Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 141

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Nữ Phát Thanh Viên Với Giọng Nói Ma Mị Cảm Hóa Hàng Triệu Lính Mỹ
Lịch sử ngành phát thanh Việt Nam có dấu ấn của một nhân vật đặc biệt: nữ phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ. Người con gái sinh ra từ phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội, chỉ với giọng đọc tiếng Anh “chết người” của mình, đã khiến những người lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam bị mê hoặc, bị cảm hóa mỗi ngày dù chưa từng gặp mặt. Cũng bởi sức hút hơn người và bí ẩn ấy, bao bọc xung quanh người con gái Hà Nội này là vô số những câu chuyện thi vị không dễ mấy người biết tới.

Giọng nói huyền thoại Trịnh Thị Ngọ được báo Mỹ yêu mến


Giọng đọc ngọt ngào, lôi cuốn của phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ những năm đất nước còn chiến tranh đã cảm hóa hàng triệu lính Mỹ và được người Mỹ yêu mến.
Bà Trịnh Thị Ngọ - giọng nói lay động hàng triệu trái tim lính Mỹ tại Việt Nam trước năm 1975 vừa qua đời tại TP.HCM, hưởng thọ 87 tuổi. Đài phát thanh Hoa Kỳ từng cho rằng Hà Nội đã cho một nữ phát thanh viên có giọng ngọt ngào để ru ngủ lính Mỹ ở miền Nam.
Ông Trần Đức Nuôi - nguyên trưởng ban thư ký Đài tiếng nói Việt Nam - chia sẻ với Zing.vn về người phát thanh viên đặc biệt của Đài.
Theo ông, bác Trịnh Thị Ngọ nổi tiếng với biệt danh Ha Noi Hannah. Xuất thân là tiểu thư của một gia đình đại tư sản lớn ở phố cổ Hà Nội nhưng khi vào làm việc tại đài, bác làm việc chăm chỉ, miệt mài. Có thể nói cả cuộc đời bác dành cho công việc phát thanh, biên tập tại Đài.
"Tôi đặc biệt ấn tượng với triết lý làm việc của bác. Vì mọi người là hãy làm tốt nhất công việc của mình. Triết lý này thiết thực hơn nhiều những lời kêu gọi vì mọi người chung chung, phong trào" - ông nói.
Giong noi huyen thoai Trinh Thi Ngo duoc bao My yeu men hinh anh 1
Bà Trịnh Thị Ngọ thời trẻ. Ảnh: VOV.
"Năm 1970, tôi gặp bác Ngọ lần đầu ở phố Quán Sứ, Hà Nội. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bác khắc khổ đi xe đạp, đội nón đến Đài. Không chỉ nói trên đài, ở ngoài, bác nói cũng tròn vành rõ chữ, dáng vẻ khoan thai, thanh tao kiểu người Hà Nội.
Về giọng nói tiếng Anh của bác Ngọ thì 50 năm qua chưa có người nào thay thế được. Đó là giọng đọc được người bản xứ chấp nhận và khen ngợi. Tiếng nói ấy xuất phát từ trái tim nên có khả năng truyền tải tích cực về con người, đất nước Việt Nam tới lính Mỹ ở Sài Gòn" - ông Đức Nuôi tiếp lời.
Cũng theo ông, giọng đọc của bà nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn được báo chí trên thế giới biết tới. Những năm bà ở TP.HCM đã đón tiếp, trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo quốc tế.

Người làm lay động triệu lính Mỹ tại Việt Nam qua đời

Bà Trịnh Thị Ngọ - nữ phát thanh viên tiếng Anh nổi tiếng của đài VOV vừa qua đời tại TP.HCM.
Điều bất ngờ hơn cả là năm 2002 khi tôi sang New York, Mỹ công tác. Tôi tình cờ gặp một phóng viên người Mỹ - người từng ủng hộ Việt Nam trong Hiệp định Paris năm 1973, ông nói: "Ở Việt Nam có 2 nhân vật tôi nhớ mãi. Tôi quý trọng cụ Hồ, còn người tôi quý mến, dành nhiều tình cảm là Ha Noi Hannah".
Hải Thanh

Vĩnh biệt bà Trịnh Thị Ngọ - nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại

VOV.VN - Bà Trịnh Thị Ngọ, nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của VOV vừa qua đời tại TP.HCM, hưởng thọ 87 tuổi.
Tin buồn
Bà Trịnh Thị Ngọ, sinh năm 1930, Nghệ danh: Hanoi Hannah, cựu phát thanh viên Tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam; Nghệ sĩ ưu tú; Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh; đã từ trần lúc 5h15 phút ngày 30/9/2016 (tức ngày 30 tháng 8 năm Bính Thân) tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 87 tuổi.
Lễ nhập quan được tổ chức vào 15h ngày 30/9, lễ động quan vào 6h ngày 2/10. Sau đó, linh cữu bà Trịnh Thị Ngọ được an táng tại xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. 

Năm 1955, bà Trịnh Thị Ngọ bước chân vào Đài Tiếng nói Việt Nam qua lời giới thiệu của một người bạn với suy nghĩ góp phần vào chương trình phát thanh tiếng Anh mà Đài lúc đó đang rất cần.
Bản thân là con một nhà tư sản yêu nước, từ nhỏ đến lớn ở Hà Nội, bà luôn học trường Pháp và học tiếng Anh của người bản xứ. Bà yêu tiếng Anh qua âm nhạc Anh và điện ảnh Mỹ - những giá trị văn hóa không biên giới.
Vào Đài làm phát thanh viên tiếng Anh thực sự đánh dấu sự trưởng thành của bà. Ở đó, bà Ngọ bắt đầu tập thể hiện các tin bài bằng tiếng Anh - rất khác so với tiếng Anh giao tiếp, phải làm sao để người nghe hiểu được ý nghĩa của những thông điệp được truyền đi qua cách phát âm và nhấn nhá câu chữ. Đài cũng đã mời một số chuyên gia về huấn luyện cho bà và bà thừa nhận mình đã học thêm được rất nhiều từ đây.
vinh biet ba trinh thi ngo nu phat thanh vien tieng anh huyen thoai hinh 1
Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ năm 1966
Bà Ngọ nói: “Có tiếng Anh rồi thì tôi đến Đài làm việc rất thuận tiện. Nhưng phải nói bước đầu công của các chuyên gia đào tạo rất lớn. Không những đọc cho đúng giọng mà còn đọc tin ra tin, câu chuyện ra câu chuyện, bình luận ra bình luận. Những cái đó có đặc thù riêng. Cho nên có những người Việt Nam tiếng Anh rất giỏi nhưng nói người ta không hiểu, vì đọc không đúng action tonic”.

Nhiều thính giả từ các nước Đông Nam Á, các nước Bắc Âu nghe chương trình phát thanh đối ngoại bằng tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã phản hồi, yêu thích giọng đọc Thu Hương - Trịnh Thị Ngọ. Nhưng phải đến năm 1965, khi Cục Địch vận của Quân đội Việt Nam hợp tác với Đài làm buổi phát thanh riêng hướng tới quân nhân Mỹ đang ở miền Nam Việt Nam, khi đó, giọng đọc của bà mới được quan tâm đặc biệt hơn lúc nào khác.
Ngay sau buổi phát sóng đầu tiên của chương trình, trên đài phát thanh Hoa Kỳ đã thông tin: Hà Nội cho một nữ phát thanh viên giọng ngọt ngào để ru ngủ lính Mỹ ở miền Nam. Rồi không hiểu sao phía Mỹ gọi bà là “Hana của Hà Nội”. Và cái tên Hana gắn liền với chương trình.
vinh biet ba trinh thi ngo nu phat thanh vien tieng anh huyen thoai hinh 2
Ảnh tư liệu
Chương trình ban đầu chỉ khoảng 6 phút với mục “Câu chuyện nhỏ nói với binh sỹ Mỹ”, gắn vào một chương trình lớn hơn, dần dần nâng lên thành 30 phút. Bà Ngọ tham gia biên tập và phụ trách chủ yếu phần đọc. Giọng đọc đó không chỉ đi vào lòng người bằng sự ngọt ngào, truyền cảm mà còn mạch lạc, khúc chiết phân tích những thông tin cần thiết cho quân nhân ở phía đối phương, với mong muốn họ sớm nhận ra cuộc chiến ở Việt Nam là cuộc chiến phi nghĩa, nhân dân Mỹ phản đối, từ đó có động thái thích hợp.
Sau này, nhiều nhà báo nước ngoài hỏi bà cảm thấy thế nào khi đọc những chương trình đó, bà trả lời rằng: “Khi đó tôi không thể quá thân mật vì tôi đang nói với đối phương của đất nước tôi, nhưng tôi nói một cách thuyết phục bằng chính những thông tin của chương trình, thông tin đó lấy từ chính báo chí Mỹ”.
Ông Trần Vĩnh An khi đó là Phó Ban Các chương trình Đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam kể, quân nhân Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam khi đó rất mê giọng đọc của bà, mê luôn các chương trình phát thanh địch vận của ta. Ông An kể lại: “Chị Ngọ đọc những buổi phát thanh binh vận cho lính Mỹ và lúc bấy giờ báo chí Mỹ, lính Mỹ đặt cho chị ấy biệt danh là Hana. Tiếng nói của chị ấy rất có tác dụng. Chị ấy là người hiền lành, nghiêm chỉnh, đọc rất chuẩn, anh em trong Ban ai cũng mến”.
Bà Ngọ đã gắn mình với chương trình, gắn với những sự kiện của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở Đài, bà đã được gặp Bác Hồ vào một buổi tối, Bác bất ngờ đến thăm các cán bộ nhân viên làm việc đêm.
Ở Đài, bà đã nghẹn ngào, xúc động khi nhìn từ cửa phòng thu ra thấy rõ ràng một chiếc máy bay Mỹ bổ nhào vì trúng tên lửa của ta trong những ngày Hà Nội bị ném bom năm 1972. Ở Đài, bà đã cùng mọi người đi sơ tán để bảo toàn làn sóng…Tất cả trở thành những dấu ấn, những kỷ niệm không bao giờ phai trong tâm trí của bà. Nhưng vui và xúc động hơn cả là ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi bà đọc tin chiến thắng. Dường như tất cả những nỗ lực, những hy sinh của cả dân tộc đã được đền đáp bằng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong đó có sự góp phần của Đài, của những phát thanh viên như bà.
Bà Ngọ cho biết: “Bản tin Tiếng Anh phát vào lúc 5h chiều. Hôm đó, đó là bản tin đầu tiên phát đi nước ngoài tin chiến thắng. Tôi là người đọc, vào trong phòng thu đọc thẳng luôn. Mọi hôm thì đọc thu vào để phát đi phát lại, còn hôm đó là đọc tin thẳng luôn. Tôi đọc là: Sài Gòn đã được giải phóng, miền Nam đã được giải phóng hoàn toàn. Tôi rất vui, đọc tin chiến thắng mà”.
Miền Nam giải phóng, năm 1976, vì lý do gia đình, bà Trịnh Thị Ngọ chuyển công tác khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam sau 21 năm làm việc. Vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, bà vẫn tiếp khách đến thăm và hỏi chuyện về Đài, về giọng đọc Hana. Phần đông trong số đó là phóng viên trong và ngoài nước.
vinh biet ba trinh thi ngo nu phat thanh vien tieng anh huyen thoai hinh 3
Bà Trịnh Thị Ngọ - ảnh chụp tháng 9/2015 (Ảnh: Minh Hạnh)
Tiếp xúc với bà, mọi người dễ dàng nhận thấy sự kiên định, mạnh mẽ ẩn trong sự dịu dàng, nhẹ nhàng rất Việt Nam, điều đó đã thể hiện trong chính giọng đọc của bà. Đi qua thời thanh xuân với vẻ đẹp rạng ngời và điều kiện gia đình khá giả, nhiều cơ hội việc làm đỡ vất vả hơn, nhưng đến tận bây giờ, bà Ngọ vẫn khẳng định, chọn vào làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam là một quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời.
Bà Ngọ nói: “Đọc tiếng Anh là một niềm đam mê. Và sau đó, tôi cảm thấy qua những buổi phát thanh mà mình được trực tiếp đọc thì tôi đã chọn đúng nghề. Mình yêu thích và nghề đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Tôi có viết trong một hồi ký của Đài là : Nếu như có một đời thứ 2, thì tôi vẫn chọn làm phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Có thể nói, trong lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam, những giọng đọc như bà Trịnh Thị Ngọ - Thu Hương - Hana không chỉ góp phần làm nên sức mạnh của truyền thông, của phát thanh mà còn góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới, để bạn bè năm châu thêm yêu mến vả cảm phục Việt Nam./.
Minh Hạnh/VOV-TPHCM
  

Huyền thoại Trịnh Thị Ngọ: Giọng nói 'ma lực' 

Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam

Afamily.vn, Theo 09:27 16/10/2013

Người Việt biết tới bà với nghệ danh Thu Hương. Binh lính Mỹ gọi bà là nàng tiên cá Hannah Hanoi. Tên thật của bà là Trịnh Thị Ngọ - nữ phát thanh viên huyền thoại của Việt Nam.

Học tiếng Anh vì mê “Cuốn theo chiều gió”
Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1931 trong một gia đình tư sản tại Hàng Bồ, Hà Nội. Cha của bà là ông Trịnh Đình Kính – người vẫn được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức. Ngay từ những năm tháng thiếu nữ, Trịnh Thị Ngọ đã nổi tiếng là người thông minh và xinh đẹp.
Bà thi đậu tú tài Pháp rồi tự học thêm lớp tiếng Anh của bà Lucine Hà Văn Vượng. Thời đó, học phí học tiếng Anh rất đắt, khoảng 25 đồng tiền Đông Dương cho một giờ. Trong khi đó, mỗi tháng học phí tại trường học cũng chỉ vài chục đồng. Thế nên, chuyện con gái Việt đi học tiếng Anh như bà Ngọ đích thị là của “độc, hiếm” thời đó.
Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 1
Lính Mỹ gọi bà bằng cái tên "nàng tiên cá" Hannah Hanoi.
Bà Trịnh Thị Ngọ không ngại thổ lộ: thực ra lúc đầu bà học tiếng Anh chỉ là do “cha bà muốn vậy”. Nhưng rồi, không lâu sau đó, bà đã trở nên đam mê với thứ ngôn ngữ phương Tây xa lạ này. Lý do khiến bà thay đổi như vậy chính là những bộ phim kinh điển của điện ảnh Mỹ, đặc biệt là “Cuốn theo chiều gió”.
Bà tới rạp xem đi xem lại bộ phim ấy cả thảy 5 lần. Bà mê phim đến độ muốn tự mình nghe, hiểu những gì các diễn viên đang nói mà không cần thông qua phụ đề dịch. Thế nên, cô thiếu nữ cá tính Trịnh Thị Ngọ mới đam mê và học giỏi tiếng Anh. Trong khi đa số thanh niên thời đó chỉ thạo tiếng Pháp, bà Trịnh Thị Ngọ tường tận cả hai thứ ngôn ngữ Tây phương.
Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 2
Hannah Hanoi – người “chiến sĩ” đặc biệt với vũ khí là giọng nói.
Một trong những phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Việt Nam
Năm 1955, Đài tiếng nói Việt Nam mở chương trình phát thanh tiếng Anh. Khi đó, bà Trịnh Kim Ngọ vừa tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Với vốn tiếng Anh thành thạo, giọng đọc truyền cảm, bà đã trở thành phát thanh viên kiêm biên dịch và biên tập viên.
Năm 1965, chiến trường miền Nam có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Mỹ chuyển sang loại hình chiến tranh mới, quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình này, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp với Cục địch vận (Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng) làm chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ” – một chương trình Mỹ vận.
Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 3
Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ năm 1966.
Bà Ngọ lấy cái tên Thu Hương để trò chuyện với lính Mỹ trên sóng radio, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Câu mở đầu chương trình của bà thường là: “Đây là Thu Hương trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...”
Huyền thoại Hannah Hanoi
Đến tận bây giờ, nhiều cựu binh Mỹ vẫn lưu giữ băng cát-sét thu tiếng nói của “nàng tiên cá Hannah”. Sở dĩ họ gọi bà với biệt danh như vậy bởi giọng nói của bà như có ma lực, cực kỳ lôi cuốn. Binh lính Mỹ thời đó sợ giọng nói của bà, sợ những câu chuyện của bà trên sóng phát thanh. Thế nhưng họ vẫn muốn nghe, vẫn mong chờ chương trình của Hannah Hanoi mỗi ngày dù bị cấp trên cấm.
Ban đầu, buổi phát thanh chỉ dài 5 - 6 phút mỗi lần và mỗi tuần có 2 buổi phát. Tuy nhiên, về sau tăng dần thời lượng mỗi ngày 3 buổi, mỗi buổi 30 phút. Mỗi ngày, bà Trịnh Thị Ngọ có 90 phút trò chuyện cùng binh lính Mỹ. Người phụ nữ nhỏ bé chỉ bằng giọng đọc “chết người” của mình đã cảm hóa, thu phục được hàng trăm ngàn binh lính Mỹ.
Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 4
Bà Ngọ làm việc cùng với các chuyên gia nước ngoài.
Chương trình của bà mang tên “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”, những câu chuyện của bà cũng rất gần gũi với họ. Bà tìm hiểu những chuyện thường ngày ở đất nước quê hương họ, chuyện gia đình của họ. Bà kể về tâm sự của người lính Việt sau cuộc chiến, của những người phụ nữ Việt Nam có chồng ở ngoài mặt trận. Con số thương vong của lính Mỹ, tình hình chiến trận cũng được bà cập nhật mỗi ngày. Thậm chí, Hannah Hanoi còn gửi lời chúc sinh nhật muộn màng tới một người lính Mỹ ngay cả khi anh ta đã chết.
Những câu chuyện của Hannah Hanoi là nỗi ám ảnh của binh sĩ Mỹ thời đó. Bà đọc tên “Những người đã chết nhưng không phải vì danh dự của nước Mỹ" nhằm tác động vào tinh thần của lính Mỹ, truyền cho họ một thông điệp: “Các anh đang chiến đấu bởi một cuộc chiến tranh phi nghĩa”.
Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 5
Bà Ngọ cùng với các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam trong một lần Bác Hồ tới thăm.
Rất nhiều binh sĩ Mỹ đã bị cảm hóa bởi giọng đọc của bà và tìm cách thoát khỏi cuộc chiến. Họ còn tìm mọi cách để gửi thư cho Hannah Hanoi. Chính Tổng thống Mỹ J.Kennedy đã thông báo về mối nguy hiểm này rằng: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói đàn bà để quyến rũ và làm lung lay tinh thần của đội quân Mỹ ở Việt Nam”.
Bà Trịnh Thị Ngọ trở thành một huyền thoại đối với lính Mỹ thời đó. Họ ám ảnh tới mức cho rằng bà là… ma, là phù thủy dùng giọng nói xâm nhập vào trí óc, cảm xúc của họ. Có những người lính sau chiến tranh vẫn luôn nhớ về bà, trong đó có một cựu binh Mỹ tên Don. Ông đã quay trở lại Việt Nam, tìm kiếm người phụ nữ ông luôn bị ám ảnh bởi giọng nói suốt mấy chục năm và xin được phỏng vấn bà. Và ông ta nhận ra rằng, bà không phải là ma, cũng không phải là phù thủy, bà chỉ là một người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé với vẻ đẹp đằm thắm và giọng nói ngọt ngào.
Chuyện về nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của Việt Nam 6
Bà Trịnh Thị Ngọ cùng chồng trong dịp sinh nhật 77 tuổi của bà.
Ngày 30/4/1975, bà vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất”. Sau ngày giải phóng, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Tiếng nói thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện bà đã hơn 80 tuổi nhưng câu chuyện về bà, về Hannah Hanoi – người phụ nữ có “giọng nói ma quỷ”, “giọng nói huyền thoại” hay “nàng tiên cá của binh sĩ Mỹ” vẫn được nhiều người nhắc đến.
Không phải là một ngôi sao nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng Hannah Hà Nội lại được nhiều tờ báo nước ngoài (The New York Times, Life, L'Hebdo, People) đăng hình, viết bài và phỏng vấn. Bà đã trở thành một huyền thoại. Ngay cả cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp bà cũng trìu mến gọi bà bằng cái tên Hannah Hanoi.

Nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của VOV, 'Hannah Hà Nội' qua đời

Chủ Nhật, 02/10/2016 10:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Bà Trịnh Thị Ngọ, cựu phát thanh viên tiếng Anh của VOV, người mà lính Mỹ vẫn gọi là "Hanoi Hanah" vừa qua đời sáng 30/9/2016 tại TP HCM, hưởng thọ 87 tuổi.
Chia sẻ với Thethavanhoa.vn, ông Lê Quốc Hưng, Phó Giám đốc kênh VOV5 - Hệ phát thanh đối ngoại Đài tiếng nói Việt Nam cho hay: Bà Trịnh Thị Ngọ từ trần lúc 5h15 phút ngày 30/9/2016 (tức ngày 30 tháng 8 năm Bính Thân) tại TP.HCM. Lễ nhập quan được tổ chức vào 15h ngày 30/9, lễ động quan vào 6h ngày 2/10. Sau đó, linh cữu bà Trịnh Thị Ngọ được an táng tại xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Vẻ đẹp của "Hanoi Hanah"
"Sáng nay, đại diện cơ quan thường trú của Đài tiếng nói Việt Nam tại TP HCM đã đến viếng và đưa tang bà. Tôi không phải là người cùng thời với bà nhưng đã 2 lần được gặp bà và các thế hệ sau của đài từng viết nhiều bài về bà đăng trên các cuốn sách của đài", ông Hưng chia sẻ.
Bà Trịnh Thị Ngọ vào Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1955 qua lời giới thiệu của một người bạn với mong muốn góp phần vào chương trình phát thanh tiếng Anh mà Đài lúc đó đang rất cần. Bản thân là con một nhà tư sản yêu nước, từ nhỏ đến lớn ở Hà Nội, bà luôn học trường Pháp và học tiếng Anh của người bản xứ. Bà yêu tiếng Anh qua âm nhạc Anh và điện ảnh Mỹ - những giá trị văn hóa không biên giới...

Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ.
Nhiều thính giả từ các nước Đông Nam Á, các nước Bắc Âu nghe chương trình phát thanh đối ngoại bằng tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã phản hồi, yêu thích giọng đọc Trịnh Thị Ngọ. Nhưng đến năm 1965, khi Cục Địch vận của Quân đội hợp tác với Đài làm buổi phát thanh riêng hướng tới quân nhân Mỹ đang ở miền Nam Việt Nam, khi đó, giọng đọc của bà mới được quan tâm đặc biệt hơn lúc nào khác. 
Chương trình mang tên “Câu chuyện nhỏ nói với binh sỹ Mỹ”. Bà Ngọ lấy cái tên Thu Hương để trò chuyện với lính Mỹ trên sóng radio, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Câu mở đầu chương trình của bà thường là: “Đây là Thu Hương trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...”.

Bà Trịnh Thị Ngọ tại TP.HCM. Ảnh VOV
Và ngay sau buổi phát sóng đầu tiên của chương trình, trên đài phát thanh Hoa Kỳ đã thông tin: Hà Nội cho một nữ phát thanh viên giọng ngọt ngào để ru ngủ lính Mỹ ở miền Nam. Rồi không hiểu sao phía Mỹ gọi bà là “Hannah của Hà Nội”. Và cái tên Hannah Hà Nội gắn liền với chương trình.
Bà đã được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Huy chương vì sự nghiệp phát thanh. Bà cũng vinh dự được gặp Bác Hồ vào một buổi tối, Bác bất ngờ đến thăm các cán bộ nhân viên làm việc đêm.
New York Time, Los Angeles Time viết về phát thanh viên huyền thoại ‘Hanoi Hannah’

New York Time, Los Angeles Time viết về phát thanh viên huyền thoại ‘Hanoi Hannah’

Khi phóng viên Los Angeles Time nói về sự nổi tiếng của bà, bà Ngọ cười: “Ồ, tôi không phải người nổi tiếng. Tôi yêu quãng thời gian ở Hà Nội, tôi đơn giản là một công dân bình thường đang cố gắng đóng góp chút gì cho đất nước của tôi”.
Năm 1976, bà chuyển vào TP HCM sinh sống. Bà từng khẳng định: "Nếu cho tôi cuộc đời thứ 2, tôi vẫn sẽ chọn công việc phát thanh viên tại Đài". Có thể nói, trong lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam, giọng đọc Trịnh Thị Ngọ - Thu Hương - Hannah không chỉ góp phần làm nên sức mạnh của truyền thông, của phát thanh mà còn góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới, để bạn bè năm châu thêm yêu mến vả cảm phục Việt Nam.
An Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét