Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

TT & HĐ - 22/b

 

                                                  Tiểu Sử Lạc Long Quân Và Âu Cơ

                                      

                                                         truyền thuyết Thánh Gióng

                                                            Sơn Tinh Thủy Tinh

 


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!                                                                                   Trong khinh khi may nhớ nước non                                                  Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử                                                     Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử                                                Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm                                Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng                                        Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách..."                                                     Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau                                       Cervantes (Tây Ban Nha) 

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."                                                                                                                                             Cicero (La Mã) 

Đừng chê cõi trần nhơ                                                                  Đừng khen cõi trần đẹp                                                                    Cõi trần là thản nhiên                                                                      Chỉ có đời nhơ, đẹp.”                                                                                                            Trần Hạnh Thu

 

CHƯƠNG XXII: TỔ TIÊN 

"Dù ai đi ngược về xuôi                                                                   Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"                                                                    Ca dao

"Noi gương tiên tổ truyền thống anh hùng muôn thuở thịnh  
 Nối nghiệp ông cha phát huy khí thế vạn đời vinh."
câu đối thờ gia tiên

“Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.”
Lương Khải Siêu
 
"Cuộc sống  phản bội lại tổ tiên là cuộc sống bấp bênh nhất, trơ tráo nhất. Nếu không muốn phản bội lại tổ tiên, thì trước hết, đừng làm nô lệ cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào khác, không tin theo bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác."                                                                                                                    Trần Hạnh Thu





(Tiếp theo)


                                                                                  ***

Mặt trái của sự phát triển văn minh thời cổ đại là tự phát làm mất cân bằng sinh thái, khi đã đạt đến cực thịnh thì đồng thời cũng xuất hiện nguy cơ mất cân đối giữa "làm" và "ăn", giữa sản xuất và tiêu dùng. Quá trình lan tỏa ra xung quanh của một nền văn minh đang phát triển trở thành một cứu cánh tất yếu. Sự mất cân đối ấy, khi chưa đạt đến gay gắt thì sự lan tỏa cũng “nhẹ nhàng”: đi trao đổi sản phẩm thiết yếu, đi định cư ở những vùng đất mới của những nhóm người; nhưng khi nó đạt đến độ gay gắt, đe dọa đến tồn vong của từng bộ phận người, từng con người thì chỉ có thể là chiến tranh; nội chiến tương tàn làm xuất hiện hàng khối người lũ lượt di cư; tổ chức những cuộc đi chinh phục, xâm chiếm lãnh thổ, tước đoạt của cải vật chất ở những khu vực dân cư khác, lúc đầu là những khu lân cận, sau thì ngày một xa hơn nếu khả năng còn cho phép…
Có thể rằng sau một quá trình chung sống và phát triển văn minh, thủy tổ người Bách Việt đã lan tỏa bằng con đường hòa bình theo hướng ngược lại với ban đầu, đồng hóa với sắc dân bản địa, làm xuất hiện các dân tộc mới, trong đó có dân tộc Hoa Hạ và dân tộc Lạc Việt. Người Lạc Việt chính là tổ tiên trực tiếp của người Việt Nam hiện đại.
Các nhà sử học, căn cứ vào di tích khảo cổ đã khai quật được kết hợp với tư liệu lịch sử, đều cho rằng cách đây khoảng trên dưới 5000 năm, ở một khu vực rộng lớn phía đông nam Trung Quốc đã từng có một quần thể các tộc người sống đông đúc. Những cư dân cổ xưa sống trong khu vực này đã có một nền văn hóa đặc trưng chung, có thể phân biệt được tương đối so với các dân tộc khác sau này, chẳng hạn so với văn hóa của người Hoa Hạ ở Trung Nguyên (vùng lưu vực sông Hoàng Hà ở Bắc, tới đời Chu thì lan tỏa tới lưu vực sông Dương Tử ở Nam). Đặc trưng văn hóa ấy thể hiện trên những di tích đồ đá, những hoa văn thể hiện trên đồ gốm. Sách cổ còn ghi lại những tập tục điển hình của người Bách Việt cổ như: cắt trọc tóc, xăm hình trên da, nhà ở kiểu treo (hay nhà sàn), và kiểu mai táng tạm gọi là sơn táng (để phân biệt với kiểu địa táng). Tất cả những tập tục ấy đều mách bảo về đời sống gắn liền với sông nước, ở vùng thường xuyên có lụt lội. Cắt tóc là để đi rừng, bơi lội cho tiện, tục xăm mình được giải thích là để khi xuống nước hù dọa, tránh thuồng luồng tấn công. Nhà ở giống chiếc cũi tre lơ lửng trên không, hay nhờ cột chống cao lên khỏi mặt đất là để tránh rắn rết, thú dữ mà cũng nhằm đề phòng lụt lội. Đặc biệt là hình thức sơn táng: người chết được quàn trong những quan tài là thân cây đục rỗng, đẽo gọt thành hình chiếc thuyền rồi đem treo lên vách đá dựng đứng (đối với quan sát ngày nay, việc đưa quan tài gỗ lên treo trên những vách đá như thế vẫn còn là một việc khó khăn huống hồ là thời kỳ đó và vì thế mà việc này vẫn còn là một bí ẩn!).
Một bộ phận tách ra từ người Bách Việt cổ, lan tỏa xuống phía nam, lấn lướt và đồng hóa với người Inđônêdiêng bản địa, phát triển dọc theo các sông lớn và chiếm hầu hết vùng đảo trung du Bắc Việt Nam, như Mê Linh, Tây Vu (Vĩnh Phú), Liên Lâu (Bắc Ninh), Thanh Hóa, Nghệ An và Đông Sơn (gần Hàm Rồng Thanh Hóa), làm hình thành nên một dân tộc gọi là Lạc Việt, tiền thân của dân tộc Kinh sau này.
Trong “Các Triều đại Việt Nam” (tác giả: Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng; NXB Thanh Niên, 1995) có viết (chúng ta tóm lược):
Theo truyền thuyết thì thủy tổ dân tộc ta là Kinh Dương Vương, hiện còn mộ táng tại làng An Lữ, Thuận Thành, Hà Bắc.
Nguyên Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Linh (Hồ Nam, Trung Quốc) đóng lại đó rồi lấy con gái bà Vũ Tiên, sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh, đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương làm vua vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 TCN) và lấy con gái Thuần Long là Vua hồ Động Đình, sinh được một con trai, đặt tên là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân, sau lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh một cái bọc có trăm trứng, trăm trứng ấy nở thành trăm con trai. Một ngày, Long Quân nói với Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, không ở cùng nhau được”. Hai người bèn chia con ra ở riêng. Năm chục người theo mẹ lên núi, năm chục người theo cha về biển, chia nhau cai trị các xứ, đó là thủy tổ của người Lạc Việt. Người con trưởng trong số các con, theo mẹ lên Phong Sơn, được tôn làm vua gọi là Hùng Vương.
Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (Việt Trì, Vĩnh Phú), đặt tướng văn là Lạc Hầu, tướng võ là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan nhỏ gọi là Bồ Chính; đặt tên nước là Văn Lang, chia làm 15 bộ, gọi lần lượt là Văn Lang (Bạch Hạc, Vĩnh Phú), Châu Diên (Sơn Tây), Phúc Lộc (Sơn Tây), Tiên Hưng (Hưng Hóa - Tuyên Quang), Vũ Định (Thái Nguyên - Cao Bằng), Vũ Ninh (Bắc Ninh), Lục Hải (Lạng Sơn), Ninh Hải (Quảng Yên), Dương Tuyến (Hải Dương), Giao Chỉ (Hà Nội - Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình), Cửu Chân (Thanh Hóa), Hoài Hoan (Nghệ An), Cửu Đức (Hà Tĩnh), Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị), Bình Văn (?).
Thời ấy, người Văn Lang lấy vỏ cây làm áo, bện cỏ làm chiếu, lấy nước nhựa cây làm rượu, lấy bột cây quang lang làm cơm (tức cây đao, thân to như cây cọ, thân cây có bột ăn được), lấy cầm thú ngư trùng làm mắm, lấy rễ gừng làm muối. Cày bằng đao, cắt bằng lửa, làm cơm nếp bằng ống tre, gác cây làm nhà sàn, cắt ngắn tóc để đi rừng cho tiện, khi có người chết thì lấy cối chày không ra mà giã để báo tin cho hàng xóm, trai gái lấy nhau chưa dùng trầu cau mà lấy phong muối làm đầu v..v….
Đời Hùng Vương thứ nhất, người nước Văn Lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị thuồng luồng làm hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để thú dữ tưởng là đồng loại không làm hại nữa (tục xăm mình này đến đời vua Trần Anh Tông mới bỏ). Sử cũ cũng chép, thuyền của người Văn lang ở đàng mũi hay làm hai con mắt để thủy quái ở sông, bể trông thấy mà sợ.
Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng đơn giản, dưới hình thức liên minh các bộ lạc (15 bộ lạc mà bộ lạc mạnh nhất là Văn Lang) mới hình thành nhưng đã cố kết được lòng người. Từ tình cảm cộng đồng dẫn đến ý thức cộng đồng và hình thành nên hình thức keo sơn giữa con người và lãnh thổ: Quê Hương. Họ bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của cộng đồng trong việc làm thủy lợi, trao đổi sản phẩm, đấu tranh giữ gìn làng xóm, quê hương. Từ đó mà hình thành nên một khái niệm rộng hơn, thiêng liêng hơn Quê Hương, đó là: TỔ QUỐC.
Có hai truyền thuyết nổi bật của thời các vua Hùng còn lưu truyền đến ngày nay. Đó là “Phù Đổng Thiên Vương” và “Sơn Tinh, Thủy Tinh”
- Phù Đổng Thiên Vương:
Đời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân rất hùng mạnh, kéo sang xâm lược nước Văn Lang. Nhà vua lo lắng, cho mời quần thần đến bàn kế phá giặc, rồi quyết định cho sứ giả đi rao khắp nơi, tìm người tài giỏi cứu nước. Lúc bấy giờ ở làng Phù Đổng, bộ Võ Ninh có một nhà, do cầu ước mà sinh được đứa con trai, tuy đã lên ba tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói, chỉ nằm ngửa, không tự ngồi hay đứng được. Khi sứ giả đến gọi loa cầu hiền, cậu bé đó thốt nhiên nói được, xin mẹ cho mời sứ giả của nhà vua vào hỏi chuyện. Cậu bé nói sẽ đánh tan giặc, chỉ xin sứ giả về tâu vua đúc cho cậu một con ngựa sắt, một bộ giáp sắt và một thanh gươm sắt. Cũng từ hôm đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng hết, dân làng vui vẻ góp gạo thổi cơm cho cậu ăn.
Khi nhà vua sai người đem ngựa sắt, giáp sắt và kiếm sắt đến cho cậu bé thì cũng đồng thời giặc Ân đã kéo đến núi Châu Sơn (Tiên Du, Hà Bắc). Cậu vươn vai vụt đứng dậy, nhảy lên lưng ngựa sắt và ra roi. Ngựa chạy đến đâu phun ra lửa đến đó. Cậu xông vào quân giặc, chém giặc như chém chuối, giặc chết như ngả rạ. Giữa chừng gươm sắt bị gãy, cậu nhổ bụi tre ven đường làm vũ khí phá giặc…
Sau khi giặc Ân bị đánh tan tành, người anh hùng làng Phù Đổng phi ngựa lên núi Sóc Sơn, bay về Trời. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng. Chàng trai anh hùng đó được dân chúng xưng tụng là Phù Đổng Thiên Vương (hay còn gọi là Thánh Gióng). Hàng năm, đến mồng 8 tháng tư, làng Phù Đổng (cũng gọi là làng Gióng) mở hội vui lớn, tục gọi là hội Gióng.
- Sơn Tinh, Thủy Tinh:
Vua Hùng Vương thứ 18 có một người con gái hết mực thương yêu, gọi là Mỵ Nương, sắc đẹp tuyệt trần. Khi Mỵ Nương đã đến tuổi cập kê, nhà vua kén rể, muốn tìm người chồng xứng đáng cho nàng.
Có hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến và đều muốn hỏi Mỵ Nương làm vợ. Sơn Tinh ở núi Ba Vì, tài hoa tuấn tú khác thường. Chàng chỉ tay về Đông, phía Đông biến thành đồng lúa xanh, chỉ tay về Tây, phía Tây mọc lên dãy núi. Thủy Tinh cũng tuấn tú tài hoa không kém. Chàng ở bể Đông, gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Một người là chúa tể non cao, một người là chúa tể nước thẳm, cả hai đều vô cùng xứng đáng làm rể vua Hùng.
Vua Hùng băn khoăn không biết chọn ai, bèn phán: “Hai người đều vừa ý ta cả, nhưng chỉ có thể chọn được một người làm rể. Vậy, ngày mai, nếu ai dâng lễ cưới đến trước với đủ: một trăm ván cơm nếp, hai trăm đệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao thì được rước dâu về”
Sớm hôm sau, Sơn Tinh đem đầy đủ lễ vật đến trước và được phép rước dâu về núi.
Thủy Tinh đến sau; thấy vậy, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp lại Mỵ Nương. Thủy Tinh hô mưa gọi gió làm thành giông, bão, sấm sét rung chuyển trời đất, nước sông dâng lên cuồn cuộn.
Sơn Tinh không hề nao núng, dùng rừng núi chặn dòng nước lũ. Nước dâng cao bao nhiêu, Sơn Tinh làm cho đồi núi mọc cao lên bấy nhiêu. Thủy Tinh đành chịu thua, rút quân về. Nhưng từ đó, Sơn Tinh và Thủy Tinh đâm ra thù ghét nhau. Không năm nào Thủy Tinh không làm mưa làm bão, gây nên nạn lũ lụt khắp vùng đồng bằng và trung du nước ta…
(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét