Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 351

(ĐC sưu tầm trên NET)

 
Lịch Sử KGB - Tổ Chức Tình Báo Của Liên Xô Từng Khiến CIA “Rùng Mình”

Nhà tình báo Liên Xô trở thành anh hùng sau khi ra tù

Nguyễn Quang - CTV

(Dân trí) - Nhà tình báo Vladimir Karpov đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, dù trước đó ông từng có thời gian bị ngồi tù.

Nhà tình báo Liên Xô trở thành anh hùng sau khi ra tù - 1

Nhà văn, nhà báo Vladimir Karpov (Ảnh: Yuri Mashkov/TASS).

Vladimir Karpov sinh ngày 28/7/1922 tại thành phố Orenburg, Nga, nhưng ông lớn lên và học phổ thông ở Tashkent. Ngôi trường số 61, nơi ông theo học, nằm cạnh một trường quân sự. Vì vậy, nhiều con cái của các sĩ quan chỉ huy đã học cùng với ông. Một trong số bạn bè cùng học với ông có Yura Petrov, con trai của chỉ huy trường quân sự. Karpov kết bạn với Yura và thường xuyên đến nhà bạn chơi.

Khi sắp học hết phổ thông, Ivan Efimovich Petrov, bố của Yura, nói: "Karpov, cháu chắc chắn sẽ trở thành một chỉ huy giỏi. Cháu vào học trường quân sự thì sẽ rất tốt".

Khi đó, Karpov là một chàng trai khỏe mạnh, tập quyền anh và chưa đầy 18 tuổi, chưa đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Karpov nói điều đó với Ivan Efimovich, và ông trấn an: "Không sao, cháu mới 17 tuổi rưỡi nhưng nhìn có kém gì chàng trai 20 đâu. Hơn nữa, bác là hiệu trưởng, bác quyết định được". Sau đó, Karpov đã trở thành học viên trường quân sự.

Đó là một quyết định định mệnh gắn số phận của ông với cuộc đời binh nghiệp. Nhưng cũng chính bước ngoặt đó đã đưa ông không chỉ được đứng trong hàng ngũ của Hồng quân Liên Xô mà còn làm cho tên tuổi của ông trở thành bất tử, khiến ông sau này trở nên nổi tiếng khắp cả nước.

"Tôi đã học trong hai năm và đến ngày 23/2/1941 thì kết thúc khóa học. Mỗi người chúng tôi được may đo toàn bộ đồng phục từ quân phục cho đến áo khoác (không như ngày nay, đồng phục được cấp phát từ kho). Tôi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho kỳ thi quốc gia. Đột nhiên, 19 ngày trước khi tốt nghiệp, tôi bị bắt", Karpov nhớ lại.

"Hầu như tất cả nhà thơ đều là những người có suy nghĩ tự do. Tôi cũng bày tỏ những suy nghĩ  như vậy. Vào thời điểm đó, đây là một tội lớn, tội tuyên truyền kích động chống nhà nước Xô Viết. Tôi đã bị xét xử và bị kết án 5 năm trong trại cải tạo và 3 năm bị tước quyền công dân. Tôi bị giam tại Trại Tavdinlag ở vùng Bắc Urals, nơi toàn rừng taiga, là một vùng hoang vu, sương giá âm 50-60 độ. Tôi phải làm việc tại một khu khai thác gỗ - công việc khó khăn nhất là đốn cây. Rất khó cắt cành khi phải lội trong đống tuyết sâu. Làm việc từ khi trời còn mờ sáng đến tối mịt. Đó là cuộc sống trong trại", ông Karpov nhớ lại.

Cũng giống nhiều người khác, Karpov cũng đã viết thư cho chính phủ và nhà lãnh đạo Mikhail Ivanovich Kalinin. Ông yêu cầu được cử ra mặt trận.

"Tôi suýt là một chỉ huy, là một người khỏe mạnh, thích thể thao, vô địch quyền anh của Trung Á và Quân khu Trung Á", Karpov viết.

Một ngày cuối năm 1942, Karpov được phóng thích và được giới thiệu đến một đại đội thu dung. "Vào thời điểm đó, tôi đã thụ án được gần hai năm. Trận chiến Moscow đã qua từ lâu, còn Trận chiến Stalingrad đang diễn ra sôi nổi, và tổn thất của Hồng quân là rất nặng nề. Và vì phải huy động tất cả những người có thể chiến đấu ra mặt trận, nên người ta đã chọn những người trẻ, khỏe mạnh hơn từ các trại cải tạo lao động - không phải là những tội phạm quá nghiêm trọng (điều này có thể xem xét trong hồ sơ). Khoảng 10 người đã được chọn từ trại của chúng tôi và được gọi đến để nhận nhiệm vụ", ông Karpov kể lại.

Sau đó thực sự là những chặng đường khắc nghiệt của chiến tranh với tiểu đoàn thu dung, trong đó có người lính trẻ vừa được giao nhiệm vụ. Nhiều người đã hi sinh nhưng  Karpov may mắn còn sống.

Một thành tích của Karpov là bắt sống kẻ địch và thường xuyên đưa về tiểu đoàn của mình. Ông còn được công nhận là sĩ quan tình báo giỏi nhất vào năm 1944, khi Tổng cục Chính trị của Hồng quân thống kê rằng Karpov đã một mình và cùng đồng đội tóm được 79 tù binh của đối phương.

Sau đó, các chỉ huy đã ký các văn bản đề xuất trao tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô Viết cho Karpov và gửi về Moscow nhưng bị phản đối. Đến năm 1944, sau khi Karpov thực hiện một mệnh lệnh đặc biệt quan trọng và mang về từ phía sau chiến tuyến những tấm bản đồ có giá trị và cần thiết cho cuộc tấn công, việc thuyết phục Moscow mới đi đến kết quả. Vào thời điểm đó, Karpov, bị thương nặng trong trạm xá tiểu đoàn, mới được thông báo rằng ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. 

Sau đó, Karpov có thời gian phục vụ trong GRU (Tình báo Quân đội) của Bộ Tổng Tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Liên Xô. Sau chiến tranh, sự nghiệp văn chương của ông cũng khá thành công: ông là tác giả của hàng chục tác phẩm viết về chiến tranh, một số tác phẩm còn được trao giải thưởng nhà nước và các giải thưởng khác. Ông cũng có một số cuốn sách bán rất chạy.

Ông Karpov được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô và là thư ký Hội Nhà văn Liên Xô. Ông đã làm tốt công việc giáo dục lòng yêu nước cho giới trẻ. Ông qua đời vào năm 2010 tại Moscow.

Theo Svpressa.ru
 

Siêu điệp viên tình nguyện đánh cắp tên lửa mới nhất của Mỹ cho Liên Xô

Theo đài RT, vào cuối những năm 1960, Manfred Ramminger đã đề nghị đánh cắp tên lửa mới nhất của Mỹ cho Liên Xô. Đây là một kiến ​​trúc sư, một tay đua xe và một tay chơi người Đức.

Đáng kinh ngạc hơn nữa là Ramminger đã chuyển tên lửa đánh cắp sang phía bên kia bức màn sắt bằng đường bưu điện thông thường.

Doanh nhân, tay chơi, gián điệp cho Liên Xô

Chú thích ảnh
Ảnh: RT

Là cư dân của Tây Đức, Ramminger quan tâm tới những thú vui của cuộc sống. Là một kiến ​​trúc sư táo bạo, ông đã xây dựng bất cứ thứ gì mà khách hàng của mình muốn. Ông cũng là một tay chơi khao khát sự chú ý của phụ nữ, một tay đua xe hơi và một người yêu ngựa.

Tuy nhiên, vào những năm 1960, vận may của ông trở nên tồi tệ hơn sau khi các đường gờ thạch cao trong rạp chiếu phim mà công ty ông đã xây dựng bị sập. Sự cố xảy ra ngay giữa lúc chiếu một bộ phim và toàn bộ tòa nhà phải được làm lại. Nguy cơ lụn bại tài chính đang rình rập Ramminger và điều này chắc chắn sẽ buộc ông phải sa thải thư ký và bán chiếc xe Maserati. Thế nhưng, đây đều không phải là một phần kế hoạch của Ramminger.

Những sự kiện xảy ra sau đó là nỗ lực tuyệt vọng của người Đức này nhằm bảo vệ cuộc sống giàu có và lối sống xa hoa của mình.

Josef Linowski, một kỹ sư người Ba Lan làm việc cho Ramminger, xuất hiện tại đại sứ quán Liên Xô ở Rome vào ngày 26/8/1966, nói rằng công ty của ông có thể cung cấp cho người Liên Xô bất cứ thứ gì mà họ không thể mua một cách hợp pháp. Thủ đô của Italy được chọn để đưa ra thông điệp trên vì lý do đơn giản là một chuyến đi như thế này sẽ thu hút sự chú ý của các cơ quan phản gián ở Đức. Italy là lựa chọn an toàn hơn về vấn đề này.

Các nhà ngoại giao Liên Xô ở Italy đã chuyển lời đề nghị này về Moskva. Các quan chức tình báo Liên Xô GRU đã suy nghĩ về lời đề nghị và muốn hiểu rõ hơn về người Đức kỳ lạ này. Vốn là một người đam mê cưỡi ngựa, Ramminger được mời đến Moskva với lý do tham quan một cuộc triển lãm ngựa quốc tế và gặp các sĩ quan tình báo Liên Xô.

Họ đã đạt được một thỏa thuận, nhưng không rõ chính xác người Đức này sẽ cung cấp gì cho Liên Xô. Ramminger tuyên bố rằng ông có thể tiếp cận thiết bị tên lửa. Sau khi trở về Tây Đức, Ramminger thông báo rằng mình có thể đánh cắp tên lửa Sidewinder.

Vụ trộm cắp thế kỷ

Chú thích ảnh
Manfred Ramminger cạnh chiếc Ferrari 250GTO tại đường đua Nurburgring 1000Ks Grid lần thứ 20. Ảnh: Getty Images

Sidewinder là tên lửa không đối không dẫn đường do người Mỹ phát triển. Vào thời đó, ngoài Lực lượng Không quân Mỹ thì chỉ có Nhật Bản và Đức sử dụng tên lửa này. Liên Xô đã có trong tay phiên bản đầu tiên của tên lửa, nhưng Ramminger đã đề nghị cung cấp bản sửa đổi mới nhất. Sẽ là chiến lợi phẩm tuyệt vời nếu Liên Xô có thể lấy được tên lửa trong tình trạng không bị hư hỏng. Điều này nghe quá khó tin nên Ramminger được mời đến Moskva một lần nữa để tham khảo ý kiến.

Ông này đã bỏ qua lời mời và chỉ đến thủ đô Liên Xô sau khi công việc được thực hiện. Ramminger được đưa đến khách sạn Ukraine để kể câu chuyện về chiến công của mình.

Việc này lại đơn giản một cách khó tưởng tượng. Ramminger đã nhờ tới Wolf-Diethardt Knoppe, một phi công Không quân Đức cũng muốn có một số tiền tiêu. Bộ ba gồm Ramminger, Knoppe và Linowski chỉ đơn giản là đánh cắp tên lửa từ Căn cứ Không quân Neuburg ở Bavaria.

Knoppe biết rõ về giao thức bảo mật và hệ thống báo động, rồi tạo ra một khuôn chìa khóa bằng đất sét của nhà kho chứa tên lửa. Sau đó, Linowski đã sử dụng khuôn này để làm một bản sao chìa khóa. Linowski đã mua một bộ dụng cụ gồm móc khóa, máy cắt dây, kìm… để thực hiện phi vụ, còn Ramminger thuê một thang nâng thủy lực và một xe đẩy tay.

Thời tiết mùa thu ở Bavaria có thể khá xấu, vì vậy bộ ba đã lợi dụng sương mù dày đặc để tiếp cận căn cứ không quân vào ngày 23/10. Ramminger sử dụng thang nâng để đưa Linowski, Knoppe và chiếc xe đẩy qua bức tường dây thép gai. Sau đó, họ chỉ cần cắt một lỗ xuyên qua hàng rào dây xích. Knoppe tắt báo động và Linowski đột nhập vào nhà kho. Họ mang tên lửa ra ngoài, khóa lại và cài đặt lại báo động.

Họ biến mất sau khi trả lại thang nâng và xe đẩy thuê. Knoppe về nhà, trong khi những người khác chuyển quả tên lửa vào ô tô của Ramminger và bọc nó trong một tấm chăn. Sidewinder quá dài so với chiếc xe, vì vậy Ramminger đã đập vỡ một trong các cửa sổ và lái xe chở quả tên lửa không đối không được bọc trong áo khoác và chăn thò ra ngoài xe.

Chú thích ảnh
Tên lửa AIM-9 Sidewinder. Ảnh: Getty Images

Những gì xảy ra tiếp theo là chưa từng có tiền lệ. Ramminger khai báo các mảnh tên lửa là phụ tùng thay thế của ô tô và vận chuyển chúng qua đường hàng không.

Cơ quan thư tín không hỏi bất kỳ câu hỏi nào và chỉ tính phí Ramminger 79,29 USD cho phần trọng lượng vượt quá.

Chiến dịch suýt nữa đổ bể vì chiếc hộp gỗ đựng tên lửa đã bị thất lạc trên đường vận chuyển. Các kiện hàng đã bị vận chuyển nhầm điểm đến. Ramminger vô cùng tức giận và đã thông báo cho đại diện của hãng hàng không Lufthansa. Họ đã tìm thấy kiện hàng và đưa nó đến Moskva một cách an toàn, mặc dù bị chậm trễ.

Những người ở Moskva khá ngạc nhiên. GRU đã trả cho Ramminger 92.000 mark Đức, tương đương 8.500 USD (một khoản tiền đáng kể vào những năm 1960), và ông này đã ra về vui vẻ.

Bị bắt

Đại sứ quán Liên Xô tại Rome đã nhận được một lá thư khác từ Ramminger vào năm 1968, trong đó ông này hứa sẽ lấy cắp thiết bị định vị vô tuyến. Liên Xô muốn biết thêm chi tiết, nhưng một lần nữa, Ramminger đã không lãng phí thời gian trao đổi thư từ và chỉ đơn giản là đánh cắp các thiết bị mà Liên Xô muốn có từ một phòng trưng bày. Ramminger đến Moskva vào mùa hè năm 1968 và không đến tay không.

Tuy nhiên, đó là thành công cuối cùng của Ramminger khi làm điệp viên cho Liên Xô. Cùng năm 1968, cơ quan phản gián của Đức đã bắt được bộ ba này và đưa họ ra tòa vì vụ trộm tên lửa Sidewinder. Bị bắt thực ra là lỗi của chính ba người này. Knoppe tiêu xài quá tự do với số tiền của mình, trong khi Linowski đi xa đến mức nói với những người trong quán bar rằng anh ta là một đặc vụ bá đạo.

Thế nhưng, tất cả họ đều chỉ phải chịu những bản án quá nhẹ nhàng. Ramminger và Linowski mỗi người lĩnh 4 năm tù, trong khi Knoppe chỉ bị phạt tù 3 năm 3 tháng.

Sau khi được trả tự do, Ramminger đã cố gắng nối lại quan hệ với Liên Xô, nhưng GRU không quan tâm đến một đặc vụ đã bị lộ vỏ bọc. Ramminger sau đó đã bị những tên tội phạm không rõ danh tính bắn tại một bãi đậu xe ở Antwerp. Hiện không rõ chính xác những gì đã xảy ra. Đó có thể là sự trả thù của các cơ quan an ninh Đức, hoặc rất có thể Ramminger đã dính líu đến mafia.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét