TRÁI CHANH THẦN

 
Gian Dối - Diễm Thùy (Quán Quân Tình Khúc Xưa Và Nay)

Mango immature, xoài, gỗ, cây xoài, JPG

TRÁI CHANH THẦN


Em đố các anh trái gì đây
Anh nào đoán trúng, em theo ngay
Anh nhìn đoán mãi, sao mà khó
Trái gì chẳng ngắn cũng chẳng dài!?


Hôm qua anh đi về miền tây
Đem đố em ra hỏi mấy thầy
Các thầy liệt kê ra một mớ
Chẳng thấy trái nào giống trái này!


Nào bưởi, ổi, cam, mít với xoài
Nào vú sữa, dâu với chanh dây
Dưa hấu, khóm, bơ cùng măng cụt
Chôm chôm, chùm ruột và dâu tây


Tiếp là mận với mãng cầu dai
Mãng cầu xiêm với bưởi năm roi
Sầu riêng, quýt hồng, sa-pô-chê, cóc
Thốt nốt, trái bần...còn nữa đây này:


Sơ -ri, thanh long thêm mít mã-lai
Dừa, đu đủ, nho...dành cúng cầu tài
Thêm trái trứng gà, thanh trà, nhãn tím
Liệt kê cho hết chắc đến... ngày mai!...


Trái gì trông là lạ mà...quen
Câu đố tưởng dễ, đáp ra liền
Mới hay kẻ sống đời thành phố
Nghĩ hoài, nghĩ mãi, nghĩ triền miên!


Trái gì?...Thì đúng là trái cây!
Tròn tròn, không ngắn cũng không dài
Treo trên cành, đúng là cây ăn trái
Toòng teng, hóc búa nhất trần ai!


Em cười bĩu môi, lũ anh tài
Ba hoa thì giỏi, tưởng mình hay
Đoán lên đoán xuống sai be bét
Trái đó từng khoe các anh hoài!


Đây này:
Trong đời thực là trái xoài xanh!
Trong tranh em gọi: trái chanh thần
Cõi ảo tưởng quen mà hóa lạ
Vì em mơ tìm kẻ chân thành!


***

Thật ra:
Đó chỉ là trái xoài xanh
Toòng teng trước mặt cho anh đoán thầm
Đang mơ nên mắt anh lầm
Xoài xanh tưởng trái chanh thần xanh tươi!


Xoài xanh rực rỡ bầu trời
Tưởng chanh, yêu cả con người trồng chanh!...
Gió vờn trong nắng mát lành
Em cười lanh lảnh chê anh gà mờ!



Trần Hạnh Thu 

 
Vạn Lối Sầu - Thúy Hà | Đường bây giờ đường vắng không anh...

Mở đường cho trái xoài vào thị trường Mỹ

Thứ 4, 17/04/2019 | 15:08:00 [GMT +7]

Xoài sẽ là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được Mỹ cho phép nhập khẩu vào tiêu thụ. Đây là một tin vui đối với nông dân Việt Nam nói chung và người trồng xoài khắp cả nước nói riêng, nhất là người trồng xoài Khánh Hòa.

Xoài Australia đang hút hàng. Ảnh: TTXVN

Tháng 2/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 – 2020; trong đó, xác định cây xoài là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, với hai loại giống Australia và Cát Hòa Lộc.

Tỉnh Khánh Hòa cũng định hướng sẽ tiếp tục tăng diện tích trồng xoài từ khoảng 8.800 ha hiện nay lên hơn 10.000 ha vào năm 2020. Để phát triển cây xoài, ngoài việc tiếp tục trồng bằng hình thức thâm canh, cho ra quả trái vụ…, loại cây này cần phải áp dụng các quy trình nông nghiệp an toàn theo chuẩn GAP.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, hết năm 2018 tỉnh có trên 8.000 ha xoài; trong đó, có trên 6.500 ha xoài đang cho thu hoạch quả; năng suất bình quân trên 58 tạ/ha. Xoài tập trung nhiều ở huyện Cam Lâm, chiếm 60% tổng diện tích xoài toàn tỉnh.

Ngoài vụ chính từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, thì người dân còn sản xuất xoài trái vụ phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Xoài Khánh Hòa được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Do đó, giá trị của trái xoài Khánh Hòa khá bấp bênh. Nhiều năm trở lại đây, điệp khúc “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” thường xuyên xảy ra nơi đây.

Cụ thể, năm nay xoài Australia loại 1 giá 35.000 đồng/kg, loại 2 giá 20.000 đồng/kg; xoài Đài Loan loại 1 giá 15.000 đồng/kg, loại 2 giá 10.000 đồng/kg. Giá xoài giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước đó, nguyên nhân do xoài ở Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh cũng đang rộ, cộng thêm việc các nước Thái Lan và Campuchia cũng xuất sang thị trường Trung Quốc.

Giá cả “nhảy múa” liên tục khiến người nông dân khó mà đầu tư hết mình cho cây xoài. Trong khi đó, thị trường Mỹ sẽ là một thị trường tiêu thụ lớn, có mức giá cao, ổn định. Vì vậy, người nông dân Khánh Hòa cần tận dụng cơ hội này để trồng, chăm sóc và xuất bán sản phẩm sang đây. Tuy nhiên, xoài vào thị trường này cần phải đáp ứng cao về tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc.

Ông Diệp Thế Thanh, Chủ tịch Hội những người trồng xoài Cam Lâm cho biết, khi biết thông tin xoài Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau 10 năm đàm phán bền bỉ, Hội đã phổ biến cho những hội viên trồng xoài được biết. Trước đó, hàng năm Hội đều phối hợp với các đơn vị liên quan mở buổi, lớp tập huấn kỹ thuật, trong đó có mời các chuyên gia về tập huấn cách trồng xoài theo hướng VietGAP.

“Hiện ở huyện Cam Lâm đã có một số hội viên triển khai trồng xoài theo hướng VietGAP. Song song với đó, Hội cũng thúc đẩy việc ký hợp đồng xuất khẩu trái cây với các doanh nghiệp lớn. Do đó, các công ty này đã cho người đến chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép dùng khi trồng và bán xoài cho họ. Trên địa bàn huyện có 70 ha của 50 hộ đã sản xuất xoài theo yêu cầu của các công ty”, ông Thanh nói

Đây là tín hiệu đáng mừng, khi bà con nông dân đã chủ động chuyển sang trồng, chăm sóc cây xoài theo hướng VietGAP hoặc tương đương. Song đây cũng chỉ là điều kiện “cần” để đưa trái xoài của Khánh Hòa sang thị trường khó tính nói chung và Mỹ nói riêng, yếu tố “đủ” cần thiết thì hiện vẫn chưa có nông dân, doanh nghiệp nào được cấp mã số vùng trồng.

Để có được mã số vùng trồng, người dân phải đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật. Đơn vị này sẽ tiến hành khảo sát, xem xét vùng trồng xin cấp mã số. Nếu đạt đầy đủ các tiêu chuẩn thì mới tiến hành cấp mã số vùng trồng.

Bà Lương Kim Ngân, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa) cho biết, có hai yêu cầu lớn cần quan tâm khi xuất xoài sang thị trường Mỹ mà người nông dân cần phải thực hiện được là chất lượng và nguồn gốc. Xoài được thu hái từ những vùng trồng được các cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng.

Mặc khác, những lô hàng xuất khẩu sang Mỹ phải được chiếu xạ ở những cơ sở chiếu xạ đã được các cơ quan chuyên môn của Mỹ kiểm tra và chấp thuận về cơ sở vật chất và kỹ thuật.

Cùng với đó, nông dân trồng xoài và các doanh nghiệp xuất khẩu xoài phải kiểm soát được 18 loại dịch hại; trong đó, bao gồm nhóm các loại đục quả, nhóm các loại rệp và nhóm các loại bệnh; đồng thời sử dụng những loại thuốc thực vật, các hoạt chất được Mỹ cho phép sử dụng.

“Thời gian tới, chi cục tiếp tục tiến hành các chương trình lồng ghép tuyên truyền trong các buổi, lớp tập huấn cho nông dân về những thông tin cần thiết như: điều kiện, yêu cầu, quy trình, thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng… để nâng cao nhận thức của người nông dân, tiến tới việc đưa trái xoài Khánh Hòa sang thị trường Mỹ”, bà Ngân cho biết thêm.

Đứng trước cơ hội có thể tiếp cận thị trường cao cấp Mỹ với các yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc, xoài Khánh Hòa cần phải được nông dân, doanh nghiệp và nhà nước chung tay cùng hỗ trợ nhau phát triển, đảm bảo đạt yêu cầu theo các quy định nghiêm ngặt của Mỹ.

Chỉ khi làm được những điều trên thì cây xoài mới có chỗ đứng thực sự và là cây trồng chủ lực của tỉnh mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân – đảm bảo đầu ra của trái xoài không phải lệ thuộc vào thị trường dễ tính với biến động giá cả liên tục giảm.

Theo Phan Sáu (TTXVN)

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH