tại đây không dễ dàng bỏ sót chi tiết này.  Chắc chắn Payant đang ở đâu đó trong Greenheaven.
    Với hệ thống an ninh cực kì nghiêm ngặt của nhà tù Greenheaven, có thể kết luận Donna Payant vẫn đang ở đâu đó trong nhà tù. Cảnh sát không tin cô thoát được ra ngoài mà hệ thống an ninh không phát hiện ra.
    Đội tìm kiếm đã tìm kiếm khắp mọi ngóc ngách của Greenheaven, thậm chí trong từng buồng giam của tù nhân nhưng vẫn không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của Payant.
    Sáng sớm thứ 7 ngày 16/5, một chiếc xe tải chuyên dụng được điều đến Greenheaven để thu gom rác. Từng thùng rác được kiểm tra cẩn thận trước khi chuyển lên xe đưa ra bãi rác ở thị trấn Amenia, cách Greenheaven khoảng 20 dặm trong sự giám sát của các nhân viên an ninh. Gần 10h, chiếc xe rời khỏi Greenheaven với một bí mật khủng khiếp bên trong những chiếc bao rác mà không ai có thể ngờ tới.
    Peter Cooper, người lái chiếc xe tải rác vội vã rời đi, cùng với hai nhân viên giám sát theo xe ra khỏi Greenheaven.
    10h30, chiếc xe tới bãi rác Amenia. Từng bao rác được trút xuống bãi. Một chiếc túi màu xanh lá cây bất ngờ bị rách, không ai đủ bình tĩnh khi nhìn thấy những thứ bên trong đó, một chiếc chân người lẫn trong đống rác. Đội điều tra nhanh chóng có mặt tại khu vực bãi rác.
    Nữ cảnh sát xinh đẹp và tên sát nhân bí ẩn (Kỳ 2) - 1
     Donna Payant, nạn nhân
    Trong những chiếc túi rác nhựa, một số bộ phận cơ thể người được tìm thấy. Cảnh sát chắc chắn đó là xác của Payant bị hung thủ chia nhỏ để dễ dàng phi tang. Bộ quân phục của Payant cũng được tìm thấy, nó đã bị cắt nát. Bên trong một túi rác lớn là phần trên cơ thể Payant. Khuôn mặt cô có nhiều chỗ thâm tím, có những vết thương nặng ở vùng mắt, cổ và ngực. Trên má và ngực Payant có vết cắn, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường.
    Cái chết của Donna gây chấn động giới cảnh sát New York. Việc một cảnh sát bị giết hại dã man như vậy ngay tại nơi làm việc là một điều không thể chấp nhận được đối với ngành cảnh sát.
    Ngày 18/5, hơn 5.000 nhân viên cảnh sát từ khắp nơi trên nước Mỹ đã tới dự tang lễ của Payant tại Dannemora.
    Thống đốc bang New York, Hugh Carey cũng tới dự tang lễ. Theo thông đốc, đây là một vụ giết người bạo lực và vô lương tâm, bằng mọi cách phải điều tra để tìm ra hung thủ trong thời gian ngắn nhất.
    Donna Payant sinh ra ở Dannemora, New York. Cha cô, Edwin J. Collins là một sĩ quan cao cấp từng làm việc tại nhà tù nổi tiếng Clinton trong suốt 28 năm. Donna Payant kết hôn với Leo Payant, một sĩ quan cảnh sát. Cô đã có một thời gian dài ở nhà nội trợ và chăm sóc 3 đứa con nhỏ trước khi làm việc ở Clinton cùng chồng và cha mình.
    Nữ cảnh sát xinh đẹp và tên sát nhân bí ẩn (Kỳ 2) - 2
    Bia mộ Donna Payant tại Dannemora
    Donna Payant là một người phụ nữ đẹp và cuốn hút. Mái tóc màu vàng cắt gọn, nụ cười tươi được coi là “vũ khí” của cô. Cô rất tự tin vào khả năng của mình khi làm một nhân viên giám sát an ninh tại Greenheaven. Từ Greenheaven tới nhà Payant rất xa, nhưng Payant không ngại vấn đề đi lại. Cô hi vọng mình sẽ được chuyển công tác, sớm “thoát” khỏi Greenheaven, nơi giam giữ toàn tù nhân nam. Nhưng ý định của Payant chưa kịp thực hiện thì án mạng xảy ra.
    Cuộc điều tra được thực hiện khẩn trương dưới sự chỉ đạo của Cảnh sát trưởng Francis De Francesco, người đứng đầu Cục điều tra hình sự New York.
    Nơi Payant làm việc và bị giết hại, hầu hết giam giữ các tù nhân bị buộc tội giết người. Theo nhận định ban đầu của Francesco, có tới 1.000 người có thể là nghi phạm trong vụ án này. Cuộc điện thoại cuối cùng gọi cho Payant là chi tiết quan trọng nhất trong quá trình điều tra. Ai đó đã gọi cho Payant để dụ cô tới một địa điểm không người để dễ dàng ra tay.
    Tất cả những cá nhân lên quan đến Payant và gặp gỡ cô ngày hôm đó đều được điều tra. Việc khám nghiệm tử thi cũng gấp rút được tiến hành. Trên các phần cơ thể của Payant có nhiều vết thương, ban đầu chưa rõ chúng được gây ra bởi hung thủ hay do chiếc xe ủi trong quá trình phân loại rác tại bãi. Tiến sĩ Michael Baden là người thực hiện việc khám nghiệm.
    Theo kết luận ban đầu, nguyên nhân dẫn đên cái chết của Payant là do cô bị thắt cổ bằng một loại sợi mảnh. Trên đầu nạn nhân có vết thương, đó có thể là lý do khiến Payant bất tỉnh trước khi bị giết.
    Trên má và ngực nạn nhân có vết cắn sâu, đó chắc chắn là do hung thủ gây nên. Một sợi tóc đen vướng trong khóa thắt lưng, đây không phải tóc của nạn nhân. Không có bất kì dấu vân tay nào được tìm thấy trên người nạn nhân cũng như bộ quân phục của cô. Việc điều tra gặp nhiều khó khăn.
    Không có bằng chứng xác thực được tìm thấy có thể hỗ trợ cho quá trình điều tra. Đầu mối duy nhất có thể hi vọng đó là cuộc gọi tới cho Payant trước khi cô mất tích.
    Theo lời khai của Claude King, người đã nghe máy và chuyển cho Payant, một người đàn ông đã gọi điện cho Payant, giọng nói và cách phát âm của người này nghe như giọng của một người da đen. King khẳng định cuộc gọi đó được thực hiện bởi một tù nhân chứ không phải nhân viên nhà tù Greenheaven.
    Tất cả những tù nhân được coi là có quan hệ với Payant được lên danh sách và bắt đầu phỏng vấn. Đây là nhiệm vụ khó khăn đối với các nhân viên điều tra. Trong khi đó, các tù nhân truyền tai nhau thông tin Payant bị thủ tiêu bởi chính những đồng nghiệp của mình khi cô phát hiện họ dùng thuốc độc đối với các tù nhân. Tuy nhiên, không ai tin và điều tra theo hướng đó.
    Lãnh đạo Greenheaven và đội điều tra liên tục bị gây áp lực từ phía nhà chức trách. Việc một nhân viên an ninh bị giết hại ngay trong một cơ sở mà an ninh được tối đa hóa nhất định phải điều tra sớm.
    Greenheaven là một nhà tù lớn, với hàng chục khu buồng giam, khu điều trị, khu nhà nguyện, hội trường lớn, sân thể thao, tầng hầm…., không dễ dàng để nắm rõ mọi nơi nếu như không làm việc và sống một thời gian dài ở đây.
    Nữ cảnh sát xinh đẹp và tên sát nhân bí ẩn (Kỳ 3) - 1
    Lemuel Warren Smith
    Kiểm tra lịch trình thu gom rác và xác định rác lẫn trong những bao rác chứa xác nạn nhân, các nhân viên điều tra phát hiện đó là rác thải của khu nhà nguyện trong Greenheaven.
    Martin Rahilly, một nhân viên an ninh trong Greenheaven cho biết, hôm xảy ra vụ mất tích, lúc 1h30, anh có mặt tại khu nhà nguyện, lúc đó có một tù nhân tên là Alfredo Diaz cũng có mặt ở đó. Diaz có hỏi Rahilly về việc gọi điện thoại ra bên ngoài cho một người thân. Rahilly có theo Diaz tới bàn điện thoại trong khu vực dành cho tù nhân gọi điện, anh nhận thấy đồ đạc bên trong rất lộn xộn. Giấy tờ và một số đồ đạc khác bị vứt dưới sàn. Trong khi giám sát Diaz thực hiện cuộc gọi, Rahilly bất ngờ nghe thấy tiếng động trong căn phòng gần đó.
    Khi Rahilly mở cửa anh nhìn thấy một tù nhân trong phòng, tay cầm một chiếc túi lớn chuyên dùng để đựng rác. Tù nhân này làm nhiệm vu thu gom rác trong nhà nguyện. Nhìn thấy Rahilly, hắn ta chào anh rồi nhanh chóng làm việc của mình, lúc dó, Diaz vẫn đang nói chuyện điện thoại. Rahilly không hề nghi ngờ những hành động mình vừa chứng kiến.
    Vài phút sau, tù nhân này rời khỏi căn phòng cùng với một túi rác lớn. Hăn tên là Lemuel Smith. Smith là đối tượng mà các nhân viên điều tra quan tâm nhất trong vụ này.
    Lemuel Warren Smith sinh năm 1941 tại thành phố Amsterdam, trung tâm tiêu bang New York. Smith có một anh trai hơn hắn 1 tuổi nhưng người này đã sớm qua đời. Sự đau buồn của cha mẹ Smith đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của hắn những năm đó.
    17 tuổi, Smith chơi bóng rổ rất giỏi, tương lai hứa hẹn trở thành một vận động viên nổi tiếng.
    Năm 1958, gia đình Smith chuyển đến Marylan. Không lâu sau, Smith bị bắt khi hành hung một phụ nữ tại cửa tiệm giặt đồ. Smith bị giam giữ một thời gian.
    Vào ngày lễ Tạ ơn năm 1976, Robert Hedderman, chủ một cửa hàng lớn ở trung tâm thành phố Albany và trợ lý của ông, Margaret Byron bị đâm chết. Cả hai nạn nhân đều bị cắt cổ. Có vết cắn trên người.
    Một tháng sau, ngày 23/12/1976, Joan Richburg, 42 tuổi bị bắt cóc từ trung tâm mua sắm New York đến một bãi đỗ xe gần đó. Cô bị tấn công tình dục và bị giết dã man. Hai vụ án này chưa thể tìm ra hung thủ.
    Tháng 7/1977, một người phụ nữ 30 tuổi Marilee Wilson cũng bị giết hại. Nghi phạm bi bắt tại trận, hắn chính là Smith. Smith đã thú nhận điều này. Quá trình điều tra phát hiện thêm Sith chính là hung thủ của hai vụ giết người năm 1976 chưa được điều tra.
    Một điều đặc biệt, Smith đều để lại những vết cắn trên người nạn nhân của mình. Những vết cắn này chính là bằng chứng giúp các nhà điều tra buộc tội hắn.
    Chuyên gia nha khoa, tiến sĩ Lowell Levine đã kiểm tra những vết cắn trên xác nạn nhân và khẳng định nó phù hợp với cấu trúc hàm răng của Smith. Smith bị kết án chung thân và chịu án tại Greenheaven năm 1978.
    Trong vụ án của Donna Payant khi phát hiện có những vết cắn trên cơ thể nạn nhân, tiến sĩ Lowell Levine đã được mời tới điều tra. Thật bất ngờ, khi phân tích các dấu răng để lại, Levine phát hiện có những điểm tương đồng trong vụ án năm nào ông tham gia điều tra. Vết răng để lại trên cơ thể Payant hoàn toàn giống như vết răng của hung thủ trong vụ án của Marilee Wilson. Levine khẳng định, Lemuel Smith chính là hung thủ giết Payant ngay tại nhà tù Greenheaven.
    Kết luận của tiến sĩ Levine là bằng chứng xác thực nhất chống lại Smith, có thể buộc tội hắn chính là kẻ ra tay dã man với Donna Payant.
    Mùng 1/6/1981, Smith chính thức bị buộc tội giết Payant tại nhà tù Greenheaven. Hắn đang chịu án chung thân tại Greenheaven, vì vậy khi bị buộc tội giết người lần nữa, chắc chắn hắn sẽ đối mặt với án tử hình.
    Smith bị giam giữ nghiêm ngặt hơn chờ phiên tòa xét xử. Không lâu sau đó, hắn được chuyển đến nhà tù Fishkill, cách Greenheaven khoảng 20 dặm.
    Ngày 10/6. Smith được đưa đến tòa án Dutchess để chuẩn bị cho phiên tòa sắp được mở công khai. Khi được hỏi có cần luật sư bào chữa, Smith khẳng định mình không biết chuyện gì đang xảy ra, không có lý do gì để hắn cần một luật sư.
    Câu chuyện của Smith gây sự chú ý đặc biệt tới luật sư C. Vernon Mason. Mason đóng vai trò quan trọng trong hội luật sư bảo vệ những tù nhân da đen ở New York. Mason đã viết thư cho người bạn của mình, luật sư William Kunstler kể về mối quan tâm của ông về vụ án của Smith. William Kunstler đồng ý tham gia bào chữa cho Smith, ông quyết tâm cứu Lemuel Smith thoát khỏi chiếc ghế điện tử hình.
    Nữ cảnh sát xinh đẹp và tên sát nhân bí ẩn (Kỳ cuối) - 1
     Bác sĩ Neal Riesner
    Cũng trong tháng 6/1981, một nhóm nghiên cứu pháp y đã được mời tham gia vụ án này, mẫu pháp y cần nghiên cứu chính là những vết cắn trên cơ thể Payant.
    Về phía luật sư Mason và Kunstler, để đảm bảo cho tính chính xác của những bằng chứng, họ cũng mời bác sĩ nha khoa Neal Riesner tham gia. Bác sĩ Neal Riesner hiện đang làm viện trưởng của viện nha khoa Westchester, chuyên gia tư vấn của hội nha khoa Mỹ.
    Trả lời phỏng vấn của báo chí, tiến sĩ Neal Riesner cho biết, “Tôi biết kết quả có được sẽ rất quan trọng. Nó sẽ quyết định cả một phiên tòa.”
    Ngày 2/7/1981, phía cảnh sát cung cấp cho tiến sĩ Riesner một bộ khuôn răng của Smith và một số hình ảnh về vết căn trong vụ án Payanat, cả những hình ảnh từ vụ giết Marilee Wilson. Chỉ mất vài giờ xem xét, tiến sĩ Riesner khẳng định các vết cắn trên cơ thể Payant do Smith gây ra. Và kết luận của Riesner thực sự khiến luật sư Mason thất vọng.
    Đầu năm 1982, luật sư Kunstler và Mason lên kế hoạch cho việc cứu Smith khỏi án tử hình. Thời gian này, Smith vẫn đang bị giam giữ tại Fishkill.
    Kunstler và Mason đã gửi thư cho các quan chức trong thành phố và các tiểu bang khác nhau “phàn nàn” về mọi thứ trong tù mà Smith đã chịu, từ chất lượng thực phẩm đến việc phân biệt chủng tộc và lạm dụng tù nhân của các nhân viên an ninh trong tù. Chính Smith cũng cho biết cuộc sống của hắn luôn gặp nguy hiểm, “một tù nhân da đen giết chết một cảnh sát da trắng”  được coi là lý do chính cho những khó khăn Smith đang gặp phải.
    Nữ cảnh sát xinh đẹp và tên sát nhân bí ẩn (Kỳ cuối) - 2
    Donna Payant, nạn nhân
    Phiên tòa xét xử Lemuel Smith chính thức được mở tại tòa án Dutchess, Poughkeepsie vào ngày 20/1/1983. Công tố viên William Stanton đã nghiên cứu tất cả các bằng chứng có liên quan và sẵn sàng đối đầu với luật sư bào chữa William Kunstler.
    Teddy Goodman, tù nhân đã nhìn thấy Payant hôm cô bị giết cũng có mặt tại phiên tòa.  Khi công tố viên đưa cho Goodman một bức ảnh của Donna Payant, ông khẳng định cô chính là người mà mình đã nhìn thấy hôm đó, “Đây chính là người phụ nữ hôm đó, tôi nhìn thấy cô ta đi với một người đàn ông da đen, cao lớn đi tới căn phòng phía cuối hành lang”.
    Thêm một nhân chứng nữa là nhân viên an ninh Martin Rahilly. Anh đã nhìn thấy Smith tại căn phòng mà Goodman xác nhận nhìn thấy Payant đi vào đó.
    Với những bằng chứng và nhân chứng được phía công tố đưa ra trước tòa, những lời bào chữa của luật sư William Kunstler hoàn toàn không được chấp nhận.
    Sáng ngày 21/4/1983, bản án cuối cùng dành cho Smith đã được thông qua. Theo đó, hắn bị kết tội giết người và lĩnh án tử hình.
    Smith không phản ứng gì trước bản án đấy. Khi được dẫn ra khỏi phòng xét xử, hắn nói với các phóng viên rằng, “Nếu họ biết suy nghĩ, tôi sẽ được tha bổng. Hiện tại, tôi cảm thấy ổn.”
    Smith không nhân tội, sự thật về cái chết của Donna Pyant và những gì xảy ra ngày hôm đó với cô chỉ duy nhất một mình hung thủ biết.
    Mai Tân (Theo Trutv) (Khampha.vn)


    Xem tiếp...