Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

NGÀN NĂM ĐỢI CHỜ




 

Em nói anh điên?
Có khi thế thật!

Đường đời anh sao quá nhiều uẩn khúc
Lưu lạc hoài trong ngược gió mù mây?

Anh ngày xưa rủ rê em thơ ngây 
Tin hồn nhiên vào thánh đường Hạnh Phúc

Giờ tỉnh ngộ, em trách hờn, nhiếc móc
Gã hình nhân, tim óc loạn, dị, khờ

Trong mắt em, anh sách vở dư thừa
Trong mắt anh, em thô sơ, thiếu thốn...

Có khi anh điên thật
Bày tỏ cạn niềm mà em chẳng hiểu ra!...

Tâm thức chúng mình, đành lạnh lẽo chia xa
Để sống còn hai xác mơ tương phản.

Anh buồn lắm nhưng không hề ân hận
Vì luôn mong điều tốt đẹp nhất cho em!

***

Em nói anh điên,
Anh cúi đầu thừa nhận!

Nhường nhịn em loay hoay trong hồn chật
Đay nghiến tình anh là gây hấn, hồ đồ!...

***
 
Tội nghiệp đôi ta, anh chết lặng, phát rồ,
Đờ đẫn nhớ quanh, long lanh ngàn năm đợi...


                                                           Trần Hạnh Thu

Xem tiếp...

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

BỨC TƯỢNG ĐÀI

                 

                   (Kính tặng hương hồn Xervantex)

Hỡi dòng người lại qua
Ai kết án ta
Là viển vông mù lòa
Tật nguyền, bệnh hoạn
Dại khờ, ngẩn ngơ, điên loạn?

Không! Hãy hiểu cho lòng ta
Dù người ngựa khẳng khiu, queo quắt xương da
Tơi tả hình hài, lưu đày khổ ải
Mê mải chiến công để suốt đời chất chồng thất bại
Trả giá niềm tin cho toàn chuyện bông phèng
Ta lê la rong ruổi mọi miền
Nhận gánh trên vai cán cân công lý
Múa may quay cuồng thây ma hiệp sĩ
Mò mẫm khua ngọn giáo quáng gà
Chặt xích phá xiềng cứu Vũ Trụ bao la
Bênh kẻ yếu hèn
Diệt gian trừ bạo
Chịu bao phen u đầu, sứt tai, mềm xương, xịt máu
Vẫn tận thủy, tận chung
Giữa cảnh đời mờ mịt mông lung
Bốn bề trắng đen hư ảo
Thật giả tùng phèo bát nháo...

Hỡi dòng người lại qua
Ai kết án ta
Là viển vông mù lòa
Tật nguyền bệnh hoạn
Dại khờ, ngẩn ngơ, điên loạn
Ghê rợn bóng ma
Nấp trong thân xác xấu xí úa già
Đầu thai sống lầm thế kỷ
Một hình nhân khôi hài, mất hồn, vô lý?

Không!
Hãy hiểu cho lòng ta
Hỡi thiên hạ, anh em bầu bạn gần xa
Ta tài giỏi vô song, cực kỳ tỉnh táo
Dù nát thịt nhừ xương vẫn không hề khát máu
Ta là kẻ thù của man rợ chiến tranh
Huynh đệ tương tàn
Lương tri tan nát
Ta chưa từng bắt Vũ Trụ bao la về cho riêng một kiếp
Ta xả thân mình vạch trần những băng hoại thế gian
Chỉ rõ thau vàng...
Hãy hiểu cho lòng ta, xin đừng lẫn lộn!
Nếu đã là hồn ma bệnh hoạn
Thì làm gì còn nỗi khát khao giúp ích cho đời?...
Ta chỉ nói thế thôi!

Hỡi dòng người hối hả lại qua
Hãy hiểu thấu lòng ta!
Ta chính là Con Người lòng lành phúc hậu
Con Người là ta: vui vẻ yêu đời, chứa chan hoài bão
Từ rác rưởi, phù sa
Tự kết thành tinh hoa
Vô giá, vượt tầm thời đại
Bức tượng đài của tâm hồn nhân loại
Muôn đời ngợi ca
Đôn Kihôtê,
              chàng quí tộc tài ba
                                    của xứ Mantra!*


                                                 Trần Hạnh Thu



Chú thích: *Đôn Kihôtê là tên nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết bất hủ "Đôn Kihôtê, chàng qúi tộc tài ba của xứ Mantra" của Xervantex (1547-1616), nhà đại văn hào người Tây-ban-nha.
    Xervantex (Miguel de Cervantes Saavedra) sinh tại thị trấn Alcala đê Enarêx, gần thủ đô Mađrít, trong một gia đình quí tộc nhỏ đã sa sút. Cha ông làm nghề thầy thuốc. Lúc nhỏ, Xervantex phải theo cha lang thang đó đây để kiếm tiền nuôi gia đình nên việc học hành cũng thất thường. Khoảng năm 22 tuổi, Xervantex
theo làm người hầu cho một vị hồng y giáo chủ ở Ý. Đây là cơ hội tốt cho ông được đọc nhiều sách và tiếp thu kiến thức văn chương. Tiếp đó, ông gia nhập quân đội Tây-ban-nha đồn trú trên đất Ý. Năm 1571, trong trận thủy chiến giữa một bên là hạm đội của đế quốc Thổ-nhĩ-kỳ và một bên là hạm đội của liên minh Cộng hòa Venise với Tây-ban-nha, Xervantex bị trọng thương, bàn tay phải bị dập nát. Sau thời gian điều trị, ông tiếp tục ở trong quân ngũ thêm ba năm nữa. Năm 1575, Xervantex lên đường về nước, mang theo bức thư giới thiệu của vị tướng chỉ huy hạm đội với hy vọng được nhà vua trọng dụng. Nhưng không may, giữa đường tàu của ông bị cướp biển tấn công và ông bị bắt giải về An-giê. Trong thời gian bị giam cầm, Xervantex đã nhiều lần tổ chức vượt ngục nhưng không thành, cũng nhiều lần cầu cứu triều đình Tây-ban-nha giải thoát nhưng vô vọng. Mãi đến năm 1580, nhờ sự nỗ lực lo liệu tiền bạc của gia đình mình và của nhà dòng, ông mới được cứu chuộc về nước. Dù đã từng lập nên công trạng nhưng Xervantex vẫn không được triều đình đoái hoài, cất nhắc. Năm 1585 ông lấy vợ và đồng thời cũng chính thức bước vào con đường văn chương với mục đích trước mắt là kiếm thêm tiền nuôi gia đình.
     Bộ tiểu thuyết "Đôn Kihôtê, chàng quí tộc tài ba của xứ Mantra" được Selinh (Schelling), triết gia người Đức đánh giá: "Chúng ta sẽ không quá lời khi khẳng định rằng cho tới nay chỉ có hai cuốn tiểu thuyết, đó là cuốn "Đôn Kihôtê" của Xervantex và cuốn "Vinhem Maixtơ" của Gớt". Còn Sơlêgơn (Schlegel), nhà phê bình văn học người Đức, thì cho rằng đó là "tác phẩm có một không hai trong loại của nó, mở đầu cho tiểu thuyết cận đại".




Xem tiếp...

HÌNH ẢNH 2

 yasuomi nomura đã chia sẻ bài đăng này đầu tiên:






                                  Nhận xét:
                                                        Gieo gió, gặt bão
                                                        Ác giả, ác báo
                                                        Thấy cảnh thì vui
                                                        Mà buồn mai hậu 
Xem tiếp...

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Tư liệu về Vũ Trụ 2


Dải Ngân hà giữa trùng vây hố đen


Dải Ngân hà có thể đang trong tình trạng lọt thỏm giữa hàng ngàn hố đen sau hàng tỉ năm tồn tại.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California tại Santa Cruz (UCSC) của Mỹ đã chạy các chương trình máy tính về sự hình thành thiên hà, từ đó phát hiện Dải Ngân hà của chúng ta có lẽ đang bị bao quanh bởi những “gã khổng lồ háu đói” của vũ trụ.

Hố đen dưới sự tưởng tượng của các chuyên gia.
Hố đen dưới sự tưởng tượng của các chuyên gia. (Ảnh: Reuters)

Mô hình này dựa trên giả thuyết rằng mọi thiên hà đều hình thành một hố đen ở vị trí trung tâm.

Trong khi các thiên hà nguyên thủy va chạm và kết hợp, các hố đen của chúng cũng sáp nhập vào nhau, dần dần trở thành một siêu hố đen có tỉ số khối gấp hàng triệu lần mặt trời.

Tuy nhiên, quá trình đụng độ giữa các hố đen trung tâm đồng thời tạo ra sóng hấp dẫn, đủ khả năng sản sinh một hố đen trẻ từ thiên hà gốc.

Dựa trên lập luận đó, các nhà nghiên cứu UCSC phát hiện có từ 70 đến 2.000 hố đen mini này đang vây quanh Dải Ngân hà, tùy thuộc vào những vụ va chạm trước đó, theo báo cáo trên chuyên san trực tuyến arXiv.
Theo Vietnamnet


Lỗ đen thức giấc sau 30 năm, "nuốt sống" siêu sao Mộc


Lần đầu tiên, các nhà vật lý thiên văn tại Đại học Geneva ở Thụy Sĩ phát hiện một lỗ đen nuốt một hành tinh có khối lượng ước tính lớn gấp 15 lần sao Mộc.

Lỗ đen thức giấc sau 30 năm, "nuốt sống" siêu sao Mộc

Sự kiện này xảy ra tại trung tâm thiên hà NGC 4845, cách chúng ta khoảng 47 triệu năm ánh sáng, được các nhà khoa học quan sát nhờ vào vệ tinh Integral của Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) vốn khảo sát các vật thể vũ trụ bằng tia gamma.

Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học chú ý đến tín hiệu ánh sáng phát ra từ một lỗ đen ở trung tâm thiên hà NGC 4845 đã yên nghỉ từ 30 năm qua. Lỗ đen này thức dậy và nuốt hành tinh nói trên.

Lỗ đen mất từ 2 đến 3 tháng để chuyển hướng và nuốt 10% khối lượng hành tinh nói trên, phần còn lại phá vỡ và tồn tại trên quỹ đạo.

Nhóm khảo sát cho rằng lỗ đen của thiên hà 4845 có khối lượng lớn gấp 300.000 lần khối lượng mặt trời.
Theo NLĐ


Phỏng đoán mới về hình dạng của hố đen



Các nhà thiên văn học vừa công bố những hình ảnh suy đoán đầu tiên của họ về hình dạng của hố đen, rất khác so với các hình minh họa trước đây.

Trong thực tế, các hố đen không thể nhìn thấy được, ngay cả khi ánh sáng có thể thoát khỏi lực hấp dẫn của chúng. Tuy nhiên, giới khoa học tin rằng, các ranh giới xung quanh một hố đen (đường biên mà mọi vật, kể cả ánh sáng không thể thắng được lực hấp dẫn của lỗ đen để có thể quay trở lại vũ trụ, hay còn gọi là “chân trời sự kiện”) có thể nhìn thấy được nhờ bức xạ phát ra từ các vật chất bị nó hút vào.

Các nhà thiên văn học cho rằng hố đen thực chất hình lưỡi liềm...
Các nhà thiên văn học cho rằng hố đen thực chất hình lưỡi liềm...

Quan niệm này là tiền đề để nhà nghiên cứu Ayman Bin Kamruddin thuộc Đại học California tạo dựng hình ảnh suy đoán về hình dạng của một hố đen, và trình bày nó tại hội nghị thứ 221 của Hiệp hội thiên văn Mỹ. Trong các bức ảnh suy đoán mới, một lỗ đen, hay chính xác hơn là các ranh giới xung quanh nó, có hình dạng lưỡi liềm chứ không phải hình cầu như quan niệm phổ biến hiện nay.

Hình minh họa của ông Kamruddin không hoàn toàn mang tính võ đoán, mà nó được tạo ra dựa trên một mô hình phục vụ việc diễn dịch ảnh của các nhà thiên văn học.

Một dự án mới có tên gọi “Kính thiên văn Chân trời sự kiện” sẽ kết hợp việc quan sát của mạng lưới kính thiên văn vô tuyến trên khắp thế giới để thu thập thông tin về những vật vô cùng nhỏ bé trong vũ trụ.
...chứ không phải hình cầu như quan niệm phổ biến lâu nay.
...chứ không phải hình cầu như quan niệm phổ biến lâu nay. (Ảnh: Reuters)
Dự án này hiện đã tập hợp được các kết quả đo đạc ban đầu về lỗ đen Sagittarius A* nằm ở trung tâm dải Ngân hà của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã thử nhập những dữ liệu này vào nhiều mô hình khác nhau và phát hiện chúng phù hợp nhất với các bức ảnh cho hình dạng lưỡi liềm.
Các nhà thiên văn học lý giải, trung tâm của khối hình lưỡi liềm là một vòng tròn tối đại diện cho bản thân lỗ đen, còn hình lưỡi liềm phản ánh đĩa vật chất quay xung quanh đang bị lỗ đen hút vào bên trong.
Cho tới hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có trong tay công nghệ để chứng minh giả thuyết của minh. Họ hy vọng có thể sử dụng hình ảnh suy đoán đầu tiên về lỗ đen Sagittarius A* để chứng minh một số khía cạnh nhất định, vẫn chưa được xác thực trong thuyết lực hấp dẫn chung.
Theo Vietnamnet

Lý thuyết mới về lỗ đen vũ trụ

  .
Ngày 20/7 các nhà vật lý quốc tế đã được chứng kiến một thay đổi quan trọng trong ngành vật lý không gian, khi giáo sư Stephen Hawking đưa ra lý thuyết mới về lỗ đen, để thay cho lý thuyết cũ mà ông công bố đúng 30 năm trước, nhưng bây giờ bị coi là sai.
Giáo sư Stephen Hawking là nhà khoa học nổi tiếng với dáng vẻ bề ngoài của một người tàn tật phải ngồi xe lăn và phát tiếng nói thông qua một hệ thống máy tính trợ giúp. Quyển sách về vũ trụ do ông viết được trích dẫn rất nhiều kể cả trong các công trình khoa học lẫn tạp chí khoa học thường thức.
30 năm trước khi nghiên cứu về lỗ đen trong vũ trụ ông giải thích đây là khu vực mà tất cả mọi vật thể rơi vào đều bị phá hủy và không bao giờ xuất hiện trở lại. Ở nơi đó muốn thoát ra cần phải có tốc độ lớn hơn tốc độ ánh sáng, còn bên trong vật chất trở nên đông đặc lại càng lúc càng nhỏ.

Tuy nhiên, giờ đây giáo sư Stephen Hawking không hề ngần ngại nhận là mình đã sai. Và sau 30 năm tiếp tục nghiên cứu, giờ đây giáo sư Stephen Hawking đã đưa ra một lối giải thích mới về lỗ đen.

Theo giáo sư Stephen Hawking thì nhiều người muốn tin là thông tin có thể thoát ra khỏi lỗ đen nhưng họ không giải thích được cách vận hành cho chuyện đó, và ông đã tìm ra được câu trả lời. Theo ông vật thể lọt vào lỗ đen có thể thoát ra nhưng bị biến dạng nham nhở đến nỗi không nhận ra được. Tất cả những thông tin người ta ghi nhận được từ lỗ đen chỉ là khối lượng, hạt và chiều quay.

Nếu theo như lý thuyết cũ của giáo sư Hawking, cho rằng lỗ đen sau khi hình thành sẽ mất dần trọng lượng do phóng xạ ra tia Hawking, tức là một loại tia ngẫu nhiên và vô định, hay nói cách khác là thông tin về vật chất rơi vào lỗ đen sẽ bị mất kèm theo đó. Giải thích như vậy trái với thuyết lượng tử, vì thuyết đó cho rằng thông tin không bao giờ biến mất cả.

Bây giờ thì thuyết mới của giáo sư Hawking không gây ra mâu thuẫn như thế nữa, vì ông cho rằng lỗ đen không tiêu hủy hoàn toàn mọi vật rơi vào, mà các vật đó vẫn còn tiếp tục phóng xạ thêm một thời gian nữa.
(Theo BBC)



Bất ngờ ngôi sao hình thành gần siêu hố đen

Cập nhật lúc 07h31' ngày 10/04/2013

    Nhờ kính viễn vọng tại Chile, các nhà thiên văn học cho hay đã phát hiện dấu vết của những ngôi sao đang tượng hình ngay rìa một siêu hố đen tại trung tâm Dải Ngân hà.
    Siêu hố đen hết sức phàm ăn, luôn nuốt mọi thứ xung quanh nó
    Siêu hố đen hết sức phàm ăn, luôn nuốt mọi thứ xung quanh nó - (Ảnh: Shutterstock)
    Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tây Bắc (Mỹ) cho hay, nếu phát hiện trên được công nhận, đó sẽ là lần đầu tiên con người tìm thấy trường hợp sự hình thành sao được quan sát quá gần trung tâm thiên hà.
    “Con quái vật khổng lồ” nơi trung tâm Dải Ngân hà tạo ra một vùng không gian đầy hỗn loạn, hoàn toàn không thích hợp để bất cứ đám mây khí bụi nào có thể tồn tại được.
    “Con người cho rằng rất khó để các ngôi sao hình thành gần một siêu hố đen”, Space.com dẫn lời trưởng nhóm Farhad Zadeh nói.
    “Tuy nhiên, cái mà chúng tôi đã phát hiện được là những mảng khí, bụi đang trở nên dày đặc đến nỗi chúng đủ sức vượt qua môi trường khắc nghiệt xung quanh”, ông này cho biết.
    Các nhà thiên văn học sử dụng tổ hợp kính Atacama Large Millimeter/submillimeter tại Chile để xác định những luồng vật chất phóng ra từ đám mây khí và bụi, dấu hiệu cho thấy một ngôi sao trẻ đang hình thành.
    Theo Thanh Niên

    Ngôi sao chết bẻ cong ánh sáng

    Cập nhật lúc 15h39' ngày 09/04/2013

      Mật độ vật chất trong một ngôi sao chết lớn đến nỗi ánh sáng không thể truyền thẳng vì lực hút của nó.
      Kính thiên văn không gian Kepler và các chuyên gia của Đài thiên văn Palomar của Mỹ phát hiện ngôi sao lùn trắng siêu đặc đã chết trong một hệ sao đôi. KOI-256, tên của nó, có kích cỡ bằng trái đất, song khối lượng lại tương đương mặt trời (khối lượng mặt trời gấp khoảng 333.000 lần địa cầu). Nó và một ngôi sao lùn đỏ tạo thành hệ sao đôi, Livescience đưa tin.
      Kích thước của ngôi sao lùn trắng KOI-256 nhỏ hơn rất nhiều lần so với ngôi sao lùn đỏ, song ngôi sao lùn đỏ phải xoay quanh nó.
      Kích thước của ngôi sao lùn trắng KOI-256 nhỏ hơn rất nhiều lần so với
      ngôi sao lùn đỏ, song ngôi sao lùn đỏ phải xoay quanh nó. (Ảnh: NASA)
      "Mật độ vật chất của KOI-256 lớn đến nỗi mặc dù nó nhỏ hơn ngôi sao lùn đỏ rất nhiều lần, ngôi sao lùn đỏ lại xoay quanh nó", Phil Muirhead, một nhà thiên văn của Viện Công nghệ California tại Mỹ phát biểu.
      Dữ liệu từ kính thiên văn không gian Kepler cho thấy, lực hút khủng khiếp từ KOI-256 khiến ánh sáng từ "bạn đồng hành" của nó bị bẻ cong. Giới khoa học gọi hiện tượng này là "khuếch đại hấp dẫn", một phần trong thuyết tương đối rộng của nhà vật lý thiên tài Albert Einstein.
      Đây là lần đầu tiên giới thiên văn phát hiện một ngôi sao có khả năng bẻ cong ánh sáng.
      "Chúng tôi đã chứng kiến thuyết tương đối rộng của Einstein tại một hệ sao xa xôi", Doug Hudgins, một nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bình luận.
      Phát hiện của Hudgins và các đồng nghiệp sẽ được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal vào ngày 20/4.
      Theo VNE
      Xem tiếp...

      Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

      KHỔ ĐỜI

      Ếch ngồi đáy giếng ngó trăng
      Đêm tròn vành vạnh, hồng nhan cũng tròn
      Trăng già quyến rũ hơn non
      Một thân nà nõn, một mâm hương tình

      Ếch ngồi hun hút đáy trần
      Ngỏng lên ồm ộp: -Trăng gần hay xa?
      Nồng nàn nhờ gió bao la
      Hay là ngà ngọc tỏa ra nồng nàn?

      Ếch ngồi ồm ộp kêu than
      Muốn lên cợt nhả mà duyên không thòng
      Bày chi hơ hớ má hồng
      Cho thèm nhỏ dãi anh hùng sa cơ!?


                                         Trần Hạnh Thu           
      Xem tiếp...

      Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

      TRÊN ĐỐNG RÁC*

      Chiều xuân muộn trải tâm tình khao khát
      Máu thầm yêu rào rạt mảnh hồn trai
      Tôi gặp em một mình trên đống rác
      Tóc rối bời nắng nhạt phủ bờ vai
      Em đào em bới
      Em xới em moi
      Đống cặn bã của vàng son nhung lụa
      Dưới lớp rác hôi tanh và nhầy nhụa
      Em đang tìm chén gạo cho ngày mai
      Một cây đinh ngắn
      Nửa mảnh sứ dày
      Vài chiếc khoen đồng
      Đôi con vít sắt
      Người ta vứt của đời em cứ nhặt
      Nhục hay vinh thây kệ chuyện trần ai

      Một kẻ đi qua
      Nhiều kẻ đi qua
      Một chiếc xe qua
      Nhiều chiếc xe qua
      Người trên xe bịt mũi phất mùi xoa
      Kẻ dưới lộ cũng cau mày rảo bước
      Người ta sợ mùi hôi tanh ẩm ướt
      Làm bợn nhơ nếp sống đượm xa hoa
      Áo đẹp, khăn thơm, mắt biếc, tay ngà
      Ai để ý làm chi trên đống rác
      Đang triển lãm bức tranh đời bi đát
      Đượm màu thương thời đại chửa ghi lời!

      Người em thương yêu ơi!
      Em có biết hay là em không biết
      Rằng đất nước em giàu khôn kể xiết
      Vô tận tài nguyên, phong phú hoa màu
      Bạc nào mua cho hết lúa Cà Mau
      Vàng đọng khối cao su miền đất đỏ
      Cây trái ngọt bốn mùa thơm, béo bổ
      Bờ Cửu Long hiền dịu tiếp phù sa
      Bởi vì đâu bầu vú mẹ tuôn ra
      Dòng sữa ngọt mà con không được hưởng?
      Để cho em phải sớm chiều vất vưởng
      Mảnh đời thơ làm bạn với hôi tanh
      Cành hoa non ngào ngạt đượm hương lành
      Nở gượng gạo âm thầm trong héo hắt

      Nắng nhạt lần lần, một ngày sắp tắt
      Em ra về, bóng nhỏ ngả xiêu xiêu
      Mảnh thân gầy chập choạng trên đường chiều
      Bên tấp nập dòng người xe cuộn chảy
      Bỗng dừng bước em cau mày ái ngại
      Một lão già hành khất mỏi hơi than
      Giơ tay xin, lê lết tấm thân tàn
      Trên hè phố, cạnh dòng đời lạnh lạt
      Người ta phớt, người ta xua, người ta quát
      Hoặc lắc đầu bình thản bước đi qua
      Từ nhà ai văng vẳng một lời ca:
      "Đời đẹp lắm, buồn đau đà rũ sạch!"
      Em ứa lệ lần trong manh áo rách
      Cầm trao cho tờ giấy bạc bèo nhèo
      Bài thơ thương giữa những kẻ đói nghèo
      Đâu ai thấy chói ngời trên đống rác!

      Người em nhỏ mà tuổi thơ bi đát
      Kéo lê thê trên đống rác ven đường
      Má chưa hồng đã dạn gió dày sương
      Môi chưa thắm đã héo cùng mưa nắng
      Em đã rắc những ý tình cay đắng
      Lên lòng tôi để kết lại thành thơ
      Đắng mà thơm, ngào ngạt đượm hương mơ
      Cay mà dịu, ngọt thanh tình nhân loại.

      Đêm nay,
      Mực chảy thành thơ giữa tiếng cười man dại
      Ngoài đường kia ánh điện nở hào quang
      Trải vàng son lên đại lộ huy hoàng
      Tôi ngồi đây âm thầm trong hẻm tối
      Trách tất cả gông cùm trên thế giới
      Sao lại xiềng đôi cánh của tình thương?!...


                                             Đại Chúng sưu tầm

      Chú thích: Được chép lại từ một cuốn sổ nhật ký của bậc lão thành.
                      Nghe nói (lâu quá rồi không nhớ chính xác) đăng trên
                      báo "Nhân đạo", Sài gòn 1951.
      Xem tiếp...

      Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

      KHOẢNG KHẮC VÀ VĨNH HẰNG

       
      Trong thư viện 
      Bốn bề là lương tri nhân loại
      Chàng và nàng
      Bất chợt
      Ánh mắt trao nhau!
      Tiếng sét ái tình phát nổ từ đâu
      Mà choáng váng, hôn mê sâu tâm thức?
      Nàng nhìn chàng hớp hồn không chớp
      Đôi hàng mi rợp thảng thốt nỗi mừng
      Chàng nhìn nàng
      Soi rọi xa xôi, ngỡ ngàng lý tưởng
      Không gian yên ắng
      Thời gian ngừng trôi
      Chớp nháy thôi
      Mà miên man như hàng thế kỷ
      Trong thư viện, giữa bạt ngàn chân lý
      Có hai linh hồn vỗ cánh bay lên
      Dập dìu bên nhau khắp cõi thần tiên
      Thêu vĩnh hằng trong ảo giác
      Dệt xum vầy trong hoang lạc...
      .....

      ....
      Chàng cặm cụi đi
      Lầm lũi tư duy
      Trên xa lộ chang chang quay cuồng cát bụi
      Mồ hôi nhễ nhại
      Gầy guộc xanh xao
      Cất bước tự độ nào
      Chưa hề tới đích
      Cứ nhẫn nại qua ngày vượt tháng
      Độc hành si và mê mải suy...
      Quên lâu rồi tích Mỵ Nương-Trương Chi*
      Tương lai nào biết đợi chờ dĩ vãng!?...
      ....

      Nắng dịu, trời trong
      Thắm hồng đôi má
      Nàng cười tươi
      Ôi, đời đẹp quá!
      Rộng mở thênh thang...
      Tạm biệt nhé mái trường
      Những năm học trò, áo dài tóc cài hoa trắng
      Và nàng hân hoan bay tìm thần tượng
      Hiển hiện một lần thêu dệt ngây thơ
      Trong cõi thần tiên đắm đuối mộng mơ...
      .....

      Tình cờ
      Hay cố ý
      Hỡi đất-trời, tạo hóa?
      Đang gió khô, nắng lóa
      Bỗng ầm ào giông, mưa
      Cùng vội nép vào gốc đa
      Trú nhờ tán lá
      Là chàng và nàng
      Hai nẻo yêu thương
      Đã từng
      Mừng trong thư viện
      Giữa muôn ngàn lý giải cuộc đời,
                                          suy vong-hưng thịnh...
      .....

      Ánh mắt điếng lặng giao nhau
      Cái bất ngờ như định mệnh từ lâu
      Một thoáng thôi, xé rách đau tiềm thức
      Dưới mắt nàng,
      Vỡ tan lâu đài nguy nga trên cát
      Chàng,
             khắc khổ, điêu tàn, bạc thếch tương lai...

      Cơn mưa dài
      Mệt nhoài sỏi đá
      Nước miệt mài, dầm dề tán lá
      Đầm đìa mái tóc chàng trai
      Mặt đất vơi đầy
      Cuồn cuộn nổi chìm bất tận
      Ôi! những lá vàng
      Đã từng tươi xanh kết thân dày rộng
      Che mưa, che nắng cho đời!...

      Dưới mắt chàng,
      Thực tại lạnh lùng
      Má phấn môi hồng rã rời nghĩa lý
      Mưa gột phũ phàng,
                              lột trần truồng nhân thế...

      Ánh mắt thất thần, ngơ ngác, xa nhau
      Nàng quay đầu
      Và chàng cúi đầu
      Ôi, trớ trêu nghiệt ngã!
      Lần tái ngộ ngỡ sấm rền, chớp lóa
      Báo hiệu mùa vui đám cưới, hoa đăng
      Ngờ đâu,
      Là tràng pháo động quan
      Khóc hai xác mơ bủng vàng ảo giác
      Đoàn đưa tiễn
      Chỉ hai linh hồn bơ vơ, u uất
      Lặng lẽ chia ly theo hai ngả con đường
      Dọc bức tường
      Mà bên kia là khuôn viên thư viện
      Cùng vẫy ngày xưa chung một lần thêu dệt
      Bức tranh ảo huyền trong chốn tinh hoa
      Ngây ngất mê hồn mà hụt hẫng thiết tha...
      Chào phân ưu từ biệt
      Khoảng khắc bất tuyệt giữa vĩnh hằng bất tuyệt!

      .....

      Trời quang mây tạnh
      Giọt nắng long lanh
      Thoáng đãng, mát lành!...

      Cây đa già ngàn năm đứng đó
      Sừng sững xum xuê giữa trời nắng gió
      Chào ngàn đời bất chợt lại qua
      Chốn tuổi thơ nô đùa
      Che thanh xuân tình tự
      Chứa những giá trị nhân văn hóa thành bất tử
      Chờ những mộng đời hoang tưởng, dại khờ
                                           lụy tàn, mục rữa, phôi phai...


                                                                Trần Hạnh Thu

      Chú thích: *Ngày xưa, Mỵ Nương là con một quan đại thần. Nhan sắc nàng đẹp tuyệt trần. Lớn lên, không biết vì đâu mà nàng luôn sầu muộn, miệng không hề nở nụ cười. Cha nàng thấy vậy bèn xây một cung lầu trong khuôn viên nhà, nơi sát bờ sông để mong nàng ở đó ngoạn cảnh, thêu thùa, đọc sách cho khuây khỏa....Trương Chi là một chàng ngư phủ mồ côi, ngày ngày vẫn chài lưới trên quãng sông trước cung lầu, vừa làm lụng vừa ca hát, đêm đêm cũng thường ra đó thổi sáo. Tiếng hát của chàng ngư phủ ngân vang tha thiết, tiếng sáo của chàng réo rắt du dương.
            Từ ngày ra ở cung lầu, Mỵ Nương trở nên hoạt bát, vui vẻ, hay nói hay cười, nét mặt tươi như hoa mới nở mỗi khi Trương Chi cất tiếng hát hay thổi sáo.
             Sau một thời gian thì chàng Trương Chi bỏ đi, đến một quãng sông khác sinh sống. Mỵ Nương vì thế không còn được nghe chàng hát và thổi sáo nữa.Cũng từ đó, nàng lại lâm vào cuộc sống sầu muộn, lặng lẽ như người mất hồn với nét mặt lúc nào cũng ủ dột, héo hắt, não nề. Thế rồi nàng ốm liệt giường. Quan đại thần thương con, cho vời các danh y đến xem mạch bốc thuốc, tích cực chữa trị cho Mỵ Nương. Nhưng bệnh tình nàng vẫn không thuyên giảm. Sau, qua dò hỏi mà quan đại thần biết được con mình đã mê đắm tiếng hát và tiếng sáo của chàng ngư phủ có tên Trương Chi. Quan bèn cho người đi tìm và vời đến.
              Được yêu cầu, Trương Chi vui vẻ ngồi bên ngoài cung vừa hát vừa thổi sáo. Nhờ thế, Mỵ Nương mau chóng bình phục và đòi gặp mặt chàng trai mà lòng nàng từ lâu đã thầm thương trộm nhớ. Trương Chi chỉ là một ngư phủ nghèo hèn, hơn nữa, chàng lại còn đen đúa và rất xấu xí. Cho nên vừa gặp mặt Trương Chi, ngọn lửa tình hừng hực trong tâm hồn Mỵ Nương vụt tắt ngấm. Nàng thất vọng hoàn toàn và do đó mà cũng tỏ rõ vẻ lạnh nhạt, coi thường.
              Đến lượt Trương Chi, từ ngày gặp mặt Mỵ Nương thì trở nên si tình, đem lòng yêu thương Mỵ Nương tha thiết trong nỗi bất lực khôn cùng. Quá buồn chán và tủi cho thân phận mình, chàng bỏ bê làm ăn và thân xác chàng ngày càng tiều tụy. Rồi một hôm, chàng bỗng cất tiếng hát:
                                               Kiếp này đã dở dang nhau
                                               Thì xin kiếp khác, duyên sau cho lành
               Hát thế xong, chàng nhảy xuống sông tự vẫn.
               Ít lâu sau, có người vớt được một khúc gỗ quí. Quan đại thần mua được cho tiện một bộ chén trà. Mỵ Nương thích thú, tò mò đem ra uống thử. Vừa cầm chén nước lên thì lạ thay trong lòng chén hiện lên hình ảnh chàng trai năm xưa (tức Trương Chi), đồng thời tiếng hát trong trẻo hòa quyện với tiếng sáo nỉ non như hờn như trách của chàng cũng văng vẳng bên tai nàng. Mỵ Nương cảm thấy chạnh lòng, nỗi ân hận trào dâng làm nàng ứa lệ. Một giọt lệ của nàng rơi vào trong chén làm nó vỡ, tan ra thành nước.

                                                                                                         (Truyện cổ tích Việt Nam) 


                 










      Xem tiếp...

      NHẮN MỜI

      Bạn hiền, kiếm ở đâu ta?
      Trước là uống rượu, sau là hàn huyên
      Đông-tây-nam-bắc, cổ-kim
      Trên trời-dưới biển, thánh hiền-thất phu
      Hơn-thua, danh-lợi, khôn-ngu
      Để là vui chút, nhẹ đầu hôn mê
      Ngày ngày huyễn hoặc ngô nghê
      Hồn vùi đống sách, xác tê ghế mòn
      Đầu chồn lủi thủi leo non
      Râu phờ, mắt mỏi, cô thân giữa ngàn...

      Bạn hiền đâu đó, có chăng
      Bằng không, hỏi có mấy thằng như ta?
      Để chiều bù khú, ba hoa
      Vui chung rượu lạt, hò ca cũng tình
      Cười cười, nói nói linh tinh
      Cho vơi chất chứa nín thinh một ngày
      Xả thân nhẫn nại vai cày
      Trên đồng giấy trắng gieo đầy mực đen
      Oải tay nuôi chí vững bền
      Ép tim bơm máu tưới lền ước mong!...

      Bạn hiền, bợm nhậu có không?
      Ta mời vang vọng, đừng im như tờ!
      Chiều nay gió mỏng mưa thưa
      Một mâm thịt chó, đến... vua còn thèm!...


                                       Trần Hanh Thu

      Xem tiếp...

      Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

      copy tu butluan.blog

      Khi phản biện xã hội được sử dụng như một “chiêu bài”!

      Ðể thực hành phản biện xã hội với các ý nghĩa tích cực, trước hết có một nguyên tắc cần tuân thủ là phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích,… Nếu không phản biện xã hội sẽ dễ chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính và phiến diện, thậm chí là cực đoan, không đóng góp với tiến trình phát triển xã hội mà còn cản trở tiến trình đó. Từ việc quan sát, đánh giá hoạt động “phản biện xã hội” của một số cá nhân trên in-tơ-nét trong thời gian qua, tác giả Huỳnh Tấn gửi tới Báo Nhân Dân bài Khi phản biện xã hội được sử dụng như một “chiêu bài”!. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

      “Ngày nay, có thể nói mạng internet đã tạo cơ hội để con người có nhiều hơn một khuôn mặt. Chưa có thời kỳ nào khuôn mặt con người lại đa dạng đến thế… Ở đó, họ dễ dàng hành xử như một người vô danh, hoặc bỗng nhiên nhờ vào thế giới ảo mà trở thành nổi tiếng” – đó là nhận xét của tác giả Nguyên Anh trong bài Thế giới mạng và sinh mạng thứ hai. Căn cứ vào diễn biến của hiện tượng, có thể nói nhận xét này khá phù hợp với một số người nhân danh “phản biện xã hội”, “tinh thần dân chủ” và “lòng yêu nước” vẫn hằng ngày xuất hiện trên internet. Vì vài năm sau ngày Việt Nam hòa mạng toàn cầu, đã xuất hiện một số website, blog, facebook cá nhân,… là nơi công bố ý kiến “phản biện xã hội” của một số người, trong đó có người thường được BBC, VOA, RFA,… giới thiệu là “nhân sĩ, trí thức hàng đầu”. Về các “phản biện xã hội” đó, trong một bài viết đăng trên sachhiem.net, GS Trần Chung Ngọc – tác giả là người Mỹ, gốc Việt, nhận xét: “Tôi có cảm tưởng là đối với họ, phản biện có nghĩa là phải chống đảng, cãi đảng, bất kể đó là vấn đề gì của đảng, đúng hay sai”. Nhận xét của GS Trần Chung Ngọc xác đáng như thế nào, hãy để bạn đọc đánh giá. Nhưng dù vậy, liệu có thể coi là bình thường nếu đọc các bài vở, ý kiến, xem các bức ảnh, video-clip của những người này trên mạng?
      Không thể coi là bình thường vì cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy xuất hiện một “thư ngỏ”, “kiến nghị”,… chủ yếu được công bố trên internet trước khi tới nơi cần gửi! Ðứng đầu danh sách ký tên vào “thư ngỏ”, “kiến nghị”,… thường là một nhóm người nếu tên tuổi không gắn với một chức danh, học vị thì cũng đi liền với một hai chức vụ thời quá khứ và hình như họ không có việc gì khác để làm, chỉ viết đơn, thư!? Không bàn tới các entry, comment chửi bới, vu cáo, xúc phạm bất kỳ người nào có ý kiến khác mình, chỉ đề cập tới hiện tượng liên quan tới các cá nhân đang hăng hái “phản biện” trên internet đã thấy nhiều chuyện bi hài. Như ông “phó giáo sư” nọ lại tự giới thiệu là “giáo sư”, rồi ông “chủ tịch hội đồng khoa học” một viện nghiên cứu – chức vụ mang tính lâm thời, về hưu từ lâu mà vẫn xăm xắn với chữ “chủ tịch”. Thật sửng sốt khi thấy một vị tiến sĩ hùng hổ quát tháo, mày tao chi tớ với nhân viên bảo vệ tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Có ông chưa biết phân biệt Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng khác nhau như thế nào, không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân…” mà vẫn say sưa “phản biện”. Có ông năm trước vừa “vinh danh” một người, ngay năm sau người mới được “vinh danh” đã lên facebook kể ông nọ gọi mình là “kẻ vô ơn”, và hứa hẹn “sẽ chứng minh ngược lại họ chính là kẻ vô ơn và láo xược”! Bình luận về tình trạng hỷ nộ ái ố trên, một blogger viết: “Ðứng trên góc độ một người được giáo dục thì phải biết tôn ti trật tự, biết tôn trọng các quy định chung của xã hội, của cộng đồng. Ðó là cái lễ. Các vị mang danh là “trí thức” thì chắc chắn đã được giáo dục rồi, thậm chí họ còn đi giáo dục người khác nữa chứ! Nhưng mà sao xem clip các vị ấy tự biên, tự diễn thì tôi không thấy thế? Xem nó tôi có cảm giác giống như xem mấy clip của cái tụi choai choai rỗi hơi gọi điện chọc phá các điện thoại viên rồi đăng lên Youtube để hỷ hả với nhau”! Blogger khác bình luận: “Hầu hết những người đồng đơn với ông, khi ký tên vào bản kiến nghị, đều treo lủng lẳng bên cạnh mình một loạt chức danh có được trong chế độ độc đảng mà cái chế độ đó nay họ đòi loại bỏ. Không ai tự phủ nhận mình khi ghi các chức danh đó… vì nếu phủ nhận mình thì tiếng nói của mình cũng thành vô giá trị”!
      Năm 2012, trong lời giới thiệu bài Trí thức và phản biện của GS Trần Chung Ngọc, tòa soạn sachhiem.net viết: “Nói rằng một người có cặp mắt sáng có thể lái xe ban đêm giỏi, nhưng không thể căn cứ vào tài lái xe ban đêm để đo lường độ sáng của cặp mắt. Cũng vậy, phản biện có thể là một trong những hành vi mà một trí thức có thể làm, nhưng không thể là một định nghĩa cho trí thức. Nhất là, gặp gì cũng phản biện, phản biện số 2 thành số 7, phản biện cho mầu đỏ thành mầu đen,… thì nhất định không phải là phản biện. Ðành rằng, một khi có được các phản biện có giá trị, điều đó sẽ làm cho xã hội tiến bộ hơn; nhưng nếu cho đó là nhiệm vụ của “trí thức”, sẽ trở thành hàm hồ. Thái độ “gom về mình” để được mặc áo trí thức mỗi khi phản biện, thì lại càng không nên là hành vi của một trí thức”. Trong bài viết, GS Trần Chung Ngọc khẳng định: “chức năng của trí thức thì đa dạng, và với sự hiểu biết của họ, với kiến thức chuyên nghiệp, họ có thể giúp ích cho xã hội nhiều hơn là lao mình vào lĩnh vực phản biện, nhất là khi họ không có đủ thông tin, không có sự hiểu biết sâu rộng và chính xác về vấn đề, thì đó chỉ là một quan niệm cá nhân… Ðiều hiển nhiên là không có một trí thức nào có thể bao quát được mọi vấn đề trong xã hội, họ chỉ có thể đóng góp cho xã hội trong lĩnh vực chuyên môn của họ, đi ra ngoài lĩnh vực mà họ không nắm vững thì họ trở thành một anh thợ giày mà lại cứ muốn đi lên trên nơi giày dép… Phản biện là dùng lý lẽ, biện luận với thông tin, tài liệu, bằng chứng, để phản bác, chứng minh một vấn đề nào đó, có thể là một luận cứ văn học, một quan điểm về khoa học, một nhận định xã hội, một luận cứ trong Tòa án, v.v. là không đúng, là sai lầm cho nên cần phải bác bỏ… Ðây không phải là điều trí thức nào cũng làm được, nhất là về lĩnh vực chính trị, đối ngoại hay đường hướng quốc gia, các lĩnh vực mà Nhà nước tất nhiên có cái nhìn bao quát, tổng hợp và đầy đủ thông tin hơn cá nhân. Nước Mỹ là nước được cho là dân chủ nhất thế giới, dù chính sách đối ngoại của Mỹ không có gì là dân chủ. Trong chế độ dân chủ của Mỹ, người dân có quyền bỏ phiếu để chọn lựa nguyên thủ quốc gia, tuy nhiều khi phiếu của người dân (popular vote), dù là đa số, cũng không có giá trị bằng phiếu của các vị đại diện cho họ (electoral vote). Năm 2000, trong cuộc bầu cử Tổng thống, Al Gore được nhiều phiếu của dân chúng hơn, nhưng Bush vẫn thắng vì được nhiều phiếu của các dân cử. Ðây không hẳn là dân chủ theo nghĩa “thiểu số phục tùng đa số”. Nhiều trí thức Mỹ đã lên tiếng phê bình vấn nạn này. Chính quyền Bush tạo ra những thông tin ngụy tạo về Iraq để có cớ xâm lăng Iraq, người dân cũng chỉ có thể phản đối hay biểu tình chống chiến tranh, nhưng không thể phản biện. Và chiến tranh Iraq đã tốn mấy nghìn nhân mạng lính Mỹ, vài trăm tỷ đô-la, vài trăm nghìn người Iraq, cuối cùng thì Mỹ cũng rút quân để lại không biết bao nhiêu là hệ lụy cho Iraq”.
      Là lẽ thông thường nhưng cần thiết, phản biện xã hội là hoạt động phải được khuyến khích trong sinh hoạt xã hội. Nếu một mặt phản biện có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, thì mặt khác, phản biện là biểu thị cho tính dân chủ của xã hội. Vấn đề là ở chỗ, phản biện phải hướng tới ổn định và phát triển xã hội – con người, không thể chấp nhận phản biện nhằm gây mơ hồ, làm lạc hướng nhận thức chung, tiến công vào nguyên tắc tổ chức và hệ thống chính trị của xã hội. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, mọi tổ chức từ Trung ương tới địa phương, mọi cá nhân có trách nhiệm ở các cấp chính quyền cần tiếp nhận ý kiến phản biện một cách khách quan để tổng kết, rút ra tham vấn hữu ích nhằm điều chỉnh. Hiện tại, việc triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Ðây là thời điểm quan trọng để mọi công dân thể hiện tinh thần trách nhiệm với quá trình hoàn thiện, phát triển đất nước. Ðã có nhiều ý kiến tâm huyết gửi tới cơ quan có trách nhiệm, đó là biểu hiện cụ thể về sự trưởng thành của ý thức công dân. Và đó cũng là để khẳng định sự lạc lõng của một số người đang sử dụng phản biện xã hội làm “chiêu bài” phục vụ cho các tham vọng thiếu cầu thị.

      HUỲNH TẤN
      Xem tiếp...